Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong chương trình đánh dấu 31 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, quý vị đã cùng chúng tôi lật lại trang sử của ngày 30/4/1975 đong đầy niềm vui và nước mắt, qua lời kể của các nhân chứng lịch sử từ khắp 3 miền đất nước. Kể từ đó, quê hương và cuộc sống người dân Việt đã thay đổi như thế nào, nhất là trong quãng thời gian tiếp theo sau biến cố đó?
Mời quý vị tiếp tục theo dõi câu chuyện trao đổi giữa Trà Mi với ông Lâm, cựu binh sĩ nhảy dù thuộc lữ đoàn 2, quân lực Việt Nam Cộng Hoà, anh Quốc, một cư dân tại thành phố Đà Nẵng, và cựu đại tá Cách Mạng Phạm Triệu Huấn từ Hà Nội.
Trước tiên, Ông Lâm kể lại những gì xảy ra đối với đồng bào miền Nam kể từ ngày cuối tháng tư năm ấy.
Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Sau ngày 30/4 những ai là binh sĩ chế độ cũ đều bị bắt đi học tập cải tạo. Ai nói chạm phạm đến mấy ổng thì tối họ đến kêu cửa dắt đi một là chết hai là đi tù nhiều năm. Còn những người mang tội ác giết Việt cộng này kia thì xử bắn liền không tha.
Trà Mi: Thưa ông, cuộc sống của đồng bào miền Nam nói chung hay của nhân dân Sài Gòn lúc bấy giờ nói riêng như thế nào sau ngày 30/4?
Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Người ta sống rất khổ sở như rắn mất đầu không ai nâng đỡ. Có nhiều người trốn chui trốn nhủi vẫn bị chết.
Bạn nghĩ gì về những nhận xét này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Chế độ cũ ở lại miền Nam bị bắt buộc phải đi kinh tế mới, không cho ở thành phố. Họ bảo phải đi lao động cho biết cực khổ họ không dùng mình nữa.
Nhà cửa tài sản mấy ổng tiếp thu lấy hết, đem vợ con từ Bắc vào, độc tài vậy đó. Cấp trên ăn theo cấp trên, lính dứơi ăn theo lính dưới chứ không ai ngăn cản cả.
Trà Mi: Khi nhắc lại ngày 30/4/1975, ba mươi mốt năm rồi nhìn lại, trong lòng ông có cảm nghĩ như thế nào?
Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Tôi rất buồn. Cho tới giờ phút này gia đình tôi vẫn phải chịu cực khổ. Một số người nằm xuống, một số người mất xác.. Rất nhiều gia đình đau khổ lắm đó chứ. Cộng sản miền Bắc vào miền Nam là mọi người không ai đồng ý hết.
(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
Đó là lời kể của một nhân chứng về đời sống dân tình kể từ sau khi Cách Mạng tràn vào miền Nam. Trong khi đó thì tình hình đồng bào tại khu vực miền Trung ra sao? Anh Quốc, một cư dân ở thành phố Đà Nẵng, nhận xét:
Anh Quốc cư dân Đà Nẵng: Tất cả đều thân tàn ma dại, không ai ra gì hết.
Trà Mi: Xin anh kể thêm nếu như so sánh đời sống trứơc và sau năm 75 của người dân Đà Nẵng ra sao thưa anh?
Anh Quốc cư dân Đà Nẵng: Trứơc năm 75 đa số người dân theo chế độ cũ, đời sống tốt đẹp do đồng lương của Mỹ chi phối. Chính vì vậy khi Cách Mạng chiến thắng thì họ phải trả giá.
Người ta nói phải tập lao động cải tạo cho quen. Hễ 4,5,6 tuổi tất cả đều ra đồng hết. Tội lắm, tôi nghĩ lại mà muốn khóc, vì lúc đó chúng tôi quá bé, mà cũng phải xếp hàng ra đồng lao động, mà giống như Polpot là dần công đổi công…Chúng tôi không có một hột cơm để ăn vì nhỏ quá không biết cách lao động, không có đủ điểm đổi lúa gạo. Đó là sự thật, những người khác cũng vậy, chịu đói hết.
Trong khi đó tất cả những người chiến thắng đều vui vì sau khi thành công, họ có chức vụ, địa vị, có cơ ngơi, có đất, có nhà, có tương lai. Nhưng cũng một ngày hôm nay đây, chúng tôi từ những người có cơ ngơi sự nghiệp trở thành kẻ chiến bại. Đối với những ai liên đới với kẻ chiến bại thì ngày này đây là ngày buồn vì họ phải bỏ mạng vì vượt biên, vì cải tạo, vì ốm đau bệnh tật, vì nghèo đói túng quẫn, vì lên rừng lên núi đi kinh tế mới. Đó là ngày đám giỗ. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những con người tận cùng đáy xã hội này rồi.
30 năm một thế hệ quá thê thảm, quá đau thương và tôi thấy quanh tôi, những người tôi thân quen đều như thế cả. Cái đó một phần do chế độ, một phần do cách hành xử của thể chế. Sau khi dành chiến thắng, người ta quên đi đây là cùng giống nòi…khiến cho thế hệ thứ hai cũng bị ảnh hửơng quá nặng, không ngóc đầu lên nổi.
Trà Mi: Thế thì anh nghĩ như thế nào khi sử sách Việt Nam thường ghi chép ngày 30/4 là ngày giải phóng đất nước. Những cụm từ đó xét theo ý nghĩa lịch sử thì có đúng chưa, thưa anh?
Anh Quốc cư dân Đà Nẵng: Hoàn toàn không đúng, không khách quan mà trong cuộc sống đã viết sử phải viết trung thực vì chúng ta không thể dấu sự thật được. Lịch sử mà dối thì lịch sử đó không có giá trị…
(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
Ý kiến của phe đựơc gọi là Cách Mạng trước những lời tố cáo này ra sao? Họ có nhận ra những sai lầm đã gieo rắc cho chính đồng bào cùng chung dòng máu Lạc Hồng hay không? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với cựu đại tá Phạm Triệu Huấn, nhà cách mạng lão thành đi bộ đội từ năm 15 tuổi và từng tham gia các chiến trường ác liệt từ Quảng Trị, Khe Sanh, đến Đường 9 Nam-Lào. Ông phát biểu.
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn từ Hà Nội: Nguyện vọng của người dân là thống nhất đất nứơc để yên bình, thì phía chúng tôi cũng muốn thống nhất bằng con đường đỡ tốn xương máu hơn. Thế nhưng không thực hiện được. Sau hiệp định Paris tình hình vẫn không ổn định. Chiến cuộc vẫn diễn ra ở các vùng tranh chấp. Cả 2 phía đều có ý đồ chiến lựơc tiến công. Hai hiệp định hoà bình đều bị thất bại, thế nên cuộc chiến cuối cùng phải đi đến kết thúc bằng cách phải tiến công vào những thành phố.
Trà Mi: Nhiều ý kiến trong đó có cả những nhà cách mạng lão thành và ngay cả nguyên thủ tứơng Võ Văn Kiệt cũng nhìn nhận rằng những chính sách, đường lối sau 75 đối với các thành các thành phần thuộc chế độ cũ là quá độc đoán và tàn bạo. Là một người tham gia cách mạng lâu năm, ông đánh giá như thế nào về những nhận xét đó?
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn từ Hà Nội: Tôi thấy có rất nhiều chính sách mà bây giờ mình mới nhận ra sai lầm. Sau khi thống nhất đất nứơc, thay vì phải tập trung vào mặt hoà bình, kiến thiết xây dựng thì lúc đó lại xảy ra những chính sách không thích hợp. Sau này thì tất nhiên trên, đảng, chính phủ cũng nhận ra sai lầm.
Nhân dân cũng nhận ra sai lầm, tức là sau khi hoà bình thống nhất đất nứơc đáng lẽ phải tập trung xây dựng thì lại tập trung vào chuyện đấu tranh không những đối với phía đối phương mà ngay cả trong nội bộ những người kháng chiến như chúng tôi cũng bị những sai lầm đó thao túng…
Trà Mi: Thưa ông, bắt đầu từ bao giờ thì những người Cách Mạng mới nhận ra mình có những sai lầm như vậy?
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn từ Hà Nội: Tôi nghĩ rằng bắt đầu từ công cuộc đổi mới, tức là sau thời gian hàng chục năm thì tất cả những việc như tập trung cải tạo tư sản, cải cách ruộng đất…đều gây những hậu quả lớn cho nhân dân, gây sự đổ vỡ mà sau này phải hàn gắn lại.
10 năm sau khi thống nhất đất nứơc thì có một phần những người Cách mạng vỡ lẽ ra được thôi, chứ vẫn còn một phần những người bảo thủ. Tới khi chế độ kinh tế chỉ huy của Liên Xô sụp đổ thì người ta mới thay đổi đựơc cái nhãn quan đi…
(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
Quý vị vừa cùng Trà Mi tìm hiểu những thay đổi của quê hương và cuộc sống người dân Việt Nam trong quãng thời gian tiếp theo sau biến cố lịch sử 30/4/1975 qua cuộc trao đổi với các nhân chứng lịch sử từ 3 miền đất nước. Chính những người kháng chiến cũng nhìn nhận các chính sách-đường lối áp dụng kể từ sau ngày hợp nhất đã để lại những hậu quả khắc nghiệt cho những ai liên quan trực tiếp đến cuộc chiến. Thế còn tác động của nó lên thế hệ thứ hai và sự phát triển của đất nước đến tận ngày nay ra sao?
Làm thế nào để khắc phục sai lầm, hàn gắn các hố sâu ngăn cách trong xã hội Việt Nam lâu nay? Mời quý vị đón theo dõi trong một chương trình sau.
Theo dòng câu chuyện:
- Làm thế nào để hàn gắn hố sâu ngăn cách trong xã hội Việt Nam sau năm 75?
- Ký ức ngày 30 tháng Tư, nỗi buồn và niềm vui lẫn lộn