Hiệp ước về Biên giới Đất liền Việt Nam-Trung Quốc

0:00 / 0:00

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Trong chương trình “Thời sự trong tuần” kỳ này, biên tập viên Nguyễn An xin gửi đến quý vị một số chi tiết liên quan đến Hiệp ước Biên giới Đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký kết vào cuối năm 1999, bắt đầu thực hiện phân giới cắm mốc hai năm sau đó, và dự định sẽ hòan tất vào giữa năm nay.

ChinaVietnamBorderDispute011508200.jpg
Bản đồ Hiệp ước Biên giới Đất liền Việt Nam - Trung Quốc. @ RFA. >> Xem bản đồ lớn hơn

Đầu năm 2008, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đường biên giới với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là tỉnh đầu tiên trong số các tỉnh sát biên giới với nước láng giềng phương bắc hoàn thành công tác này sau hơn sáu năm làm việc.

Theo lời Thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng, chủ nhiệm uỷ ban biên giới quốc gia trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Nhân Dân, thì Việt Nam và Trung Quốc đã khởi động đàm phán về biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ từ năm 1974. Đến năm 1991, hai bên ký hiệp định tạm thời về vịêc giải quyết các công việc trên vùng biên giới đất liền Việt-Trung.

Hai năm sau, lại ký tiếp thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Theo thoả thuận này, thì biên giới trên bộ sẽ phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, cam kết tôn trọng đường biên giới lịch sử theo các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 để lại.

Đến ngày 30 tháng 12 năm 1999, tại thủ đô Hà nội, hai ngoại trửơng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam và Đừơng Gia Triền của Trung quốc chính thức ký ‘Hiệp ước biên giới trên đất liền’.

Bản hiệp ước này đựơc quốc hội Trung quốc thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2000, và quốc hội Việt Nam thông qua ngày 9 tháng 6 cùng năm. Cuối năm 2001, thì mốc biên giới đầu tiên được cắm tại cửa khẩu Móng Cái thụôc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam và Đông Hưng thụôc tỉnh Quảng Tây của Trung quốc.

Theo kế họach, hai bên sẽ cắm trên 1800 cột mốc, trong đó có 1533 mốc chính và 300 mốc phụ trên tòan tuyến biên giới dài khỏang 1400km. Theo lời giải thích của thượng tá Lê Đình Tiến, tổ trưởng tổ chuyên viên ban chỉ đạo Phân Giới Cắm Mốc đăng trên báo Lao Động điện tử ngày 31 tháng 12 năm 2007, thì Mốc phụ là mốc được cắm để dễ nhận biết tại các đọan biên giới nhậy cảm mà theo thỏa thuận là không cắm mốc.

Việt Nam có bị mất đất cho Trung Quốc?

Mặc dù công tác cắm mốc đã bắt đầu đựơc tiến hành, nhưng vào lúc đó, cụ thể hiệp ước ra sao thì không ai biết, và liệu Việt Nam có bị mất đất hay không là câu hỏi không ai có thể trả lời chính xác. Chính vì thế mà vào đầu năm 2001, ông Đỗ Việt Sơn, một đảng viên với 54 năm tuổi đảng đã lên tiếng báo động. Nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá quân đội nhân dân nhớ lại:

“Ông ấy trước kia là tổ trưởng tình báo ở Điện Biên Phủ đấy. Ông ấy chết năm ngóai, Ông ấy nói rõ và ông ấy cũng trao đổi với tôi, bởi vì ông ấy sống ngay tại Hà nội mà. Ông ấy thu lượm đựơc nhiều tài liệu lắm đấy! Nội dung (bức thư) là ông ấy đòi công bố, trên đất liền, cái bản đồ chi tiết, và đặc biệt trên biển, để so sánh với cái hiệp định đời nhà Thanh. Ông ấy nêu lên là tr6n mặt biển mất đến 11.000 cây số vuông đấy, còn trên đất liền, gọi là estimation tương đối ấy, thì mất khỏang 800 cây số vuông.”

Sau đó, ngày 18 tháng giêng năm 2001, 26 cử tri gồm nhiều nhân vật đựơc nhiều ngừơi biết đã gửi kháng thư phản đối việc ký kết Hiệp ước 1999. Số người ký tên sau vài tuần lên đến 56 người, theo lời kể lại của ông Bùi Tín:

“Dạo ấy có cả Nguyễn Hộ này, cả Hà Sĩ Phu cũng ký vào đấy… Một lọat nhiều lắm, tòan là những tay đặc đẳng công thần, đảng viên lâu năm cả. Tôi nhớ nhất là ông Nguyễn Trọng Vĩnh, ông ấy nhắc đi nhắc lại cái đó. Trong đó lại có cả ông thứ trưởng công an, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là ông Nguyễn Tài, con ông Nguyễn Công Hoan. Rồi Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương… là ký tất.”

Có thể đó là lý do đưa đến cuộc phỏng vấn mà ông Lê Công Phụng dành cho công ty phát triển phần mềm VASC-Orient ở Hà nội ngày 28 tháng giêng cùng năm, trong đó ông khẳng định rằng Việt Nam không có mất hơn 700km2 đất, một lọat cao điểm và hàng chục ngàn km2 biển như tin đồn.

Hiệp ước Việt-Trung về biên giới đất liền

Gần hai năm sau ngày cắm cột mốc đầu tiên, báo Nhân Dân đã đăng tải một văn bản đựơc giới thiệu là tòan văn bản hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam-Trung quốc ký hai năm tám tháng trước đó. Bản hiệp ước gồm có phần dẫn nhập và tám điều.

Điều một của Hiệp ước viết nguyên văn:

“Hai bên ký kết lấy các công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung quốc làm cơ sở, căn cứ vào nguyên tắc luật pháp quốc tế đựơc công nhận cũng như các thỏa thuận đạt đựơc trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt Trung, đã giải qưyết một cách công bằng hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.”

Các công ước lịch sử nói ở trong điều một này đựơc thứ trưởng ngọai giao lúc đó là ông Lê Công Phụng, cũng là trưởng ban biên giới xác định trong một cuộc phỏng vấn dành cho Thông Tấn Xã Việt Nam hồi đầu năm 2002, là:

“Các công ước Pháp-Thanh năm 1887 và 1895, cùng các văn kiện, bản đồ họach định và cắm mốc biên giới kèm theo, cũng như các mốc giới cắm theo quy định để xác định lại đường biên giới trên đất liền.”

Phần cuối của điều hai nói nguyên văn rằng, "Đường biên giới trên đất liền được vẽ bằng đường đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng xác định, độ dài và diện tích dùng trong mô tả đường biên giới được do từ bản đồ này. Bộ bản đồ nói trên đính kèm hiệp ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước…"

Tuy nhiên, báo Nhân Dân lúc đó đã không công bố bộ bản đồ, và cho đến nay, người dân bình thường vẫn không ai đựơc thấy bộ bản đồ ấy, mặc dù nó đựơc chú thích như là "bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước."

Hậu quả của sự kiện này là các nhà nghiên cứu không thể so sánh đừong biên giới mới với đừơng biên giới cũ ấn định tại các bản hiệp ước đã đựơc ký giữa Pháp với nhà Thanh hồi các năm 1887 và 1895, và do đó, không thể nói một cách chính xác là mất đất ở đâu và bao nhiêu, như nhận định của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, tác giả cuốn sách dầy gần 900 trang có tựa đề “Biên giới Việt Trung, 1885-2000, lịch sử hình thành và những tranh chấp”, do nhà xuất bản Dũng Châu ấn hành tại Pháp năm 2005:

“Cái khó khăn của những người làm nghiên cứu hiện nay là, cái bản đồ đính kèm hiệp định ký ngày 30/12/1999 lại chưa đựơc công bố. Chỉ có khi nào đựơc công bố, thì mới có thể so sánh bản đồ ấy với bản đồ đã ký năm 1887 thì mới biết nó xê xích thế nào. Bản đồ chính thức chưa công bố thì không thể nào dựa trên cái gì để kết luận chính thức hết.”

Ông Lê Công Phụng hồi năm 2001, khi trả lời phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam về tin đồn Việt nam mất khoảng 700km2 đất về Trung quốc, đã khẳng định rằng nguyên văn rằng:

“Với tư cách là truởng đòan đàm phán cấp chính phủ về biên giới, lãnh thổ giữa Vịêt nam và Trung quốc, tôi xin khẳng định tin về việc ta để mất đến 700km2 đất là không đúng và không có cơ sở.”

Thứ trưởng ngọai giao Vũ Dũng, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Nhân Dân ngày 02 tháng giêng vừa rồi, cũng tuyên bố rằng

“Trong đàm phán với Trung quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình phân giới cắm mốc trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì thế, không thể có chuyện “Việt Nam mất đất”, cắt đất, cho nước này nước kia như một số mạng nước ngòai đưa tin.”

Vẫn theo lời ông Vũ Dũng, thì "chỉ có thể giải thích rằng những mạng này họặc do thiếu thông tin, họăc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau."

Quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử

Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, thì mặc dù hiện nay nhà nước Việt Nam chưa công bố bộ bản đồ đi kèm với hiệp định về biên giới trên bộ Việt Nam Trung quốc, nên không thể xác nhận diện tích đã mất là bao nhiêu, nhưng nhà nghiên cứu này đã đưa ra một tài liệu quan trọng, đó là cuốn "Tình hình Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay" do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tại Hà nội năm 1979. Ông cho biết một bản in của cuốn sách này hiện đựơc tồn trữ tại thư viện quốc hội Hoa kỳ dưới mã số A 87.

Trong bài viết mang tựa đề “Từ Trấn Nam Quan ngọai đến Đức Thiên Bộc Bố, thử xét lại yêu cầu của cụ Phạm Quế Dương về Hiệp ước biên giới Việt Trung” viết vào năm 2006, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đã trích dẫn những đọan viết sau đây trong cuốn sách vừa nói:

Ở trang 8, có đọan văn sau đây :

“Lợi-dụng đặc-điểm là núi-sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân-dân hai bên biên-giới vốn có quan-hệ họ-hàng, dân-tộc, phía Trung-Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh-thổ Việt-Nam để làm ruộng, làm nương, rồi định-cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm-quyền Trung-Quốc ngang-ngược coi những khu-vực đó là lãnh-thổ Trung-Quốc”.

Cũng ở trang 8, có đưa ra trừong hợp cụ thể như sau :

“ Khu-vực Trình-Tường thuộc tỉnh Quảng-Ninh là một thí-dụ điển-hình cho kiểu lấn-chiếm đó. Khu-vực này được các văn-bản và các bản-đồ hoạch-định và cắm mốc xác-định rõ-ràng là thuộc lãnh-thổ Việt-Nam: đường biên-giới lịch-sử tại đây đi qua một dải núi cao, chỉ rõ làng Trình-Tường và vùng chung-quanh là lãnh-thổ Việt-Nam. Trên thực-tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình-Tường, những người dân Trung-Quốc sang quá-canh ở Trình-Tường đều đóng thuế cho nhà đương-cục Việt-Nam.

Nhưng từ năm 1956, phía Trung-Quốc tìm cách nắm số dân sang làm ăn ở Trình-Tường bằng cách cung-cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải, và nhiều hàng khác, đưa họ vào công-xã Ðồng-Tâm thuộc huyện Ðông-Hưng, khu tự-trị Choang - Quảng-Tây. Nhà đương-cục Trung-Quốc ngiễm-nhiên biến một vùng lãnh-thổ Việt-Nam, dài 6 km, sâu hơn 1.300m thành sở-hữu tập-thể của một công-xã Trung-Quốc.

Từ đó, họ đuổi những người Việt-Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh-sống ở Trình-Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện-thoại, tự cho phép đi tuần-tra khu-vực này, đơn-phương sửa lại đường biên-gới sang đồi Khâu-Thúc của Việt-Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành-hung, bắt cóc công-an vũ-trang Việt-Nam đi tuần-tra theo đường biên-giới lịch-sử và họ phá-hoại hoa-mầu của nhân-dân địa-phương. »

« Trình-Tường không phải là một trường-hợp riêng-lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung-Quốc tranh-lấn với thủ-đoạn tương-tự như xã Thanh-Loa, huyện Cao-Lộc (mốc 25,26,27) ở Lạng-Sơn, Khẳm-Khau (mốc 17-19), ở Cao-Bằng, Tả-Lũng, Làn-Phù-Phìn, Minh-Tân (mốc 14) ở Hà-Tuyên, khu-vực xã Nam-Chay (mốc 2-3) ờ Hoàng-Liên-Sơn với chiều dài hơn 4 Km, sâu hơn 1 Km; diện-tích hơn 300 héc-ta. »

Sang đến trang 12, lại có đọan viết :

« Ở một số địa-phương, do địa-hình phức-tạp, điều-kiện sinh-hoạt của dân-cư Trung-Quốc gặp khó-khăn, theo yêu-cầu phía Trung-Quốc, Việt-Nam đã cho Trung-Quốc mượn đường đi lại , cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy của, đặt mồ-mả... trên đất Việt-Nam, họ đã dần-dần mặc-nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung-Quốc. Khu-vực Phia-Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà-Lĩnh, tỉnh Cao-Bằng là điển-hình cho kiểu lấn-chiếm này.

Tại đây, mới đầu phía Trung-Quốc mượn con đường mòn, rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô-tô đi lại đuợc vào khu-vực mỏ của Trung-Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào thực-tế đó, từ 1956 họ không thừa-nhận đường biên-giới lịch-sử chạy trên đỉnh núi Phia-Un mà đòi biên-giới chạy xa về phía Nam con đường, sâu vào đất Việt-Nam trên 500 mét.

Lý-lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung-Quốc sao họ có thể làm đường ô-tô, đặt đường điện-thoại được... Nguyên-nhân chủ-yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu-vực Phia-Un có mỏ măng-gan ».

Từ những dẫn chứng vừa nêu, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận định rằng cho đến nay, không ai biết số phận của những vùng đất đó hiện ra sao, kể cả những vùng đất mà Trung quốc chiếm đóng sau cụôc chiến năm 1979. Ông cũng đi đến kết luận rằng chuyện mất đất là có, nhưng mất bao nhiêu, thì chưa thể biết đựơc vì bộ bản đồ đi kèm với Hiệp định biên giới chưa được công bố.

Trong một buổi phát thanh tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả một số thông tin về Ải Nam quan, thác Bản giốc và núi Lão Sơn.

Mong quý vị đón nghe.