Vào những ngày này, trong nước lại tiếp tục những hoạt động tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, báo chí truyền thông của nhà nước lại tiếp tục có những bài tụng ca công ơn Đảng và Nhà Nước…Còn trên báo chí hải ngoại vẫn có những bài không dấu được lòng hận thù sâu sắc nhân ngày quốc hận…Nhưng bên cạnh đó, chúng ta có thể đọc thấy những suy nghĩ khác hơn của những người từ cả hai phía, cả thể hệ sinh ra trong chiến tranh cũng như chưa hề biết đến tiếng bom đạn…
Dạo qua các trang blog cá nhân, các diễn đàn báo chí độc lập để hiểu hơn người dân Việt Nam nghĩ gì, cảm nhận gì nhân dịp kỷ niệm 35 năm một biến cố lớn trong lịch sử đất nước…
Giá của chiến tranh
Như đã nói, trừ những bài vẫn giữ quan điểm, cái nhìn cực đoan và ít chịu thay đổi từ cả hai phía, nhìn chung nhiều bài viết về ngày 30.4 năm nay có cái nhìn bình tĩnh hơn. Cái giá quá đắt của cuộc chiến tranh kéo dài hai mươi năm trên quê hương là điều đầu tiên mà nhiều người viết đều đề cập đến.
Cái giá phải trả cho sự kiện này không nhỏ: 1,1 triệu liệt sĩ và 300 ngàn người vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Ô. Vũ Ngọc Tiến
Trong bài "Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm": Sự thức tỉnh muộn màng đăng trên talawas, giới thiệu về trường ca "Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm" của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, nhà văn Phạm Đình Trọng-một người từng là đảng viên, từng mặc áo lính của phe thắng trận nhưng gần đây người đọc lại biết đến anh qua hàng loạt bài viết mạnh mẽ, sâu sắc bóc trần thực trạng xã hội, chính trị của đất nước và hành động trả thẻ đảng quyết liệt-đã viết: "Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức."
Trong “Tùy bút tháng tư” đăng trên blog quêchoa, nhà văn Vũ Ngọc Tiến xót xa:
“Giờ đã là giữa tháng 4/2010, sắp đến ngày tròn 35 năm đất nước thống nhất từ đỉnh cổng trời Hà Giang đến đất mũi Cà Mau. Cái giá phải trả cho sự kiện này không nhỏ: 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó 500 ngàn người có mộ được quy tập đủ danh tính, 300 ngàn người phải chịu nằm dưới mộ vô danh và 300 ngàn người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ở phía bên kia cuộc chiến, các con số tương đồng cũng đâu có thua kém và họ cũng là con dân nước Việt cả thôi!”
Gần đây khi diễn đàn Talawas mở chuyên đề “Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975” rất nhiều cây bút đã tham gia, dưới những góc nhìn khác nhau. “Vết chém chiến tranh” của Nguyễn Huỳnh Thái kể lại câu chuyện về một người lính bị ảm ánh về cuộc chiến mà mình đã tham dự đến mức dở khùng dở điên, nhà cửa tan nát và bản thân mình ôm nỗi đau đến cuối đời:
“Chiến tranh đã cướp của ông tất cả: Từ tuổi xuân, sự khôn ngoan, những người bạn, người vợ ông yêu mến đến đứa con ông thương thảo. Với ông mọi thứ đều là ảo ảnh, chỉ nhìn thấy chứ không hề đụng chạm được dầu có khẽ khàng. Ông nghĩ, người ta đã trả giá quá đắt để thay chế độ này bằng chế độ kia, để rồi nó cũng như mọi chế độ khác.”. Vết chém ấy tiếp tục khắc sâu trong lòng đứa con của ông khi chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người cha bất hạnh: “Nó chợt hiểu, ngoài những mất mát đã đi qua, chiến tranh vẫn còn khi người ta chưa chịu tha thứ cho nhau. Cuộc chiến kia như vết dao chém thẳng vào linh hồn của những con người phải lao mình vào nó, vết thương đó còn lâu mới lành khi người ta còn đem ra xát muối.”
35 năm trôi qua, đủ cho nhiều người trong chúng ta nhìn lại và định nghĩa lại tên gọi thực sự của cuộc chiến mà có một thời, mỗi bên đều tìm cách đặt cho nó những cái tên theo quan điểm ý thức hệ của phe mình và để giành phần chính nghĩa về mình.
Trong bài "30.4 tên gọi là gì" đăng trên talawas nhà báo Bùi Văn Phú liệt kê ra hàng loạt tên gọi khác nhau về cuộc chiến 1954-1975 và cuối cùng tác giả kết luận: "Tôi gọi đó là cuộc nội chiến. Anh em hai miền đã chẳng đến với nhau để cùng tìm ra giải pháp hòa bình mà chỉ giương cao những ngọn cờ chủ nghĩa để bắn giết nhau."
Cũng như vậy, khi viết về bản trường ca "Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm" của Nguyễn Thái Sơn, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận xét: "Phải đến trường ca "Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm" thì cuộc chiến tranh vẫn được gọi là chống Mỹ cứu nước mới được nhận ra bản chất thực là cuộc nội chiến tương tàn, là bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam, là sự tái diễn thảm cảnh đau thương người Việt giết người Việt đã từng xảy ra ở thời những vương triều suy vong".
Những thái độ quá đà buổi đầu đã qua đi, nhiều người ngậm ngùi nghĩ lại số phận đầy bi kịch của đất nước và dân tộc. Nhà văn Dạ Ngân than thở trong bài “35 năm quá dài” :
“Hòa bình thật sự được tính bằng năm hay tính bằng tháng mà lòng người loạn ly quá đỗi?” Và: “Một dân tộc vừa bất hạnh và vừa cố chấp với nhau, có lẽ chính vì vậy mà nỗi bất hạnh mới dai dẳng đến thế.”
Còn blogger Mẹ Nấm, một người phụ nữ bình thường nhưng có tấm lòng luôn thao thức với vận mệnh của quê hương, thì viết cho con nhân ngày 30.4:
“Tháng Tư mà mai này con được học, sẽ không chỉ có cờ hoa rực rỡ, mà nó còn là nước mắt và máu của rất nhiều người. Tháng Tư là tháng mà mẹ sẽ dạy con, là biết nhìn nhận, biết lắng nghe và biết suy nghĩ trước những gì lịch sử đã trải qua. Đó thực sự không phải là chiến thắng, mà chỉ là một cuộc chuyển giao quyền lực đầy đau đớn của dân tộc mình. Quê hương này là của mẹ, của con, của mọi người Việt Nam. Làm gì có ai thắng cuộc, khi cả dân tộc này bị chậm tiến so với các nước bạn phải không con?”
Kêu gọi hòa hợp
Lần đầu tiên sau 35 năm kết thúc chiến tranh, báo Vietnamnet-một tờ báo “lề phải” thực hiện hàng loạt bài về chủ đề kêu gọi hòa hợp, hòa giải. Từ sự “Trải lòng của những người trở về cội nguồn, khép thương đau”, quan điểm của
Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).
Ô. Nguyễn Hưng Quốc
“Trí thức chế độ cũ và những góc nhìn về hoà giải” với hàng loạt ý kiến của cựu dân biểu chế độ cũ Hồ Ngọc Nhuận, Giáo sư Phan Văn Trường, giáo sư Lý Chánh Trung …Cả ý kiến của một số nhân vật người Mỹ trong bài “Muốn hòa giải phải tin nhau”… Nhưng không phải ai cũng bằng lòng với loạt bài này. Blogger Beo tức nhà báo Hồ Thu Hồng mà quan điểm chính trị vốn rât trung thành với chế độ hiện tại đã chỉ trích bài Muốn hòa giải phải tin nhau” này trong bài “Nghĩ về hậu chiến”, chỉ trích luôn ý kiến của nhà báo Bùi Tín đăng trên blog của ông:
“Vừa rồi, một ý kiến Beo cho là ngu xuẩn nhất của ông Bùi Tín khi yêu cầu nhà cầm quyền hiện nay xin lỗi những người vượt biên trên VOA. Bỏ qua chuyện thể diện kẻ thắng người thua, liệu nhà cầm quyền đương nhiệm có dám bất chấp 30 triệu người mất con mất cháu mất người thân, dám thay mặt họ xin lỗi 3 triệu người lưu vong và ngược lại, 3 triệu người phải bỏ nhà bỏ cửa tha hương kia một lời xin lỗi có đủ để cởi bỏ oán thù. Dĩ nhiên, ý kiến này của ông Bùi Tín, theo Beo hiểu, không phải nhằm vào thân phận những con người cụ thể mà, nhằm vào sự thừa nhận thất bại của cộng sản. Diễn đạt cách khác ý ông Bùi Tín, tức là muốn thỏa mãn một mục đích thì cần phải hành động phi nhân tính.”
Trong khi đó, đứng ở một góc độ khác, suy nghĩ từ ký ức của những ngưởi Việt lưu vong-một ký ức đầy máu và nước mắt, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc quan niệm:
"Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).
Theo tôi, không phải chỉ có bản sắc mà cả ý niệm về đạo đức cũng được nuôi dưỡng từ ký ức, kể cả, nếu không muốn nói, nhất là, những loại ký ức đầy máu và nước mắt.”
Đúng là để có thể thực sự hòa giải, hòa hợp, còn cần phải làm rất nhiều thứ, từ cả hai phía, chứ không thể đơn giản chỉ là lời nói hay bảo người ta quên đi, xóa sạch ký ức.
Không chỉ nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua, ngày 30.4 còn là dịp để hầu hết người dân Việt Nam thể hiện những nỗi băn khoăn day dứt cho hiện tại và âu lo cho vận mệnh của đất nước trong tương lai. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến ngậm ngùi:
“35 năm sau cuộc chiến, Việt Nam ta có: 3,2 triệu người định cư ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; 500.000 người đi làm thuê ở 40 quốc gia; 250.000 người đi lấy chồng nước ngoài, chủ yếu ở Trung quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia; 30.000 du học sinh ở châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ… Trong số 3,2 triệu người Việt định cư ở hải ngoại hiện nay, số ra đi trước ngày 30/4/1975, kể cả số di cư từ thời thuộc Pháp chỉ khoảng 1 triệu, số còn lại hơn 2 triệu người chủ yếu rời bỏ đất nước từ nửa cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế hệ chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sao những người được chúng tôi giải phóng lại ào ào bỏ nước mà đi đông đến vậy?”
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức nói thẳng:
“Sau 35 năm: “Gia tài của Mẹ một nước Việt buồn”: “…nhận định về Việt Nam sau 14 năm “cởi trói” và “đổi mới”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thừa nhận Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội phát triển vì những chính sách sai lầm sau khi thống nhất đất nước, kéo Việt Nam tụt hậu vài chục năm.
Điều đó có nghĩa rằng, nếu không bị ĐCSVN cản đường thì đất nước đã tiến xa hơn, không phải nằm trên mặt bằng hôm nay. Đất nước Việt Nam rõ ràng không vươn cao đúng với tầm vóc và khả năng của nó.
Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhiễu nhương và đầy nghịch lý.”
Day dứt và âu lo
Tác giả Trần Bình Nam trong bài "Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4" đăng trên trang web của mình cũng viết: "Nếu hôm nay, sau 35 năm hòa bình, chính quyền cộng sản đã thành công xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, bên trong có nội lực bảo vệ quốc gia, bên ngoài được sự kính nể của thế giới thì có lẽ những người Việt không may (hay may mắn tùy theo quan niệm mỗi người) sống xa quê hương sẽ chấp nhận cơn đau của lịch sử, yên tâm xây dựng tương lai cho con cháu ở nước ngoài, và lòng cùng hướng về quê hương đất nước.
Không may, Việt Nam hôm nay không được như vậy. Xã hội xuống cấp trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến đạo đức, dân tình ly tán, và sự vẹn toàn lãnh thổ đang bị đe dọa.”
Sự vẹn toàn lãnh thổ cũng như mối nguy hiểm cận kề trong quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là điều mà nhiều người dân lo lắng nhất. Tác giả Trần Bình Nam cảnh báo:
“Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu được một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn”.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhắc lại chuyện xưa để nói đến chuyện nay: “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông (1372- 1377), không được vua tiếp nhận nên năm 1400 nhà Trần mới mất về tay nhà Hồ, rồi cuối cùng nước cũng mất về tay giặc Minh ở phương Bắc.
Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ô. Trần Bình Nam
Phải chăng khi một chính thể kéo dài sự mục nát suốt mấy chục năm, quyền bính lọt vào tay lũ lưu manh hạ đẳng, chính sự nhố nhăng như phường chèo, lại khước từ minh triết Việt trong “Kê minh thập sách” thì họa diệt vong là tất yếu?
Bài học lịch sử “Kê minh thập sách” cuối thời nhà Trần, nay nhân ngày giỗthứ 633 bà Chính thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, tôi bồi hồi ngẫm lại vẫn thấy còn nguyên giá trị giữa bầu trời thủ đô tháng tư năm 2010…
Con đưởng nào cho đất nước trong tương lai? Đây cũng là câu hỏi có được sự trả lời đồng thuận từ khá nhiều người, đó là con đường trở về với chủ nghĩa dân tộc, đặt quyền lợi đất nước, nhân dân lên trên quyền lợi của một đảng phái, một ý thức hệ và quan trọng nhất: phải có tự do, dân chủ mới tập hợp được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Nói như tác giả Trần Bình Nam:
“Nhưng không phải chúng ta không có con đường thoát hiểm. Nếu chúng ta biết học bài học tự cường của nước Nhật, biết học bài học đùm bọc yêu thương nhau trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của nước Đức, và trên hết – người cầm quyền - biết huy động nội lực dân tộc qua một chương trình chấn hưng văn hóa có nội dung tôn trọng dân chủ và nhân quyền.”
35 năm so với chiều dài lịch sử của đất nước thì chỉ là một cái chớp mắt, nhưng so với tốc độ phát triển của thời đại thì đã là một quãng thời gian đủ dài, thiết tưởng cũng đủ để con người có thể nhìn lại lịch sử một cách rõ ràng, sáng suốt hơn... Mong sao người dân Việt Nam đồng lòng tỉnh táo nhìn lại con đường đang đi của đất nước, nhận ra những hiểm nguy cũng như những vận hội để quyết định con đường đúng đắn nhất đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy hiện tại và vươn ra biển lớn cùng nhân loại.
Theo dòng thời sự:
- Đâu rồi lợi thế 35 năm?
- Nông dân sau 35 năm "đổi đời"?
- Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện "Giải Phóng Miền Nam"
- Đổi mới lần 2 ở nông thôn
- Việt Nam sau 35 năm chiến tranh kết thúc
- Hội thảo của giới trẻ về hiện tình đất nước
- 35 năm sau, những chiến binh cả 2 miền Nam-Bắc
- Ảnh hưởng của chất da cam, 35 năm sau chiến tranh
- Giới trẻ với ngày 30/4
- Mốc lịch sử 30-4-1975 và những kỳ vọng cho đất nước
- Chuyện chưa kể của người lái trực thăng di tản