Trong suốt cuộc chiến, nhiều nơi tại miền nam Việt Nam là bãi chiến trường khốc liệt giữa quân đội hai phía. Những vùng đất đó bị bom đạn cày nát và người dân địa phương phải ‘tản cư’ đến nơi khác lánh nạn chiến tranh. Trong loại bài đánh dấu 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi có một tường trình về vùng chiến trường cũ Kontun.
Dịp này đánh dấu 35 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, mời quý vị đến với hai địa danh cũ: Quảng Trị và An Lộc. Diện mạo tại hai nơi đó hiện nay ra sao sau 35 năm?
Trận chiến nổi tiếng
‘Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên quyết chiến quyết thắng là câu nói được nhiều người, đặc biệt trong giới quân nhân tại miền Nam Việt Nam, truyền miệng kể từ thời điểm năm 1972 trở đi.
Chẳng thấy phát triển mấy, chỗ này dân ít và công việc cũng ít. Chẳng thấy gì đáng kể cả: 35 năm rồi mà không thấy gì đổi mới. Đường xá thì có chỗ chưa làm.
Người dân Quảng Trị
Bình Long nổi tiếng qua chiến trận An Lộc với bảy đợt tấn công của bộ đội miền Bắc nhưng quân đội miền nam cố thủ không để thành phố An Lộc rơi vào tay bộ đội miền bắc. Nay tại đó vẫn còn mồ chôn tập thể của ba ngàn người thiệt mạng trong chiến trận đó.
Quảng Trị được nêu danh qua đợt tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Vào ‘mùa hè đỏ lửa’ năm 1972, cuộc chiến ác liệt giữa hai phía nhằm giành quyền kiểm soát Thành Cổ Quảng Trị là một biến cố gây ra bao tổn thất cho quân đội cả hai phía và dân chúng trên đường ‘chạy loạn’. Đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế được mệnh danh ‘đại lộ kinh hoàng’.
Ngoài ra, đối với nhiều người Việt Nam ở cả hai miền Bắc cũng như Nam, địa danh Quảng Trị quá quen thuộc vì ở đó có dòng Sông Bến Hải với chiếc cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17- ranh giới chia đôi hai miền nam- bắc từ năm 1954 cho đến năm 1975. Phía miền Nam gọi đây là vùng địa đầu giới tuyến.
Và hẳn nhiên nơi nào chiến tranh đi qua đều bị tàn phá bởi bom đạn, chiến cụ. Tuy nhiên, khi cuộc chiến kết thức, con người trở về quê cũ ra sức cải tạo những nơi hoang phế, đầy vết tích chiến tranh đó trở thành nơi ngụ cư và cố chữa lành vết sẹo chiến tranh …
Chính quyền tỉnh Quảng Trị lâu nay cho khai thác tour du lịch thăm khu phi quân sự ‘DMZ’ ngày trước. Tỉnh này cũng nằm trên tuyến di sản văn hóa miền Trung. Hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến được chính quyền địa phương, các đoàn thể, và cả phía Hoa Kỳ nêu ra như một công tác quan trọng tại tỉnh này.
Tỉnh Bình Phước có thị trấn An Lộc nay thuộc huyện Bình Long hôm tháng ba vừa qua tổ chức Lễ Hội Điều, nhằm tôn vinh loại cây được trồng lâu nay ở đó, và chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự lên tiếng kêu gọi xây dựng Bình Phước thành ‘vương quốc’ cây điều của Việt Nam.
Những người dân địa phương từng phải ‘chạy giặc’ khi chiến sự ác liệt nổ ra, chứng kiến bao chuyện ‘vật đổi, sao dời’, sau 35 năm trở về sinh sống tại chốn cũ, một khoảng thời gian dài đến một phần ba đời người theo quan niệm trăm năm trong cõi nhân sinh, nhận thấy mức độ thay đổi trong suốt thời gian qua tại mảnh đất quê hương của họ ra sao?
Một phụ nữ trở về vùng Quảng Trị từ sau năm 1972 nói về hiện trạng nơi bà đang sinh sống hiện nay:
Phát triển nhiều lắm. Hồi xưa khi trở về vào năm 72-72 thấy tan nát hết, toàn gạch vụn, dây thép gai, không có bóng người, dân chạy hết. Sau thời gian người ta dọn dẹp. Bây giờ xây dựng, Đông Hà lên thành phố rồi, với nhà cửa dân cư tấp nập.
Khó khăn nên phải đi buôn- buôn gian, bán lậu. Giờ thanh niên hư hỏng nhiều; trước khi thanh niên trong chiến tranh đâu có gì để hư, chỉ biết chiến đấu thôi.
Người dân Quảng Trị
An ninh ở Quảng Trị, trước khi chưa có nghiện hút mà giờ cũng có, buôn bán ma túy cũng vào rồi. Ăn cắp, ăn trộm cũng có. Nói chung, xã hội khó khăn bắt họ phải làm như thế, khó khăn nên phải đi buôn- buôn gian, bán lậu. Giờ thanh niên hư hỏng nhiều; trước khi thanh niên trong chiến tranh đâu có gì để hư, chỉ biết chiến đấu thôi.
Phát triển không đồng đều
Một phụ nữ nông dân từ địa đạo Vĩnh Mốc, nay lên sinh sống ở Hồ Xá, Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị đưa ra nhận xét về vùng quê của bà sau 35 năm chấm dứt cuộc chiến:
Chẳng thấy phát triển mấy, chỗ này dân ít và công việc cũng ít. Chẳng thấy gì đáng kể cả: 35 năm rồi mà không thấy gì đổi mới. Đường xá thì có chỗ chưa làm.
Một người dân khi cuộc chiến An Lộc xảy ra là một học sinh trung học tại đó, nay cũng nêu ra những mặt khác nhau của vùng đất từng là chiến địa này:
Về vật chất thay đổi nhiều, còn con người thì ngày càng đi xuống. Vật chất thay đổi nhờ vào đầu tư nước ngoài, từ ASEAN; rồi Việt Nam vào WTO hàng hóa có giá. Cuộc sống vật chất đi lên, đường xá rộng rãi. Đường nông thôn do Nhà Nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên đạo đức đi xuống không còn lối sống ‘tình làng, nghĩa xóm’ như trước. Báo chí trong nước loan nhiều về điều này, mà đó chỉ là tin nổi thôi.
Đất bị bom đạn cày nát, sau 35 năm đã được cải tạo để nuôi sống người dân ra sao? Chính quyền địa phương giúp gì cho dân?
Một người dân tộc thiểu số tại thị trấn An Lộc, huyện Bình Long cho biết:
Tôi sinh ra ở đây, xứ sở của tôi ở đây,năm nay tôi 55 tuổi. Hồi chiến tranh xảy ra tôi đang học trường Nguyễn Trãi, Bình Long. Bà con ở đây lúc trước phát rừng, phát rẫy làm ruộng, trồng điều.Cây điều, cây tiêu giờ già quá không ra trái nữa. Bà con ở đây giờ thiếu đất canh tác. Từ năm 75 đến nay, bà con dân tộc chúng tôi rất thiệt thòi. Sống theo bìa suối, giờ ngày càng không còn nước nữa. Ở chỗ cao thì ai có vốn nhiều mới đầu tư được, dân thì không thể.
Bà con ở đây giờ thiếu đất canh tác. Từ năm 75 đến nay, bà con dân tộc chúng tôi rất thiệt thòi. Sống theo bìa suối, giờ ngày càng không còn nước nữa.
Người dân Bình Long
Phần hỗ trợ cũng chẳng thấy đâu. Nói khoan giếng cho mỗi ấp ba giếng, thực tế chỉ có hai mà thôi. Họ ăn chia hết. Nhà dân giờ còn lụp xụp. Bà con dân tộc cấp trên không có hướng dẫn làm ăn gì nên cứ nghèo hoài. Mong muốn của tôi là bà con có nhà cửa ở, ba bữa cơm ăn đừng chết đói.
Một phụ nữ chuyên trồng tiêu trước đây tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nay không còn theo nghề chăm tiêu nữa nói về loại cây đang được trồng nhiều tại Quảng Trị:
Đất lô tiêu thì ai giàu, có tiền mua như địa chủ ngày xưa, nghèo không tiền không thể mua được. Nhưng nay tiêu trượt giá nên người ta chuyển sang trồng cao su. Nhà nước trồng, dân có vườn tiêu trồng xen cao su.
Chiến tranh kết thúc đã lâu nhưng một số bom đạn được sử dụng trong cuộc chiến còn vương vãi lại. Hồi năm ngoái cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra một cảnh báo đáng ngại là với tốc độ rà phá bom mìn đang làm như hiện nay thì phải mất đến ba thế kỷ nữa mới dọn sạch toàn bộ những vật liệu nổ trong cuộc chiến còn sót lại ở Việt Nam.
Quảng Trị là địa phương được cho có số bom mìn vương vãi vào hạng nhất nước. Về công tác rà phá bom mìn tại tỉnh này thì người phụ nữ sinh sống tại thành phố Đông Hà có nhận xét:
Tại những vùng núi, hẻo lánh bây giờ vẫn còn bom chìm dưới đất. Nay người ta vẫn còn đi tìm. Có đội rà phá bom mìm của quốc tế đến, rồi công binh Việt Nam tìm tập trung lại cho nổ. Dân cũng đi nhặt về cưa lấy thuốc súng bán, nên có người chết, người bị thương. Nhà nước có báo trên TV, không cho dân đi tìm loại đó nữa. Nhưng có nhiều người dân cày đất không biết nên đụng bom nổ chết.
Trong chiến tranh, hai vùng đất vừa kể trở thành chiến địa bởi được xem là vị trí chiến lược mà hai phía đều phải cố giữ; nếu để mất sẽ dẫn đến thất bại cho phía mình. Hòa bình lập lại, người dân bao nhiêu năm qua cũng phải đổ mồ hôi lao động cải tạo đất để có thể kiếm sống trên mảnh đất của họ. Nhưng rồi những nơi đó vẫn còn nằm trong số những địa phương nghèo trên cả nước với bao cảnh khỗ như lời kể của những người dân sinh sống tại đó. Rồi nay họ cũng chịu cảnh tương tự như các nơi khác ở Việt Nam đó là sau khi đất nước thực thi chính sách mở cửa, kêu gọi tư bản nước ngoài vào làm ăn, dân số tăng lên khiến đất đai ngày càng trở nên có giá…
Nhiều người trong thời gian chiến tranh, để bảo vệ mạng sống buộc phải rời bỏ quê cha, đất tổ đi ‘lánh nạn’, nay lại phải đối diện với nguy cơ bị đánh bật ra khỏi mảnh đất nơi họ từng chôn nhau cắt rốn nhường chỗ cho những dự án đủ loại của những tập đoàn, công ty, cá nhân với đủ tài chính thu tóm đất đai phục vụ cho mục đích kiếm lời mà không nghĩ đến quyền lợi của người dân. Hậu quả là nhiều người dân địa phương, có người từng phải hy sinh thật nhiều trong cuộc chiến khốc liệt giữa hai miền nam- bắc Việt Nam, trở thành kẻ lưu cư trên chính mảnh đất từng thấm đẫm máu thịt của thân nhân, đồng đội, đồng bào của họ như tại An Lộc, Quảng Trị hiện nay.
Theo dòng thời sự:
- Đâu rồi lợi thế 35 năm?
- Nông dân sau 35 năm "đổi đời"?
- Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện "Giải Phóng Miền Nam"
- Đổi mới lần 2 ở nông thôn
- Việt Nam sau 35 năm chiến tranh kết thúc
- Hội thảo của giới trẻ về hiện tình đất nước
- 35 năm sau, những chiến binh cả 2 miền Nam-Bắc
- Ảnh hưởng của chất da cam, 35 năm sau chiến tranh
- Giới trẻ với ngày 30/4
- Mốc lịch sử 30-4-1975 và những kỳ vọng cho đất nước
- Chuyện chưa kể của người lái trực thăng di tản