Buổi sáng thứ Hai vừa thức dậy, một tay cầm ly cà phê thật đậm và thật nóng, một tay hí hoáy cầm chiếc iphone lướt vội xem emails bè bạn gửi cho nhau từ đêm hôm trước.
Trong những emails đọc thật nhanh đó có những “lá thư” chỉ để thăm hỏi bình thường, cũng có những “lá thư” không cần phải đọc (bấm ngay chữ delete để quăng vào thùng rác), nhưng cũng có những “lá thư” đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán, chẳng hạn như là thứ của một ông bạn từ miền Tây nước Mỹ mở đầu bằng câu “vào được vòng chung kết World Cup không phải là dễ, đưa được quân ra sân tranh bán kết World Cup chắc chắn không phải là chuyện đùa”. Ông bạn viết lá thư này nhắc nhở “tối thứ Ba bà con nhớ xem trận Hoa Kỳ-Đức diễn ra trên sân Montreal, đến tối thứ Tư đừng quên trận bán kết còn lại giữa đương kim vô địch Nhật Bản và những người đẹp Ăng Lê”, kết thúc bằng hàng chữ viết hoa: CHÀO MỪNG BÁN KẾT WOMEN’S WORLD CUP 2015.
Ông bạn bỏ thì giờ viết lá thư nhắc nhở đó là anh bạn học từ thủa bé, người từng hãnh diện khoe lúc vượt biên “rời khỏi nhà còn nhớ mang theo trái banh”, từ ngày sang Mỹ đến giờ “dù bận tới đâu cũng không bỏ sót một trận banh quan trọng nào cả”. Lời dặn dò của anh giúp bè bạn nhớ lại cuộc tranh tài của Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới Nữ đã sửa soạn đến hồi kết thúc, và dân ghiền bóng đá khắp nơi đang chờ đợi xem 2 đội tuyển nào sẽ lãnh được vé tranh chung kết? Liệu đó có phải là đội tuyển Đức đang dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA, hay là đội tuyển nữ Hoa Kỳ lẫy lừng với dàn phòng thủ? Liệu đội tuyển lấy được vé chung kết World Cup Nữ năm nay có phải là đội đương kim vô địch của Xứ Phù Tang hay là đội banh đại diện cho Xứ Sương Mù? Ngay trong thư gửi bạn bè, anh bảo ngay “khó đoán lắm các bạn ơi”, lý do: “mỗi nàng một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Khó đoán thật!!!
Chỉ 3 tuần lễ trước đây, chẳng ai hình dung thấy đội tuyển nữ Anh Quốc sẽ có mặt ở bán kết, mới vài ngày trước đây cũng chẳng ai tin các cô gái Ăng Lê có thể thành công khi gặp người bạn chủ nhà Canada, và cũng chẳng ai tin dù bị liên tục tấn công trong 53 phút đồng hồ, các cầu thủ Anh vẫn bình tĩnh chống đỡ, ngăn cản tất cả những đường banh của dàn tiền đạo Canada. Nỗ lực đó, cố gắng đó, đã đưa đội banh nữ của nước Anh lần đầu tiên đi xa như thế này, góp mặt chung với các tuyển thủ nữ Hoa Kỳ 7 lần hiện diện ở bán kết (liên tục từ ngày Giải World Cup Nữ đầu tiên tổ chức hồi 1991), cùng với Đức lần thứ 5 tranh vé chung kết, và cùng với Nhật Bản 2 lần liên tiếp có mặt để tiếp tục hy vọng sẽ giữ được chiếc cúp vô địch đang cầm trong tay. Tất cả những đội banh khác đều bị loại, từ đội tuyển “non nớt” Thái Lan, đội banh không có cú dứt Canada, đội nhiều triển vọng nhưng thiếu kinh nghiệm Australia, hoặc đội Pháp có đủ mọi yếu tố để thành công nhưng lại thiếu may mắn.
“Vào đến đây, tôi chẳng thấy đội nào đứng kèo trên đội nào ở kèo dưới”, ông huấn luyện viên Mark Sampson của đội tuyển Anh nói với mọi người ngay sau khi thắng trận tứ kết. “Tôi thấy những đội tuyển còn lại ở Giải đều là những đội tuyển giỏi, họ biết phải làm thế nào để thành công và họ đã làm được điều đó. Môi đội có cách riêng để thành công, không thể nói đội nào hay hơn đội nào cả”.
Lấy trận bán kết sẽ diễn ra tối hôm nay (thứ Ba, 30 tháng Sáu 2015) làm thí dụ thì rõ ngay. Đây là 2 đội tuyển đang ở vị trí nhất nhì của làng bóng tròn nữ thế giới, đội banh nào thắng trận quan trọng này sẽ được xem là đội đăng quang vô địch vào ngày Chủ Nhật sắp tới. Đội tuyển Đức bước ra sân với 20 bàn thắng đã ghi được (gấp đôi số bàn thắng của đội tuyển Pháp), cặp đôi Celia Sasic và Anja Mittag người ghi 6 bàn, kẻ đá thủng lưới đối phương 5 lần, nhưng Đức chưa hề trực diện với một đội banh có dàn thủ cứng như đội tuyển Hoa Kỳ. Dàn thủ đó không chỉ có hàng hậu vệ với Julie Johnston, Becky Sauerbrunn, Ali Krieger và Meghan Klingenberg, mà còn có cả những cầu thủ đứng ở vị trí trung ứng và tiền đạo kéo về giúp sức để bảo vệ khung gỗ, giúp cô thủ môn tài ba nhất nhất thế giới Hope Solo không phải vất vả tung người phá những đường banh nguy hiểm của đối phương. Chính lối đá “dựng tường bê-tông” này đã giúp đội tuyển Hoa Kỳ vào được chung kết, cho dù khán giả ủng hộ vừa bực bội, vừa lo âu, vì dàn tiền đạo “lười” ghi bàn thắng. Trước những chỉ trích này, cô hậu vệ Klingenberg trả lời “có thể có người xem đó là lối đá không hiệu quả, nhưng chúng tôi đã làm được những gì chúng tôi cần phải làm khi ra sân. Nếu đội tuyển chúng tôi không để lọt lưới trái nào và thắng đối phương chỉ 1 trái, tôi nghĩ đó chẳng phải là lối đá không hiệu quả mà chính là đầu pháp đã đem lại thành công. Nhờ thành công đó mà chúng tôi vào đến bán kết”.
Phát biểu đó không chỉ nói lên đấu pháp của Hoa Kỳ, mà còn là lời giải thích của dàn huấn luyện viên đội tuyển Nhật Bản. Từ đầu Giải tới giờ đội tuyển Nhật cũng chưa thắng đậm trận nào cả, những kỹ thuật nhồi bóng thật bài bản của họ đã giúp các cô gái Xứ Phù Tang đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác. Ông huấn luyện viên Norio Sasaki từng bảo “bao giờ cũng thế, mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất của thể thao vẫn là phải chiến thắng”.
Đó cũng là điều ông Mark Sampson của đội tuyển Anh đang nghĩ trong đầu. Bất kể tối thứ Tư tuần này cô thủ môn Karen Bardsley có ra sân được hay không, “chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn mình sẽ thành công, chẳng có lý do gì để thất bại cả”. Ngay bà sếp Jill Ellis của đội tuyển nữ Hoa Kỳ cũng từng bảo “chúng tôi có đủ sức để so tài với bất kỳ đội tuyển nào”.
Không chỉ Hoa Kỳ và Anh nghĩ như thế, hai đội tuyển Đức và Nhật Bản cũng có ý nghĩ tương tự. Trước giờ ra sân đá trận bán kết, cầu thủ các đội tuyển sẽ bảo nhau “sau trận banh này tụi mình sẽ vào chung kết”, nhắc lại ước mơ đã có chung từ ngày đầu tiên khi Giải mới khởi đầu, và nhấn mạnh “chẳng có lý do gì để tụi mình phải dừng lại ở đây”. Cô hậu vệ Ali Krieger của Hoa Kỳ nói rõ hơn “chúng tôi muốn thắng đội tuyển tài ba nhất thế giới. Để chiếm được cúp vô địch, chúng tôi phải thắng được đội banh tài ba nhất thế giới”.
Cả 4 đội tuyển có mặt tranh bán kết đều là những đội “tài ba nhất thế giới”. Nên nhớ: vào được vòng chung kết World Cup không phải là dễ, đưa được quân ra sân tranh bán kết World Cup chắc chắn không phải là chuyện đùa. Bất kể người xem ủng hộ đội tuyển nào, đội tuyển đó “chắc chắn” phải là đội tuyển tài ba nhất của làng bóng tròn nữ thế giới. Xin được nhắc lại lời ông huấn luyện viên Mark Sampson của đội tuyển Anh: “vào đến đây, chẳng có đội nào đứng kèo trên, cũng chẳng có đội nào ở kèo dưới”.