Một chú rùa biển bơi chậm rãi trong nước, trên lưng nổi lên cả một hòn non bộ nhỏ với những cây rong xanh xanh hồng hồng đung đưa. Trông chúng thật xinh đẹp cho đến khi người ngư dân nhấc chú rùa lên và dùng con dao nhọn cạy bỏ từng lớp của “non bộ”. Hóa ra, dưới lớp màu mè sinh động là cả một thế giới ăn bám và phá hoại.
Con hà là một loài động vật ký sinh kinh hoàng của đại dương, vì mục đích của đời chúng là bám chặt vào một vật chủ rồi thò vòi xuống sâu tận trong da họ, lâu dần tạo thành ngạnh sâu vào trong da thịt. Còn trên bề mặt vật chủ, chúng tiết ra một chất keo dính thật chắc để nhất quyết an cư, rồi phấn khởi sinh con đẻ cái sòn sòn. Những hòn non bộ đè trĩu lên lưng chú rùa khiến chúng bơi chậm đi, mất sức di động, bắt mồi kém, đói ăn, lâu dần suy dinh dưỡng và trở thành mồi ngon cho các loài ăn thịt khác,. Hoặc tự hy sinh-không-anh-dũng!
Rùa vốn là loài vật bị coi là chậm chạp nên dễ bị hà bám. Nhưng cả những khủng long của đại dương như cá voi, hay loài cá heo vui tươi thân thiện cũng thường xuyên bị hà tấn công. Và khi đã bám chắc, bầy hà sẽ vĩnh viễn hoan ca trên da thịt vật chủ. Vĩnh viễn, nếu không bị một lực bên ngoài mạnh mẽ cạo sạch, tách bỏ.
Với những động thái đầu năm mới, bác Tô hiện có thể được xem là người đứng đầu của tổ chức cạo hà Việt Nam.
Đây là những con số của tháng đầu năm 2025:
- Các cơ quan, ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội trung ương đã giảm 119 cơ quan cấp vụ.
-Khối Chính phủ giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ; 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; 519 cục và tổ chức tương đương; 219 vụ và tổ chức tương đương; 3.303 chi cục và tương đương; 203 đơn vị sự nghiệp công lập.
-Địa phương giảm 66 đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy; 63 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; 340 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
-Khối tư pháp giảm 227 đầu mối tòa án nhân dân các cấp và 108 đầu mối ngành kiểm sát.
Nghe các con số mà kinh khiếp. Hàng chục ngàn các cơ quan giúp việc, tham mưu nhưng hầu như chỉ ngồi chơi xơi nước, về cơ bản là ngồi cho đủ mâm chứ không hề tạo ra của cải hay thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo quy định, công việc của các cơ quan tham mưu này là nghiên cứu, đề xuất và giúp cấp trên tổ chức thực hiện chương trình công tác; xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; sắp xếp chương trình công tác của các lãnh đạo, thực hiện đối ngoại, phối hợp và điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu, tổng hợp tình hình thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của cấp trên, thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của cấp trên, tiếp nhận và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi, quản lý, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin v.v
Nghe thì oách xà lách nhưng thực chất công việc chẳng có bao nhiêu cả. Người làm trong các cơ quan kiểu trên không lạ gì việc các chị em mang cả gạo thịt đến nấu ăn trưa tại cơ quan, trong giờ thì ngồi lướt mạng hay buôn dưa, 4 giờ chiều đồng loạt tắt máy tính dắt xe đi đón con để kịp về nấu cơm.
Nhưng đã là cơ quan tổ chức thì phải có đầy đủ nhân sự, cấp trưởng, cấp phó, cấp nhân viên. Có xe phục vụ thủ trưởng, có lái xe, có bảo vệ, có kế toán, có thủ quỹ… Cơ quan nào thuộc loại ấy cũng sạch bóng, vì tất cả nhân sự mỗi ngày đều lên ngồi ngáp ruồi quanh năm thì đố cha con ruồi muỗi nào thoát.
----------------
Ông Tô Lâm đang gia tăng khả năng kiểm soát Đảng như thế nào?
Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng
Tham vọng tinh gọn bộ máy chính trị: Thách thức nào đang chờ Tô Lâm?
----------------
Ngân sách chi cho những tổ chức đó là bao nhiêu?
Lạ thay là không có nhiều thông tin cho việc này. Chỉ có vài con số cá biệt, như tỉnh Lào Cai giảm 148 cơ quan, tổ chức, đơn vị, 168 lãnh đạo; ước tính tiết kiệm được hơn 600 tỉ đồng/năm. Thanh Hóa giảm gần 10.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cung cấp vài con số: Lũy kế từ năm 2017 đến 2019 chi ngân sách Nhà nước giảm trên 15.000 tỷ. Từ năm 2019 đến nay tiết kiệm được trên 25.600 tỷ. Số tiền trên được đưa vào cải cách tiền lương.
Dữ dằn như thế nhưng đó mới chỉ là các thống kê bề mặt. Lương của cán bộ nhà nước rất thấp nhưng ngoài lương, các tổ chức này còn được phân chia trụ sở, xe cộ, phương tiện hoạt động và cấp kinh phí hoạt động hàng năm. Nhất là ở các tỉnh có quỹ đất rộng lớn, trụ sở cơ quan nào cũng cao to đồ sộ, chiếm cả khu đất bát ngát. Là các tổ chức phục vụ dân nhưng chúng trông uy nghi và xa cách đến nỗi người dân nào cũng khép nép, ngán ngại.
Nên, cho dù mang những cái tên trịnh trọng kêu vang đến đâu chăng nữa thì về bản chất vẫn chính là bầy hà ăn bám đã cắn riết vào xương tủy bộ máy chính quyền, quốc hội và Đảng quá nhiều năm. Cũng chính là cắn riết vào mồ hôi xương máu của người dân.
“Chưa có nước nào có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tỉnh lớn khủng khiếp như Việt Nam. Cũng chưa có đất nước nào chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam”-Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trên diễn đàn Quốc hội.
“Hiện ngân sách đang chi gần 70% để trả lương và chi thường xuyên. Nếu cứ thế sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển”- Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nói trắng ra là bây giờ nếu không cạo sạch mớ hà bám trên con rùa à nhầm con cá voi chính quyền, quốc hội và đảng, thì ba họ chỉ còn nước ra đê mà ở.
Là không còn nước đến chân nữa, mà ngập ngang cổ rồi.
Tuy nhiên, thực tế cạo hà ra sao, cạo đúng chỗ hay chưa, cạo xong thì bảo trì thế nào… thì vẫn còn phải chờ xem bác Tô và các anh các chú cương quyết đến đâu.
Một thay đổi lớn trong sắp xếp bộ máy nữa là…
(Thí điểm) giảm công an cấp huyện
Mọi việc liên quan đến người dân sẽ được đưa về công an cấp phường xã.
Giống như quyết định cắt giảm Hội đồng nhân dân cấp huyện hồi trướcc, thay đổi nói trên sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân. Bởi cấp phường xã là nơi giải quyết tuyệt đại đa số các yêu cầu hành chính hay trật tự trị an của người dân, đi lại cũng gần nên dân sẽ đỡ tốn thời gian và tiền bạc để chạy ngược xuôi như trước. Số tiền tiết kiệm được nhờ tinh giản cũng sẽ để tăng lương cho các vị trí công an cơ sở, nhờ vậy có thể giảm bớt thực trạng vòi vĩnh hoạnh họe dân đòi tiền.
Tuy nhiên đó cũng vẫn chỉ là lý thuyết.
Vì là cơ quan duy nhất trực tiếp tiếp xúc và giải quyết vô số nhu cầu của người dân nên khả năng làm vua một cõi tại công an phường xã rất dễ xảy ra. Thậm chí có nhiều nơi các chú làm việc bất chấp mọi quy định của Bộ Công an.
Gia đình tôi là một minh chứng.
Mấy năm trước, cha mẹ tôi lên TP HCM ở với con cháu để được chăm sóc tuổi già. Mặc dù nhà cửa sở hữu chính chủ ở TP HCM đã vài chục năm, hộ khẩu sổ đỏ sổ hồng đầy đủ, không tiền án tiền sự, không nợ nần oan gia trái chủ. Cha mẹ tôi cũng vẫn còn nhà ở quê, thuế đất hàng năm, lại còn cả đảng phí không thiếu xu nào. Theo luật, cha mẹ tôi phải được đăng ký thường trú nhanh chóng tại nhà của tôi.
Thế nhưng công an phường nơi tôi ở lại không thích thế.
Lần đầu, họ từ chối với lý do tôi vẫn còn sử dụng căn cước mã vạch chứ chưa đổi sang căn cước gắn chip. Đúng là như đá rơi vào đầu, cái lý do này không bói ra được một tí ăn nhập nào với việc nhập hộ khẩu thường trú cho cha mẹ tôi cả, mà hơn thế nữa, theo quy định của Bộ Công an thì căn cước mã vạch vẫn được sử dụng bình thường cho đến hết thời hạn ghi trên đó. Nên cái lý do đó, dù có ngâm mật ong cũng không lọt vào tai nổi.
Nhưng mà bạn ơi, người ta là công an. Miệng nhà conan có gang có thép. Ban đầu tôi cũng nổi máu công dân, lôi quy định của Bộ Công an ra nói lý với họ. Thì họ bảo thế này:
-Tôi không biết quy định nào như vậy hết. Ở đây tụi tui hễ có căn cước (gắn chip) thì làm. Anh không làm tôi khỏi nhập hộ khẩu cho cha mẹ anh luôn.
Bớ bác Tô Lâm, lúc đó bác đang còn là Bộ trưởng Bộ Công an, bác ra đây mà coi nè. Công an cơ sở không coi lời bác đáng giá xu teng nào. Không những thế họ còn vẽ rắn thêm chân, xem luật pháp như cái bô trong nhà họ, muốn dùng đựng cái gì thì đựng.
Cãi không lại với công an, tôi đành (hậm hực) đi làm căn cước gắn chip. Nhấn mạnh là theo luật, căn cước mã vạch của tôi còn đến một đống năm nữa mới hết hạn. Thế nhưng nhờ ơn mấy anh công an phường, tôi tốn mấy tiếng xin nghỉ làm, cộng thêm tốn tiền, để được có cái căn cước theo đúng ý họ.
Chiều thế còn gì. Phen này thì đủ tư cách nhập hộ khẩu cho cha mẹ rồi nhé.
Ấy nhưng không. Cha mẹ tôi, lại còn dùng chứng minh nhân dân 9 số và 12 số cơ.
Lại vẫn theo luật, các loại chứng minh nhân dân này vẫn dùng được cho đến hết năm 2024. Thế thì theo lý (thuyết), công an phường vẫn phải xác nhận cho cha mẹ tôi ngay tắp lự.
Nhưng luật của các anh ấy vẫn cương quyết phải khác với luật của Nhà nước, và các văn bản dưới luật khác ký tên bác Tô Lâm. Các anh ấy suýt nữa thì gầm lên khi tôi run rẩy xòe hai cái chứng minh nhân dân của cha mẹ tôi ra để xin đăng ký tạm trú, hay thường trú, gì cũng được.
Đến lúc này, tôi phải đưa cha mẹ tôi đi làm căn cước gắn chip, thì mới về phường để đăng ký tạm trú, từ đó đăng ký thường trú (hộ khẩu) được. Họ (suýt thì gầm lên) bảo thế!
Mặc kệ bác Tô Lâm, bác ở xa, còn bản nha của bác ở gần. Vì quyền lợi chính đáng của em, em chỉ đành làm con chi chi, nhũn nhùn nhùn, các anh công an bảo gì em dạ vâng nghe nấy.
Thế là đến công an cấp trên làm căn cước.
Cô công an rõ là xinh nhưng mặt lạnh như mùa đông Hà Nội, mở máy tính xoẹt xoẹt một lúc rồi bảo tôi:
-Cha mẹ anh không làm căn cước được nhé. Phải về nơi cư trú. Còn ở đây chỉ làm căn cước cho người đã đăng ký tạm trú thôi.
Là thế nào? Phường bảo có căn cước mới cho tạm trú. Quận bảo có tạm trú mới cho căn cước.
Cha mẹ tôi trăm tuổi cả rồi, phấn đấu kinh khủng lắm mới ngồi được chuyến xe cỡ chục cây số đến trụ sở công an cấp trên để làm căn cước. Đến nơi còn phải ngồi nghỉ hồi sức cả buổi mới đưa vào phòng được. Giờ đòi các cụ quay về nhà cũ cách mấy trăm cây số thì đi xe cấp cứu à? Đã có mã định danh, cô công an cấp quận chỉ cần liên lạc với công an nơi có nhà cũ của cha mẹ tôi, đối chiếu thông tin và xác nhận hai bên là có thể cấp căn cước luôn gọn lẹ.
Cách này cũng không phải tôi nghĩ ra mà chính là một anh công an khu vực cũ đã chỉ vẽ.
Thế nhưng năn nỉ hết cách, cô công an cấp trên vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Đó là chuyện của anh. Cha mẹ anh đi như thế nào là chuyện của anh.
Chán, tôi bỏ mặc, không tạm trú cũng chả thường trú nữa. Dù sao thì cha mẹ tôi cũng ngày ăn ba bữa đi ngủ một đêm, chẳng vì thế mà ảnh hưởng gì.
Đến cuối năm ngoái, gia đình tôi đổi chỗ ở.
Chỉ một tuần sau khi đến đăng ký thường trú tại địa chỉ mới, công an phường sở tại đã cấp thường trú cho cha mẹ tôi, bất kể chứng minh nhân dân của cả hai người, lần này, đã thực sự hết hạn.
Họ nói điều đó không gây trở ngại gì cả, vì chúng tôi có quyền sở hữu nhà ở chính chủ hợp pháp và đều đã có mã định danh do Bộ Công an cấp. Đồng thời họ cũng khuyên sau đó thì nên đưa cha mẹ tôi đến Công an quận để làm căn cước công dân cho hợp lệ.
Sự khác biệt như núi với vực giữa cách hành xử của hai đơn vị công an cấp phường trong cùng một thành phố khiến cả nhà tôi trợn tròn mắt. Không cách nào tin nổi vào sự nhanh chóng, dễ chịu đến như vậy.
À trước đó, anh công an có nói nhỏ với tôi là lát nữa cho cô gái làm giấy tờ một ít tiền. “Một ít thôi anh nhé, một ít thôi”-anh ấy nói nguyên văn như thế. Nên tôi cũng thành thật đưa cho cô ấy một ít, chỉ vài trăm ngàn đồng, quả thật rất ít so với những chi phí chúng tôi đã bỏ ra để chạy ngược chạy xuôi giữa nhà cũ, nhà mới, công an cũ, công an mới, công an cấp dưới, công an cấp trên như mấy năm trời trước đó.
Kết quả đó là ngoài sức tưởng tượng, cả số tiền bồi dưỡng, và cả thái độ công khai của anh công an.
Nếu như mấu chốt chỉ là một ít tiền như vậy thì không người dân nào không bằng lòng chi trả để công việc của mình được giải quyết nhanh chóng thuận lợi.
Lương của công an hành chính rất thấp, ai cũng biết. Trách nhiệm và công việc lại nhiều, nặng. Yêu cầu họ phải sống hoàn toàn liêm chính trong sạch khác gì nói nhà sư Ấn Độ hít không khí cũng sống tốt đấy, sao các anh không làm được như họ?
Thế nhưng phải rạch ròi. Muốn người dân bôi trơn thì cứ nói, rõ ràng công khai ra một mức giá hợp lý. Thực tế xưa nay vẫn vậy. Vì với cơ chế này, nếu không có hối lộ thì chẳng bộ máy hành chính nào hoạt động được.
Đó là sự thật người dân cũng biết và chấp nhận ở một mức độ vừa phải, nhưng riêng với đảng thì hình như không thể chấp nhận được.
Không chấp nhận nhưng lại ngầm dung túng, khiến nó biến hóa thiên hình vạn trạng, và cắm rễ sâu đến tận đáy túi người dân.
Bác Tô cạo hà tỉa gọt các cơ quan chính quyền nghe có vẻ tốt rồi. Giờ phải phẫu thuật cắt khoét sâu trong xương tủy, bác có còn chắc tay cầm dao thật sự không?
Tham khảo:
- https://tuoitre.vn/khan-truong-tinh-gian-bien-che-danh-ngan-sach-de-phat-trien-20241102090113679.htm
- https://moha.gov.vn/tin-tuc/giam-chi-ngan-sach-hon-15000-ty-nho-tinh-gon-bo-ma-t44137.html
- https://vneconomy.vn/techconnect//tinh-gon-bo-may-thanh-hoa-tiet-kiem-hang-tram-ty-dong-moi-nam.htm
- https://tuoitre.vn/khan-truong-tinh-gian-bien-che-danh-ngan-sach-de-phat-trien-20241102090113679.htm
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.