Trong một thời gian ngắn, mạng xã hội Việt Nam rộ lên 3 câu chuyện có cái gì đó rất giống nhau: chuyện người giao hàng bị gia đình của người mua đánh chết, chuyện một gã lái xe hơi sang trọng đánh đập người khuyết tật, và mới nhất là câu chuyện quân nhân trẻ nghi bị đánh đến chết nhưng được giải thích là do dịch bệnh.
Cả ba câu chuyện đó, đều có một điểm chung, là sự bất công và tàn bạo trong xã hội Việt Nam, có thể ập vào bạn, gia đình bạn bất cứ lúc nào, mà tiếng kêu đau đớn của nạn nhân có thể bị xem nhẹ, thậm chí sự thật còn bị bẻ cong.
Trong vụ anh shipper Trần Thành ở Hòa Vang, Đà Nẵng bị gia đình của cô gái mua hàng đánh đến chết ngày 17 Tháng Một, xã hội Việt Nam bất ngờ và tức giận trước sự ngang ngược và tàn bạo của các thanh niên thời đại hôm nay, nhưng còn tức giận hơn, vì có điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra: những bình luận, bài viết… trên mạng facebook, tiktok như đang cố tình bẻ lái dư luận, đẩy sai lầm sang người shipper tội nghiệp xuất hiện tràn lan. Những nỗ lực gỡ tội cho cô gái đặt hàng, cùng các hành động tàn bạo đánh đập anh shipper có liên quan, hiện ra rõ đến mức nhiều người phải thốt lên là xã hội Việt Nam sao lại có những giọng điệu bao che cho kẻ ác lộ liễu đến vậy.
Tương tự, ngày 10 Tháng Hai ở Hà Nội đã diễn ra một sự kiện khó tin: Một người đàn ông trên xe Lexus nhào vào đánh tới tấp vào mặt, vùng đầu nam shipper khuyết tật sau khi xảy ra va quẹt nhẹ. Đoạn video ghi lại sự việc cho thấy nạn nhân bị đấm hàng chục cái trong nửa phút. Người đàn ông còn lấy chiếc mũ bảo hiểm của shipper đánh tới tấp vào đầu nạn nhân, vỡ nát. Suốt quá trình xảy ra vụ việc, nam thanh niên không phản kháng, chỉ ôm đầu và không ngừng nói xin lỗi. Sự kiện gây sốc này sau đó được kết thúc với việc thủ phạm bị bắt giữ, khởi tố, nhưng khi dư luận tức giận dòi công bằng cho người shipper khuyết tật, thì cũng xuất hiện một làn sóng bình luận, khuyên là nạn nhân đừng kiện, mà hãy đòi tiền đủ rồi thôi, vì được tiền cũng là tốt rồi.
Lâu nay, vẫn có tin đồn rằng lực lượng 47 hay dư luận viên gì đó do nhà nước tổ chức, ngoài nhiệm vụ bẻ cong sự thật, bóp méo lịch sử, thì các tổ tuyên truyền này vẫn nhận dịch vụ làm thêm khi có yêu cầu để tấn công một ai đó, chuyển hướng dư luận về một scandal đang xảy ra… Dĩ nhiên không ai kiểm chứng được những chuyện này, tuy nhiên, những làn sóng nói ngược, thậm chí bàn luận vô lý vẫn diễn ra một cách bất thường trên các trang mạng xã hội, mà không hề theo một truyền thống đạo đức lẽ thường nào của người Việt. Một trong những ví dụ cụ thể, chẳng hạn bất kỳ một status nào trên Facebook chê bai xe Vinfast, lập tức sau đó sẽ nhận hàng loạt các lời chỉ trích, chửi bới, và thậm chí là bị report mất cả trang.
Chuyện dễ cảm nhận hơn, là cái chết của quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp, quê ở Bắc Ninh, mất ngày 9 Tháng Hai. Trước khi quân nhân này chết, anh đã nhiều lần gọi điện thoại về cho gia đình và báo rằng anh bị chỉ huy hành hạ, đánh đập. Vài ngày sau cuộc điện thoại tố cáo đó, quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp qua đời và được cả hệ thống y tế quy cho là do dịch bệnh. Nhưng dù là kết luận vậy, quân đội không có cuộc kiểm tra dịch bệnh ở nơi Nghiệp “mắc bệnh”, và cũng không giải thích là mắc bệnh từ nguồn nào, và cả trại, mà dịch bệnh sao lại tấn công chỉ một người rồi thôi.
Sau khi gia đình phản ứng dữ dội, tin lan đi, trên các trang mạng bắt đầu xuất hiện các bài đăng “cảnh cáo về các thế lực thù địch” đang dùng tin tức này để chống phá, thậm chí vô số những bình luận phê phán gia đình quân nhân quá cảm tính nên không sáng suốt. Những lời bình và diễu cợt tàn nhẫn đến kinh ngạc về cái chết của một thanh niên trẻ hiện ra, khiến những ai đọc được cũng phải hoang mang rằng đây có thực sự là tâm tình của những người Việt hay không, sao mọi thứ ngả về phía bất công như vậy?
Xã hội Việt Nam đang từng bước tiến vào “kỷ nguyên mới” của ông Tô Lâm với những làn sóng giằng xé và hủy hoại đạo đức. Chúng lạnh lùng đi theo những hướng chỉ tay trong bóng tối, đang thao túng mọi thứ, tuân thủ với quy trình tam vô: vô tổ quốc, vô gia đình và vô tín ngưỡng.
Ba câu chuyện nói trên, là những sự kiện cụ thể, xuất hiện và bị thao túng với những luồng dư luận định hướng, nhưng trăm triệu dân Việt Nam vẫn là nạn nhân lặng lẽ, chứng kiến từng ngày những điều bất thường, chịu đựng những điều bất công, thậm chí bị sỉ nhục với những dư luận ngược được Ban tuyên giáo tổ chức, được quyền tàn phá những gì đã có, được giải trí bằng sự cỗ vũ vô văn hóa của chính tổ chức.
Mục tiêu của những làn sóng ngầm dư luận định hướng là để thay đổi lịch sử, tẩy não thế hệ trẻ người Việt, tạo bất công tư duy khiến người Việt phải chịu đựng trên những sự thật mà họ đã biết, đã hiểu.
Mới đây, trong chiến dịch cải tạo ý thức của Ban Tuyên Giáo, nhiều trang fanpage được định hướng đưa lại, ca ngợi những “anh hùng” của bộ đội Bắc Việt, như ông Bảy, người nói đã bắn hạ B52, hay Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… Đã có chuyện giới dư luận viên thập thò đưa ảnh phục chế của Bảy Lốp, tay sát thủ đã giết cả người già, trẻ con trong chiến dịch Mậu Thân 1968, và ca ngợi là liệt sĩ.
Cũng may, những lời chỉ trích trò lừa đảo này của Ban tuyên giáo xuất hiện cũng không ít. Những kiểu thao túng và nói ngược lịch sử như vậy, cuối cùng cũng có giới hạn nhất định của nó, mặc dù những người chỉ huy các chiến dịch như vậy, cứ nghĩ rằng người Việt đã quên lịch sử, hay đã mờ nhạt mọi thứ và dễ dãi tạo ra những điều bất công ngang ngược trong dòng đời sống thực tế người Việt.
Chỉ đến khi sự kiện như Bảy Lốp bị đánh tráo khái niệm “anh hùng liệt sĩ” và những phản ứng chung quanh, mới thấy những tráo trở truyền thông, bất công với sự thật đang len lỏi hàng ngày trong đời sống người Việt. Mọi thứ được tổ chức từng tuần, từng chu kỳ, và tàn phá nguyên khí của dân tộc, tạo hỗn loạn và mệt mỏi nơi những người có lòng với đất nước.
Người cộng sản muốn xã hội Việt Nam như vậy, để kiểm soát đất nước dễ dàng trong hỗn mang tư tưởng. Người Việt bị thất vọng về dân tộc mình, thấy bất công là thế mạnh đương thời, ý chí dựng lại đất nước hay trách nhiệm với dân tộc sẽ sớm bị thui chột, mọi thứ rộng đường cho một chế độ độc tài.
----------------
Tại sao chế độ Cộng sản “ác cảm” với tôn giáo?
Nghị định 176: Thị trường nhân phẩm lên giá từng ngày
Nghị định 168 - “sứ mệnh khai hóa văn minh” của những người cộng sản Việt Nam
----------------
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.