Kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn mà sự sai lầm của chính sách kinh tế vĩ mô có thể đưa quốc gia đi sâu vào vòng xoáy của cơn khủng hoảng.
Một mục tiêu quan trọng của chính phủ Việt Nam đó là đưa đất nước trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy vậy, như thủ tướng chính phủ nhận định, với mục tiêu tăng trưởng trung bình 6-7% như trước đây, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu này. Vì vậy, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng hơn, đó là theo đuổi mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 này để tạo đà và nhằm đạt được sự tăng trưởng hai con số trong những năm kế tiếp.
Để đạt được mục tiêu này, hai công cụ chính được thủ tướng Phạm Minh Chính viện dẫn đó là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Mà nói một cách nôm na là tăng chi tiêu cả ở khu vực công và khu vực tư. Để làm được điều này, chính phủ đã đưa ra chỉ thị tăng trưởng tín dụng từ 16% cho đến 20%, tương đương với 2,5 triệu tỉ đồng cho đến 3 triệu tỉ đồng.
Việc tăng trưởng tín dụng quá lớn như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát. Đối mặt với các lo lắng về lạm phát, thủ tướng Phạm Minh Chính công khai tuyên bố rằng sẵn sàng hy sinh lạm phát vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong suốt thời gian dưới thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến gần đây, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm điều hành quốc gia dựa trên các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát nợ, và ổn định hệ thống tài chính.
Sự điều hành chính sách mang tính bảo thủ này dù không tạo ra được những phát triển kinh tế ngoạn mục nhưng nó đã giúp Việt Nam duy trì được sự ổn định kinh tế tương đối, nhất là so với thời kỳ kinh tế Việt Nam hỗn loạn dưới sự điều hành của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi mức lạm phát có khi vượt quá 20%/năm.
Trong suốt 10 năm gần đây, lạm phát, ít nhất là trên các báo cáo, đã được kiểm soát và trung bình nằm trong khoảng 4-5%/năm. Lạm phát trong thời kỳ này không còn là một nỗi lo thường trực của điều hành kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) chỉ ở mức trung bình 5%/năm cho đến nay, Việt Nam không thể gia nhập vào nhóm các nước được gọi là thu nhập cao trong khoảng 20 năm nữa như dự định.
Để có thể trở thành nước có thu nhập cao trong 20 năm nữa, đòi hỏi Việt Nam phải nâng mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 10% một năm, tức gấp đôi mức hiện nay. Và điều đó buộc Việt Nam phải lựa chọn một lộ trình tăng trưởng quốc gia khác so với trước đây.
Dưới sự lãnh đạo mới của tổng bí thư Tô Lâm, Việt Nam được dẫn dắt đi theo một tầm nhìn về cái gọi là “kỷ nguyên mới”, và có lẽ trong cái gọi là kỷ nguyên mới đó, định hướng phát triển kinh tế cũng được đổi mới — đó là tất cả vì mục tiêu tăng trưởng cao mà bất chấp lạm phát.
Có lẽ sau khi kềm chế được lạm phát trong khoảng 10 năm gần đây, giới cầm quyền ở Việt Nam đã không còn lo lắng về nỗi sợ lạm phát. Tuy vậy, những bài học lịch sử thì vẫn còn đó, trong cả ba lần khủng hoảng kinh tế trước đây, đối mặt với các khó khăn, thay vì cải cách cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng tăng cung tiền, hứng chịu sự tăng vọt của lạm phát làm mất ổn định vĩ mô và phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thiết lập lại sự ổn định kinh tế.
Cuộc khủng hoảng đầu tiên kéo dài từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990 do sự sai lầm trong điều hành kinh tế vĩ mô, cụ thể là cung tiền quá nhiều và kềm hãm kinh tế thị trường tự do. Đặc điểm của thời kỳ này đó là lạm phát mất kiểm soát. Có thời điểm như năm 1986, siêu lạm phát xuất hiện và lên tới mức 774,7%; lạm phát sau đó kéo dài với mức ba, rồi hai chữ số cho đến đầu thập niên 1990.
Cuộc khủng hoảng thứ hai bắt đầu khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á vào những năm 1995-1997. Trong đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế này, mức lạm phát của Việt Nam từ mức 4,5% vào năm 1996 đã tăng lên 14,2% vào năm 1997.
Cuộc khủng hoảng thứ ba đến cùng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009. Mức lạm phát vốn đã cao từ mức 12,63% vào năm 2007 đã tăng lên tới 20% vào năm 2008.
Lạm phát cao gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.
Trước hết nó làm giảm sức mua của người dân. Nó làm tăng chi phí sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội. Lạm phát cũng khiến tăng chi phí sản xuất khi giá cả và lương bổng buộc phải tăng cao hơn. Với những người có thu nhập cố định, lạm phát sẽ khiến họ nghèo đi trên thực tế, điều này làm tăng sự bất bình đẳng trong thu nhập. Lạm phát khiến người dân không muốn tiết kiệm nữa và sẽ giảm đầu tư. Lạm phát cũng khiến làm thay đổi giá trị thực của các khoản vay và điều đó buộc người cho vay phải tăng lãi suất để khấu trừ vào lạm phát. Nói chung, lạm phát gây mất ổn định cho nền kinh tế.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất từng chứng kiến lạm phát phá huỷ nền kinh tế của chính mình. Một quốc gia khác thịnh vượng hơn Việt Nam rất nhiều đã từng chứng kiến siêu lạm phát trong những thập niên gần đây và sự lạm phát mất kiểm soát này đã phá huỷ mọi thành tựu thịnh vượng của quốc gia — quốc gia đó là Argentina. Từng là một trong những nước giàu có nhất thế giới, ngày nay nạn nghèo đói lan tràn khắp Argentina và siêu lạm phát mất kiểm soát đã tăng trên 100% mỗi năm.
Trở lại trường hợp của Việt Nam, việc thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng cao để nhanh chóng trở thành một nền kinh tế thu nhập cao trong vòng hai thập niên tới là một hoài bão đúng đắn, dù rất khó khăn đối với bất cứ nhà cầm quyền nào. Tuy vậy, một sự tăng trưởng như vậy nó phải đi kèm với kềm chế lạm phát, vì lạm pháp thấp mới đem lại ổn định vĩ mô và sự thịnh vượng của người dân khi mà sức mua chung của người dân tăng lên cùng với thu nhập thật của họ.
Liệu có một giải pháp nào đạt được điều đó hay không? Chắc chắn là có. Đó là sự tăng trưởng đi kèm với nó là sự tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này có được khi giáo dục và đào tạo được nâng lên, các công nghệ mới được khuyến khích áp dụng, và sự hiệu quả trong đầu tư được khuyến khích. Một sự tăng trưởng như vậy nó phải đi kèm với những chính sách nhằm tạo ra nhiều hàng hoá và dịch vụ nhất hay còn gọi là chính sách trọng cung. Điều này có thể thực hiện được nhờ dựa vào sự tháo gỡ những quy định kềm hãm đầu tư và phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích sáng tạo, và các chính sách tiền tệ nhằm duy trì lạm phát thấp.
Những chính sách như vậy muốn thành công cần có một lực lượng công chức chuyên nghiệp thực hiện và một đội ngũ lãnh đạo ưu tú có năng lực giám sát và hướng dẫn. Đây chính là những điểm nghẽn to lớn trong thể chế hiện nay khi mà chế độ hiện tại không có cơ chế để tuyển chọn ra những người như vậy.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.