Hôm nọ trên Tik Tok, có một anh công an khá trẻ tự quay clip nói về nỗi buồn khó tránh khi sắp tới đây lực lượng công an cấp huyện bị xóa bỏ, chấm dứt sáu, bảy năm gắn bó làm việc của anh. “Giờ cũng chưa biết đi đâu về đâu nhưng anh em vẫn xác định là tuân theo phân công của cấp trên, tuân thủ đại cục” v.v-anh nói.
Tiếc thay, phía dưới chiếc clip mang màu sắc rưng rưng nhưng quyết tiến đó lại là hàng ngàn bình luận giễu cợt của dân mạng. Họ “tiếc” thay cho sếp công an huyện nào đó vừa bỏ tiền tỷ ra chạy chức thì giờ công an huyện bị bãi bỏ. Hay họ cười cợt anh công an buồn bã vì từ giờ hết cơ hội hoạnh họe kiếm chác từ người dân.
Thế mới tội nghiệp cho bác Tô chưa?
Xóa bỏ công an cấp huyện, cái lợi dễ nhìn thấy nhất là người dân tiết kiệm được thời gian và công sức để làm giấy tờ thủ tục cần thiết. Hai là thu hồi được hàng trăm ngàn trụ sở to, khu đất lớn, xe cộ phương tiện và chi phí hành chính nuôi nhiều bộ phận giúp việc như văn phòng và lái xe cho lãnh đạo, để góp gạo vào nồi cơm chung chính quyền. Nhiều năm nay, bầy sâu tham nhũng đã ăn lúc nhúc vào thùng gạo của cả nước, nên nếu bây giờ không kịp diệt sâu và bóp mồm bóp miệng thì chẳng mấy lúc mà đói cả nút.
Số tiền tiết kiệm được có thể lên đến hàng ngàn tỉ. Rất lớn, rất lợi.
Thế nhưng phía người dân-dân thường, dân đen theo đúng nghĩa thì chỉ quan tâm đến những gì thiết thực và sát gần nhất. Đó là sau khi cải tổ bộ máy công an thì người dân có hay còn bị “giơ chân hơi cao” hay “gạt tay trúng má” hay không. Nói rộng ra, liệu những vụ oan sai trong điều tra có thể giảm đi hay không.
Câu hỏi này e rằng bác Tô cũng phải bạc thêm nhiều tóc mới có thể (rón rén) trả lời.
Trong lịch sử chưa dài của công an Việt Nam, có những vụ oan sai nổi tiếng do lỗi từ cơ quan điều tra. Như vụ ông Trần Văn Thêm bị kết án tử hình vì tội cướp của giết người, sau 6 năm ngồi tù, lấy máu để viết thư kêu oan lên cả chăn màn, đến khi hung thủ thực sự tự dưng ra đầu thú, ông Thêm mới được trả tự do.Trả tự do nhưng không hề minh oan. Ông Thêm lại kêu oan dằng dặc suốt 46 năn nữa, Tòa án tối cao mới công nhận bản án oan sai, xin lỗi và bồi thường cho ông.
46 năm.
May là ông Thêm có sức khỏe khá tốt và gia đình ông đồng tình với việc quyết liệt đi kêu oan, nếu không, khả năng tuyệt đối cao là ông đã về suối vàng với cái tội danh giết người cướp của treo lơ lửng trên đầu. Và cả gia đình, con cháu ông sẽ phải sống suốt đời với sự ngờ vực, e dè, sợ hãi của người đời.
Những vụ án khác như vụ Đặng Thị Nga (28 năm mới được giải oan về tội giết chồng), Hàn Đức Long, vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ Trần Minh Hùng, vụ Trần Văn Chiến (16 năm), vụ Bùi Minh Hải… kể ra phải dài nhiều trang giấy. Họ đều bị tống vào tù, đối diện với án tử hình, thậm chí có người bị kết án hai lần, hai án tử hình. Có người giàu có, bị tịch thu hàng trăm cây vàng, mất hàng chục ngàn m2 đất, thậm chí khi được giải oan thì tài sản vẫn không hề được trả lại. Con cái họ thất học, gia đình ly tán, sống trong tủi hờn uất ức.
Nhưng đó mới chỉ là những vụ án đã được minh bạch, do hung thủ thực sự tự dưng một ngày đẹp trời bị bắt trong vụ án khác rồi tiện mồm khai luôn những vụ cũ. Cộng thêm người bị oan (may quá) vẫn còn sống, và lại kiên nhẫn đến không tưởng nổi, ròng rã đi kêu oan hàng chục năm trời.
Chứ nếu vụ án không được xem xét lại, hung thủ trốn mất tăm, hoặc người bị oan suy sụp tinh thần nên buông tay luôn, rồi bản án được thi hành… thì thân xác người bị oan dù tan thành tro bụi nhưng nỗi oan đó vĩnh viễn sừng sững trên đầu người thân, gia đình họ.
Nếu trừ nguyên nhân cố tình bóp méo vụ án thì hầu hết vụ án bị làm oan đều do điều tra sai sót, thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ không phù hợp, chứng cứ bị làm giả, bị gán ghép, lời khai của các bên không được đối chiếu phân tích thấu đáo. Nghi can bị nhục hình, bức cung.
Tinh giản ngành công an: bỏ chỗ này, tăng chỗ khác
Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?
Nguy cơ mất việc vì tinh giản: công chức, viên chức lo lắng gì?
Vì sao làm oan?
Đem câu này đi hỏi công an thì chắc chắn quý vị cũng sẽ nhận lại được vẻ mặt âm trầm như bị hàm oan của họ.
Nhưng, điều đó cũng không hề sai.
Công an cấp huyện được giao điều tra những vụ án hình sự xảy ra trong địa bàn của họ. Nhưng ở một số nơi nông thôn hay miền núi, địa bàn quá rộng và phức tạp, người dân lại không hiểu biết để tránh xâm phạm vào hiện trường. Nên khi công an được tin tới nơi thì nhiều khi hiện trường đã bị giẫm đạp tan nát, chứng cứ ban đầu bị hủy hoại nghiêm trọng.
Nhưng, công an không thể vì lý do đó để điều tra chậm rãi, có thời gian phục hồi và thu thập chứng cứ cho đầy đủ.
Dư luận ở Việt Nam rất giống sóng thần, khi nó quét qua thì cái gì cũng tan nát. Tuyệt đại đa số báo chí thì luôn uốn theo tâm lý của (đại) đa số người dân nên cực kỳ mẫn cảm và nhanh nhạy trong đưa tin các vụ trọng án. Cả hai điều đó cộng lại khiến khi một vụ trọng án xảy ra thì áp lực xã hội tăng cao đến ngạt thở. Thậm chí khắp nơi, trong quán cà phê, ở chợ, trường học, người ta chỉ bàn tán với nhau về các tình tiết của vụ án và, thi nhau làm thám tử, đoán già đoán non. Thậm chí còn lập các hội tâm linh, tìm các thầy phong thủy, thầy cúng bái để hỏi về đường đi nước bước của thủ phạm. Toàn xã hội cứ hừng hực như một đội điều tra phi chính thức khổng lồ.
Xã hội như vậy, tâm lý nhiều vị lãnh đạo lại cũng nóng bỏng theo. Cấp trên cao nhất muốn nhanh chóng bình ổn tâm lý xã hội, nên ra lệnh cho cấp dưới phải phá án trong thời gian nhanh nhất, cho xã hội một câu trả lời thỏa đáng. Bình ổn xã hội chính là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực lãnh đạo của một người. Nếu để cho dư luận kéo dài, người dân hoang mang nghi ngờ thì cái ghế của anh ta có thể khó giữ được. Thành thử cấp dưới không có cách nào khác là gõ trên đầu những người trực tiếp điều tra vụ án, buộc họ phải rút ngắn thời gian điều tra đến mức kỷ lục.
Có những vụ trọng án xảy ra trong vườn cây, đồi núi, đồng ruộng nơi vắng vẻ hoặc hoang vu, hầu như không có nhân chứng chứng kiến. Trong môi trường thiên nhiên đầy nắng, gió, mưa…, những vật chứng nhỏ bé dễ dàng bị tản mác hoặc không được nhận ra. Trong các bộ phim hình sự, vụ án cực kỳ khó khăn cuối cùng sẽ bị phá một cách ngoạn mục khi cảnh sát nắm được vài chứng cứ chủ chốt bé tí xíu, như cảnh Sherlock Holmes bò trên sàn chiếc phòng hiện trường với chiếc kính lúp trên tay, tỉ mỉ soi kỹ từng mm2.
Nhưng ngoài đời thật không thế
Vài sợi lông tóc, miếng vải, dấu dép, con dao, chiếc kẹp tóc, vết máu nhỏ, mẩu thuốc lá… thật sự bé tí xíu, nên rất dễ bị bỏ qua. Thậm chí ngay cả vật chứng to lù lù như chiếc thớt gỗ trong vụ án Hồ Duy Hải cũng đã bị bỏ qua (sau đó ra … chợ mua cái thớt khác bù dzô!). Do đó nếu chúng không được thu thập ngay từ đầu thì tuyệt đại khả năng là không thể phục hồi được nữa.
Nhưng không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều. Muốn điều tra tỉ mỉ đầy đủ (như Sở cảnh sát London hay đại thám tử Sherlock Homes) cần phải có nhân lực + có phương tiện máy móc công nghệ cao hỗ trợ + có chi phí dồi dào. Ấy thế mà, một cơ quan công an cấp huyện lại thường xuyên thiếu cả 3 yếu tố đó.
Sự thực là rất nhiều điều tra viên lâm vào trường hợp phải bỏ tiền túi ra chi phí trên đường công tác, hoặc phải vắt óc nghĩ đủ cách bù đắp chi phí, trong đó có cả những cách như đi đến địa phương nào thì liên hệ với anh em trong ngành xin hỗ trợ ăn nghỉ và phương tiện, nói trắng ra là ăn chực, ở nhờ, đi nhờ xe… Số án luôn cao hơn khả năng phá. Mặc dù trong báo cáo của ngành công an, tỷ lệ phá án hình sự cuối năm luôn cao trên 80%, thậm chí có nơi đến trên 96%, nhưng hầu hết là vụ nhỏ dễ kiểu trộm cướp bắt gà bắt vịt. Còn trọng án thì hi hi cứ nhìn những vụ cộm cán đã treo đến vài chục năm thì biết.
Trong hoàn cảnh thiếu đủ thứ nhưng lại phải chịu sức ép không thể cưỡng nổi từ cấp trên, từ đồng nghiệp (tao với mày ngang cơ nhưng nếu mày bị treo nhiều án thì đừng mơ lên quân hàm hay thăng ghế), từ xã hội và chính gia đình (công an cũng là con người mà, nói gì nói), như ông bà ta nói, cái khó sẽ ló cái khôn.
Cái khôn (liền) hay được dùng là tra tấn, ép cung, dụ cung, mớm cung… nghi can, để nhanh chóng có được bản khai nhận tội. Không tìm được vật chứng thì tạo ra, hoặc đi mua. Không có nhân chứng thì ép cho ra nhân chứng. Trong mắt cấp trên, chẳng phải cứ có đứa nhận tội là kết quả tốt nhất sao?
Vì cấp trên cũng có cấp trên nữa. Mà các cấp trên, nói gì nói, cũng không thể gan lì đến mức phớt lờ dư luận. Để hạ áp dư luận thì phải nhanh chóng lôi ra được thủ phạm của vụ trọng án. Đằng nào thì người dân cũng chỉ có thể chọn cách tin hoàn toàn vào cơ quan điều tra, chứ không tin thì tự họ có đi điều tra được hay không?
Thành tựu phá án của công an cũng càng khiến củng cố uy tín và vị trí của chế độ.
Tính ra, lợi nhiều hơn hại (!).
Nên mới ngày càng có những án oan, song song với nạn tra tấn, bức cung nghi can.
Khi đơn vị công an cấp huyện bị giải tán, các công việc cũ của họ như điều tra án hình sự, kinh tế, ma túy… sẽ được đưa về Công an cấp tỉnh. Ở cấp tỉnh thì chắc chắn dồi dào, tiến bộ hơn về chi phí phương tiện và trình độ của điều tra viên nói chung. Tuy nhiên, chỉ là thuận lợi hơn cấp huyện chứ với tình hình chung của Việt Nam thì vẫn không thể đáp ứng tốt nhất cho các yêu cầu điều tra nói chung. Các áp lực và khó khăn vẫn như thế, tuy cũng có thể giảm đi đôi chút.
Vì vậy điều quan trọng nhất khi xóa sổ cơ quan công an cấp huyện không phải là việc bố trí sắp xếp nhân lực dôi ra, giải quyết chức danh cho những vị cấp phó hay tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ. Mà là có giải quyết được triệt để vấn nạn bức cung nhục hình và oan án hay không.
Tham khảo:
https://vnexpress.net/topic/nhung-vu-an-oan-19921
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.