Người bất tài trong Đảng nên biết phận mình

Khi tiếng ca ngợi lắng xuống, hóa ra đó cũng chỉ là những phần ăn hại.

Mạng xã hội Việt Nam thỉnh thoảng lại có chuyện cười, người ta cùng nhau cười ra nước mắt về những dị kiện trong làng quan chức của đảng Cộng sản. Nhưng bên cạnh đó, cũng để lộ ra nhiều điều khác trong thực tế cũng đáng được lưu ý.

Chẳng hạn như hồi đầu Tháng Hai, dân mạng suýt sặc cơm khi nghe ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn phát biểu trước Quốc hội về việc điều động giáo viên. Ông Sơn nói “Giao ngành giáo dục quản lý giáo viên như quân đội, thì em sẽ làm tốt”. Điều bất ngờ từ ông Sơn, người sinh 1966, được coi là dày dặn lý luận chính trị, lại xưng thỏ thẻ “em”, hạ mình trước Quốc hội trong một phát biểu về phần việc không thành của mình.

Ông Sơn, vào lúc mới được đưa vào vị trí Bộ trưởng, cũng có những người mừng thầm, hy vọng cho nền giáo dục Việt Nam vốn đang rách nát – mà đơn giản chỉ do nhìn mặt mà bắt hình dong. Sự hy vọng của dân chúng vào những nhân sự mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam xếp đặt vẫn xảy ra trong quá khứ. Lý do là đám đông đã quá mệt mỏi về sự lụn bại của của các quyết sách từ một thể chế khép kín, nên cũng mong chờ một nhân vật đổi thay nào đó, không khác mua vé số.

Khi Nguyễn Thiện Nhân ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ giáo dục cho đến chức Bí thư ở Sài Gòn, những kỳ vọng mong manh ban đầu của người dân bị xé toạc, vào lúc chiếc lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng bị cẩu đi. Lịch sử cầm quyền của Đảng CSVN đã có quá nhiều những ví dụ về các quan chức được “thổi” lên bởi hệ thống truyền thông nhà nước, Như Đoàn Ngọc Hải (Mà dân Sài Gòn gọi mỉa mai là Hải Cẩu), Đinh La Thăng, Nguyễn Thị Kim Tiến, Chu Ngọc Anh, Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc… Nhưng rồi khi tiếng ca ngợi lắng xuống, hóa ra đó cũng chỉ là những phần ăn hại.

Các lớp quan chức được tô điểm đẹp đẽ và đưa ra trước công chúng, sống sượng tự giới thiệu nhận nhiệm vụ do Đảng giao, nhưng cuối cùng rời đi luôn để lại những hố sâu hun hút.


Tiếng kêu đau của bầy linh cẩu

Chuyện “con nhà” và đôi khi bơm trở thành... họa

Nghị định 168 - “sứ mệnh khai hóa văn minh” của những người cộng sản Việt Nam


Ông Nguyễn Kim Sơn mới ngày nào hăng hái giới thiệu đề án miễn giảm học phí cho con em toàn bộ ngành giáo dục, thì hôm nay lại rụt rè trước sự bất lực lãnh đạo của mình, vòi vĩnh xin nhà nước gia tăng quyền hạn “như quân đội” để có thể điều giáo viên đi dạy như thời bao cấp. Về mặt tâm lý, việc xưng “em” của Sơn, tự thú nhận một giai đoạn điều hành ngành giáo dục èo uột trước cấp trên, không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của hàng triệu phụ huynh, và “xưng “em” cũng như một cách hạ mình, mong mỏi ơn mưa móc của Đảng trong giai đoạn tinh giản, nhân lực và bộ máy vào hồi khốc liệt. Nói thẳng là Nguyễn Kim Sơn bất tài, và không có khả năng điều hành bộ máy khi được đưa vào chức Bộ trưởng giáo dục, và cách xưng “em” của Sơn cũng chỉ là giới thiệu sự hèn mọn của mình trong bộ máy.

Mà đâu chỉ có ông Sơn, có rất nhiều những kẻ bất tài trong hệ thống, nhưng biểu hiện thì đa dạng và rất khác nhau, dễ thấy nhất qua những tuyên bố và “sáng kiến” của họ.

Dễ thấy nhất là các quan chức góp mặt ở Hội Đồng Nhân Dân, Đại biểu Quốc Hội… người dân Việt Nam ai cũng nhớ những “đóng góp” háo hức của đại biểu tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân về chuyện yêu cầu mỗi nhà dân phải mua lu để chống ngập lụt vào năm 2019, hay mới đây 2025, là chuyện Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề xuất cơ chế hỗ trợ để dân “đổi nhà”, nhằm mục đích chọn đi metro cho tiện. Giới lãnh đạo nghe thì cười xòa, cho qua như chuyện trẻ con góp lời; Dân thì dẫn lại, sự bất tín âm thầm ngày càng lớn với một chế độ. Bởi năm tháng đi qua, chỉ nghe phe này đánh nhóm kia, giành ghế, giành quyền lợi, quan lại bên dưới thì hèn hạ bất tài. Thế nhưng sai lầm từ các chính sách vẫn ngang nhiên ùn ùn trăm ngàn tỷ đổ nợ vào người dân. Ai lên tiếng thì truy tố, bỏ tù.

Có khi cũng khi nên tự hỏi, vì sao các quan chức bất tài, thích đưa ra những “sáng kiến” quái gở ngày càng nhiều? Chẳng hạn như Nghị định 168 chụp lưới lên toàn dân, xảy ra kẹt xe triền miên, thì vội chữa cháy bằng lắp thêm đèn quẹo phải, cho chạy thêm trên lề. Dĩ nhiên luật viết ra, nếu sao chép và hoàn toàn không có khả năng dự đoán tình hình xã hội, sẽ dẫn đến những bế tắc không lối thoát. Nói trắng ra, đó là do các ý kiến bất tài.

Ngành tâm lý học có nói về hội chứng Dunning- Kruger, chỉ rõ rằng những người có năng lực kém thường đánh giá quá cao khả năng của mình và sự thiếu hiểu biết về năng lực bản thân, dẫn đến việc họ tự tin phát biểu về những vấn đề họ hoàn toàn không đủ sức nhận thức.

Trong một thể chế độc tài, những kẻ bất tài như vậy luôn thích lên tiếng. Bởi không ai dám chỉ trích họ một cách công khai, cũng như họ có dịp giới thiệu phần đóng góp tận tụy của đời tay sai.

Hội chứng Dunning- Kruger cũng phụ giải thích thêm là khi các quan chức mắc sai lầm ra tòa, những bị cáo luôn khóc lóc xin giảm án, nộp bằng khen, công lao xin xét lại vì tin rằng sự trung thành của mình là tất cả, dù có ngu dốt đi nữa. Quan trọng hơn, phần bào chữa không thành lời của lớp quan chức đó, là phần sai lầm đó chỉ có đất nước, nhân dân chịu, chứ Đảng không thiệt hại gì.

Không cần phải nói dài dòng thì ai cũng biết rằng một Đảng độc quyền lãnh đạo mà chỉ sử dụng thành phần trung thành, không ưu tiên chọn người tài biết chỉ ra những sai sót, thì tức tương lai của Đảng đó sẽ không bao giờ có được một “kỷ nguyên mới” nào cả. Sự sụp đổ của Liên Xô, bắt đầu từ thời kỳ của Brezhnev, trong những năm 1970 và 1980, cũng do các cuộc thanh trừng diễn ra liên miên. Đảng lãnh đạo chỉ chọn người trung thành chứ không chọn người có năng lực. Thời Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc cũng vậy: Càng lớn tiếng điên cuồng phát biểu, thì càng được ưa chuộng. Còn những người có trí lực thì bị loại bỏ. Thời gian đi qua cho thấy, những thành phần bất tài-trung thành cũng như những thành phần điên cuồng đập phá, cuối cùng thì chỉ còn sống trong yên lặng của bóng tối hèn mọn.

Trung Quốc, nước cộng sản đàn anh, cũng đã sớm nhìn ra được nguy cơ của việc chọn những kẻ bất tài-trung thành thích tuyên bố, mà không có người tài để phát triển. Từ năm 2007, Bắc Kinh đã thử đi những bước đột phá đầu tiên như bổ nhiệm nhà khoa học đào tạo tại Pháp Chen Zhu, 54 tuổi, làm Bộ trưởng Y tế; và ông Wan Gang, 55 tuổi, từng học ở Đức trở thành Bộ trưởng Khoa học công nghệ - đó là những người không là đảng viên Cộng sản. Dù còn dè dặt, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định rằng sẽ bố trí thêm nhiều người tài không phải là đảng viên vào các vị trí quan trọng để giúp phát triển xã hội và kinh tế đất nước.

Dĩ nhiên, Những người tài và không phải là đảng viên, sẽ không dễ dàng xưng “em” trước mặt ai ở một hội nghị chính trị lớn, và cũng chẳng bao giờ cố gây chú ý bằng việc đưa ra một “sáng kiến” ngớ ngẩn khiến cả nước vui cười. Sự cạn kiệt nhân lực và người tài trong hệ thống cầm quyền để xây dựng đất nước hôm nay thì đảng Cộng sản lúc này có thể nhìn thấy rõ. Và nếu Tô Lâm muốn đi đến một kỷ nguyên mới, bắt buộc ông ta cũng sẽ phải nghĩ đến việc sử dụng những con người ngoài hệ thống chính trị có thực tài đóng góp cho đất nước. Những đổi thay sẽ phải đến. Và quan trọng nhất là những thành phần bất tài trong đảng, chọn trung thành điên cuồng hơn tri thức, cũng đến lúc nên biết nhìn lại phận mình.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.