Trong mọi quốc gia, sự liêm chính của đội ngũ lãnh đạo luôn là yếu tố then chốt bảo đảm sự phát triển bền vững.
Từ Singapore với hình mẫu chống tham nhũng của Lý Quang Diệu, hoặc sự quyết liệt của ông Pak Chung Hy “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng”, đến những quy định khắt khe tại Bắc Âu, hay các chương trình kiểm soát liêm chính công tại OECD. Theo đó, các nước văn minh đều xác lập nguyên tắc bất khả xâm phạm: Quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao.
Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng đáng buồn về quan chức Việt Nam hiện nay, đặc biệt là qua các vụ án được phanh phui gần đây, chúng ta không khỏi giật mình đặt câu hỏi: Khi cán bộ, đảng viên – những người được kỳ vọng làm gương – lại là những người công khai vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, thì còn lại điều gì để nhân dân đặt niềm tin?
Canh bạc triệu đô của quan chức “lương ba cọc ba đồng”
Trong vòng chưa đầy một tuần đầu Tháng Bảy 2025, truyền thông trong nước đưa tin về các vụ án đánh bạc đình đám tại King Club thuộc khách sạn Pullman (Hà Nội), nơi không chỉ có các doanh nhân, ca sĩ… mà đặc biệt, cả quan chức đánh bạc với số tiền lên tới hàng triệu USD.
Trong đó, có tới 7 cán bộ, công chức của tỉnh Phú Thọ xuống Hà Nội đánh bạc, gồm những người ở cùng một cơ quan, cấp trưởng và cấp phó. Ông Hồ Đại Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, là người chơi nhiều nhất. Chỉ trong hơn 4 tháng, ông Dũng đánh bạc 95 lần với tổng tiền hơn 7 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng). Lần chơi nhiều nhất của ông Dũng là hơn 331.000 USD (khoảng 7,9 tỷ đồng), lần ít nhất là 4.920 USD (118 triệu đồng). Sau các lần sát phạt, ông Dũng đã thua 759.269 USD (khoảng 18 tỷ đồng).
Người thứ hai nổi tiếng không kém là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Hà, bị cáo buộc đánh bạc hơn 7 triệu USD tại khách sạn Pullman. Con số khổng lồ ấy – quy đổi khoảng 180 tỷ đồng – đều là những con số không thể tưởng tượng được nếu chỉ dựa vào mức lương “ngạch bậc” của một cán bộ cấp tỉnh.
Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Tiền ở đâu ra?
Theo thông tin từ truyền thông trong nước, ông Hà bị bắt quả tang tham gia đường dây đánh bạc xuyên quốc gia do nhóm đối tượng Đặng Minh và Trần Quang Việt cầm đầu. Ngoài ông Hà, nhiều quan chức, doanh nhân, thậm chí cả nghệ sĩ nổi tiếng cũng bị điều tra vì nghi vấn rửa tiền và tham gia hoạt động cờ bạc trái phép. Tương tự, vụ việc tại King Club cũng hé lộ cách tổ chức các sòng bài trá hình dưới hình thức “chơi game đổi thưởng”, cho phép các đại gia “nướng” hàng chục nghìn USD chỉ trong một đêm.
Chưa bàn đến yếu tố hình sự, riêng khía cạnh tài chính cá nhân của các cán bộ, đảng viên tham gia các vụ việc này đã gióng lên hồi chuông báo động. Với mức lương công vụ khoảng 15–25 triệu đồng/tháng, ai có thể tích lũy được hàng triệu USD để đánh bạc?
Những dòng tiền bất chính và sự bảo kê của hệ thống
Câu trả lời hợp lý duy nhất là: Những khoản tiền ấy không thể đến từ thu nhập chính đáng và hợp pháp. Chúng là kết quả của quá trình tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân – một thực tế đã được xác nhận trong nhiều đại án tham nhũng trong nhiều năm qua.
Trước đó, đã từng có tiền lệ với vụ đánh bạc trực tuyến xuyên quốc gia do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, bị phanh phui năm 2019. Vụ án này không chỉ làm rúng động dư luận vì quy mô giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng mà còn vì sự dính líu trực tiếp của hai tướng công an cấp cao: Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, những người lẽ ra có trách nhiệm bảo vệ pháp luật nhưng lại đứng ra bảo kê, dung túng cho hoạt động tội phạm.
Những vụ án loại này là vết nhơ khó gột rửa trong lịch sử chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam và ngành công an. Nhưng đáng buồn hơn là sau đó, dù dư luận lên án mạnh mẽ, những hành vi tương tự vẫn tái diễn – như đang trở thành “văn hóa ngầm” của một bộ phận quan chức.
Tha hóa trong bóng tối của quyền lực
Việc các cán bộ cao cấp đánh bạc công khai, sử dụng số tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc để tham gia các hoạt động phi pháp phản ánh một sự thật đáng sợ: Quyền lực đã bị tha hóa nghiêm trọng. Khi quyền lực không bị kiểm soát, không có cơ chế minh bạch về tài sản, không có giám sát hiệu quả từ dân chúng và báo chí, thì quyền lực dễ dàng bị lạm dụng để mưu lợi cá nhân.
Ở Việt Nam, dù đã có quy định về kê khai tài sản đối với cán bộ lãnh đạo, nhưng hầu như chỉ mang tính hình thức. Không có cơ chế kiểm toán độc lập, không có truy xuất tài sản theo chuẩn quốc tế (asset tracing), không có sự vào cuộc thật sự của cơ quan tư pháp độc lập, thì bản kê khai tài sản chỉ như một tờ giấy vô hồn. Trong khi đó, các hoạt động tiêu xài xa hoa, sử dụng tiền mặt không kiểm soát, đánh bạc xuyên biên giới lại diễn ra công khai.
Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, với chức danh Tổng Bí thư đảng, nắm quyền lực chính trị cao nhất. Ông kêu gọi minh bạch tài sản quan chức, mở chiến dịch “Đốt lò” để diệt trừ tham nhũng, nhưng với riêng ông, chưa ai từng thấy bản kê khai tài sản của ông ấy cả?
Cũng vậy với người kế nhiệm là ông Tô Lâm. Sau những lời phê phán quan chức tha hóa, tham nhũng, giao động… Thì ai đã từng trông thấy bảng kê khai tài sản của ông Tô Lâm?
Phản ứng yếu ớt và tính miễn nhiễm của “tầng lớp đặc quyền”
Một trong những lý do khiến tình trạng này tiếp tục kéo dài là tâm lý miễn nhiễm và “vùng cấm” dành cho cán bộ đảng viên là quan chức cấp cao. Dù pháp luật ghi rõ “mọi công dân đều bình đẳng”, nhưng thực tế cho thấy nhiều cán bộ chỉ bị xử lý sau khi vụ việc đã trở nên không thể che giấu – thậm chí phải nhờ vào áp lực dư luận xã hội và mạng xã hội. Một số vụ việc chỉ được điều tra khi có chỉ đạo từ cấp Trung ương, còn hệ thống tư pháp địa phương thì tỏ ra dè dặt, hoặc thậm chí bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Nhìn ra thế giới - Minh bạch là sức mạnh
Tại nhiều quốc gia phát triển, không có thứ gọi là “vùng cấm” trong xử lý sai phạm của quan chức.
- Hàn Quốc, cựu Tổng thống Park Geun-hye bị xét xử và kết án 25 năm tù vì tội tham nhũng.
- Malaysia, cựu Thủ tướng Najib Razak bị tuyên án hơn 12 năm tù vì biển thủ từ quỹ đầu tư quốc gia.
- Singapore, chỉ cần một quan chức bị phát hiện nhận quà tặng trái phép, họ có thể bị cách chức ngay lập tức.
Điểm chung của các quốc gia này là có hệ thống pháp luật độc lập, cơ chế giám sát hiệu quả, báo chí tự do điều tra và luật công khai tài sản nghiêm ngặt. Những điều đó giúp tạo ra môi trường trong sạch để quyền lực phục vụ nhân dân, chứ không bị tha hóa. Thể theo đó, tham nhũng có thể chưa được diệt trừ hoàn toàn, nhưng ít ra, chúng đã bị hạn chế đến mức thấp nhất.
Hệ quả - Khi dân mất niềm tin, thể chế lung lay
Khi những người lãnh đạo, những đảng viên ưu tú – là trụ cột của thể chế – lại là người vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, thì lòng tin của người dân sẽ sụp đổ. Mà khi lòng tin mất đi, thì không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài, hệ thống cũng sẽ tự tan rã từ bên trong.
Niềm tin không phải là thứ có thể ban phát hay ra chỉ thị mà có. Nó chỉ đến từ hành động nhất quán, từ sự trong sạch thực chất, và từ cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu. Trong thời đại thông tin mở, không gì có thể che giấu mãi mãi. Những vụ án như ông Hồ Đại Dũng, Nguyễn Văn Hà ở Phú Thọ hay nhóm King Club ở Hà Nội sẽ tiếp tục được công chúng theo dõi sát sao, không chỉ vì sự hiếu kỳ, mà còn vì sự phẫn nộ bị dồn nén trong một xã hội khát khao, mong chờ công lý.
Thời của “làm mà không bị phát hiện”
Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển từ chống tham nhũng theo vụ việc sang xây dựng văn hóa liêm chính bền vững. Chúng không chỉ là việc xử lý các “con sâu” mà còn là cải cách thể chế để không còn “môi trường nuôi sâu”. Các tiêu chí cần thực hiện bao gồm:
Bổ nhiệm, đề bạt công khai theo năng lực, khả năng chyên môn và liêm chính;
- Công khai, minh bạch tài sản cán bộ, có kiểm toán độc lập;
- Giao thực quyền giám sát cho Quốc hội và phục hồi lại quyền tự do báo chí.
- Cải cách tư pháp, đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập, cơ quan điều tra và truy tố không bị chính trị chi phối.
- Tạo điều kiện cho xã hội dân sự tham gia phản biện và giám sát quyền lực.
Chỉ khi đó, Việt Nam mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những canh bạc triệu đô, của những quan chức nhận lương “ba cọc, ba đồng” nhưng ăn chơi vô độ như có thể in được giấy bạc. Và chỉ khi đó, nhân dân mới có thể lấy lại niềm tin vào thể chế mà trong đó, họ chính là chủ nhân ông, những người được phục vụ.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.