Ngày 7 tháng Bảy năm 2025, tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi Công an tỉnh Sóc Trăng, người dân cả nước hồi hộp chờ đợi một kết quả điều tra khách quan và minh bạch. Nhưng điều nhận được lại là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào niềm tin của xã hội: không có vi phạm nào được phát hiện từ phía C.P. Việt Nam. Niềm tin nhỏ nhoi của công chúng vào công lý bị vật chết một cách thảm thương, cùng với sự trơ trẽn của những gương mặt công an ở buổi họp báo.
Không dừng lại ở đó, ông Liễu Quý Ngân – người cung cấp thông tin, người gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc gia – lại bị đe dọa là sẽ bị công khai điều tra vì “động cơ phát tán thông tin”, như thể việc nói ra sự thật là một tội danh hình sự. Ngôn ngữ được dùng trong cuộc họp báo của cơ quan công an chẳng khác gì một bản cáo trạng dành cho ông Ngân: “có dấu hiệu phá hoại uy tín doanh nghiệp lớn”, “động cơ không rõ ràng”, “gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”.
Từ một mộc mạc và dũng cảm được nhân dân yêu mến, ông Ngân bị biến thành một kẻ phá hoại, một loại tội phạm tiềm năng. Một ngày sau cuộc họp báo, toàn bộ hệ thống báo chí nhà nước cũng trở mặt theo, đồng loạt đưa tin với giọng điệu quy chụp, bẻ cong sự thật, hướng dư luận về phía ông Ngân như một cá nhân “mờ ám”.
Trong khi đó, C.P. Việt Nam vẫn bình thản kinh doanh, tiếp tục phân phối hàng triệu tấn thực phẩm mỗi năm, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Với tư cách là cựu nhân viên của Công ty C.P., ông Liễu Quý Ngân đã công khai nhiều hình ảnh và video trên mạng xã hội, phản ánh việc công ty này trà trộn thịt heo bệnh, thịt gà hôi thối vào chuỗi cung ứng thực phẩm, từ đó phân phối đến khắp các siêu thị và chợ trên toàn quốc. Tài khoản “Jonny Lieu” và “Ngân Tech” đã trở thành nơi phơi bày những sự thật kinh hoàng cho trăm triệu dân Việt: heo bị áp xe, bốc mùi, mủ chảy ra từ thân xác, thịt đổi màu thối rữa – tất cả vẫn được cho đóng dấu kiểm dịch và đưa vào hệ thống tiêu thụ.
Đáng nói, chính đại diện của C.P. Việt Nam cũng thừa nhận những hình ảnh mà ông Ngân đăng tải là đúng, rằng chúng được chụp tại một cơ sở giết mổ liên kết của công ty tại tỉnh Hậu Giang vào năm 2022. C.P. lập luận rằng số thịt đó “đã được xử lý nội bộ” và không đưa ra thị trường, nhưng lại không có biên bản tiêu hủy, không có bằng chứng nào chứng minh. Ba trong số bốn cửa hàng của C.P. tại Sóc Trăng còn bị phát hiện sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã hết hạn. Thế nhưng, kỳ lạ thay, sau tất cả, C.P. vẫn trắng án. Thậm chí không có một giấy phạt về việc đã làm.
Người xưa có mô tả những thảm cảnh nhân gian, người chứng kiến chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà khóc. Nhưng ở Việt Nam, khóc cũng có thể là tội “tuyên truyền chống chế độ”. Với vô số những án oan, những kết luận đổi trắng thay đen từ bao nhiêu năm nay do hệ thống công an cầm trịch, chắc không còn ai khóc nổi cho phận mình, nói gì đến phận người.
Người dân Việt Nam không còn lạ gì với những “kết luận điều tra” đầy mùi tanh như vậy. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, câu thành ngữ “nén bạc đâm tạc tờ giấy”, “có tiền có quyền được nói”… được lặp đi lặp lại như một điệp khúc bi hài cho nền công lý rách rưới bởi tiền bạc và quyền lực.
Đây không phải là lần đầu tiên. Người ta đã từng chứng kiến những vụ án đất đai tại Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng… những bản án oan sai với dân thường như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Đã có rất nhiều con người bị giam giữ chỉ vì lên tiếng cho công bằng. Những người dám đứng lên vì sự thật – từ nhà báo độc lập đến các công dân mạng – đều có nguy cơ trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào nếu đụng vào lợi ích của những nhóm quyền lực.
Hệ thống điều tra không còn là cánh tay thực thi công lý, mà đã trở thành công cụ bảo vệ lợi ích nhóm, sẵn sàng quy chụp, dựng chuyện và đẩy người vô tội vào vòng lao lý. Đó là chân dung thật của Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
Việc điều tra “động cơ hành vi” của ông Liễu Quý Ngân, có thể là công an đe dọa để ông im miệng hẳn, cũng có thể là muốn bỏ tù thật, giúp cho C.P Việt Nam rửa mặt. Ở mức án thấp nhất ông Liễu Quý Ngân có thể phải ở tù từ 6 tháng đến một năm. Hiện nay, vốn là một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, đang từng ngày chống chọi với bệnh tật, chỉ cần bị giam giữ một tuần không có điều trị, ông Ngân cũng có thể qua đời.
Cái giá mà ông Ngân phải trả cho sự ngay thẳng, lại là sự cô lập, đe dọa, và nguy cơ bị truy tố hình sự. Năm 2022, ông từng bị hai kẻ lạ mặt dùng dao tấn công sau khi tố cáo nội bộ lên lãnh đạo công ty – một dấu hiệu đáng sợ về những thế lực đứng sau sẵn sàng trừng phạt kẻ dám nói thật.
Liệu có ai còn đủ dũng cảm sau vụ việc này? Liệu thế hệ trẻ có còn tin vào pháp luật khi chứng kiến một người nói thật lại bị đẩy vào tội danh? Và quan trọng nhất, liệu một xã hội mà sự thật bị bóp méo, công lý bị điều khiển có thể tiếp tục phát triển lành mạnh?
Chia buồn với sự thật và lương tâm. Tương lai của đất nước Việt Nam – nơi một xã hội nơi sự thật bị bịt miệng, và công lý mãi mãi chỉ là một chiếc mặt nạ giả tạo. Người dân chỉ có thể giả dại, và chờ ngày mọi thứ sụp đổ.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.