Bình luận: Khi chế độ mời kẻ xâm lược đến dẫm lên ngày độc lập

Sự thiếu minh bạch không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, mà còn tạo sự khinh ghét trong cộng đồng quốc tế.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, Việt Nam mời đoàn quân Trung Quốc tham gia duyệt binh tại Sài Gòn – một quyết định mang ý nghĩa “trả ơn” sự hỗ trợ tuyệt đối của nước láng giềng phương Bắc – đã khiến dư luận trong nước chia rẽ và mâu thuẫn. Chưa đầy bốn tháng sau, đến lễ Quốc khánh 2 tháng 9, Hà Nội tiếp tục gửi lời mời đến đoàn quân sự Nga – quốc gia đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì xâm lược Ukraine.

Hai hành động nối tiếp này không chỉ là sự kiện đối ngoại đơn thuần, mà là thông điệp chính trị đáng để đặt dấu hỏi lớn: Liệu chiến lược đối ngoại của Việt Nam đang đi theo định hướng nguyên tắc “cây tre”, hay đang ngày càng bị chi phối bởi thực dụng và toan tính quyền lực như con rắn nhiều đầu?

Chủ trương đối ngoại “cây tre” – mềm mại, linh hoạt nhưng kiên định – từng được truyền thông nhà nước Việt Nam tô vẽ như một hình ảnh tích cực, đại diện cho sự khéo léo trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Tuy nhiên, việc liên tiếp mời hai quốc gia nổi tiếng bá quyền – Trung Quốc và Nga – tham gia duyệt binh trong các ngày lễ có ý nghĩa độc lập của đất nước, lại khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu đó là sự khéo léo hay là biểu hiện xum xoe cúi đầu?

Việc mời Trung Quốc – quốc gia có những hành vi lấn chiếm biển - đảo - đất liền của Việt Nam, đồng thời thường xuyên có thái độ gây hấn với láng giềng – đến duyệt binh tại Sài Gòn, không thể không gây choáng váng với người dân Việt Nam, đặc biệt tại miền Nam. Cũng vậy, lời mời dành cho Nga – trong bối cảnh quốc tế đang đồng loạt lên án hành vi xâm lược của Moscow – không chỉ đơn thuần là quan hệ song phương, mà là tín hiệu chính trị mà Việt Nam phát đi trước cộng đồng quốc tế.

Điều đáng chú ý là cách hành xử ngoại giao của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế cũng mang dấu ấn rõ rệt của sự “hoạt đầu quá mức”.

Trong suốt hơn hai năm đầu của cuộc chiến Nga - Ukraine, Việt Nam nhiều lần bỏ phiếu trắng hoặc không ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành vi xâm lược của Nga. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm 2025, khi Nga có dấu hiệu suy yếu, còn Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và quân sự với phương Tây, Hà Nội bất ngờ thay đổi lập trường, bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga. Một cú “chuyển hướng” khó lý giải nếu đặt trong khung đạo lý, nhưng dễ hiểu nếu nhìn dưới lăng kính lợi ích chiến thuật kiểu chợ trời, sớm đầu tối đánh.

Các phát ngôn chạy chữa từ phía Việt Nam về việc bỏ phiếu thuận, coi Nga là kẻ xâm lược, luôn được nhấn mạnh lập trường “không chọn phe”, “ủng hộ giải pháp hòa bình” và “tôn trọng luật pháp quốc tế”. Nghe cứ như là cốt lõi chân chính của ngoại giao hiện đại. Nhưng lời nói của Hà Nội không đi đôi với hành động – ví dụ như đi đêm tìm hiểu về chiến lược quân sự của Ukraine, quốc gia đang chống Nga hiệu quả trong khả năng yếu hơn, lại trải thảm đỏ cho Nga – thì dư luận có quyền hoài nghi: liệu đây có phải là trung lập thực sự, hay là trò con buôn đạo lý rẻ mạt?

Đặc biệt, việc Việt Nam bị tiết lộ đang hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực hàng không, hải quân và kỹ thuật quốc phòng, lại không được phản ánh trong chính sách đối ngoại công khai, cho thấy hành động như con rắn nhiều đầu. Sự thiếu minh bạch không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, mà còn tạo sự khinh ghét trong giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế.

Ngày 2 tháng 9 được ghi nhớ như mốc son của nền độc lập, mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố thoát khỏi ách thống trị thực dân. Đó là ngày tượng trưng cho tinh thần tự do, chủ quyền và khát vọng phát triển độc lập. Nhưng khi chính quyền lựa chọn mời các đoàn quân đến từ những quốc gia từng xâm lược – thậm chí là quốc gia đang xâm lược, giam nhốt ngư dân của mình – câu hỏi lớn được đặt ra: Hà Nội đang vinh danh điều gì? Và họ đang gửi đi thông điệp gì đến người dân, đến cộng đồng quốc tế?

Bởi lẽ, duyệt binh không chỉ là hoạt động mang tính hình thức. Đó là dịp để quốc gia thể hiện bản lĩnh quân sự, khẳng định vị thế và chọn bạn đồng hành. Việc lựa chọn khách mời cho những buổi lễ này, do đó, không thể tách rời yếu tố chính trị và đạo lý. Sự hiện diện của các đoàn quân Trung Quốc và Nga không chỉ làm lu mờ ý nghĩa của ngày Quốc khánh, mà còn khiến dư luận quốc nội cảm thấy xa lạ, thậm chí tổn thương, với thông điệp mà chính quyền muốn truyền tải.

Không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh quốc tế đầy cạnh tranh và biến động, các quốc gia nhỏ như Việt Nam buộc phải linh hoạt, phải biết tận dụng cơ hội từ nhiều phía. Nhưng sự linh hoạt ấy phải dựa trên nền tảng nguyên tắc và đạo lý nhất định. Khi mọi quyết định đều dựa trên toan tính thực dụng, khi mọi mối quan hệ đều bị quy đổi thành lợi ích trước mắt, nhân phẩm của một dân tộc bị xem thường, thì chính sách đối ngoại không còn là công cụ bảo vệ độc lập, mà trở thành trò chơi quyền lực ngắn hạn của một đảng phái, dễ phản tác dụng về lâu dài.

Người dân có thể chấp nhận sự mềm dẻo, thậm chí sự thỏa hiệp, nếu điều đó phục vụ cho hòa bình, phát triển và an ninh quốc gia. Nhưng người dân cũng cần một chính sách đối ngoại minh bạch, có nguyên tắc, có chính danh và lòng tự trọng của một nước. Khi chính sách ngoại giao trở thành công cụ phục vụ cho sự tồn tại của một nhóm quyền lực, thay vì lợi ích dài hạn của đất nước và nhân dân, thì “cây tre” ấy, dù có mềm đến đâu, rồi cũng sẽ gãy đổ như chính chế độ đang lạm dụng nó.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.