Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to save target as this audio
Vào cuối tháng 2, sau tai nạn làm tiêu hủy phi thuyền Columbia của Hoa Kỳ, chúng tôi đã trình bày một cuộc phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một nhà khoa học VN trực tiếp hoạt động trong địa hạt hàng không-không gian trong nhiều thập niên. Trong Tạp chí Khoa học-Kỹ thuật tuần này, chúng tôi mời quý vị nghe Đức Duy trở lại phỏng vấn GS Vinh, hiện nay cùng với gia đình cư ngụ tại San Jose, trong bang California...
Có hai lý do cho cuộc phỏng vấn lần này. Một là anh Đức Duy, sau chương trình hôm nay, sẽ thôi không cộng tác với Đài Á châu Tự do nữa. Anh nghĩ bây giờ là lúc anh nên về hưu hẳn. Lý do thứ hai là không kể đến tình bạn lâu năm với GS Vinh, anh Đức Duy rất khâm phục những công lao đóng góp của GS Vinh trong ngành không gian và muốn tiếp xúc với nhà khoa học này một lần chót trên làn sóng phát thanh. Và cũng là tạo thêm một cơ hội để GS Vinh nói đến giới trẻ VN mà ông hằng quan tâm đến...
Ðức Duy: Chào anh Vinh, tôi rất vui thích được trở lại tiếp xúc với anh ngày hôm nay tiếp theo sau cuộc phỏng vấn vào khoảng cuối tháng 2 về tai nạn tàu Columbia. Trước hết, sau gần 5 tháng điều tra của cơ quan không gian NASA về vụ tai nạn làm tiêu hủy phi thuyền, anh có ý kiến gì thêm về vụ này hay không?
GS Vinh: Chào anh Ðức Duy. Những tin tức về kết quả điều tra thảm nạn về phi thuyền Columbia thì tôi cũng chỉ biết qua báo chí kể cả những báo chuyên môn mà tôi vẫn nhận được, theo tôi hiểu thì nguyên nhân của tai nạn là đã có sự mất đi của một mảng những gạch sứ bao che cho làn vỏ dưới bục phi thuyền chống lại sự tăng nhiệt khi bay vào bầu khí quyển, những bộ phận bị lộ ra trong đó có hệ thống bánh đáp chắc vì không chịu được sức nóng nên đã nổ tung kéo theo sự tan vỡ của cả phi thuyền. Còn vấn đề tại sao lại có sự đụng chạm để mất đi cả một mảng chống nhiệt và đề nghị tu bổ lại cho những chuyến bay tương lai được an toàn, thì sau khi Ủy ban điều tra đưa ra báo cáo thì mình mới biết được, theo tôi hiểu thì khoảng chừng 1 tháng nữa báo cáo được đưa ra. Nhưng ý kiến hiện nay của NASA thì sự tu bổ cũng không khó khăn lắm và những chuyến bay lên trạm Không gian Quốc tế bằng phi thuyền con thoi có thể bắt đầu lại vào đầu năm tới.
Ðức Duy: Như thế tức là sẽ không có đe dọa gì tới trạm không gian ISS?
GS Vinh: Ðiều đó thì tất nhiên phải tiếp tục điều hành và hiện nay vẫn còn trông vào sự sử dụng những phi thuyền của Nga để đưa người lên và đưa người trở về.
Ðức Duy: Nói về tương lai xa một chút, anh Vinh nghĩ sao về hướng đi của NASA tiếp theo sau tai nạn này chắc chắn là họ sẽ thay đổi phần nào, và xa hơn nữa người ta thường nói đến sứ mạng đưa người lên Hỏa Tinh. Vậy anh Vinh nghĩ sao?
GS Vinh: Theo tôi nghĩ thì tôi chắc rằng điều đó ở trong chương trình nghiên cứu tương lai của loài người, bao giờ cũng muốn được lên các hành tinh, thế nhưng sự thực hiện chắc còn hơi lâu. Vì hiện nay, sự cần thiết phải nghĩ đến việc bảo vệ Trái Ðất để chống lại các tiểu hành tinh có thể đe dọa được và dùng trạm không gian để thực hiện những việc bảo vệ cho đời sống trên Trái Ðất này.
Ðức Duy: Ðó là câu chuyện về lâu về dài. Nhưng vừa rồi như anh vừa nói đến tiểu hành tinh, tôi nhớ gần đây Nhật Bản có phóng phi thuyền lên tiểu hành tinh mà họ có tham vọng tìm cách cho đáp xuống tiểu hành tinh đó để mang về một mẩu chất liệu của thiên thể đó, và Trung Quốc, theo như tôi biết, cũng tìm cách đưa người lên không gian. Anh Vinh có ý kiến như thế nào về những hoạt động không gian của 2 nước này, Nhật Bản và Trung Quốc?
GS Vinh: Theo tôi hiểu, Trung Quốc bao giờ cũng có mộng đưa phi thuyền chở người của họ lên trên. Với kỹ thuật hiện nay của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng việc chế tạo một phi thuyền chở được một hoặc hai người thì cũng không khó khăn cho lắm. Còn Nhật Bản, thì tôi được biết... Tôi có một cựu sinh viên tiến sĩ của tôi là Tiến sĩ Daniel, chuyên môn của ông là nghiên cứu về sự bay xung quanh những tiểu hành tinh có hình thù khác với hình tròn của các hành tinh khác, thành ra những quỹ đạo chung quanh nó cũng hơi phức tạp và ông nghiên cứu những vật thể có thể hạ được xuống tiểu hành tinh. Nhờ những công trình đó mà chính tên của ông đã được dùng để đặt tên cho một tiểu hành tinh mà ông mới tìm ra ở đài thiên văn Hawaii cách đây vào khoảng 10 năm.
Ðức Duy: Ông mà anh đang nói tới có phải là người Nhật Bản không?
GS Vinh: Không, ông ta là người Mỹ, nhưng mà tôi được biết rằng trong 2, 3 năm vừa qua, có lẽ bây giờ vẫn còn, hàng năm ông được mời sang Nhật để làm cố vấn cho một vài chương trình không gian, thì tôi chắc là cho chương trình đó.
Ðức Duy: Thưa anh Vinh, tôi biết anh đã từng giúp cho NASA vào thời điểm hoạt động ban đầu của cơ quan không gian này. Vậy anh có thể nhớ lại, vì dù thế nào đi nữa thì anh cũng đã từng đóng góp vào những công việc ban đầu của NASA, và cho chúng tôi biết một phần nào?
GS Vinh: Trong khoảng từ năm 1962 đến 1968, tại đại học Colorado mới đầu tôi là sinh viên tiến sĩ và sau đó là ban giảng huấn thì tôi có sự may mắn là được làm việc với 2 khoa học gia xuất chúng. Hai vị này là chuyên gia về khí động lực học ở tốc độ siêu quán canh tức là cho những vật bay gấp 20 lần tốc độ của âm thanh, tức là tốc độ của các phi thuyền trở về bầu khí quyển. Ðồng thời họ là những người về vật lý học mà tôi lại có căn bản cao học về toán nên đã làm chung với hai vị này và chúng tôi đã thực hiện một số công trình nghiên cứu cho không quân Hoa Kỳ và NASA. Những khảo cứu này là những lý thuyết căn bản về phi hành không gian và những kết quả quan trọng thì được cơ quan NASA in ra như là những bản tường trình, và những bản báo cáo này có thể hỏi mua được.
Ðức Duy: Tôi cũng muốn hỏi anh thêm là trong khoảng 30 năm anh dạy học riêng về môn khoa học không gian, thì anh có điều gì mà đáng chú ý và muốn kể lại cho thính giả của chúng tôi được biết không?
GS Vinh: Cũng có người hỏi tôi rằng là đã có những kết quả nào đáng kể thì thực ra trong khoảng thời gian 30 năm khi làm khảo cứu, chuyển từ phạm vi này sang phạm vi khác, từ môn này snag môn khác, thành ra cũng khó mà nói lắm. Thế nhưng vào năm 1994, tôi được hội American Institute of Aeronautics and Astronautics là một hội của các kỹ sư và khoa học gia chính thức của Hoa Kỳ tặng tôi một giải thưởng về Ðiều Khiển Phi Hành. Họ có tuyên dương và có khắc trong tấm huân chương để trao cho tôi là về toán học, về điều khiển phi hành trong bầu khí quyển và ở ngoài vũ trụ. Tôi nghĩ sự đóng góp của tôi về quỹ đạo tối ưu, tìm những đường bay có ích lợi nhất, tìm những đường bay có sự tăng nhiệt tối thiểu được an toàn cho độ gia tốc ở mức độ giới hạn để trong tương lai các phi thuyền có thể chở hành khách được.
Ðức Duy: Theo tôi hiểu thì đây cũng là một trong những đề tài mấy cuốn sách mà anh viết và xuất bản giúp cho các nhà khoa học không gian phải không ạ?
GS Vinh: Vâng, Tôi có viết 3 cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên nói về bay trở về bầu khí quyển của những phi thuyền không gian mà đặc biệt là ngoài bìa cuốn sách có in hình một chiếc phi thuyền con thoi bay trở về khí quyển, nhưng cuốn sách đó lại phát hành vào năm 1980, tức là 1 năm trước khi phi thuyền con thoi Columbia bay lên quỹ đạo lần đầu tiên. Những lý thuyết đó cho đến nay vẫn được người ta dùng để dạy học, viết bài. Sau đó, tôi có viết thêm 2 cuốn sách: một cuốn khảo cứu, nhưng mà cuốn sau cùng là nói về lý thuyết bay của các phi cơ siêu thanh thì là do nhà xuất bản đại học Cambridge ở Anh Quốc in ra, và cuốn sách này vẫn được in lại đều đều hàng năm.
Ðức Duy: Anh cũng đã có rất nhiều dịp được mời đi thỉnh giảng tại các đại học của các cơ sở không gian nước ngoài như là Nhật Bản, Ðại Hàn chẳng hạn. Anh có thể cho chúng tôi biết một đôi điều về những dịp này chăng?
GS Vinh: Ngoài 3 cuốn sách như tôi đã nói, tôi cũng có viết khoảng 100 bài khảo cứu về quỹ đạo tối ưu và phương pháp du hành trong không gian và lý thuyết bay trong bầu khí quyển. Nhờ những bài viết đó hay được các khoa học gia quốc tế nhắc đến trong bài khảo cứu của họ nên tôi được những chuyên gia về môn cơ học phi hành của nhiều nước biết đến và đôi khi họ cũng mời đến để giảng dạy những khóa ngắn hạn 2 tuần lễ, thì tôi đã đến giảng dạy ở Pháp, Ba Tây, Nhật, Ðài Loan, và Ðại Hàn.
Ðức Duy: Thưa anh Vinh, chúng tôi biết từ lâu nay anh rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam không những ở Hoa Kỳ mà còn ở khắp các nơi. Anh có thể nào cho chúng tôi biết một vài hoạt động nhắm vào giới trẻ sau khi anh đã về hưu không?
GS Vinh: Từ ngày tôi dọn về California đầu năm 1999 tôi vẫn thường được mời đi các nơi để thuyết giảng cho giới trẻ, chẳng hạn cách đây 3 tuần tôi có lên San Luis, Missouri, để nói chuyện trong buổi lễ phát giải thưởng cho một em xuất sắc và có tinh thần phục vụ cộng đồng.
Ðức Duy: Thưa anh Vinh, với tư cách là một nhà khoa học, anh có lời khuyên nào đối với giới trẻ Việt Nam khi mà họ nghe cuộc phỏng vấn này.
GS Vinh: Nếu mà tôi có thể nói được với các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước hay ở hải ngoại mà đang theo dõi chương trình phát thanh này thì tôi có thể nói: tuy xa quê hương đã lâu ngày, nhưng lúc nào lòng tôi cũng hướng về đất nước, trong tương lai Việt Nam mình phải là một nước hùng cường, phải có một nền kinh tế vững vàng vì nước ta có nhiều thành phần nhiên liệu trong đất liền và ngoài biển khơi. Người dân Việt cần cù, hay làm việc và trọng truyền thống gia đình. Chúng ta lại thông minh hiếu học. Nên hiện nay có thể nói là có cả một thế hệ đầy đủ khả năng nguồn nhân lực thật là phong phú, sẵn sàng để mà xây dựng đất nước. Nếu mà chúng ta được sống trong một thể chế dân chủ, nhân quyền được tôn trọng thì người dân sẽ phấn khởi và kiên trì trong công việc và đất nước chắc chắn sẽ được hưng thịnh. Thế hệ trẻ hiện thời sẽ là người lãnh đạo trong tương lai. Vậy tôi khuyên các bạn trẻ nên có gắng học hỏi, luyện tài, tập trí và phải liên kết tương trợ và hướng dẫn lẫn nhau, sau này khi đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, thì các bạn sẽ cùng nhau đưa đất nước trở nên phú cường.
Ðức Duy: Ðến đây xin cảm ơn anh Vinh rất nhiều đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin chúc anh trong tất cả mọi hoạt động từ nay trở đi và nhất là hướng đến giới trẻ Việt Nam ở Hoa Kỳ luôn luôn được thành công.
GS Vinh: Cảm ơn Anh Ðức Duy và xin chào quý thính giả của đài Á Châu Tự Do.