Đổi mới nhưng không đổi mầu

Lời giới thiệu: "Chúng ta đổi mới nhưng quyết không đổi mầu", đây là lời xác quyết của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Cộng Sản. Bài diễn văn của ông được giới quan sát quốc tế đặc biệt chú ý. Trước hết ông là nhà lãnh đạo cao nhất nước trong bộ ba Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Thứ đến là sau nhiều năm theo dõi sự trì trệ ở Việt Nam và bắt đầu nản lòng, người ta cũng muốn biết là nhân một năm mở đầu cho một thế kỷ mới, nhà cầm quyền Hà Nội có đưa ra được điều mới lạ để báo hiệu một sự chuyển hướng nào không? Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam về lời tuyên bố nhất quyết không chuyển hướng của ông Lê Khả Phiêu...Ba ngày trước Tết, nhân dịp sửa soạn đón Xuân và kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã đọc một bài diễn văn khá dài, trong đó ông xác quyết nhiều điều quan trọng. Quan trọng vì ngoài sáo ngữ cố hữu để ca tụng thành tích đảng, ông cũng đề cập tới một số vấn đề của đất nước và qua lời tuyên bố này, dư luận trong và ngoài nước cũng có được vài ý niệm về hướng đi trong những năm tới của đảng Cộng Sản Việt Nam mà ông là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm trên nguyên tắc. Thực ra, nếu không kể loại đảng viên còn nghe đảng vì đặc lợi đặc quyền nhiều hơn là vì niềm tin, thì từ lâu người dân không còn để ý tới những lời tuyên bố tràng giang đại hải, theo kiểu nói lấy được của lãnh đạo. Nhưng hướng đi lại là vấn đề mọi người cần biết, vì như lời một nhà ngoại giao Tây phương ở Hà Nội, rằng "nếu họ muốn độc quyền lãnh đạo thì ít nhất cũng phải cho biết là lãnh đạo để đi đâu chứ". Vì lý do này, bài diễn văn của ông Phiêu tất nhiên mang tính cách quan trọng. Trước hết ông nói về lịch sử đảng Cộng Sản và ca tụng vai trò của Hồ Chí Minh khi khởi đầu cuộc tranh đấu trống thực dân. Ông Hồ chọn con đường xã hội chủ nghĩa vì tưởng là chỉ có chủ nghĩa xã hội và cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức. Đây là sự lựa chọn của kẻ bị mê hoặc bởi tư tưởng Lenin, tư tưởng mà ông Hồ gọi là "mặt trời chân lý". Vì bị mê hoặc, Hồ Chí Minh mới thành cán bộ Đệ tam Quốc tế và được Đệ tam gửi về Á Châu hoạt động, để lập ra đảng Cộng sản, cho mục tiêu của Liên Xô .Ông Phiêu ca tụng hết lời sự lựa chọn của Hồ Chí Minh, mà quên là sự lựa chọn này khiến dân Việt Nam phải trả một giá quá đắt, từ cách mạng tan hoang đến chiến tranh tàn phá suốt 30 năm trời. Ông quên rằng bao dân tộc khác ở Á hay Phi Châu đã thoát ách thực dân và giành được độc lập sau Đệ nhị Thế chiến mà khỏi qua con đường tai họa vì nghèo nàn và áp bức của cộng sản. Người ta chỉ cần nhìn vào trường hợp của Ấn Độ, Indonesia ở Á Châu hay của một số nước ở Phi Châu như Maroc, Tunisia v.v... cũng đủ thấy là các phong trào giải phóng dân tộc không nhất thiết phải qua cuộc thử nghiệm cộng sản vô cùng đắt giá của ông Hồ Chí Minh. Một ý thứ hai trong bài diễn văn là nhận định của ông Phiêu về chủ nghĩa đế quốc. Theo ông, ngày nay chủ nghĩa đế quốc vẫn tồn tại và sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, nó tiếp tục tìm cách xóa bỏ hoàn toàn các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Ông còn thêm rằng: "Khi chủ nghĩa đế quốc thúc đẩy tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư toàn cầu, nước giầu càng giầu thêm, khoảng cách giữa nước giầu và nước nghèo, người giầu và người nghèo càng xa hơn". Một lần nữa ông Phiêu cố quên rằng chủ nghĩa đế quốc chỉ là sản phẩm lý luận của Lenin hồi đầu thế kỷ nhằm giải quyết nhu cầu bảo vệ đế quốc Xô viết của mình. Trong khi đó, chế độ tư bản không giẫy chết như Marx tiên đoán, mà đã chuyển hóa và còn tạo ra phồn thịnh cho nhiều nơi trên thế giới. Như mọi lãnh tụ độc tài của một xứ lạc hậu, ông Phiêu đổ trách nhiệm cho quốc tế, cho thị trường, cho ngoại bang, cho tư bản, đế quốc, cho các nước giàu có, vân vân... về bao lầm lẫn và bê bối của chế độ ông. Thực ra, về xu hướng kinh tế thị trường và toàn cầu hóa thì ngay Trung Quốc cũng đã theo từ cuối năm 1978, khi mà đảng của ông Phiêu còn say mê khẩu hiệu tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa, làm cho kinh tế kiệt quệ. Ngày nay, sau khi ký với Hoa Kỳ thỏa ước mở đường gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, chính chủ tịch Giang Trạch Dân đã tuyên bố tháng trước, rằng thế giới ngày nay là một thế giới mở cửa. Rằng ở Trung Quốc cũng như ở các nước khác, thực tế đã chứng minh là không thể phát triển kinh tế nếu không hội nhập với thế giới bên ngoài"Một ý thứ ba trong bài diễn văn của ông Phiêu là lời khẳng định, rằng "Chúng ta đổi mới nhưng quyết không đổi mầu". "Chúng ta kiên định con đường đã lựa chọn... là xây dựng đất nước quá độ lên xã hội chủ nghĩa". Như vậy có nghĩa là để tiến lên xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ không đi xa hơn chủ trương mơ hồ hiện nay là một mặt "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và mặt khác thì giữ chặt quyền thống trị độc tài. Nói cách khác, nước Việt Nam do đảng Cộng Sản lãnh đạo sẽ tiếp tục cuộc thử nghiệm cộng sản, một cuộc thử nghiệm đã thất bại bên Nga và các nước Đông Âu, và đang bị chính Trung Quốc chối bỏ dần về thực tế. Trong những ngày Xuân, khi được nghe những lời tuyên bố không mấy hứa hẹn của ông Lê Khả Phiêu chắc người dân cũng chẳng thấy lạ vì đã quá quen nghe loại khẩu hiệu đó từ lâu rồi. Nhưng giới quan sát quốc tế thì quả là ngỡ ngàng với những sinh hoạt kỷ niệm 70 năm thành lập đảng. Như nhật báo South China Morning Post, số mùng 3 tháng Hai vừa qua, đã thuật lại lời của giới ngoại giao có mặt tại buổi lễ kỷ niệm ở Hà Nội, là có người đã phát biểu, rằng: "Tôi lại nhớ đến Bắc Hàn". Bên cạnh, vị đại sứ của một nước Tây phương thì nói: "Tôi thẫn thờ cả người, và phải tự hỏi, rằng chúng ta đang ở thế kỷ nào đây?"Trần Sơn Nam