Xu thế chính trị của Moscow và chọn lựa của Hà Nội

Lời giới thiệu: Trong tuần qua, Ngoại trưởng Igor Ivanov của Nga đã thăm viếng Bắc Hàn, Nhật Bản và sẽ tới Việt Nam đầu tuần tới. Ít lâu nay, những ráo riết chuẩn bị tranh cử của quyền tổng thống Putin, phản ứng của Liên hiệp Âu châu với chánh sách gây hấn của Nga, và nỗ lực kết hợp giữa Trung Quốc với Liên bang Nga nhằm xây dựng một thế giới đa cực để đối lập với Hoa Kỳ và Tây phương đã được thế giới chú ý, và sẽ càng nổi bật với chuyến Á du này của Ngoại trưởng Ivanov. Sự chuyển động quốc tế trên càng phơi bày rõ ràng hơn vai trò của Hà Nội, như được tổng bí thư Lê Khả Phiêu xác nhận trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập đảng. Với phần biên tập của Võ Thành Văn, mục Thời sự Trong tuần xin tổng kết về những chuyển động trên...Trước khi thủ tướng Vladimir Putin được tổng thống Boris Yeltsin chỉ định làm quyền tổng thống, người ta đã thấy sự thất vọng của Liên bang Nga đối với giải pháp cải cách theo hướng tự do hơn về kinh tế và dân chủ hơn về chính trị như các nước Tây phương đã mong muốn. Về mặt đối ngoại, quần chúng lẫn đa số lãnh đạo, từ tả qua hữu, còn sớm quên bao khoản viện trợ lớn lao mà các xứ Tây phương đã bỏ ra trong ngót 10 năm để trợ giúp kinh tế Nga. Tinh thần bài xích Tây phương, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phản ứng đầy mặc cảm của một siêu cường nay chỉ còn là một xứ mục nát, đã phần nào đưa tới sự xuất hiện của ông Validimir Putin. Ông Putin là đảng viên cộng sản theo phe cải cách thời Gorbachev, người có trách nhiệm về tình báo, và được phe quân đội ủng hộ. Ông lên làm thủ tướng để ổn định tình hình và khôi phục danh dự Liên bang Nga. Là quyền tổng thống và đang tranh cử, ông cần một thắng lợi quân sự tại Chechnya, và một thắng lợi chính trị khi khẳng định tư thế đối lập của Nga trước phe dân chủ Tây phương, mà vẫn khất được nợ và xin được tiền. Trong lâu dài, có lẽ ông còn phải giải quyết nhiều vấn nạn khó hơn nữa. Đó là tìm giải pháp khai thông cho nước Nga của ông, về cả hai mặt nội trị và đối ngoại. Trong khi đó, vẫn cố dung hợp hai điều đối lập, là với thực lực rất kém làm sao thỏa mãn nỗi khát khao khôi phục tư thế Đại Nga từng có thời Liên xô, một nỗi khát khao tâm lý khá phổ biến trong quần chúng Nga. Vụ Chechnya mới chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực xác định tư thế đó, và càng bị Tây phương lên án vì hành vi tàn sát dân lành trong vụ này, Putin càng được lòng dân, với hào quang là người vừa tiêu diệt bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Chechnya vừa cưỡng chống áp lực của Tây phương đáng ghét. Cùng chiến dịch Chechnya, phát động từ mùa Thu năm ngoái mà chưa đạt thắng lợi ngoạn mục như hứa hẹn với người dân, ông Putin đang củng cố tư thế đại cường Nga trong Khối thịnh vượng của Xứ độc lập CIS, sau hội nghị tháng rồi. Song song, ông phục hoạt mối quan hệ Liên xô từng có với các chư hầu hay khách hàng cũ, như Bắc Hàn,Việt Nam, Iraq... Khi Liên bang Nga dùng lại ngôn ngữ thời chiến tranh lạnh, và dụ dỗ hay hăm he các nước Cộng hòa độc lập, xưa nằm trong quỹ đạo Liên xô nay đã là hội viên hoặc đối tác Âu châu, thì Liên hiệp Âu châu phải có phản ứng. Tuần qua, ông Romano Prodi, Chủ tịch Hội đồng Âu châu, cơ quan hành pháp tối cao của Liên hiệp Âu châu, đã tuyên bố là tấn công vào một nước thành viên của Liên hiệp thì cũng như tấn công vào cả khối Liên hiệp Âu châu. Xưa nay, Liên hiệp Âu châu chỉ là một tổ chức hợp tác kinh tế, giờ đây lại lên tiếng về một vấn đề an ninh và rõ ràng nhắm vào thái độ gây hấn của Liên bang Nga. Tình hình đó càng làm cho người ta nhớ tới mâu thuẫn thời chiến tranh lạnh, khi còn Liên bang Xô viết.Trước đây, Liên xô đã có những quan hệ khác đặc biệt với một số quốc gia độc tài từ Á châu tới Phi châu hay Trung Nam Mỹ, điển hình là Bắc Hàn, Việt Nam, Angola, Mozambique,v.v... Sau khi Liên xô tan rã, 10 năm qua, đa số các xứ đó đã bị thả nổi, có khi bị lãng quên như Bắc Hàn, vì Liên bang Nga cần bang giao với Nam Hàn để có mối đầu tư và hợp tác kinh tế. Ngay cả một vài nước lớn xưa nay thường có quan hệ chặt chẽ với Nga vì lập trường chống Tây phương, như Ấn Độ, cũng có lúc thấy mối giao dịch với Nga bị xao nhãng dần. Gần đây, tình hình đã đảo ngược. Liên bang Nga đang nối lại mạng lưới bang giao đó, để tìm ra một số quốc gia độc tài, lạc hậu, hoặc bị quốc tế lên án, hầu giúp họ tiến hành một mặt trận quốc tế chống Tây phương, chủ yếu là chống Mỹ. Ba quốc gia được họ o bế nhất trong việc này là Iraq, Bắc Hàn và Việt Nam.Tuần qua, lãnh tụ cựu hữu của đảng Tự do Dân chủ của Nga là Vladimir Zhirinovsky loan báo đã thỏa thuận với tổng thống Saddam Hussein của Iraq việc chiến hạm Nga được hạ neo tại các quân cảng Iraq. Trước đó, ta thấy một tầu dầu của Nga bị câu lưu vì hình như giúp Iraq lén bán dầu và phạm lệnh cấm vận của Liên hiệp quốc vì tội tấn công Kuweit. Dường như Liên bang Nga đã kín đáo giúp Iraq bơm và bán dầu lậu để thoát vòng kiểm soát của Liên hiệp quốc. Dưới ánh sáng đảo điên này, ta mới nhớ tới chuyến công du Á châu của Bộ trưởng Noại giao Nga Igor Ivanov. Tuần qua, Ngoại trưởng Ivanov đã tới Bình Nhưỡng phủ dụ Bắc Hàn, với một Thỏa ước Hợp tác và Hữu nghị vừa được hai bên ký kết để hâm nóng quan hệ bị lạt phai trong thời gian qua. Sau đó, cùng với việc khai thông hồ sơ tồn tại với Nhật là bốn hòn đảo nhỏ tại quần đảo Kuriles, Ngoại trưởng Nga muốn vận động thêm viện trợ và đầu tư Nhật để mau chóng hồi phục kinh tế và giảm bớt ảnh hưởng của viện trợ Tây phương. Một số nhà quan sát còn tin rằng Nga muốn khéo gây ly gián trong mối quan hệ giữa Nhật và Hoa Kỳ nên có khi sẽ nhượng bộ về vụ bốn đảo Kuriles như tổng thống Yeltsin từng hứa hẹn trước đây với thủ tướng Nhật khi đó là Hashimoto.Chặng thứ ba của Ngoại trưởng Ivanov sẽ là tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt về mặt quân sự. Người ta biết xưa nay Hà Nội mua từ Nga tới 75% nhu cầu trang bị quốc phòng của mình, và tháng Tám năm kia đã quyết định mua thêm của Nga chiến đấu cơ loại Sukhoi 27 cùng nhiều võ khí khác. Năm ngoái, hai bên cũng đồng ý để oanh tạc cơ hạng nặng loại Bear 95 của Nga có thể hạ cánh tại Đà Nẵng, và hải đội Nga tiếp tục sử dụng căn cứ Cam Ranh, nơi vẫn có mấy trăm lính Nga đồn trú. Cho nên, nếu có nói là Nga đang trở lại thế trận xa xưa của thời chiến tranh lạnh và dùng Việt Nam như mũi xung kích Đông Nam Á thì cũng không sai. Nhưng Hà Nội có lợi gì trong vai trò tốt đen của Nga trên bàn cờ đó?Từ ít lâu nay, Liên bang Nga và Trung Quốc đều nói tới nhu cầu hợp tác chiến lược để lập thế đa cực trong quan hệ quốc tế hầu chấm dứt tình trạng độc bá, tình trạng họ gọi là "nhất cực" của Hoa Kỳ. Nhưng dù nói vậy, cả hai quốc gia cựu đồng chí và cừu thù đều có một suy nghĩ chung. Đó là họ e ngại nhau không kém gì e ngại Hoa Kỳ, và cả hai đều muốn mở chiến dịch chống Mỹ để củng cố tư thế lãnh đạo trong nội bộ, hầu dễ dàng mặc cả hơn với Mỹ ở bên ngoài. Lý do là dù rất ghét tinh thần dân chủ của Mỹ, cả hai quốc gia này đều cần tới phương tiện tài chánh và kỹ thuật của viện trợ và đầu tư của Tây phương và Hoa Kỳ. Mà càng cần thì càng phải gây áp lực để có thể đạt điều kiện rẻ hơn, có lợi hơn. Cách rẻ nhất là sai khiến xứ khác gây áp lực và hò hét chống Mỹ dùm cho họ.Nhìn vậy, có lẽ người ta cũng hiểu được rằng cả Nga hay Trung Quốc đều muốn Việt Nam lại trở lại chống Mỹ, để gây khó cho Mỹ trong điều kiện có lợi cho riêng hai nước đó. Đây là lý do vì sao Bắc Kinh khuyên Hà Nội không nên ký Hiệp định Thương mại với Mỹ, trong khi lại kín đáo đàm phán riêng với Mỹ để ký thỏa ước mở đường cho Trung Quốc được vào tổ chức WTO. Đây cũng là lý do khiến sau bộ trưởng Quốc phòng, đến lượt bộ trưởng Ngoại giao Nga đều phủ dụ Hà Nội, rằng quan hệ Việt-Nga là quan hệ chiến lược, và khuyến khích Hà Nội mua thêm võ khí của Nga để phòng ngừa những âm mưu xấu xa của chủ nghĩa đế quốc.... Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người làm cho mọi việc đều trở thành trong sáng rõ ràng vào dịp Tết vừa qua, khi lập lại ngần ấy lý luận chống kinh tế thị trường, tự do mậu dịch, dân chủ chính trị, v.v... y hệt như những lý luận mặt nổi của Nga và Trung Quốc. Điều đáng buồn là trong khi hai nước đó xúi các chư hầu độc tài và lạc hậu làm nhiệm vụ chống Mỹ cho họ, thì họ tiếp tục thương thảo ở cửa sau những điều có lợi cho họ. Tức là, một lần nữa, đảng Cộng sản Việt Nam lại bị sai đi làm nghĩa vụ cho xứ khác, lợi lộc chưa có, rủi ro thì nhiều, kết cuộc chỉ để bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng mà thôi...