Lời giới thiệu: Khi lên nhậm chức Thủ tướng tại Bắc Kinh, cách đây hai năm, ông Chu Dung Cơ loan báo sẽ không khoan nhượng với các thế lực xấu, như chánh án tham nhũng, giám đốc lười biếng, bọn buôn lậu có gốc lớn, viên chức nhà nước hoang phí hoặc cảnh sát tham ô, v.v... Viên thủ tướng mặt sắt, con người chả biết sợ một kẻ thù nào, nay lại cho thêm 14 nhà máy sản xuất đường hóa học vào danh mục các đối tượng cần thanh toán, dù chúng có mức lời cao và được nhà nước bảo vệ kỹ. Tìm hiểu về trường hợp này cũng là một cách tiếp vận với bài học nhập môn mà cơ bản về kinh tế. Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin nói tới bài học đó sau khi trình bày đại lược vấn đề của 14 công ty này. Nguyễn An Phú có bài nhận định sau đây về vấn đề này...Khi thông báo rằng mình sẽ hỏi thăm 14 doanh nghiệp nhà nước chuyên về sản xuất đường hóa học, gọi là saccharine, thủ tướng Chu Dung Cơ rõ là muốn tấn công một thành lũy vững chãi của hệ thống kinh tế quốc doanh, và chả ai tin rằng ông sẽ thành công. Chỉ vì trước đây, từ tháng Bảy năm 1992, các phủ bộ của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh từng ra lệnh kỹ nghệ đường hóa học này phải giảm sản lượng, mà kết quả trái ngược lại xảy ra. Sản lượng chẳng giảm mà còn tăng, và ngành này tiếp tục coi thường mọi khuyến cáo của chính phủ. Nay ông Chu Dung Cơ tố cáo kỹ nghệ đường hóa học là gây ra khủng hoảng nghiêm trọng nhất về đường kể từ năm 1949 đến nay, trong khi 14 nhà máy của ngành này lại có vẻ lời lớn, làm rất tốt nghĩa vụ ngân sách cho các thành phố, được các chính quyền này bảo vệ rất kỹ. Vấn đề có vẻ đầy mâu thuẫn đó khiến ta phải mở lại hồ sơ về ngành đường tại Hoa lục, và xuyên qua kinh nghiệm của họ mà tìm hiểu một bài học cơ bản về kinh tế và mục tiêu của chiến dịch Chu Dung Cơ. Điều cần biết đầu tiên là kỹ nghệ đường của Trung Quốc đã bị khủng hoảng nặng, mà các nhà máy sản xuất đường hóa học thì vẫn bình chân như vại và được các chính quyền địa phương bảo vệ rất kỹ. Từ bốn năm nay, kỹ nghệ đường bị lỗ liên tục, mất hơn một tỷ đô la Mỹ, và tiền nợ của đa số các nhà máy lọc đường lên tới hơn 80% trị giá tài sản; có 14% các nhà máy khác thì mắc nợ tới 120 %. Chúng nợ ngân hàng chừng một tỷ rưỡi; nợ công ty sản xuất hộp thiếc và nông dân cung ứng củ cải làm đường tới hơn 600 triệu đô la, và nợ chính công nhân viên trong các nhà máy đường hơn 12 triệu nữa. Không một ngành công nghiệp nhẹ nào của Hoa lục lại bị lỗ nặng tới như vậy. Và điều gai góc là ngành đường hiện thu dụng 320.000 công nhân, nuôi sống 40 triệu nông dân cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy, đa số sinh sống trong các vùng hẻo lánh miền Đông-Bắc hay Tây-Nam, và chẳng có giải pháp lao động nào khác....Nguyên nhân của nạn khủng hoảng trong ngành đường là sản xuất thừa, khi đường nhập lậu vẫn tăng mà số tiêu thụ thì giảm, và các nhà máy cũ thì thiếu tiền đầu tư để cải thiện năng suất. Họa vô đơn chí, kỹ nghệ đường lại còn bị tàn sát với loại đường hóa học saccharine, với độ ngọt gấp 500 lần đường lọc ra từ củ cải hay mía. Nói cho cụ thể, một tấn đường hóa học có thể thay 500 tấn đường lọc. Với 14 nhà máy sản xuất đường hóa học, Hoa lục cung ứng tới 90 yêu cầu của thế giới, và năm ngoái, họ đạt sản lượng 28.000 tấn. Trong khi đó, số bán trong nước, trong sáu tháng đầu năm ngoái lên tới gần 4.700 tấn; quy ra toàn năm thì có thể tới chừng 9.400 tấn, tương đương với gần 5 triệu tấn đường thường, tức là gần 60% số cầu nội địa.Mà đối với kỹ nghệ thực phẩm lẫn nhiều ngành công nghiệp sản xuất ngũ cốc, thuốc đánh răng, dược phẩm hay hóa chất, thì đường hóa học có giá trị kinh tế cao, vì tốn kém chỉ bằng 15% đường lọc. Vì vậy, tới 62,5% nhu cầu đường của ngành thực phẩm Trung Quốc là do đường hóa học cung ứng làm ngành đường lọc càng bị bế tắc, và nông dân trồng củ cải thì bị nghẹt vì bán không chạy, với sản lượng hiện đang ở mức cao nhất. Từ 3000 quan một tấn vào năm ngoái, giá đường lọc đã sụt một phần ba. Trong chuyến thăm viếng Vân Nam gần đây, nơi nông dân trồng mía rất nhiều, thủ tướng Chu Dung Cơ được nghe họ ta thán bèn lên tiếng can thiệp. Và ra lệnh nội trong ba năm các nhà máy làm đường hóa học sẽ phải đóng cửa, thiết bị tháo gỡ sẽ không được chở qua nơi khác để lại ráp chế và đưa vào sản xuất.Nhưng, nói thì dễ chứ thi hành thì khó, vì năm 1992, Quốc vụ viện tức là Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã quy định sản ngạch tối đa là 10.000 tấn, với 6.000 cho thị trường nội địa. Kết quả thực tế là năm 1998, công xuất thiết trí của các nhà máy đường hóa học đã lên tới 47 ngàn 500 tấn, sản lượng thực tế thì lên tới 28.500 tấn, tức là cao gần gấp ba sản ngạch quy định năm 1992. Trước sự thể đó, Ủy ban Kế hoạch và Thương nghiệp ra chỉ thị giảm sản lượng hồi tháng Tám năm 1998, và tới tháng Năm vừa qua, đến lượt Ủy ban Công nghiệp nhẹ ra có chỉ thị tương tự, mà không có kết quả, dù chính dân chúng cũng biết rằng đường hóa học có hại cho sức khỏe, và trên thế giới số cầu của các thị trường Á châu và Hoa Kỳ đều sụt.Vì sao mà chỉ thị của chính quyền trung ương lại không được chấp hành? Là vì, ở từng địa phương, chính quyền tại chỗ lại có lợi nhiều nhờ các nhà máy chế biến đường hóa học như vậy, và họ tích cực bảo vệ các nhà máy này, bất kể tới sự thiệt hại gây ra cho ngành khác. Kinh doanh đường hóa học coi là lời gấp ba, các nhà máy đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương và tuyển việc làm trả lương hậu cho công nhân viên chức tại chỗ, nên không ai muốn đóng cửa các nhà máy. Với bao vấn đề ngổn ngang cần giải quyết, thủ tướng Chu Dung Cơ nay muốn mở ra hồ sơ đường và có khi sẽ lại bị những bài học đắng chát vì đụng vào đặc quyền đặc lợi của một số quan chức địa phương.Nhìn từ khía cạnh kinh tế, người ta có thể rút tỉa được bài học gì trong vụ nhà máy đường hóa học này? Chúng ta cần nhớ tới một nguyên tắc cơ bản, là mọi lợi ích hay thiệt hại của bất cứ một giải pháp kinh tế nào cũng phải được cứu xét trên hai khía cạnh, thứ nhất là toàn diện, thứ hai là lâu dài. Nhà máy đường hóa học có thể đem lại mối lợi về tài chánh, ngân sách hay lao động cho một vài địa phương, nhưng mối lợi đó cần được so sánh với thiệt hại của các địa phương hay các ngành khác. Đường hóa học có thể đem lại mối lợi nhất thời, nhưng về dài cũng để lại nhiều di hại cho ngành khác, kể cả sức khỏe của giới tiêu thụ. Cho nên, quyết định kinh tế cần được thẩm lượng một cách toàn diện và trường kỳ. Trước đây, Trung Quốc không thấy điều đó nên Chu Dung Cơ mới gặp một vấn đề nhức đầu phụ trội trong thời gian tới.Khi xét vấn đề từ một giác độ khác, ta còn thấy rằng trong nền kinh tế thị trường, quyền tự do thông tin và chọn lựa của dân chúng sẽ giúp người ta sớm thấy rõ tính chất toàn diện và trường kỳ của từng giải pháp kinh tế, và giá cả sẽ là yếu tố giải quyết các hồ sơ dự án ít có giá trị. Nhưng, thị trường nhiều khi chẳng thể lập tức ứng phó được với điều bất lợi, nên chính quyền mới phải can thiệp vì lý do công ích của toàn dân. Điều đáng tiếc là trong chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc với màu sắc Trung Hoa, chính quyền có khả năng can thiệp rất mạnh vào thị trường, mà rốt cuộc lại chẳng ngăn ngừa nổi sự lạm dụng của các doanh nghiệp nhà nước, hoặc tay chân nhà nước, ở những cấp khác. Tại các xứ đó, như Trung Quốc hay Việt Nam, chính quyền có thể can thiệp khá độc đoán vào thị trường để ngăn chặn thành phần tư doanh phát triển một cách bình đẳng, chứ nhiều khi lại bó tay trước các thế lực quốc doanh, nhiều khi lại là cơ sở kinh tài cho đảng bộ ở địa phương. Đây là nguyên nhân chính khiến cho kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không là giải pháp có lợi lâu dài và toàn diện cho mọi thành phần trong xã hội.