Lời giới thiệu: Trong khi Ngoại trưởng Igor Ivanov của Nga thăm viếng Bắc Hàn, Nhật Bản và Việt Nam thì thời sự tuần qua lại quan tâm tới vụ thi đua võ trang của các nước Á châu, trong đó có vai trò khích động của chính nước Nga, một nguồn cung cấp võ khí đáng kể. Tình hình đó khiến dư luận không mấy để ý tới hội nghị UNCTAD thứ 10 của Tổ chức Mậu dịch Liên hiệp quốc, đang tiến hành tại Bangkok, nơi mà thủ tướng Phan Văn Khải của Hà Nội đã trình bày một quan điểm khác hẳn lý luận đấu tranh của tổng bí thư Lê Khả Phiêu hồi đầu tháng. Do nhiều cây bút phụ trách và với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua xin điểm lại mấy biến cố trên...Tuần qua, trong khi bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga thăm viếng Bắc Hàn, Nhật Bản và Việt Nam, để thiết lập quan hệ mới sau thời Chiến tranh lạnh thì Trung Quốc tiếp nhận một trong hai khu trục hạm trị giá 800 triệu đô la của Nga và cho biểu dương uy thế tại eo biển Đài Loan trước khi bỏ neo tại quân cảng Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang. Hai việc song hành đó làm người ta để ý tới tình trạng gọi là thi đua hải quân trong vùng Á châu Thái bình dường, với vai trò khích động của chính nước Nga. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao tổng bí thư Lê Khả Phiêu giở giọng gay gắt tấn công chủ nghĩa đế quốc và dùng lại một số lý luận của thời chiến tranh lạnh xa xưa.Về mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov muốn mở cuộc vận động hướng về các nước Á châu có vẻ như để khẳng định tu thế quốc tế của Liên bang Nga. Cho nên, dư luận Á châu ít lưu ý tới việc Nga đang thương thuyết việc hoãn nợ với Câu lạc bộ London gồm các chủ nợ tư doanh mà quan tâm tới các thỏa ước mà nước Nga muốn ký kết với Bắc Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Với chính quyền Bình Nhưỡng, Nga muốn thiết lập một quan hệ hợp tác và hữu nghị thay thế thỏa ước thời chiến tranh lạnh, theo đó, một xứ bị tấn công sẽ được xứ kia bênh vực. Chủ đích lý thuyết của Nga có thể là để tìm lại thế quân bình với cả hai nước Nam-Bắc Hàn, mười năm sau khi Nga thiết lập bang giao với Nam Hàn vì lý do kinh tế và mậu dịch. Thực tế có khi rắc rối và nguy hiểm hơn, vì dường như Nga đang muốn phục hoạt lại mối quan hệ với các nước chư hầu của Liên xô thời chiến tranh lạnh để gây thêm áp lực đa diện với Tây phương. Điều đó ít nhiều được Ngoại trưởng Nga xác nhận trong chuyến thăng viếng Hà Nội, khi ông nhấn mạnh tới nhu cầu hợp tác về cả kinh tế, mậu dịch, kỹ thuật lẫn quân sự và an ninh chiến lược. Người ta không quên rằng từ hai năm nay, Hà Nội đang thương thuyết việc mua võ khí loại cao cấp của Nga, và đôi bên cũng đồng ý là Nga tiếp tục sử dụng căn cứ Cam Ranh cho tới năm 1994 và các oanh tạc cơ hạng nặng của Nga sẽ hạ cánh trên căn cứ không quân Đà Nẵng, y như thời Liên xo ngày xưa. Cho nên, cùng với việc đại diện hai bên sẽ thảo luận về khoản nợ 17 tỷ rúp lưu cữu thời Liên xô, và đôi bên nói chuyện về hợp tác đầu tư và kỹ thuật, người ta chú ý tới quan hệ quân sự khắng khít giữa hai nước. Việt Nam hiện mua của Nga tới 75% nhu cầu trang bị quân sự của mình.Phải chăng điều này là một nguyên nhân khiến tổng bí thư Lê Khả Phiêu của Hà Nội mới vừa lập lại nguyên vẹn lý luận thời chiến tranh lạnh của Nga và Trung Quốc, để xác định tư thế trong quan hệ quân sự với hai nước đàn anh này? Nhưng, Nga có lợi gì trong cuộc vận động khơi dậy mâu thuẫn thời chiến tranh lạnh như vậy? Trả lời câu hỏi đó, giới nghiên cứu quân sự lại nhắc tới một kế hoạch mới của Nga. Ngày 31 tháng trước, trong một phiên họp của Ủy ban Quân sự và Hợp tác Kỹ thuật Chiến tranh do quyền chủ tịch Valdimir Putin chủ trì, Phó thủ tướng Đặc trách Công nghiệp Quân sự Nga là Ilya Klebanov đã thông báo rằng trong năm 2000 này, Nga sẽ đạt chỉ tiêu xuất cảng hơn 4 tỷ đô la võ khí. Lần này Nga sẽ chú trọng tới các loại võ khí đắt tiền, có kỹ thuật cao, như chiến đấu cơ MIGs, oanh tạc cơ Sukhoi, chiến xa loại T-90 và các khu trục hạm.Nói tới khu trục hạm, tuần qua người ta mới để ý tới việc Bắc Kinh tiếp nhận đơn vị đầu tiên trong hai khu trục hạm loại Sovremenny, trị giá 800 tiệu đô la một chiếc, để thiết trí tại quân cảng Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang. Việc chiến hạm này vòng qua biểu dương khí thế tại eo biển Đài Loan mới chỉ là một khía cạnh đáng e ngại. Rộng lớn hơn thế, tuần qua, Á châu phát hiện là hầu hết các xứ trong vùng đều có ý chí trang bị rất mạnh về hải quân, với tầu ngầm có trang bị phi đạn. Từ Trung Quốc tới Nam-Bắc Hàn hay Nhật Bản, Đài Loan, thậm chí Indonesia, Malaysia và Thái Lan cùng với Việt Nam đều mở ra cuộc thi đua võ trang trên biển và điều đó mới là yếu tố bất ổn cho toàn vùng trong thời gian tới.Trở lại kế hoạch bán võ khí của Liên bang Nga, giới quan sát quốc tế thấy rõ là từ ít lâu nay, Nga đang khích động mối quan hệ có tính chất hiềm khích của một số chư hầu hay khách hàng độc tài thời xưa, như Iran, Iraq, Libya, Bắc Hàn, Việt Nam và cả Trung Quốc, để lập ra cái gọi là thế đa cực trong quan hệ toàn cầu, hầu ngăn ngừa tình trạng đơn cực độc bá của Hoa Kỳ. Quan niệm đó của Nga phù hợp với ý kiến của Trung Quốc, là các nước muốn hợp tác với nhau làm thế đối trọng với Hoa Kỳ. Một trong những lý do có tính thuyết phục cao nhất đối với các nước độc tài là khi các xứ dân chủ lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền, các xứ này thực ra chỉ muốn can thiệp vào chủ quyền nước khác, cho nên thế giới cần hợp tác để chống lại khuynh hướng can thiệp đó.Lý luận nói trên dĩ nhiên là làm vừa lòng các chế độ độc tài, và trong không khi thi đua công kích, các nước đang lặng lẽ trôi lại vào mâu thuẫn thời chiến tranh lạnh. Nhu cầu trang bị võ khí vì vậy càng nên đặt ra, mà nói tới trang bị là phải nói tới việc mua võ khí của Nga, quốc gia đang đứng đầu với luận điệu đả kích Tây phương. Cuộc thi đua trang bị chiến hạm, tàu ngầm hay hỏa tiễn nằm trong không khí đầy hiềm khích đó, và là cách tốt nhất để Nga có thể đạt chi tiêu xuất cảng tới bốn tỷ đô la võ khí trong năm nay. Điều đáng chú ý nhất là trong khi hai nước lớn là Nga và Trung Quốc mạnh miệng tấn công Hoa Kỳ và các nước Tây phương để xúi giục các xứ nhỏ trang bị võ khí và gây rối ở nhiều nơi thì chính họ, Nga và Tầu, cũng lại rất ôn hòa đàm phán với Tây phương việc đầu tư hay viện trợ, hoặc khất nợ.Trường hợp đó được thấy rõ tại Nga từ năm ngoái, khi cựu tổng thống Yelstsin vừa đả kích Tây phương là xen lấn vào vấn đề Chechnya của Nga vừa kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tiếp tục cho Nga vay tiền cấp cứu kinh tế. Trường hợp đó ngày nay đang thành rõ hơn với Trung Quốc, khi tin tức tuần qua cho thấy là đầu tư nước ngoài vào Hoa lục lại tiếp tục giảm, lần đầu tiên kể từ năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình mở cửa để hội nhập kinh tế với bên ngoài. Trong khóa họp Quốc hội vào tháng tới, người ta sẽ còn nghe nói tới những nguyên nhân suy sụp đầu tư quốc tế và phương hướng cải thiện tình trạng này. Vì vậy, trong khi Bắc Kinh và Moscow khích động các xứ độc tài lạc hậu đứng lên làm nghĩa vụ chống Mỹ, với võ khí do họ bán chịu, thì họ rất tỉnh táo nghĩ tới cách vận dụng đầu tư và kỹ thuật của các nước Tây phương.Trong không khí đó, người ta mới để ý tới bài diễn văn của Thủ tướng Phan Van Khải đọc tại Hội nghị kỳ thứ 10 của Tổ chức UNCTAD ở Bangkok tuần qua. Hội nghị này chưa kết thúc và tới nay chưa hứa hẹn nhiều biện pháp ngoạn mục từ các xứ đang phát triển, nhưng đáng được dư luận người Việt để ý vì bài diễn văn của ông Khải. Ngược với lập luận đầy tính đấu tranh nhuốm mùi lạc hậu của ông Lê Khả Phiêu trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ông Khải đã có bài phát biểu mang tính chất thực tiễn như của nhiều xứ Á châu khác, trong đó, ông ngợi ca hội nhập và hợp tác kinh tế. Không hiểu là lập luận của ông Lê Khả Phiêu và lời trần tình của ông Phan Văn Khải, quan điểm nào mới là chân lý của đảng Cộng sản Việt Nam...?