Lời giới thiệu: CHLB Đức hiện đang chao đảo vì một vụ bê bối tài chính, của đảng đối lập mạnh nhất, rất có uy tín trong cử tri. Bị thất cử sau 16 năm liên tục cầm quyền, đảng này đã giành lại vị thế bằng hàng loạt thắng lợi rực rỡ trong kỳ bầu cử vừa qua ở nhiều tiểu bang. Nhưng hiện nay, đảng này đang trên bờ sụp đổ. Có thể rút được những kinh nghiệm xã hội gì từ đó? Trong mục "Cái Nhìn Từ Đông Âu" kỳ này, Vũ Song Lê bước đầu đề cập tới vấn đề trên...Tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ở Đức hiện nay đang hăm hở đưa tin từng ngày về nội tình của đảng CDU, tên gọi tắt của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, một trong hai đảng lớn nhất tại Đức, từng có 16 năm cầm quyền liên tục thời gian qua ở cấp liên bang, và trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang vừa qua đã liên tục thắng lớn. Tin tức về các vụ tham nhũng của các bậc chức sắc lãnh đạo đảng này, nếu không thể nói là động trời thì cũng ngang ngửa một vụ động đất với dân Đức.Mọi sự bắt đầu từ ông cựu thủ tướng Đức. Là thủ tướng Đức suốt 16 năm, là chủ tịch Đảng CDU suốt hai mươi năm, là một trong những nhân vật chủ chốt góp phần quay bánh xe lịch sử Đức, khép lại gần nửa thế kỷ nước Đức phân đôi, ông đã thất cử ở cuộc bầu cử cấp liên bang năm trước, trong vinh quang. Ông trở thành chủ tịch danh dự của đảng, trở thành người hùng mới của dân Đức qua chính lời tri ân của đương kim Thủ tướng Schrởder, khi ông này nhắc tới những biến động chính trị vĩ đại ở Đức và thế giới mười năm trước. Không ai có thể tưởng tượng được rằng vinh quang lại gần cay đắng đến thế. Những ngày cuối cùng của năm 1999, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ đảng CDU, dưới bàn tay lãnh đạo của ông cựu thủ tướng, đã nhiều năm nhận những đồng tiền bẩn.Cho đến giờ, chưa thấy ai nói gì về việc ông cựu thủ tướng vĩ đại này (hiểu theo nghĩa đen thì qủa ông cũng khí đồ sộ) có sử dụng những đồng tiền có được từ những nguồn bất minh kia vào mục đích hưởng lạc không, hay chỉ được chi tiêu trong vòng công vụ. Tuy nhiên, nội tình đảng CDU hiện nay đang ở thế rút dây động rừng. Hàng loạt chính khách thuộc đảng này bị điều tra về các vụ tham nhũng. Hàng loạt vị tai to mặt lớn trong chính trường Đức đã phải ra trước ống kính truyền hình, thừa nhận tội lỗi cũng như công khai xin lỗi quốc dân. Điển hình là vụ ông Scheubler, đương kim chủ tịch đảng CDU, người mà trước khi diễn ra cuộc bầu cử cấp liên bang năm qua đã được nói tới như thủ tướng tương lai của Đức, nếu đảng CDU của ông tiếp tục cầm quyền. Liên tiếp mấy tuần qua, ông Scheubler đã phải thừa nhận từng bước những hành vi trái luật của ông. Hay như vụ cựu bộ trưởng nội vụ Đức Kanther vừa phải cùng thống đốc mới của bang Hessen ra trước hàng trăm phóng viên truyền hình và báo chí điều trần về tình hình tài chính của đảng này. Công luận đặt vấn đề nghi vấn kết qủa thắng cử của CDU ở đây thời gian qua. Người ta đã nói nhiều về chuyện phải có một cuộc bầu cử lại ở bang này. Và trong thực tế thì các thủ tục luật pháp nhằm đi tới quyết định có giải nhiệm chính phủ đương quyền hay không đã được tiến hành trong các cuộc họp quốc hội bang. Tuy trụ lại được trước sự tấn công của các đảng đối lập trong quốc hội, nhưng sự bất tín nhiệm của cử tri vẫn như lưỡi gươm Damoclet treo trên đầu chính phủ hiện tại ở Hessen, một bang lớn và giàu bậc nhất Đức. Nó sẽ rơi xuống, có thể như thế lắm, nếu các vụ việc liên quan tới đồng tiền bẩn của đảng nắm quyền tiếp tục bị các phương tiện truyền thông khui ra. Bởi các ủy ban điều tra các cá nhân chính trị gia liên quan đang đồng loạt khởi động. Ông cựu thủ tướng Đức, cựu chủ tịch đảng CDU đã phải từ nhiệm chức chủ tịch danh dự của đảng để cứu vãn tình thế. Nhà ông cựu bộ trưởng nội vụ đã bị khám... Đảng CDU rớt đài liên tục: phải giải trình số tiền hàng chục triệu DM được quyên góp bất hợp pháp, được sử dụng vào những mục đích không trong sạch, trốn thuế, đảng này sẽ còn phải trả lại hàng chục triệu DM nhà nước tài trợ cho hoạt động của đảng. Số lượng đảng viên của đảng CDU tụt thảm hại, và người ta chẳng cần thông minh gì cũng có thể tiên liệu được kết qủa bầu cử của đảng này trong các tiểu bang còn lại.Vụ bê bối tiền bạc của đảng đối lập mạnh nhất tại Đức hiện thời đã làm biến đổi cục diện chính trị tại Đức. Đảng cầm quyền SPD, sau hàng loạt thất bại ở các tiểu bang đột nhiên có cơ hội để trụ lại, và có thời gian để theo đuổi các cải cách chính trị của mình. Công luận, dù vô cùng phẫn nộ trước những hành vi chính trị vô đạo đức kể trên, cũng đồng thời lo ngại trước viễn cảnh một trong hai đảng mạnh nhất Đức bị phá sản và sụp đổ hoàn toàn. Như thế, đa nguyên chỉ còn là chuyện hình thức. Nhưng quan trọng hơn tất cả những điều trên là hy vọng vào một phong cảnh chính trị trong sáng tại Đức, trong tương lai. Mỗi một chính khách, dù vĩ đại tới đâu cũng vẫn là những con người, với những thường tình của họ, nghĩa là cũng không nằm ngoài vòng kiềm tỏa nguy hiểm của quyền lực và tiền bạc. Tuy nhiên, ở một quốc gia mà pháp luật có quyền uy thực sự thì mọi hành vi trái luật đều phải trả giá, và, chỉ như thế, đạo đức mới không phải là thứ mặt nạ trong đời sống con người.Người Đức hiện nay vừa phẫn nộ vừa buồn cười trước trò sám hối của các chính trị gia bê bối. Họ đang làm cho nền chính trị của Đức trở thành một món mộm suồng sã, mà trong đó khái niệm đạo đức không còn nghĩa lý gì, như cách diễn đạt của ông nhà văn mũi tẹt da vàng chính mác Việt nam Nguyễn Huy Thiệp. Qủa thật, đạo đức của người bình thường có những quy chuẩn khác, và người bình thường cũng khó có được sự bình tĩnh của chính trị gia khi bị phát giác tội lỗi. Nhưng thôi, nếu định cười về những điều tương tự thì chẳng cần phải vòng quanh thế giới làm gì. Cứ sang Mỹ nghe lại chuyện tình ái của Tổng thống Mỹ. Hay trở về Việt nam. Chuyện do chính báo đài mà nhà nước kiểm soát đưa tin: Ông cựu tổng bí thư đảng CSVN tự dưng mang hẳn 1 triệu đô ra làm phúc. nếu căn cứ vào chế độ tiền lương của nhà nước thì có làm Tổng bí thư đảng hay Thủ tướng mười đời cũng chẳng có được ngần ấy. Đây là qùa tặng ông nhận được lúc ông đương chức, từ những người nước ngoài thích chăm lo phong cảnh chính trị Việt nam, và hồi hưu thì ông tặng lại, thế thôi. Hành vi nhận qùa này của ông, nếu có ở một nước như Đức hay bất kể nước nào mà kinh tế chính trị phát triển tương ứng thì chắc chắn cũng sẽ dẫn tới hậu qủa là ông phải từ chức lập tức, rồi sau đó rất có thể bị truy tố. Nhưng ở Việt nam, nếu đó là chuyện với những quan chức cỡ nhỏ hơn, thì bất qúa lắm món tiền đó sẽ được định danh là qùa tặng trên mức tình cảm, và nếu có đáo tụng đình thì cùng lắm cũng chỉ có thể quy người nhận mắc lỗi lạm dụng tín nhiệm. Đố ai dám động tới ông Tổng bí thư Đảng, dù ông đã buông quyền. Trong vụ bê bối kể trên của đảng CDU tại Đức, người được coi sạch như tuyết là bà tổng thư ký Đảng. Bà là người đã chĩa mũi dùi phê phán mạnh mẽ ông sếp cũ của mình với kỳ vọng làm trong sạch hóa Đảng. Nhưng rút dây động rừng, những câu chuyện bẩn thỉu về những đồng tiền bẩn thỉu liên quan đến các đại gia trong đảng của bà đang được khám phá, làm náo loạn chính trường nước Đức. Và thế là có một câu chuyện cười được kể trong giới các bình luận gia: rằng bà tổng thư ký CDU vốn là người ăn chay, ban đầu bà chỉ ăn độc món bắp cải. Ở Đức, bắp cải được gọi là KOHL. Nhưng KOHL cũng là tên của ông cựu thủ tướng đang loay hoay trong vòng bê bối. Còn bây giờ thì bà tổng thư ký CDU ăn gì ư, xin thưa: không phải chỉ món KOHL, mà là một món salat hổ lốn và khó nuốt.Ấy, thà phải ăn một món salat chính trị như thế vẫn còn hơn ăn dân ta phải ăn món đặc sản Xã hội chủ nghĩa suốt mấy chục năm đến giờ.Chuyện buồn xứ người buộc ta phải nghĩ tới chuyện xứ mình. Và đấy chính là âm hưởng tích cực của những câu chuyện buồn như thế. Hẹn gặp lại qúy vị ở đề tài này vào lần sau...Vũ Song Lê