Lời giới thiệu: tuần này, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đóng cửa trao đổi về các đề mục cần vận động sự nhất trí trước khi tổ chức Đại hội đảng khóa 9 năm tới. Trong mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này Nguyễn An Phú xin nêu lên một số nan đề kinh tế mà đảng viên cần nắm vững để làm cơ sở đối chiếu với những gì mà đảng sẽ đề ra như nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.Kinh tế Việt Nam đang ở vào khúc quanh nguy hiểm, vì là khúc quanh đi xuống. Suốt năm qua, nỗi hiểm nguy đó đã được nói tới, và thực tế thì một loạt biện pháp cải tổ có được chuẩn bị mà lại không áp dụng. Thời gian tới đây, bài toán kinh tế sẽ chỉ thêm nan giải hơn, nên bộ Chính trị và Trung ương đảng chẳng thể trì hoãn mà không bàn thẳng vào việc cải tổ. Điều đó còn bức thiết hơn là đề ra mấy nét chính của một báo cáo chung chung về kinh tế xã hội trước Đại hội 9. Suốt hai năm 98 và 99, đà tăng trưởng bị chậm đi, có 4% một năm, bằng phân nửa tốc độ các năm trước. Với đà tăng trưởng sụt tới mức thấp nhất từ chín năm nay, hậu quả kinh tế xã hội sẽ là bài toán chính trị cho năm 2001, vì ngân sách quốc gia bị thất thu, doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và thất nghiệp bùng nổ. Trong hai năm bão tố Đông Á, Việt Nam không bị hiệu ứng trực tiếp, nên khỏi bị các vấn đề hối đoái, chi phó hay sụp đổ tài chánh như lân bang, nhưng có bị hậu quả gián tiếp là suy thoái sản xuất. Thế rồi vì trì hoãn cải tổ nên khi lân bang đã phục hồi thì Việt Nam lại có thể trôi vào khủng hoảng. Việc cải sửa yếu kém kinh tế là bức thiết, và có áp dụng thì cũng hai ba năm mới đạt kết quả. Mà càng chậm áp dụng, Việt Nam càng bị rui ro lớn ngay trước Đại hội đảng tới đây.Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, dù năm ngoái là năm được mùa gạo, được giá dầu và xuất cảng khả quan; lý do chính của đà tăng trưởng quá yếu đó là dịch vụ và công nghiệp đều bị sa sút. Sản xuất bị suy thoái vì đầu tư mọi loại đều sụt; so với tổng sản lượng thì coi như mất 1/3 của số đầu tư năm 97. Đầu tư quốc tế thì 50% mỗi năm, đầu tư nội địa của tư nhân cũng sụt mà chưa tệ bằng đầu tư của quốc doanh. Đầu tư quốc tế sở dĩ sụt là vì đa số chủ đầu tư lại là lân bang bị khủng hoảng. Nhưng đầu tư nội địa mà sụt là vì vấn đề nội tại của cơ chế kinh tế. Cơ chế đó đã dẫn tới giảm phát, là hàng họ hạ giá mà bán không chạy, mọi biện pháp kích cầu đều như vô hiệu và đà tăng trưởng năm tới sẽ còn suy sụp hơn.Sau khi ghé Indonesia, trong 4 ngày thăm viếng Việt Nam kể từ hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn chắc chắn đã nhắc nhở lãnh đạo Hà Nội về những yếu kém tự thân của nền kinh tế và về các dự án cải tổ được đề ra mà chưa thi hành. Có lẽ đây là cơ hội cuối để nhà cầm quyền nhìn vào sự thật hơn là tự mê hoặc bằng lý luận trấn an hay lập luận đấu tranh hàm hồ. Trước hết là về nạn giảm phát. Nhằm kích thích số cầu và kéo bộ máy sản xuất ra khỏi sự trì chậm, Hà Nội có tăng chi ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng. Song song, nhiều khoản chi ngoại ngạch cũng được đề ra qua ngân hàng và quỹ tài trợ nông thôn. Nhưng nói chung, thủ tục tài chánh vẫn trì chậm và các khoản chuẩn chi cho nông thôn thì mãi mãi là dự chi chưa được giải ngân. Vì vậy, vấn đề kinh tế sở dĩ nan giải là vì bộ máy quản lý tài chánh công quyền không chạy. Ách tắc đó cũng được thấy trong ngân hàng, khi lãi suất đã hạ, tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước có giảm mà tư doanh vẫn thiếu tiền bung ra làm ăn. Bây giờ mới nói tới vấn đề cơ chế. Từ cuối năm kia, Hà Nội được khuyến cáo về nhu cầu cải tổ và được viện trợ cả tài chánh lẫn kỹ thuật để thi hành. Bốn hồ sơ cải tổ ưu tiên là doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, phát triển tư doanh và giải tỏa mậu dịch. Về đại thể, Việt Nam có được giúp đỡ kỹ thuật và còn được viện trợ bổ xung để hóa giải tác dụng bất lợi nhất thời của việc cải tổ, mà cứ thi hành chậm. Cho nên, khi lãnh đạo đảng nói là chủ nghĩa đế quốc hay các nước kỹ nghệ có ý đồ xấu với kinh tế Việt Nam, đảng nói điều không thật, chủ yếu là để khỏa lấp trách nhiệm và để bảo vệ hiện trạng. Sự thật xảy ra khác hẳn, như sau:Hà Nội có được viện trợ để phát tiển kinh tế, và còn được viện trợ bổ xung về kỹ thuật và thủ tục hầu sử dụng viện trợ kinh tế cho nhanh và nhiều hơn. Nhưng, tình hình không cải thiện mà còn suy đồi hơn. Tỷ lệ giải ngân viện trợ so với số ký kết đã giảm liên tục, từ 24% năm 97 còn 22% năm 98 và năm ngoái còn có 19%. Tức là được các nơi viện trợ một trăm đồng mà tiêu có 19 đồng. Thí dụ thứ hai là về bốn hồ sơ cải tổ nói trên, Hà Nội được cấp thêm 250 triệu đô la gọi là Viện trợ Cải tổ Cơ cấu, hầu tránh gây bất lợi cho dân cư. Về kỹ thuật thì dự án viện trợ đó đã hoàn tất, thủ tục giải ngân đã sẵn sàng để trong ba năm, cơ chế kinh tế sẽ phải đổi khác mà không gây hậu quả xấu cho xã hội. Nhưng, dự án này vẫn bị đảng và chính phủ ở cấp cao nhất chưa chịu phê duyệt. Sự thật này, đã đành là dân không biết, mà chưa chắc các đảng viên đã thông tỏ, dù là ở cấp Trung ương.Trong lãnh vực đầu tư nước ngoài cũng vậy. Từ hơn 2 năm nay, khi ngạch số đầu tư sút giảm đều 50% mỗi năm, giới đầu tư không ngớt than phiền, hoặc triệt thoái khỏi thị trường Việt Nam. Năm ngoái, đại diện chính phủ đã gặp gỡ các nhà đầu tư và hứa hẹn nhiều biện pháp cải thiện. Nhưng, tất cả vẫn chỉ là lời hứa. Doanh giới không rõ là các viên chức chính phủ có thực tâm cải sửa mà bị đảng ngăn chặn, hay trước sau chỉ là sự cấu kết trên dưới hầu bảo vệ đặc quyền đặc lợi của bộ máy cầm quyền tham ô và các công ty quốc doanh mục nát. Quốc tế còn mới báo động một sự kiện, là Luật Doanh nghiệp được ban hành năm ngoái thực ra không nhằm giải tỏa cho thành phần kinh tế tư nhân được kinh doanh tự do bình đẳng hơn. Về thực chất, các văn kiện áp dụng được công bố sau này có dụng ý ngụy trang một vụ tẩu tán tài sản quy mô từ quốc doanh ra ngoài, để tạo phương tiện làm ăn cho đảng viên và cơ sở dưới hình thức tư doanh. Người dân có lẽ không rõ tình trạng này, nhưng giới kinh tế quốc tế có kinh nghiệm về sự tan rã của hệ thống Xô viết mươi năm trước đều tin là Việt Nam đang có hiện tượng rửa tiền để tẩu tán như vậy. Về nhiệm vụ và phương hướng kinh tế xã hội, trước hết là trong Kế hoạch 5 năm 2001 đến 2005, người ta thấy rằng dù muốn dù không, Việt Nam sẽ phải hội nhập vào luồng trao đổi kinh tế toàn cầu. Đây là con đường tất yếu nếu muốn phát triển nhanh và mạnh theo kịp lân bang, và đây cũng là con đường các xứ khác đều theo từ mấy chục năm nay. Muốn như vậy thì tựa như muốn bơi ra đại dương để lưới bắt tôm cá lớn, thay vì chỉ tập trung vớt lưới trong ao hồ. Mà bơi ra biển lớn thì phải có cơ chế quản lý, hành chánh, tài chánh và ngân hàng vững mạnh. Một số nước Đông Á đã bị khủng hoảng vừa qua chính là vì yếu kém về cơ chế nói trên, nhất là trong lãnh vực quản lý doanh nghiệp và ngân hàng. Hà Nội không cải tổ thì sẽ chẳng bao giờ hội nhập được với thế giới văn minh. Và vì e sợ thi đua không nổi với biển cao sóng cả, đảng có ý thoái bộ rồi lý giải sai lạc rằng biển khơi đó chỉ toàn những thế lực xấu đang âm mưu phá hoại Việt Nam. Người ta thấy lãnh đạo Hà Nội nói đổi mới mà hành xử hệt như thời phong kiến cách đây hai thế kỷ, khi triều đình đòi bế môn tỏa cảng để khỏi giao tiếp với bên ngoài hầu bảo vệ những giá trị lạc hậu lỗi thời. Vấn đề kinh tế chính yếu của Việt Nam là chính quyền không tin dân mà chỉ tin vào tay chân, nên quyền và lợi đều tập trung trong đảng và sơ sở quốc doanh do đảng kiểm soát. Khi sự tập trung và bảo vệ đó làm suy sụp sản xuất và hao hụt công quỹ thì đảng lại đổ lỗi cho kinh tế thị trường, tự do mậu dịch, toàn cầu hóa hoặc thậm chí chủ nghĩa đế quốc. Đảng nhập nhằng giải thích ngược quy luật nhân quả, và điều đó có lẽ mới giúp thế giới văn minh, kể cả mấy chục quốc gia và tổ chức viện trợ, hiểu được vì sao mà Hà Nội được viện trợ nhiều mà xài không hết và chẳng thi hành những điều đã được khuyến nghị năm này qua năm khác. Đâm ra người dân đã đổ công lao động, cầy cấy, sản xuất, với sự nhặm lẹ biến báo chẳng thua gì các lân bang, mà kinh tế vẫn èo uột, mức sống chưa được cải thiện đáng kể, trung bình một người chỉ thu nhập được có một đô la một ngày. Trong Đại hội Chín tới đây, các đảng viên sẽ phải quyết định là Việt Nam có đổi mới thật hay sẽ tiếp tục xây dựng cái chủ nghĩa xã hội lạc hậu, theo cái lối cứ đi giật lùi vào thế kỷ tới...