Indonesia thực tập dân chủ

Lời giới thiệu: Trong hai tuần vừa qua dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến tình hình ở Indonesia, lo ngại về những tin đồn rằng trong lúc Tổng Thống Wahid của xứ này còn đang công du ở ngoại quốc, ở nhà nhóm quân nhân có thể thừa dịp tổ chức đảo chính để lật đổ ông. Ông Wahid được bầu lên làm Tổng Thống mới có 4 tháng. Chưa đủ thời giờ để phục hồi kinh tế thì ngay trước mắt bây giờ lại có âm mưu đảo chính. Liệu ông có đủ không ngoan, vươt qua được sóng gió để củng cố nền dân chủ còn chập chững và non trẻ của Indonesia lúc này không. Vì Indonesia là một nước lớn với hơn 200 triệu dân, việc thành hay bại của ông không những có tính cách quan trọng đối với tương lai của Indonesia mà còn có ảnh hưởng xâu rộng đến diễn tiến dân chủ ở các nước khác trong toàn vùng Đông Nam Á. Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam về những biến chuyển mới ở Indonesia và ảnh hưởng của những biến chuyển này đối với tình hình chung ở trong vùng...Sau gần hai tuần lễ công du ngoại giao ở một số nước Âu Châu, Tổng thống Wahid của Indonesia chưa đặt chân về nước hôm chủ nhật vừa quađã phải đối phó với một thử thách nguy hiểm đe dọa chính phủ của ông. Được bầu lên làm Tổng Thống mới có bốn tháng, ông phải hứng chịu di sản nặng nề do chính quyền độc tài của tướng Suharto để lại sau 32 năm cầm quyền. Nhiệm vụ của ông là lấy lại niềm tin của người dân, phục hồi nền kinh tế và tạo điều kiện thuận tiện để xây dựng một thể chế dân chủ mới thay thế cho thể chế độc tài cũ. Chưa hoàn toàn lấy lại được niềm tin và cũng chưa đủ thời giờ để phục hồi nền kinh tế, ngay trước mặt ông lúc này lại là những tin đồn đảo chính. Khởi đầu cuộc khủng hoảng là việc công bố kết quả của một ủy ban điều tra những vụ vi phạm nhân quyền ở miền Đông Timor. Ủy ban điều tra này được chính phủ Indonesia lập ra dưới áp lực của dư luận quốc tế lên án những vụ tàn sát lương dân ở đảo này trước ngày có cuộc chưng cầu dân ý.Sau gần hai tháng làm việc, ủy ban công bố một bản phúc trình quy tội một số tướng lãnh trong quân đội Indonesia là đã dung túng những vụ giết tróc vi phạm nhân quyền. Trong số các tướng lãnh này có tướng Wiranto, nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng và Tư Lệnh Quân Đội , nay đang là Bộ Trưởng trong chính phủ của ông Wahid. Được tin này trong lúc ông đang dự một hội nghị quốc tế về kinh tế ở Davos, Thụy Sĩ, ông Wahid có phản ứng tức thời, tuyên bố với báo chí là ông sẽ yêu cầu tướng Wiranto từ chức. Không đợi đến lúc về nước mới giải quyết vấn đề một cách êm thấm, lời tuyên bố của ông đã đặt tướng Wiranto vào một tình trạng mất mặt khó xử. Tướng Wiranto từ chối không từ chức và cuộc khủng hoảng bắt đầu. Từ đó có tin đồn là những thành phần bất mãn trong quân đội sẽ đảo chính để bênh vực lập trường của tướng Wiranto.Nền dân chủ của Indonesia mới được có vài tháng và chính quyền dân sự cũng chưa đứng vững được trước những đòi hỏi của các phong trào ly khai. Trong xuốt 32 năm dưới thời của tướng Suharto, quân đội là thành phần được ưu đãi, nắm trong tay hầu hết những địa vị then chốt trong sinh hoạt kinh tế và chính trị của Indonesia, nay phải chịu thần phục một chính quyền dân sự đã là một chuyện khó khăn, bây giờ lại thêm tướng Wiranto là người có thế lực hàng đầu của chế độ cũ, đại diện cho quân đội bị yêu cầu từ chức thì quả là điều khó chấp nhận. Từ lúc thành lập chính phủ, ông Wahid đã khôn khéo mời tướng Wiranto vào nội các của ông và chỉ định một chính trị gia dân sự vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng, thay thế tướng Wiranto trong chức vụ này. Tuy nhiên sự thực thì tình trạng căng thẳng giữa một bên là chính quyền dân sự và một bên là ảnh hưởng của quân đội vẫn còn tiềm tàng. Và trước sau gì ông Wahid cũng không thể để tình trạng này kéo dài.Đối với dư luận quốc tế thì quyết định của ông Wahid yêu cầu tướng Wiranto từ chức là một quyết định hợp lý. Trong một thể chế dân chủ, ông cần phải bảo vệ quyền tối thượng của chính quyền dân sự trên quân đội. Nếu có sự thắc mắc, chỉ trích hay ngạc nhiên thì chỉ vì tại sao ngay lúc trở về nước ông tuyên bố là sẽ giữ lại tướng Wiranto trong nội các, để rồi chỉ vài giờ sau công bố quyết định giải nhiệm tướng Wiranto. Những người thân cận với ông Wahid thì cho đây là lề lối làm việc riêng biệt của ông. Nhưng nhiều người khác thì lo ngại rằng tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài. Được cái may là ông có sự ủng hộ triệt để của dư luận quốc tế, ngoài ra quân đội nói chung dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo của chính quyền dân sự và chính tướng Wiranto cũng tỏ ra phục thiện yêu cầu những người ủng hộ ông đừng gây rối loạn. Và kết quả trong lúc này là dầu có bị chỉ trích chăng nữa thì ông Wahid cũng đã vượt được một thử thách quan trọng, đặt được một viên gạch xây dựng nền tảng cho một thể chế dân chủ. Tuần báo The Economist trong một số gần đây có đưa ra nhận xét là một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tại các nước Đông Á,mà ít người để ý tới ,là tiến trình đưa tới dân chủ, nhờ có cuộc khủng hoảng, đã tiến được những bước dài, đẩy mạnh sự nẩy nở của những xã hội tự do dân chủ. Nếu ông Wahid, với sự ủng hộ của dư luận quốc tế và người dân trong nước, tiếp tục bồi đắp được cho sự trưởng thành của nền dân chủ ở xứ ông, thì trường hợp của Indonesia rất có thể sẽ mở đường cho những phong trào dân chủ khác trong vùng Đông Nam Á.