Lời giới thiệu: Thời sự tuần qua tại Á châu vẫn còn âm vang của vụ Trung Quốc hăm dọa dùng võ lực với Đài Loan. Vì sao Bắc Kinh lại leo thang gây hấn khi Quốc hội Mỹ sửa soạn phê chuẩn hiệp định cho phép Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO là câu hỏi được giới quan sát đặt ra, với nhiều lý giải bất ngờ. Tuần qua, người ta cũng thấy tình hình lắng dịu ở Indonesia, khi quân đội nhượng bộ tổng thống Abdurrahman Wahid và ông đã thăm viếng Đông Timor trong tinh thần hòa giải. Riêng về Việt Nam, thời sự tuần qua để ý tới việc Chủ tịch Ngân hàng Thế giới thăm viếng Việt Nam trong bốn ngày. Dù khéo léo với ngôn từ ngoại giao để khỏi làm nhà cầm quyền mích lòng, chủ tịch James Wolfensohn vẫn nhắc nhở Hà Nội đẩy mạnh việc cải cách kinh tế nếu muốn giải quyết việc xóa đói giảm nghèo cho người dân.... Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua xin điểm lại mấy biến cố này... Còn ba tuần nữa thì Đài Loan sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống lần thứ nhì. Từ nay đến ngày 18 đó, người ta tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây sức ép để đòi hỏi chính quyền Đài Bắc phải đàm phán việc thống nhất, nếu không họ sẽ dùng võ lực. Lần cuối cùng Bắc Kinh leo thang gây hấn là hôm Thứ Hai tuần trước, khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố một bạch thư 11 ngàn chữ để đòi Đài Bắc xúc tiến thảo luận về thống nhất. Sau đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh còn nhắc lại quan điểm gay gắt của mình khi đón tiếp vị Tư lệnh Thái Bình Dương của quân lực Hoa Kỳ là đô đốc Dennis Blair.Dư luận Á châu tự hỏi vì sao Bắc Kinh lại chọn thời điểm này để nêu quan điểm hung hăng của mình, khi Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn bị thảo luận việc phê chuẩn thỏa ước mậu dịch đã ký kết hồi tháng 11 với Trung Quốc. Trong hoàn cảnh chính trị Mỹ hiện nay, chưa chắc Quốc hôi Mỹ đã thông qua thỏa ước trên, vì áp lực của các nghiệp đoàn và cánh tả muốn Bắc kinh cải thiện luật lệ lao động, lẫn sự chống đối của cánh hữu muốn Bắc Kinh tôn trọng dân chủ và nhân quyền và chấm dứt việc gây hấn với Đài Loan. Tuần qua, một số nhà quan sát quốc tế cho rằng Bắc Kinh làm như vậy thì chẳng khác gì nâng hòn đá tảng mà dập xuống chân mình, vì làm vậy chỉ gặp phản ứng bất lợi từ Quốc hội Hoa Kỳ mà thôi.Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại nhận định vụ này từ nhiều giác độ khác. Có người cho là Bắc Kinh chỉ hù họa như đã từng hù họa suốt ba tháng đầu năm 1996 khi Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống đầu tiên, rồi sau đó mọi việc đều sẽ đâu vào đấy. Ngược lại, nhiều nhà phân tách khác thì cho rằng Bắc Kinh chấp nhận cái giá phải trả là lại gây căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Đài Bắc chỉ vì nguyên nhân nội bộ. Nguyên nhân chính là việc củng cố quyền lực của chủ tịch Giang Trạch Dân, để có thể được tái tín nhiệm vào vai trò tổng bí thư đảng trong Đại hội kỳ tới. Ông cần sự ủng hộ của phe thủ cựu trong đảng nên mới tung ra lập luận cực đoan này vào thời điểm này.Một lập luận thứ ba là Bắc Kinh có chủ đích tái duyệt xét quan niệm đối ngoại với Hoa Kỳ, và muốn cùng Liên bang Nga tăng cường hợp tác để ngăn cái thế độc bá nhất cực của Hoa Kỳ và tiến tới thế đa cực mà hai nước đã thảo luận với nhau từ năm kia. Điều đó hai Ngoại trưởng Nga và Tầu chắc là có đề cập tới khi gặp nhau tại Moscow ngày hôm qua. Cho nên, thực chất của việc hăm dọa Đài Loan có khi chỉ là tạo thế đối trọng với Mỹ, khi Bắc Kinh biết là chính quyền Clinton nóng lòng đạt vài kết quả hợp tác với Hoa lục vào cuối nhiệm kỳ.Dù sao, tuần qua thế giới cũng không quên một chi tiết nhỏ mà đáng kể, là vào dịp kiểm kê vừa qua, Bắc Kinh giật mình vì các trương mục kế toán quốc gia bị thất thoát 70 tỷ đô la không biết lọt đâu mất. Số tiền đó coi như gấp ba sản lượng cả năm của Việt Nam chứ không phải nhỏ. Điều đó mới khiến dư luận nhìn vào thực tế vẫn là "làm láo báo cáo hay" tại Hoa lục, và làm người ta thấy tình hình kinh tế chưa chắc đã khả quan như Bắc Kinh dự báo. Viễn ảnh thiếu tươi sáng về mặt kinh tế xã hội này cũng có thể giải thích vì sao Trung Quốc phải khơi động tinh thần ái quốc về vụ Đài Loan và thổi lại ngọn lửa chống Mỹ. Đây cũng là một lý do nội bộ giải thích lập trường đối ngoại khá gay gắt của Bắc Kinh.Từ Đông Bắc Á châu xuống tới Đông Nam Á, thời sự tuần qua có để ý tới việc tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid đã chính thức ghé thăm Đông Timor như một nước độc lập. Tại đây, ông ngỏ lời ân hận về những thảm kịch mà xứ ông đã xây ra cho Đông Timor trong gần một phần tư thế kỷ, kể từ năm 1975. Việc tổng thống Wahid hòa giải với dân cư Đông Timor là biến cố đáng mừng trong tuần. Nhưng, đáng mừng hơn nữa là ông còn đạt thắng lợi bất ngờ ngay tại Jakarta. Thắng lợi đó là một yếu tố đáng kể cho nền dân chủ Indonesia. Đó là việc ông nhẹ nhàng ngưng chức bộ trưởng An ninh Chính trị của tướng Wiranto mà không gây phản ứng từ phía quân đội. Ngược lại, hậu thuẫn của nhiều tướng lãnh theo khuynh hướng cải cách còn giúp ông đẩy mạnh thêm việc cải tổ quân đội. Tuần qua, tổng thống Wahid đã ký giấy thuyên chuyển 75 tướng lãnh trong quân đội và đưa một viên tướng nổi tiếng cải cách và không cùng lập trường với tướng Wiranto vào chức vụ tổng tham mưu trưởng. Với quyết định vừa qua, tổng thống Wahid quả là đã củng cố tư thế của mình một cách đáng kể, là điều ít ai tin là khả thể khi ông thành lập nội các rất non yếu bấp bênh vào tháng 10 năm ngoái. Indonesia coi như đã có nền móng dân chủ hơn ở bên trong và củng cố được uy tín với bên ngoài nhờ việc hòa giải với Đông Timor.Cùng với tin tức khả quan từ Indonesia, thời sự tuần qua còn để ý tới một số biến chuyển tương đối thuận lợi tại bán đảo Triều Tiên. Thứ nhất là ngư dân Nam Hà mặc nhiên ký kết với ngư dân Bắc Hàn một hiệp ước chia chác kết quả đánh bắt ngư sản trên lãnh hải giữa hai miền Nam Bắc. Hiệp ước này đã bị hai bộ Thống nhất Quốc gia và Ngư hải sản của Nam Hàn bác bỏ vì thiếu cơ sở pháp lý, nhưng rõ ràng đã phản ảnh một trạng thái tâm lý thuận lợi hơn giữa dân cư hai miền. Điều đáng chú ý hơn là sau khi một cựu lãnh tụ về tình báo của Nam Hàn dự đoán rằng chế độ Bắc Hàn có thể còn tồn tại được chừng 15 năm thì cả chính quyền Hán Thành và Hoa Kỳ đều như có vẻ hòa dịu hơn với chế độ cộng sản miền Bắc. Phải chăng vì không ai muốn Bắc Hàn có đột biến và gây họa cho lân bang, hay là Nam Hàn đang cố kéo chế độ Bình Nhưỡng ra khỏi đường cùng, để họ khỏi đi vào những giải pháp phiêu lưu vì tuyệt vọng? Một nơi khác mà lãnh đạo không có vẻ vì là tuyệt vọng, chính là tại Việt Nam. Như những người được chích thuốc an thần, tuần qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã đón tiếp chủ tịch James Wolfensohn của Ngân hàng Thế giới và hài lòng nghe ông ta khuyên nhủ giới đầu tư quốc tế là không nên hối thúc chính quyền Việt Nam cải cách. Cùng với lời khuyên đó, chủ tịch Wolfensohn còn chứng tỏ biệt tài ngoại giao khi ngợi khen Việt Nam đã đạt nhiều thành quả kinh tế đáng kể. Trong bốn ngày thăm viếng ông Wolfensohn đã ký hai thỏa ước viện trợ cho Việt Nam và ra đi với lời khuyên đáng tiền nhất của chuyến đi. Là Hà Nội phải mạnh dạn cải cách cơ chế kinh tế như đã được viện trợ về cả tài chánh lẫn kỹ thuật để thi hành, nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề cứu đói giảm nghèo. Nói đi nói lại không bằng nói thật, là Việt Nam phải đổi mới hơn nữa, và chấm dứt dần việc kiểm soát thông tin để tiến kịp trào lưu tín học của thế giới. Ông Wolfensohn nhắc tới điều đó với lời khuyên, là nếu không, Việt Nam sẽ tụt hậu so với các quốc gia khác. Quan điểm đầy ngoại giao khôn khéo của chủ tịch Ngân hàng Thế giới chắc chắn đã được nhiều người Việt biểu đồng tình, nhất là trong giới chuyên gia và viên chức kỹ thuật của chính phủ. Nhưng, tuần qua, bộ Ngoại giao của Hà Nội lại không mấy đồng ý với nhận định của một bộ Ngoại giao khác, về vấn đề nhân quyền.Theo luật pháp Hoa Kỳ, hàng năm đến ngày 25 tháng Hai, bộ Ngoại giao Mỹ phải báo cáo Quốc hội về tình hình nhân quyền tại một số quốc gia có nhận viện trợ của Mỹ và tại một số quốc gia hội viên Liên hiệp quốc có ký kết Công ước Quốc tế về Nhân quyền. Tuần qua, bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo đó, với nhận định không lạc quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Mặc dù có một vài cải thiện, chủ yếu thì chế độ cộng sản độc đảng tại Việt Nam vẫn chưa tôn trọng những nguyên tắc cơ bản và tối thiểu về nhân quyền. Nạn đàn áp vẫn còn, tù nhân chính trị vẫn có, giam giữ và hạch sách giới tu hành là điều còn xảy ra. Nói chung, trong danh mục các xứ văn minh biết tôn trọng những quyền tự do căn bản của công dân mình thì vẫn chưa có Việt Nam. Dĩ nhiên là nhà cầm quyền Hà Nội đã dãy nẩy và chối cãi, nhưng sự thật được trình bày kỹ lưỡng trong phúc trình hơn 40 trang về nạn chà đạp nhân quyền ở Việt Nam vẫn là sự thật đáng buồn, trong thời sự tuần qua...