Lời giới thiệu: Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ William Cohen vừa hoàn tất ba ngày viếng thăm Việt Nam. Dư luận quốc tế theo dõi chuyến viếng thăm này vì là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Việt Nam từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài của chuyến viếng thăm cùng những lời xã giao của cả hai bên, thì đây cũng chỉ là một cố gắng của Hoa Kỳ nhằm bình thường hóa mọi quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên nếu nhìn vào sự trịnh trọng của nhà cầm quyền Hà Nội khi đón tiếp ông Cohen và những lời tuyên bố không chính thức của ông với báo chí khi ông rời Viêt Nam thì chuyến viếng thăm có thể ảnh hưởng đến cả tình hình Đông Nam Á, đặc biệt về mặt chiến lược. Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài"có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Nhìn trên màn ảnh truyền hình, thì quả là ông William Cohen, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã được Hà Nội trải thảm đỏ nghênh đón. Kể từ ngày quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được bình thường hóa năm 1995, nhiều nhân vật Mỹ đã thăm Việt Nam, trong số đó phải kể hai ngoại trưởng là ông Christopher và bà Albright. Nhưng đây là lần đầu mà một bộ trưởng quốc phòng tới thăm, và lại đúng vào lúc Việt Nam đang tổ chức nhiều lễ lạc kỷ niệm chiến thắng quân sự cách đây 25 năm. Ngoài ra, được dự trù từ tháng Chín năm ngoái nhưng bị Hà Nội xin đình hoãn, chuyến viếng thăm này còn là biểu hiện của quan niệm về an ninh chiến lược Mỹ tại Thái Bình Dương, nên mới được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý. Trước hết, về phía Việt Nam, giới quan sát quốc tế ghi nhận là nhà cầm quyền hết sức long trọng tiếp đón ông Cohen, và tại đây, ông đã hội đàm với hầu hết giới lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, từ bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, đến thủ tướng và chủ tịch nước, trừ có tổng bí thư đảng. Tuy nhiên các bài tường thuật của báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng và Nhà Nước, lại phản ảnh một thái độ thận trọng của nhà cầm quyền Hà Nội. Về buổi hội đàm với thủ tướng Phan văn Khải thì tờ báo ghi là "sau khi trình bầy về tình hình kinh tế xã hội và đường lối đối ngoại của Việt Nam, ông Khải mong rằng ông Cohen sẽ có thêm hiểu biết về nền kinh tế của Việt Nam và hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ có bước phát triển nhất là trên lĩnh vực kinh tế và thương mại". Còn về cuộc gặp gỡ Thượng tướng Phạm Văn Trà, bộ trưởng quốc phòng, thì toàn là vấn đề cục bộ được mang ra thảo luận như tìm hài cốt của binh lính bị mất tích trong thời chiến, cả Mỹ lẫn Việt, hoặc phòng chống bão lụt hay nạn nhân của chất độc da cam. Và sau buổi hội đàm với chủ tịch nước Trần đức Lương, lời bình luận cũng chỉ là, chúng tôi xin trích dẫn, "thúc đẩy quan hệ song phương nhằm mục đích khắc phục hậu quả chiến tranh với tinh thần gác lại quá khứ, nhìn về tương lai". Nghĩa là trước sau không thấy báo chí chính thức của Việt Nam đả động gì đến khía cạnh quân sự hay an ninh chiến lược giữa hai nước. Về phía Hoa Kỳ thì trong các buổi hội đàm ông Cohen chỉ nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên số một của Hoa Kỳ là tìm kiếm hài cốt của hơn hai ngàn binh sĩ Mỹ mất tích trong thời chiến. Sau đó, ông cám ơn thiện chí hợp tác của Việt Nam trong việc truy tìm hài cốt đó và xác nhận Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam về kỹ thuật để phòng ngừa bão lụt, gỡ mìn bẫy, hay đóng góp vào việc tìm kiếm các binh sĩ Việt Nam mất tích. Chính thức thì vậy, nhưng bán chính thức hay qua những lời tuyên bố khi tiếp xúc với truyền thông thì lại khác. Và đây là điều đáng chú ý về chuyến viếng thăm này. Trước hết là bài diễn văn của ông đọc tại Học viện Quốc phòng ở Hà Nội. Tại đây, ông không úp mở về quan niệm của Mỹ đối với tình hình an ninh chiến lược trong toàn vùng Thái Bình Dương. Theo ông thì sự có mặt quân sự của Mỹ qua những liên minh phòng thủ với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, Thái Lan, Philippines là cột trụ giữ vững ổn định trong vùng. Ông đặt câu hỏi là " trở lại cuộc khủng hoảng ở Á Châu hai năm gần đây với khoảng trống được tạo ra lúc đó, nếu không có sự có mặt của Hoa Kỳ thì có cách nào chám vào khoảng trống nguy hiểm đó không?" Đồng thời ông cũng gián tiếp gợi ý cho Việt Nam rằng Hiệp hội ASEAN có thể là lợi khí chung nếu các nước hội viên biết sử dụng để đối phó với Trung Quốc. Rồi như để tế nhị đánh tan sự ngờ vực của Trung Quốc về một chủ trương bao vây của Mỹ, ông nhấn mạnh rằng nếu có một sự liên hệ nào giữa Hao Kỳ và Việt Nam thì đó là một liên hệ công khai, không nhằm vào một nước nào. Hơn nữa Hoa Kỳ quan niệm Trung Quốc phải có vai trò then chốt về và hòa bình ở Á Đông. Và ông kết luận là qua những bước thận trọng, an ninh của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ sẽ được tăng cường.Trên đây là lời lẽ có nhiều ý nghĩa sâu rộng trong bài diễn văn ông Cohen đã đọc tại Học viện Quốc phòng Hà Nội. Đến khi ông dời Hà Nội bay vào Nam thì những sự thổ lộ bán chính thức của ông với giới truyền thông quốc tế lại càng rõ rệt hơn. Ông Cohen nói là suốt hai ngày ở Hà Nội, ông không thấy ai nói đến quá khứ và cái nhìn của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã có vẻ ích cực hơn trước. Mặc dầu ông không có gì phải tạ lỗi về việc Hoa Kỳ tham chiến trước đây, tình hình lúc này cho phép ông nghĩ rằng qua những bước thận trọng, mối liên hệ quân sự giữa hai nước có thể bành trướng trong tương lai. Ông còn hy vọng là trong tương lai không xa, chiến hạm Mỹ có thể cập bến viếng thăm các quân cảng Việt Nam.Nói tóm lại thì về lập trường chính thức, cả hai phía Việt và Mỹ dường như đều cố hạ thấp tầm quan trọng của chuyến viếng thăm này; đặc biệt về phía Việt Nam, giới quan sát quốc tế hiểu rõ vị trí tế nhị của Hà Nội. Vị trí khó khăn này đã được thể hiện rõ rệt khi nhà cầm quyền Việt Nam không dám đi trước Bắc Kinh để hợp tác với Mỹ về thương mại và mậu dịch. Nay lại đến lĩnh vực quân sự và an ninh thì dĩ nhiên, việc xử thế lại càng khó hơn nữa. Nhưng về phía Hoa Kỳ thì ý muốn xây dựng một thế chiến lược toàn vùng Thái Bình Dương đã được bộc lộ khá rõ rệt. Theo giới quan sát quốc tế thì nếu nhìn vào đại cuộc và tương lai, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội chắc sẽ phải suy ngẫm và đắn đo nhiều về thái độ của Hoa Kỳ đối với mình. Sự chọn lựa của Hà Nội là, thứ nhất nên dựa vào ý thức hệ và nghe Bắc Kinh mà dựng lại thế liên minh giữa các nước Cộng Sản cũ, như Trung Quốc hay Liên Bang Nga, để chống ảnh hưởng của siêu cường Hoa Kỳ, hay là ngược lại, nên coi trọng quyền lợi tối thượng của dân tộc để có một thế đứng độc lập ở trong vùng? Đây sẽ là chuẩn mức đo lường sự khôn ngoan và sáng suốt của giới lãnh đạo Hà Nội. Trần Sơn Nam