* Phạm Văn Đồng, Nhà Cách MạngLời giới thiệu: Tin cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời ngày 29 tháng Tư sau nhiều ngày nằm bệnh viện cũng là chuyện bình thường. Nếu có người ngạc nhiên thì chỉ là một số rất ít, từng biết ông từ hơn năm chục năm trước: xưa kia ốm yếu bệnh tật như vậy mà làm sao ông có thể thọ tới chín mươi bốn tuổi! Theo nhận xét của một trợ bút Đài Á Châu Tự Do là Hai Trang thì có hai Phạm Văn Đồng, một ông Đồng - Nhà Cách mạng, và một ông Đồng - Nhà Cai trị. Trong chương trình hôm nay, mời quý thính giả nghe bài biên khảo của HAI TRANG về những năm đầu của Phạm Văn Đồng - Nhà Cách mạng với một án 10 năm tù vì dính líu vào một vụ thi hành kỷ luật của đảng bằng cách xử tử một đồng chí. Đây là vụ án nổi tiếng trong lịch sử của đảng mà các nhà nghiên cứu quốc tế thường gọi là Vụ Giết Người ở đường Barbier, Sàigòn. Ba người có dính líu vào vụ giết người này, về sau từng giữ các chức vụ cao nhất trong hệ thống của đảng và nhà nước cộng sản. Đó là : các ông Tôn Đức Thắng, người kế vị ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng troan 33 năm, ông Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao trong 15 năm. Trong bài đầu tiên, trợ bút của Đài Á Châu Tự Do là Hai Trang sẽ trình bày những ghi nhận về một ông Đồng-Nhà Cách Mạng.Coi lại hình ảnh của ông Phạm Văn Đồng từ thời còn trai trẻ, tới nay hiện còn lưu lại trên rất nhiều trang báo và hồ sơ lưu trữ tại các thư viện ở trong nước và ở khắp thế giới, người ta thấy rõ có hai ông Phạm Văn Đồng với ngoại hình hoàn toàn khác nhau. Một Phạm Văn Đồng hồi 25 tuổi gầy ốm, vẻ khắc khổ hiện trên khuôn mặt xương xẩu, nước da đen màu chì, tóc dầy dợn sóng giống hệt mẫu người Thượng trên cao nguyên Trường Sơn, và mang trong mình đủ các thứ bệnh kinh niên: sốt rét, đau ruột, đau gan, bao tử và đau phổi. Đó là Phạm Văn Đồng - chiến sĩ cách mạng. Và một Phạm Văn Đồng bốn mươi năm sau, cao lớn, đầy đặn mà không mập, dáng vẻ cởi mở, biểu lộ một sức khỏe sung mãn, với dáng điệu đường bệ, nói năng dõng dạc nhưng giọng chát chúa đôi khi nghe đến chói tai. Đó là Phạm Văn Đồng - nhà cai trị ngồi ghế thủ tướng trong 32 năm liền, từ 1955 đến 1987. Theo giấy tờ chính thức, Phạm Văn Đồng sinh năm 1906 tại xã Thi Phổ Nhì, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ và quan lại phong kiến. Ông thân sinh tên là Phạm Nga, làm quan đến chức Tham tri trong Nội các Nguyễn Hữu Bài của Triều đình Huế. Năm 1933, quan Tham tri Phạm Nga được đặc cách thăng chức Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Hoàng Đế Bảo Đại. Chính vào lúc ông Phạm Nga được thăng quan tiến chức tới hàm Thượng Thư thì con trai ông là Phạm Văn Đồng đang ngồi tù ở Côn Đảo sang năm thứ ba. Cũng vào năm đó, ông Phạm Quỳnh giữ chức Thượng thư Bộ Lại, và ông Bùi Bằng Đoàn --thân sinh ông Bùi Tín-- giữ chức Thượng thư Bộ Hình. Các vị lão thành của đất Thần kinh kể lại rằng quan Thượng thư Phạm Nga không hội nhập được với các gia đình quý tộc ở Huế bởi vì ông Phạm Nga vốn là người cùng quê và là người thân tín của Nguyễn Thân cho nên được cất nhắc lên và được các quan cai trị người Pháp tin dùng.Các nhà nghiên cứu xem sổ học sinh trường Quốc học nhận thấy Phạm Văn Đồng học lực trung bình, chăm chỉ, hạnh kiểm được phê là tốt. Sau khi tốt nghiệp Thành chung ở Huế, Phạm Văn Đồng ra Bắc kỳ, học trường Trung học Bảo hộ ở Hà Nội, thường gọi là Trường Bưởi. Năm 1925, sau khi thi tú tài phần 1 không đậu, Phạm Văn Đồng tham gia phong trào Thanh Niên Cách Mạng và được tổ chức cho thoát ly sang Quảng Châu, Trung Quốc. Tại Quảng Châu, ông gia nhập Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Lý Thụy, sau này là Hồ Chí Minh tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Đông phương của Quốc tế Cộng sản. Sau một khóa huấn luyện ngắn hạn, ông được đưa về hoạt động trong nước. Năm 1929 Phạm Văn Đồng lại trở sang Hong Kong dự Đại hội của Thanh Niên Cách Mạng. Tại Đại hội này, ông được chỉ định làm Bí thư Xứ bộ Nam kỳ, thay thế người Bí thư Xứ bộ đã bị các đồng chí kết tội phản đảng và đã bị xử tử. Đây là vụ thi hành kỷ luật một đồng chí cấp lãnh đạo bằng án xử tử đầu tiên trong lịch sử đảng. Vụ án này được các nhà nghiên cứu lịch sử phong trào cộng sản ở Việt Nam rất quan tâm và thường được gọi la Vụ giết người ở đường Barbier, Sàigòn. Nay xin thuật lại rất tóm tắt vụ xử lý nội bộ rất quyết liệt này như sau đây.Tháng 6 năm 1929, Phạm Văn Đồng từ Hong Kong về đến Sàigòn, vừa mới nhận chức Bí thư Xứ bộ Nam Kỳ được ít ngày thì đến tháng 7 đã bị công an Pháp bắt giam. Nguyên do là sáu tháng trước, cảnh sát Quận 1 Sàigòn phát giác tại căn nhà số 5 đường Barbier, nay là đường Lý Trần Quán, thuộc phường Tân Định, quận 1, có một xác chết đàn ông, cổ họng bị cắt, ngực có vết dao đâm thấu tim, và mặt bị đốt cháy xém khiến không thể nhận diện. Cảnh sát hình sự cho theo dõi kẻ ra vô mấy căn nhà bị coi là đáng nghi trong lối xóm. Ngay tối hôm đó cảnh sát chìm tóm được một thanh niên đang tra thìa khóa mở cửa một căn nhà đang bị canh chừng ở không xa nơi xảy ra vụ giết người. Anh này khai tên là Nguyễn Duy Trinh, 18 tuổi quê ở Nghệ An. Đến sáng, cảnh sát lại tóm được thêm một người cũng đang mở khóa căn nhà đó. Cảnh sát khám xét căn nhà đã tìm thấy nhiều tài liệu của một tổ chức cách mạng chống Pháp, danh xưng là Đảng Tân Việt. Người bị bắt sau tên là Đào Xuân Mai, chính là Xứ uỷ Nam Kỳ của đảng này và Nguyễn Duy Trinh là một đảng viên mới từ Vinh vào nhận công tác. Cảnh sát cho rằng đã nắm được đầu mối, khám xét thêm nhiều trụ sở khác của đảng Tân Việt, bắt giam gần hai chục cán bộ đảng viên của tổ chức cách mạng này mà hầu hết đều quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng sáu tháng trôi qua mà cuộc điều tra vẫn bế tắc. Đến tháng 7 năm 1929 Nha Công an chính trị ở trung ương gửi công văn mật cho Viện Công tố Sàigonụ --ngày nay gọi là Viện Kiểm sát Nhân Dân-- về vụ giết người ở phường Tân Định. Công văn mật của Nha Công an cho biết nội vụ như sau đây. "Ở Nam kỳ có một hội kín chống Pháp mà Tổng bộ đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc. Cơ quan đầu não ở Nam kỳ gọi là Kỳ bộ đặt tại Sàigòn để lãnh đạo các tỉnh bộ. Người lãnh đạo Kỳ bộ Nam kỳ bí danh là LANG. Tỉnh bộ Bến Tre gửi lên Saigòn một nữ đảng viên mới được kết nạp để Kỳ bộ huấn luyện. Nữ đảng viên này tên là Trần Thị Nhứt, 18 tuổi, bí danh Lê Oanh. Rồi lãnh đạo Lang mê Thị Nhứt và muốn lấy nữ đảng viên này làm vợ nhỏ. Một người khác trong ban lãnh đạo lấy làm bất bình liền đem việc này ra thảo luận trong một phiên họp. Người này là một nhân vật có uy tín trong Kỳ bộ, tên là Tôn Đức Thắng. Kỳ bộ quyết dịnh chuyển Thị Nhất sang tỉnh bộ Sàigòn để cách ly Lang. Ở tỉnh bộ, Thị Nhứt xác nhận có bị Bí thư Lang cưỡng ép. Do đó tỉnh bộ lập Tòa án bí mật, xét là Lang có tội, áp dụng Nội quy và tuyên án tử hình đối với Lang. Bản án đã được thi hành. Ngay sau khi đã giết Lang, một trong ba cán bộ đã thi hành lệnh ám sát liền bí mật sang Quảng Châu để báo cáo với Tổng bộ. Khi trở về đến thành phố Vinh, cán bộ này bị công an Pháp bắt giữ, bị tra khảo và đã thành thật khai báo".Theo lệnh khởi tố của Công tố viện Saigòn, Sở Công an tung nhiều mẻ lưới kể từ ngày 23 tháng 7 năm 1929, bắt giữ các can phạm chính yếu, trước hết là Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương và mấy chục người khác. Do sự đan chen về tổ chức và về nhân sự giữa các đoàn thể cách mạng mà vào thời đó đang cạnh tranh nhau ráo riết, cho nên công an Pháp đã phát hiện toàn bộ các cơ sở không phải chỉ riêng của Thanh niên Cách mạng, mà còn phát hiện cơ sở của đảng Tân Việt và nhất là của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thiết lập tại Nam kỳ. Trong vòng hai tháng, công an Pháp đã bắt giam trên hai trăm người. Trong số các cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt giam, mặc dầu không hề dính líu chút nào đến vụ giết người ở phường Tân Định, có các ông Trần Huy Liệu tức Nam Kiều, Nguyễn Hòa Hiệp mà sau này là Tư lệnh Đệ tam Chiến khu, Nguyễn Phương Thảo mà sau này là Trung tướng Nguyễn Bình, vân vân. Còn rất nhiều người trốn thoát, trong số đó các cán bộ cộng sản trọng yếu như Hà Huy Tập, Đỗ Đình Thọ. Ngày 18 tháng 7 năm 1930, Tòa án Đại hình Sàigòn đã xử vụ giết người ở Phường Tân Định. Riêng vụ này có 64 người bị truy tố, trong số đó có 13 người còn đang lẩn trốn. Tòa tuyên ba án tử hình cho các ám sát viên, tuyên án Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai, Phạm Văn Đồng 10 năm tù đày đi Côn Đảo, Nguyễn Kim Cương 7 năm tù, Nguyễn Duy Trinh 18 tháng tù.Năm 1936, Liên minh xã hội lên cầm quyền ở chính quốc Pháp, ra quyết định ân xá cho tất cả các tù nhân chính trị ở các thuộc địa. Vì thế mà các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và các tù nhân khác chỉ phải thọ án có 6 năm. Ra tù, hầu hết các cựu chính trị phạm lại tiếp tục cuộc đời cách mạng. Ông Đồng trở ra Hà Nội, làm công tác báo chí cho Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc đó được phép hoạt động công khai hợp pháp. Nhưng không phải từ đó cuộc đời của ông hết gian khổ. Mùa thu năm 1939, đảng cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đại bộ phận rút vào bí mật. Trong cuộc đại càn quét các tổ chức chống Pháp năm 1940 không phân biệt quốc gia hay cộng sản, ông Đồng cùng nhiều nhân vật lãnh đạo cộng sản ở Bắc kỳ trốn thoát. Tháng 5 năm đó, nhờ móc nối với các phần tử cộng sản Trung Quốc, ông Đồng được đưa sang Côn Minh ở Trung Quốc cùng vơiù ông Võ Nguyên Giáp, để gặp ông Nguyễn Ái Quốc (lúc đó chưa dùng tên Hồ Chí Minh). Thoạt đầu hai ông Đồng và Giáp được tuyển đi căn cứ địa Diên An của Đảng Cộng sản Trung Quốc để học tập quân sự và chính trị. Mới đi được nửa đường thì hai người được lệnh trở lại để nhận công tác ở vùng biên giới tỉnh Quảng Tây. Lý do là ở Âu châu, Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, ở Á châu Nhật đã đưa quân vào Đông Dương và cộng sản Trung Quốc rất cần có sự hợp tác của các đồng chí người Việt để lập căn cứ trên lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động trong một tổ chức do cộng sản Trung Quốc lập ra có tên là Trung-Việt Văn Hóa Công tác Đồng chí Hội ở Quế Dương thuộc tỉnh Quảng Tây, Phạm Văn Đồng lấy bí danh là Lâm Bá Kiệt, còn Võ Nguyên Giáp là Dương Hoài Nam. Hội này được lập ra để chuẩn bị cho kế sách đưa quân đội Trung Quốc vào Việt Nam, thường được gọi la Hoa Quân Nhập Việt. Tháng 10 năm 1940, được sự giúp đỡ của phía Trung Quốc, một tổ chức lập ra từ 5 năm trước là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội được dùng trở lại. Tổ chức này lập ra từ tháng 7 năm 1935, do ông Hồ Học Lãm làm chủ tịch, vốn là do sự kết hợp của ba thành phần sống lưu vong ở Trung Quốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng, Độc lập Đảng và Tân Việt Đảng. Khi lập lại năm 1940 thì ông Hồ Học Lãm đã già yếu, mọi công việc đều do Phó chủ tịch Lâm Bá Kiệt tức là Phạm Văn Đồng cáng đáng cùng với các cán bộ cộng sản khác là Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp. Cuối năm 1940, Phạm Văn Đồng cùng các cán bộ khác đặt trụ sở ở thị trấn Tĩnh Tây ở gần biên giới Việt Nam, huấn luyện cán bộ và phát hành tờ báo Độc Lập, còn gọi là Việt Lập. Đến tháng 5 năm 1941, Hội nghị Pác Bó của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam quyết định đưa tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh về hoạt động ở trong nước và từ đó gọi tắt Mặt trận Việt Minh. Từ đầu năm 1942, nhóm Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trở về Việt Nam hoạt động ở căn cứ địa Cao Bằng. Trong thời gian hơn ba năm hoạt động ở căn cứ địa Cao Bằng cho đến khi chuyển về Tân Trào tháng 6 năm 1945, Phạm Văn Đồng chỉ đóng một vai trò khiêm tốn. Khi Việt Minh nắm được chính quyền, ông cũng chỉ được giữ chức vụ Thứ trưởng bộ Tài chính trong chính phủ lâm thời. Ông chỉ được chú ý tới từ tháng 7 năm 1946, khi cầm đầu một phái đoàn sang Pháp để tăng cường cho cuộc thương thuyết của ông Hồ Chí Minh với chính phủ Pháp tại Hội nghị Fontainebleau. Trong ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ông vẫn chưa có chức vụ nào đáng kể. Ngôi sao Phạm Văn Đồng chỉ bắt đầu sáng lên từ cuối năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông toàn thắng trên lục địa Trung Hoa.