Lãi suất Hoa Kỳ và Hiệu ứng Á châu

Lời giới thiệu: Hôm nay, với chức năng của Ngân hàng Trung ương, Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ có phiên họp định kỳ về chính sách tiền tệ, và đa số dư luận dự đoán là Ủy ban Tiền tệ FOMC của Hội đồng sẽ cho nâng lãi suất ngắn hạn, có thể là 50 điểm tức là 0,50%, để ngừa lạm phát vì kinh tế Mỹ đang tăng trưởng quá mạnh. Việc Hoa Kỳ nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng ra sao tới các nền kinh tế khác, nhất là kinh tế Á châu? Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu về câu trả lời qua bài phân tách của tác giả Nguyễn An Phú sau đây Trong tuần qua, từ trụ sở tại Paris, tổ chức OECD quy tụ các nước kỹ nghệ tiên tiến nhất thế giới đã khuyến nghị là Hoa Kỳ phải nâng lãi suất ngắn hạn, để chặn trước nguy cơ lạm phát và để duy trì một mức tăng trưởng kinh tế ổn định hơn, dù có thể là thấp hơn tốc độ hiện nay. Lời khuyến nghị đó liền bị một số doanh nghiệp Mỹ kích, vì lãi suất tăng sẽ bào mỏng số doanh lợi của họ. Cùng lúc đó, một số quốc gia Á châu lại có quan điểm trái ngược. Các quốc gia này e sợ là lãi suất ngân hàng Mỹ mà tăng, lần thứ sáu trong chưa đầy một năm, và tại tăng đến 50 điểm thay vì 25 điểm như năm lần trước, thì kinh tế Á châu sẽ bị bất lợi, vào đúng lúc châu Á đang phục hồi sau vụ khủng hoảng trong các năm 1997-1998. Vấn đề lãi suất tại Hoa Kỳ vì vậy không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, mà còn gây hiệu ứng tới các nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có kinh tế Á châu. Trước khi tìm hiểu về hậu quả của vụ Mỹ nâng lãi suất, ta cần kiểm điểm lại về tình hình kinh tế Hoa Kỳ, để thấy là vì sao nhu cầu nâng lãi suất lại đặt ra. Trong khoảng thời gian 17 năm qua, kinh tế Mỹ chỉ bị 9 tháng suy trầm rất nhẹ, vào các năm 90-91, rồi đã tăng trưởng thật mạnh trong 10 năm qua, với tốc độ trung bình 3%, nghĩa là cao hơn tất cả các nước công nghiệp thế giới. Điều đáng chú ý hơn, là trong 10 năm đó, kinh tế đã tạo ra hơn 18 triệu việc làm mới, khiến tỷ lệ thất nghiệp nay chỉ còn là 3,9%, thấp nhất kể từ 30 năm nay. Một động lực chính của đà tăng trưởng này là cuộc cách mạng tín học có làm thay đổi sinh hoạt kinh tế vì nâng cao năng suất lao động của công nhân Mỹ. Nhờ vậy mà dù kinh tế tăng trưởng mạnh, vật giá vẫn chẳng gia tăng đáng kể, trung bình tăng có chừng 2% một năm kể từ 1996, so với 5% khi mở đầu thập niên 90.Thế nhưng, tình hình khả quan đó đã có chiều hướng suy giảm dần vì lạm phát bắt đầu xuất hiện tại Mỹ, dù không mạnh. Lý do chính có thể là vì mức thất nghiệp thấp và lương bổng lại tăng rất mạnh nên mới có thể đẩy vật giá lên cao. Thứ nữa, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng giá đều trong thời gian qua, trung bình 20% một năm suốt 5 năm liền, cho tới đầu năm nay. Khi trị giá chứng khoán tăng vậy, giới đầu tư thấy mình giàu có hơn và tiêu xài phóng túng hơn. Chính là sức tiêu thụ đó mới tạo ra số cầu rất lớn mà số cung chẳng thỏa mãn nổi. Theo quan điểm của Hội đồng Dự trữ Liên bang, sự chênh lệch đó cũng có thể dẫn tới lạm phát. Do đó, người ta mới nói tới việc điều chỉnh lãi suất cho cao hơn.Luật lệ kinh tế Hoa Kỳ thả nổi lãi suất dài hạn cho thị trường tự do ấn định theo quy luật cung cầu, qua các loại trái phiếu. Còn lãi suất ngắn hạn thì do Hội đồng Dự trữ Liên bang ấn định, với tác dụng là khiến cho tiền tệ trở nên rẻ hay đắt hơn mà lưu hành nhiều hay ít hơn, từ các ngân hàng ra tới ngoài. Trong năm 1998, khi khủng hoảng kinh tế Á châu lan rộng, Hội đồng này đã ba lần hạ lãi suất, nhằm giúp cho tiền thành rẻ hơn, lưu hành dễ hơn và nhiều hơn, hầu Á châu có thêm phương tiện phục hồi kinh tế. Kể từ tháng Bảy năm ngoái, Hội đồng Dự trữ Hoa Kỳ đã đảo ngược chiều hướng, và nâng lãi suất thật chậm, mỗi lần chỉ 25 điểm, để tránh cho kinh tế Mỹ khỏi bị nóng máy mà gây lạm phát. Nhưng năm lần nâng lãi suất như vậy hình như chưa đủ mạnh để đẩy lui nguy cơ lạm phát. Vì vậy, trong kỳ họp hôm nay của Ủy ban Tiền tệ, người ta dự đoán là lãi suất sẽ tăng 50 điểm và còn có thể thêm 50 điểm nữa trong kỳ họp tháng Bảy sau này. Tại Hoa Kỳ, nhiều nhà kinh tế dự đoán là lãi suất sẽ tăng cho tới khi đà tăng trưởng sản xuất quá mạnh hiện nay phải giảm bớt chừng 2%, thì kinh tế mới ổn định và không bị giao động giá cả. Bây giờ, chúng ta mới tìm hiểu xem lãi suất gia tăng và đà tăng trưởng sản xuất bị đánh sụt mất 2% như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào tới các nền kinh tế khác. Trước hết, ngoài ảnh hưởng trực tiếp là làm số cầu bị sụt trên thị trường Mỹ, khiến mức sản xuất chậm lại hầu kinh tế khỏi nóng máy, lãi suất tăng cũng gây hậu quả quốc tế vì làm số nhập cảng sút giảm và làm tiền Mỹ lên giá. Khi lãi suất tăng, tiền Mỹ thành đắt hơn và lên giá so với các đồng tiền khác trên thế giới. Khi số cầu sút giảm thì nhập cảng từ các thị trường khác vào Mỹ giảm theo, khiến các nền kinh tế kia mất một đầu mối lôi kéo đà tăng trưởng.Chẳng hạn, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán, rằng nếu kinh tế Mỹ hãm đà tăng trưởng nhờ nâng lãi suất thì đà gia tăng nhập cảng của Hoa Kỳ từ các thị trường Á châu sẽ giảm một nửa, từ 20% xuống còn có 10%. Hiện nay, các nước Á châu ngoài Nhật đang xuất cảng vào Mỹ một khối lượng bằng 10% tổng sản phẩm GDP của họ, và bằng 14% số nhập cảng của Mỹ. Nếu số xuất cảng này bị sụt giảm vì lãi suất tăng tại Mỹ, thì tỷ lệ tăng trưởng GDP của Á châu ngoài Nhật sẽ sụt 1%. Con số này tưởng là nhỏ, nhưng, nếu đà tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chẳng hạn mà sụt 1% thì sẽ có hơn một triệu rưởi người mất việc. Đà tăng trưởng kinh tế của xứ Indonesia có chừng 5% mà mất 1% thì coi như sụt mất một phần năm tức là 20%. Mặt khác, tiền Mỹ lên giá so với các ngoại tệ khác của Á châu sẽ thu hút tư bản về thị trường Hoa Kỳ, dưới hình thức công khố phiếu chẳng hạn, và cũng gây ra nạn thiếu vốn đầu tư tại châu Á. Đó là chưa kể tới hiệu ứng phụ, như thị trường chứng khoán sụt giá làm giới đầu tư thêm bi quan mà tiết giảm tiêu thụ và sản xuất, làm hiệu ứng tổng hợp tại Á châu có thể sẽ cao hơn số 1% của GDP. Đối với các nước khác, việc Hoa Kỳ nâng lãi suất cũng sẽ có ảnh hưởng bất lợi. Thí dụ như đà tăng trưởng xuất cảng của Mexico, một trong ba nước của khối Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ NAFTA, sẽ sụt mất phân nửa. Và nước kia là Canada, cũng sẽ bị hậu quả và lãi suất tại đây sẽ lại tăng. Kinh tế Âu châu cũng sẽ bị hậu quả bất lợi dù nhẹ hơn Á châu, vì hàng hóa Âu châu chỉ chiếm có 13% tổng số nhập cảng của Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm đi mất 2% thì đà tăng trưởng của Âu châu sẽ hạ chừng 0,1% mà thôi. Còn kinh tế Nhật thì vốn đang ở trong giai đoạn suy trầm quá nặng với số xuất cảng bị giảm sút trầm trọng, việc kinh tế Mỹ có nhập cảng hàng Nhật ít hơn xưa cũng chưa là gây thêm tai họa. Dù sao, ta cũng không quên là Nhật sẽ còn bị hiệu ứng gián tiếp của vụ lãi suất tăng là các nước Á châu sẽ có tốc độ phát triển thấp hơn, nên cũng mua hàng Nhật ít hơn.Khi tổng hợp lại, các nhà kinh tế tại Hoa Kỳ đã dự báo là lãi suất Hoa Kỳ mà tăng và kinh tế Mỹ bị giảm đà sản xuất, thì có chừng phân nửa Tổng sản phẩm GDP trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Từ nặng nhất tới nhẹ nhất là đà tăng trưởng GDP của Mỹ bị sụt; sau đó tới Á châu; sau đó mới tới Canada và Mexico; sau cùng mới tới các xứ Âu châu và Nhật Bản. Người ta còn dự báo là tổng kết lại, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt chừng 0,75%, tức là ba phần tư của một phần trăm, trong đó có chừng 0,40% là sự suy sụp trực tiếp của kinh tế Mỹ.Ngần ấy dự báo đều bao hàm một giả thuyết là Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ thành công trong việc nâng lãi suất, như người ta đạp thắng, để giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong một biên độ chấp nhận được mà không gây phản ứng hốt hoảng dẫn đến một sự suy thoái trầm trọng hơn. Liệu điều đó có xảy ra không thì chưa ai có thể biết. Trong lịch sử gần đây, đầu năm 1994, Mỹ cũng từng áp dụng biện pháp hãm thắng như vậy, khiến kinh tế Mỹ đã ngăn được lạm phát và tăng trưởng khả quan trong sáu năm liền kể từ đó. Nhưng, tình hình giờ đây đã khác, và người ta không thể loại bỏ giả thuyết là vì giảm bớt tốc lực tăng trưởng quá mạnh mà kinh tế Hoa Kỳ bị trôi vào suy trầm. Trong giả thuyết bi quan đó, các nước Á châu có thể sẽ bị hậu quả nặng hơn.Ngay từ đầu năm nay, người ta đã nói tới một số kịch bản đen tối cho kinh tế Á châu trong giai đoạn phục hồi. Cả Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và gần đây nhất, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, đều tiên đoán là Á châu sẽ bắt trớn sản xuất khả quan trong năm nay và năm tới, nhưng vẫn có thể bị rủi ro tuột vào khủng hoảng vì nhiều quốc gia đã sớm ngủ quên trên hào quang phục hồi mà không hoàn tất việc cải tổ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Ngần ấy định chế đều nhận định rằng nếu một biến động xảy ra từ bên ngoài, thì Á châu có thể sẽ lại bị sóng gió. Một giả thuyết biến động trong kịch bản bi quan là kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm vì lãi suất tăng và thị trường chứng khoán sụt giá. Ngày nay, người ta thấy thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tuột giá kể từ đỉnh cao vào đầu năm. Nếu vụ nâng lãi suất mà không khéo tiến hành, trong mức độ và với tốc độ thích hợp, thì kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm và giả thuyết bi quan nhất của Á châu sẽ thành hiện thực. Điều cần nói ở đây là Hoa Kỳ hoàn toàn chẳng có nhu cầu gây ra sóng gió cho nước khác như vậy, và nếu Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ tính sai thì chính kinh tế Mỹ sẽ bị hậu quả trước tiên, và nặng nhất, như chúng ta vừa thấy dự đoán ở trên./.