Lời giới thiệu: Hôm thứ Sáu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa đưa ra một số nhận định về kinh tế Việt Nam, và khuyến cáo Hà Nội nên đẩy nhanh việc cải tổ cơ cấu kinh tế và tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài và ra khỏi sự trì trệ. IMF cũng đặc biệt phê phán rằng tại Việt Nam, khoảng cách giữa kế hoạch và hành động còn quá rộng và đà đổi mới bị chậm lại vì nhà cầm quyền cần thời gian để tìm sự nhất trí trong hàng ngũ lãnh đạo. Về sự việc này và những khó khăn của Việt Nam khi cải tổ các xí nghiệp quốc doanh theo như đề nghị của IMF, mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Theo Thông Tấn Xã Việt Nam thì trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7 vừa qua, tổng số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm 44%. Nếu so sánh đà sút giảm này với số đầu tư ngoại quốc trong những năm 1996-97 lên tới gần ba tỷ dollars mỗi năm, và còn có trên dưới 500 triệu vào năm ngoái, thì khuyến cáo tuần qua của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF quả thực đã đến đúng lúc. IMF đề nghị Việt Nam cần phải đẩy mạnh và đẩy nhanh hơn những chương trình cải tổ cấu trúc kinh tế, đã được viện trợ để tiến hành mà vẫn trì chậm chưa làm từ nhiều năm nay. Về tình hình chung của nền kinh tế và lý do tại sao đầu tư nước ngoài vào lại liên tục sút giảm từ mấy năm qua thì doanh gia ngoại quốc và cả giới chức nhà nước cũng đều than phiền là luật lệ của Việt Nam quá phức tạp, thủ tục rắc rối và tham nhũng lan tràn. Ngoài tình trạng này lại còn sự chậm trễ của nhà cầm quyền trong việc cải tổ những cơ chế lỗi thời còn sót lại của chế độ kinh tế chỉ huy cộng sản. Sự chậm trễ này khiến IMF tạm ngưng chương trình viện trợ gọi là tăng cường cải cách cấu trúc cho Việt Nam suốt hai năm liền, và nay vừa trở lại với lời khuyến cáo mới, sau khi nhận định rằng kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu cải tiến trong gần đây.Theo IMF thì Việt Nam đã đạt một số thành quả như gia tăng xuất khẩu, linh hoạt trong chính sách kinh tế vĩ mô, và giữ lạm phát ở mức thấp, nhờ đó mà từ giữa năm 1999 trở đi, nền kinh tế đã có đà hồi phục. Tuy nhiên nguy cơ vẫn còn nhiều trong lãnh vực ngân sách vì số thu thuế khóa giảm sút, công trái quá cao và khoản nợ quá nặng của hầu hết các xí nghiệp quốc doanh. Vì vậy mà hơn lúc nào hết, muốn thu hút đầu tư ngoại quốc và thoát khỏi vòng trì trệ, Việt Nam cần thúc đẩy cải tổ cơ cấu cho nhanh hơn trong hệ thống ngân hàng và trong một lãnh vực còn khó khăn nữa, đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước.Về phương diện này, ngoại trừ một số xí nghiệp thuộc khu vực an ninh còn cần duy trì dưới sự quản lý của nhà nước, chính quyền Việt Nam đang có chương trình loại bỏ các xí nghiệp bị lỗ lã quá nhiều và thu gọn những đơn vị còn lại, để giảm tổng số từ 5.740 xuống dần tới 2.756 đơn vị. Về tổng số nhân công của khu vực này thì người ta ghi nhận tất cả có 1 triệu 780 trăm ngàn người, trong số này có đến 10% là khiếm dụng dư dôi. Tỷ lệ dư thừa đó còn cao hơn trong nhiều ngành, như than đá hay thực phẩm, là 30%, hoặc trong các xí nghiệp quốc doanh địa phương, là 33%. Khi cải tổ các xí nghiệp bị lỗ lã nợ nần như vậy, người ta sẽ phải giải thể và sa thải nhân công. Vì vậy mà việc cải tổ cần có kế hoạch và ngân sách trợ cấp về xã hội cho hơn 200 ngàn nhân công sẽ bị sa thải. Nếu cùng lúc đó, người ta cần tiến hành cổ phần hóa thì sẽ phải tính thêm năm vạn công nhân khác cũng sẽ mất việc. Ngoài nhu cầu trợ cấp để giúp người mất việc như vậy, người ta phải giải quyết khoản nợ chắc chắn là không thể trả nổi của tất cả các xí nghiệp quốc doanh, lên tới hơn 14 tỷ dollars. Điều trớ trêu là vấn đề các xí nghiệp quốc doanh không phải lúc này mới được đặt ra. Từ nhiều năm nay, các định chế quốc tế, như Ngân Hàng Thế Giới hay IMF, không những đã lưu ý Hà Nội về nhu cầu này, mà còn dành một ngân khoản đặc biệt, trước đây là 500 triệu, rồi sau được tăng lên 700 triệu, cho việc cải tổ cơ cấu. Ngân khoản này có mục tiêu giúp Việt Nam tránh được hậu quả xã hội xấu khi tiến hành việc cải tổ cơ cấu kinh tế, trong đó có cả chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nhưng, vì mâu thuẫn trong nội bộ, cho đến nay việc cải tổ không được thực hiện sau rất nhiều hứa hẹn, khiến Quỹ IMF phải tạm hoãn chương trình viện trợ này. Trong điều kiện của nền kinh tế hàng năm phải tạo thêm hơn một triệu việc làm để đáp ứng nhu cầu của dân số gia tăng, thì việc cải tổ xí nghiệp quốc doanh bị trì hoãn lâu nay sẽ càng gây thêm khó khăn cho nhà cầm quyền. Nhưng thực tế này dường như chưa được nhìn nhận đúng mức vì mới hôm qua, bộ Kế Hoạch và Đầu Tư còn dự trù tốc độ tăng trưởng năm 2001 tới đây có thể lên tới từ 7% hay 7,5%. Con số này coi như quá lạc quan nếu so sánh với dự đoán của IMF là 4,5%. Bên cạnh, bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đặt ra nhiều chỉ tiêu lạc quan hơn, như sẽ xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, 600 ngàn tấn cà phê và 300 ngàn tấn cao su, mà không kể gì đến những khó khăn về cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nói tóm lại, hết năm này qua năm khác, nhà cầm quyền Việt Nam vì quá sợ hãi mà bỏ lỡ nhiều cơ hội. Được các nước cấp viện và định chế quốc tế trợ giúp về cả tài chánh lẫn kỹ thuật để cải tổ cơ cấu, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn không dám dứt khoát tiến hành. Rồi lại đến vụ bỏ lỡ cơ hội mở cửa để sớm hội nhập với cộng đồng quốc tế, khi từ chối ký kết bản Hiệp Định Thương Mại với Hoa Kỳ, được hoàn tất từ tháng Bảy năm ngoái. Lý do chỉ vì không dám đi trước xứ Cộng Sản đàn anh và lại sợ mất ảnh hưởng. Nay thì có nhanh nhất cũng phải đến sang năm bản hiệp định mới được Quốc Hội Hoa Kỳ đem ra thảo luận trước khi phê chuẩn. Bước vào thiên niên kỷ mới này, không những người ta nói đến sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn phải kể đến những tiến bộ và đổi thay từ nền kinh tế cổ điển, gọi là "kinh tế cũ" sang nền kinh tế dựa trên tín học, gọi là "kinh tế mới". Trâu chậm thì tất nhiên phải uống nước đục. Trong bản nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, tuy Quỹ Tiền Tệ IMF tế nhị không nói đến nguy cơ tụt hậu, nhưng đó chính là sự thật nếu từ chương trình hành động đến thực tế vẫn tiếp tục là một khoảng cách quá lâu, mà nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không muốn thâu ngắn lại.Trần Sơn Nam