Lời giới thiệu: Trong những tháng gần đây, dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến những biến chuyển của tình hình Indonesia. Ông Abdurrahman Wahid được bầu lên Tổng Thống cách đây hơn 10 tháng đang phải đối phó với những khó khăn chồng chất mọi mặt, từ các phong trào đòi độc lập đến những vụ xung đột đẫm máu giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo, tiếp đến là sự suy sụp kinh tế suy sụp và nay lại là một vụ khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát. Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" kỳ này có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam, trình bầy về những thử thách mà nền dân chủ non trẻ của Indonesia đang cố đối phó trong lúc này... Nếu kể về tài nguyên dồi dào và dân số 210 triệu, trải rộng trên hơn 4.000 hòn đảo có người cư ngụ, thì Indonesia là nước lớn nhất Đông Nam Á. Bị chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước trong vùng từ giữa năm 1997, rồi lại trải qua biến động chính trị làm sụp đổ chế độ Suharto năm 1998, Indonesia trong hai năm qua vẫn là mối quan tâm của quốc tế. Tuy nhiên tình hình cũng tạm ổn từ cuối tháng 10 năm ngoái, qua cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong lịch sử từ ngày lập quốc và sau 32 năm dưới chế độ độc tài. Một nền dân chủ mới đã thành hình từ cuộc bầu cử và sau đó lãnh tụ hồi giáo ôn hòa là ông Abdurrahman Wahid được bầu lên Tổng Thống. Dầu sức khỏe yếu kém và mắt không còn thấy rõ, ông Wahid vào lúc nhậm chức được dư luận trong nước và giới quan sát quốc tếụ coi như người tượng trưng cho một giai đoạn mới, có thể mang lại sự ổn định cần thiết cho Indonesia để ra khỏi tình trạng hỗn loạn, bế tắc thời Suharto và Habibie và để phục hồi nền kinh tế đang trên đà suy sụp. Thực vậy, ngay sau khi ông lên nắm quyền, tình hình có lắng dịu, đường phố hết còn biểu tình chống đối chính phủ và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF lại giải ngân trở lại những khoản viện trợ đã hứa hẹn nhưng bị đình hoãn vì xáo trộn. Ngoài ra, hồ sơ Đông Timor cũng được giải quyết với sự can thiệp và giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc.Kể từ đó, một bầu không khí tương đối lạc quan bắt đầu, và cũng nhờ vào thời cơ thuận tiện này mà ông Wahid đã lành mạnh hóa được sinh hoạt chính trị của Indonesia bằng cách giảm bớt ảnh hưởng của giới quân nhân vẫn làm mưa làm gió từ thời Suharto. Người cầm đầu quân đội lúc trước là tướng Wiranto bị giải nhiệm và một số tướng tá khác bị thay thế. Đồng thời về phương diện kinh tế một số biện pháp do IMF khuyến cáo cũng bắt đầu được thi hành. Trên đây là phần tích cực của tình hình. Phần tích cực này tuy nhiên chưa đủ thay đổi cục diện vì phần tiêu cực cũng nổi bật không kém. Do đó mà sau hơn 10 tháng cầm quyền, ông Wahid phải đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị đe dọa cả quyền uy của ông lẫn tương lai của nền dân chủ còn non trẻ của Indonesia. Trước hết là các vấn đề khó giải quyết như phong trào đòi độc lập của Aceh và những hải đảo miền Đông; rồi đến vụ xung đột đẫm máu giữa hai nhóm Hồi giáo và Thiên Chúa giáo trên quần đảo Molucca; sau đó là tình trạng mất giá gần đây của đồng rupiah. Trong lúc đó, Hội Đồng Tư Vấn Nhân Dân tức là cơ chế tương đương với Thượng viện Quốc hội lại sửa soạn họp để duyệt xét tình hình chung, và các giới chính trị bắt đầu lên tiếng gây ảnh hưởng. Họ công khai lên tiếng chỉ trích ông Wahid, rằng ông bất lực không lãnh đạo được nội các chính phủ; có những quyết định bất nhất, nay lấy mai đổi; hoặc đã bất thần giải nhiệm một số bộ trưởng mà không đưa ra lý do; và một số người thân cận của ông lại còn bị dính líu vào nhiều vụ tham nhũng. Phó Tổng Thống là bà Megawati Sukarnoputri của đảng Dân Chủ Tranh Đấu cũng tỏ ra thất vọng. Do sự cấu kết của những phần tử bất mãn, nay chống đối lề lối lãnh đạo bất nhất của ông, trong các giới chính trị và ngay tại Hội Đồng Tư Vấn Nhân Dân, một khuynh hướng mới xuất hiện, buộc ông phải trao lại quyền trực tiếp điều khiển chính phủ cho bà Phó Tổng Thống. Đứng trước tình thế khó xử không lối thoát, ông Wahid chấp nhận ngay trên nguyên tắc đề nghị của các phe chống đối. Tuy nhiên trong lúc dư luận còn hoang mang chưa biết một người thiếu kinh nghiệm chính trị như bà Sukarnoputri có đủ khả năng lãnh đạo không thì tình hình lại trở nên phức tạp. Một mặt thì phe của bà Sukarnoputri đưa ra đòi hỏi quyết liệt như chính phủ mới phải gồm cả hai bộ trưởng về kinh tế tài chính và tướng Wiranto mà ông Wahid đã bãi chức lúc trước; mặt khác ông Wahid lại đưa thêm đề nghị mới là rồi đây mọi việc sẽ do một tâp thể bốn người quyết định, gồm có chính ông, bà Phó Tổng Thống và hai bộ trưởng đặc nhiệm phối hợp hoạt động về hai lãnh vực, kinh tế, tài chính với chính tri, an ninh, xã hội.Tình trạng nội bộ rối ren, phức tạp của Indonesia sẽ được giải quyết ra sao, lúc này chưa ai được rõ. Nhưng ai cũng thấy là không những sự suy sụp về kinh tế đang đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp cấp bách cải thiện tình tình, mà cả tương lai của nền dân chủ non trẻ của Indonesia cũng nằm trên bàn cân. Đây là cả một thử thách đối với dân tộc và lãnh đạo Indonesia. Hôm qua, nhân dịp viếng thăm Malaysia, cựu Thủ Tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu nổi tiếng là lãnh tụ Á Đông giàu kinh nghiệm, cũng lên tiếng về trường hợp này. Sau khi nhận định là các xứ Đông Nam Á Châu chưa chịu cải tổ sâu rộng cơ cấu tài chính và kinh tế để bắt kịp các nước Đông Bắc Á, ông tỏ vẻ lo ngại về tình hình chính trị nội bộ của Indonesia. Lời tuyên bố của ông Lý Quang Diệu về Indonesia làm giới quan sát quốc tế liên tưởng đến tình hình Việt Nam. Tại đây, tuy bên ngoài không ai thấy khủng hoảng chính trị, nhưng cùng tin đồn về sự tranh chấp và lủng củng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, người ta lo ngại là nếu không dứt khoát giải quyết những vấn đề nội bộ thì nguy cơ tụt hậu sẽ trở thành hiện thực mà khủng hoảng cũng có thể bùng nổ trước mắt, không khác gì trường hợp của Indonesia ngày này.Trần Sơn Nam