Lời giới thiệu: Tuần qua, đảng Dân chủ đã kết thúc Đại hội tại Los Angeles, và Hoa Kỳ bắt đầu theo dõi cuộc tranh cử giữa hai ứng viên chính là Phó tổng thống Al Gore và Thống đốc George Bush của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhìn từ bên ngoài, các quốc gia có quan hệ với Hoa Kỳ nghĩ sao về hai ứng viên này một khi họ đắc cử tổng thống? Căn cứ trên hai bài diễn văn nhận sự ủy thác của đại biểu và trên những chi tiết khác về chương trình hành động của hai ứng viên, mục Đề tài Thời sự Trong tuần sẽ tìm hiểu về cái nhìn của thế giới về người sẽ lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế kỷ tới qua bài phân tách của Võ Thành Văn...Trong khi đảng Dân chủ đang họp Đại hội tại Los Angeles tạp chí Der Spiegel của Đức đã làm một cuộc khảo sát ý kiến qua lưới điện toán, để xem độc giả của họ nghĩ ai đáng là tổng thống Mỹ kỳ này. Kết quả có gây kinh ngạc, vì tới 76% trả lời là ông Gore phải thắng, ông Bush chỉ được có 12%, còn 12% chưa có ý kiến rõ rệt! Nhìn cách nào đó, điều ông Gore đề nghị trong bài diễn văn trước Đại hội đảng hoàn toàn thích hợp với khẩu vị của đại đa số cử tri Âu châu vốn có cái nhìn thiên về xã hội và không chủ trương kinh tế tự do tuyệt đối như ở Hoa Kỳ. Nhưng, ở đây, cử tri đi bầu lại là người Mỹ, nên kết quả có lẽ khác xa, vì ông Gore liên tục thua sút ông Bush trong mọi cuộc thăm dò ý kiến, từ năm ngoái tới giờ này...Giai thoại đó cho thấy rằng thế giới có thể nhìn cuộc bầu cử và tổng thống tương lai của Hoa Kỳ theo nhiều giác độ khác nhau. Nhưng, dưới giác độ nào đi nữa, thì người ta cũng trước tiên tìm hiểu xem hai ông quan niệm làm sao về đối ngoại, hoặc cụ thể hơn, về quan hệ với Âu châu, Á châu, Trung Quốc, Nhật Bản, các đồng minh gần hay đối thủ xa, v.v... Xét về tiêu chuẩn đó, có lẽ thế giới sẽ hơi thất vọng với Phó tổng thống Al Gore, vì trong bài diễn văn dài 51 phút, không thua bài diễn văn của George W. Bush một phút nào, ông chỉ có vài câu, là mươi giây, để nói về thế giới. Đối với Al Gore, chủ điểm quan tâm của ông là nước Mỹ, thế giới chỉ là vấn đề phụ thuộc. Đã vậy, cho tới nay, người ta chưa thấy ai là khuôn mặt nổi bật trong ban tham mưu của ông về đối ngoại.Ngược lại, Thống đốc George W. Bush có thể nói lầm tên một thủ tướng, hoặc đọc sai tên một quốc gia, nhưng lại nói khá rõ về đối sách quốc tế của mình nếu thắng cử. Bên cạnh, ông còn có những cố vấn mà dư luận công nhận là có thẩm quyền. Cao niên thì có cựu Bộ trưởng Lao động, Giám đốc Ngân sách, kinh tế gia ngoại hạng và Ngoại trưởng kỳ cựu George Shultz; trẻ hơn thì có cựu Tham mưu trưởng Liên quân Colin Powell; trẻ nữa thì có nữ chuyên gia ưu tú về Liên xô, rất am hiểu về an ninh chiến lược, cô Condolezza Rice, da đen, 26 tuổi đã là giáo sư đại học và sau khi phục vụ Hội đồng An ninh Quốc gia thời Liên xô tan rã, thành giám học trẻ nhất của trường Stanford. Đây là chưa kể một số người khác, nổi tiếng diều hâu và sắc bén về quốc tế từ thời Reagan và Bush, hoặc đứng phó cho ông Bush lại là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney.Nói chung, cử tri Mỹ không mấy quan tâm tới các vấn đề quốc tế, nên ứng viên Al Gore mới chỉ nói phớt qua về đối ngoại. Nhưng lãnh đạo các nước khác, từ Liên hiệp Âu châu tới Liên bang Nga hay Trung Quốc, Nhật Bản và các xứ Đông Á, đều muốn biết lập trường đối ngoại của hai ứng viên. Về phương diện này, lập trường Gore có thể là lập trường Clinton nối dài, chứ ông Bush lại chủ trương khác. Với ông Powell có thể là Ngoại trưởng, Condi Rice là Cố vấn An ninh, ông Bush mà làm tổng thống, ông sẽ chẳng dễ dàng đổ quân vào xứ khác vì lý do nhân đạo như ông Clinton đã làm tại Kosovo. Hoa Kỳ sẽ có mục tiêu tập trung mà dứt khoát hơn, như ông Bush khẳng định, rằng "khi Hoa Kỳ sử dụng võ lực trên thế giới, thì lý do phải chính đáng, mục tiêu phải rõ ràng và chiến thắng phải tất yếu". Về vấn đề đang gây tranh luận là kế hoạch phòng thủ chống phi đạn, và hậu quả của nó là việc tu chính hay không hiệp ước ABM mà Mỹ ký với Liên xô năm 1972, phía ông Gore có thể sẽ tiếp tục tiến hành kế hoạch này một cách dè dạt, và cố thương thuyết lại với Liên bang Nga việc tu sửa hiệp ước. Phía ông Bush thì dứt khoát hơn nhiều. Nếu Nga không chịu tu chính hiệp ước ABM này thì cũng chẳng sao, tức là coi như văn kiện đó hết hiệu lực luôn cũng được, nhưng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiến hành kế hoạch phòng thủ chống phi đạn. Cho nên, ông Bush mà thắng cử, thì các quốc gia chống lại kế hoạch này của Mỹ sẽ rất mệt. Các đối thủ của Mỹ cũng vậy, vì ông Bush đề nghị gia tăng quân phí để nâng cao khả năng quốc phòng của Hoa Kỳ, mà ông cho là quá suy sụp thời ông Clinton.Trong các xứ đó, ngoài Nga ra còn có Trung Quốc. Ông Gore không có chủ đích rõ rệt về Trung Quốc; nếu có thì cũng theo chủ trương của ông Clinton, là "giao kết tích cực", là mở rộng hợp tác để tạo sự chuyển hóa ôn hòa của Hoa lục, kể cả với cái giá là đành chấp nhận một số vi phạm của Bắc Kinh. Thống đốc George Bush thì đã nói ngay từ năm ngoái, rằng ông coi Trung Quốc là đối tác quan trọng về kinh tế mà là đối thủ tiềm thế về quân sự. Cho nên, ông chủ trương một quan hệ hòa dịu có chừng mực, chứ không mặc nhiên nuông chiều mọi yêu sách của Bắc Kinh. Trong quan điểm đó, có lẽ ông khiến cho cả Nhật lẫn Đài Loan đều yên tâm hơn nếu ông là tổng thống, thay vì ông Gore.Khi nói tới đối ngoại, ta cũng không thể quên quan hệ về ngoại thương và về mặt này hai ứng viên Dân chủ, Cộng hòa cũng có lập trường khác biệt. Thứ nhất, đa số trong 4.300 đại biểu tham dự Đại hội Dân chủ đều là thành viên của một công đoàn, và lập trường của họ là không ủng hộ tự do mậu dịch một cách dễ dàng như đảng viên Cộng hòa. Thứ hai, trước đây, ông Gore có hậu thuẫn đề nghị tự do hóa mậu dịch của ông Clinton, nhưng nay ông cần tới hậu thuẫn của cánh tả đảng Dân chủ và các nghiệp đoàn. Xưa nay khuynh hướng này vẫn chủ trương bảo hộ mậu dịch, hoặc sẵn sàng trả đũa xứ khác khi có tranh chấp quyền lợi ngoại thương, điển hình là vụ tranh chấp về thép với Nhật Bản và Nga trong năm qua, hoặc Hiệp định Thương mại với Trung Quốc trong năm nay. Bài diễn văn tối Thứ Năm của ông Gore cũng tránh nói tới tự do mậu dịch hầu làm vừa lòng thành phần cử tri đó. Nói chung cả hai ông Clinton và Gore xưa nay đều ủng hộ tự do mậu dịch một cách chừng mực, nhưng lại quan niệm mậu dịch như một trường đấu tranh, khiến nhà nước phải can thiệp vào thị trường, phải trả đòn trả đũa và nâng đỡ doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại, Thống đốc Bush tích cực chủ trương phát huy tự do mậu dịch, nên dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ sẽ là đối tác kinh doanh dễ tính hơn, những mâu thuẫn hay xung đột về cạnh tranh mậu dịch có lẽ ít xảy ra hơn. Điều đó thực ra rất quan trọng đối với Nhật Bản và các xứ Á châu, kể cả Trung Quốc, vốn đều cần tới thị trường Mỹ để bắt trớn phát triển. Tuy nhiên, sự việc trên vẫn chưa đủ trấn an thế giới, vì cả hai ứng cử viên đều, vô tình hay cố ý, hoàn toàn bỏ qua một vấn đề cực kỳ quan trọng với các nước kém mở mang, đó là hiện tượng toàn cầu hóa.Khi vụ khủng hoảng Á châu xảy ra năm 1997, tổng thống Clinton đã ước đoán sai mức độ trầm trọng. Sau đó bộ Ngân khố của ông còn hậu thuẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trong kế hoạch cấp cứu với liều thuốc quá công phạt cho một số quốc gia nạn nhân. Ông Gore thì chả có quan điểm nào về vấn đề này, ông Bush cũng vậy. Tuy nhiên, trên thế giới không phải xứ nào cũng ủng hộ toàn cầu hóa, nhiều nước còn coi đó là nguyên nhân của khủng hoảng Á châu. Khi ông Al Gore dùng kỹ thuật mị dân là tấn công các đại công ty Mỹ để lấy lòng giới lao động, ông giúp cho những người chống trào lưu toàn cầu hóa một lý luận đáng kể. Khi mặc nhiên coi toàn cầu hóa là tất yếu, cả hai ứng viên đều có thể làm các nước khác e ngại. Rằng nếu một vụ khủng hoảng nữa xảy ra, hoặc trào lưu chống toàn cầu hóa bùng lên như ta đã thấy từ hội nghị WTO năm ngoái tại Seattle, chưa biết tân tổng thống Mỹ sẽ có lập trường ra sao và sẽ xoay trở ra sao...