Lao Động Trong Thời Đại Kinh Tế Mới

Lời giới thiệu: Hôm nay là ngày công nhân Hoa Kỳ và gia đình mừng Lễ Lao Động. Nhân dịp này, nhiều người nghĩ Lễ Lao Động đáng lẽ nên đổi tên, vì ngày đó mọi người được nghỉ, không phải lao động. Đó là dịp cuối tuần dài sau chót của mùa Hè, một mùa để nghỉ ngơi. Nhưng mục đích của việc lao động là gì nếu không phải là để được nghỉ ngơi. Cho nên ngày lễ đặt ra với mục đích vinh danh giới lao động phải là ngày mà người ta được nghỉ, trừ các vị cảnh sát lưu thông phải làm việc nhiều hơn vì tai nạn xe cộ nhiều hơn... Lễ Lao Động Mỹ bắt đầu từ cuộc biểu tình năm 1882 của tổ chức mang tên Hiệp sĩ của Lao động, quy tụ giới công nhân ở New York. Ngày lễ được chính thức hóa từ năm 1884, tổ chức Hiệp sĩ biểu tình và tuyên bố lấy ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín làm ngày Lễ của giới Lao động. Các nghiệp đoàn khác ủng hộ sáng kiến đó. Xưa nay người thợ chỉ được nghỉ vào những ngày vinh danh các ông thánh, các tôn giáo, hay ngày đầu năm, bây giờ họ đòi được nghỉ vì xã hội phải vinh danh giới Lao động nữạ Đó là một tiến bộ. Mãi đến năm 1887 mới có một Quốc hội tiểu bang Colorado làm ra luật công nhận ngày nghỉ nàỵ Đến năm 1894 Quốc hội liên bang Hoa Kỳ mới chính thức coi đó là ngày lễ trên toàn quốc. Đầu thế kỷ 20 Lễ Lao Động là dịp để người ta tổ chức biểu tình, diễn thuyết, và đòi hỏi các quyền lợi cho giới công nhân. Những nghiệp đoàn lớn ra đời, càng ngày càng lớn hơn. Và họ lo tranh đấu cho quyền lợi của đoàn viên trước hết, giản dị vì các đoàn viên của họ đóng nguyệt liễm cho quỹ nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn chỉ tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nói chung khi họ đòi hỏi những luật như ấn định lương tối thiểu, và ủng hộ các ứng cử viên đứng về phía lao động trong mùa bầu cử. Các tổ chức công đoàn lớn càng ngày càng trở thành những lực lượng đầy quyền lực, và không tránh khỏi quy luật "quyền lực tạo ra nhũng lạm" như các tổ chức chính trị khác. Nhưng trong những năm gần đây uy thế của các công đoàn đã giảm. Trước kia có lúc các nghiệp đoàn ở Mỹ quy tụ một phần ba lực lượng lao động, sức mạnh đó đã mất. Năm 1994 có 15.5% công nhân trên toàn thể nước Mỹ gia nhập nghiệp đoàn, năm 1999 chỉ còn chiếm 13.9%. Số người gia nhập các nghiệp đoàn giảm từ 16.7 triệu vào năm 1994 xuống chỉ còn 16.1 triệu năm 1997, và hai năm sau tăng lên được thành 16.5 triệụ Không phải chỉ có những con số thay đổi, tình trạng suy yếu của các nghiệp đoàn cho thấy từ cơ bản đời sống giới lao động ở Mỹ đã thay đổị Các công đoàn có ích nhất cho đoàn viên khi bảo đảm công việc lâu dài và thương thuyết lấy những hợp đồng chung cho cả một xí nghiệp, hay nhiều xí nghiệp trong cùng một ngành công nghiệp. Nền kinh tế mới làm vai trò đó bớt ích lợi đi.Trước hết, kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển của tin học đã khiến sức mạnh của bắp thịt bị thay thế bằng sức mạnh của đầu óc. Các xí nghiệp mạnh nhất khi biết sử dụng các tin tức, dữ kiện, hiểu biết chứ không phải những xí nghiệp đông đảo nhân viên. Kỳ vọng của người đi làm cũng thay đổi. Đời sống kinh tế khác trước khiến nhiều công nhân ở Mỹ hay đổi sở làm và đổi cả nghề nghiệp, họ không còn quan tâm đến việc bảo đảm sở làm qua những hợp đồng lao động chung mà ngày xưa các công đoàn tranh đấu cho họ. Công nhân trong các ngành kỹ thuật cao muốn lương bổng của họ gắn liền với thành quả công việc, chứ không phải do những hợp đồng dài hạn ấn định. Nhiều công nhân được tưởng thưởng bằng cổ phần xí nghiệp hay hứa phiếu cho quyền mua cổ phần với giá cố định, nếu giá cổ phần của xí nghiệp tăng thì họ được lợi lớn, không thì thôị Những hiện tượng đó khiến các ưu điểm tạo nên sức mạnh của các nghiệp đoàn không còn đắc dụng nữa.Sự phân biệt tư bản và lao động bây giờ cũng bị xóa đi dần. Công nhân ngày nay dễ trở thành những nhà tư bản vì họ cũng làm chủ cổ phần các xí nghiệp. Một nửa số gia đình ở Mỹ hiện nay làm chủ các cổ phần trên thị trường chứng khoán, trực tiếp hoặc gián tiếp qua các Quỹ đầu tư, Quỹ hưu bổng. Trước đây 35 năm chỉ có một phần mười dân Mỹ làm chủ các cổ phần. Nhiều xí nghiệp có chương trình tiết kiệm hưu bổng 401K để công nhân chọn cách tạo ra lương hưu của mình, chứ không để cho nhà nước hoặc xí nghiệp lo tất cả. Tổ chức của các xí nghiệp trong nền kinh tế mới rất uyển chuyển, không lệ thuộc vào số công nhân cơ hữu ở một nơi nữạ Công ty Microsoft chỉ có 31 ngàn nhân viên nhưng trị giá các cổ phần là 600 tỷ Mỹ kim, cao gấp mười lần công ty McDonald mà số nhân viên trên 300 ngàn người. Giá trị là do đầu óc chứ không phải tay chân tạo ra.Tổng số nhân viên của 100 công ty lớn nhất nước Mỹ đã giảm 3% trong mười năm qua, nhưng trị giá tất cả đã tăng lên gấp năm lần. Tình trạng toàn cầu hóa cũng xóa nhòa biên giới các xí nghiệp. Một công ty ở Mỹ có thể đặt làm các nhu liệu ở Sri Lanka, việc làm sổ sách lương bổng do một công ty ở Ấn Độ phụ trách, việc sản xuất trải ra ở Trung Quốc, Mã Lai, Argentina còn bộ phận các kỹ sư nghiên cứu đặt ở Đức. Bộ phận sản xuất mỹ phẩm của công ty Procter & Gamble ở Mỹ phải phúc trình cho một giám đốc đặt trụ sở ở Nam Mỹ, còn người đứng đầu bộ phận đồ gia dụng thì đóng ở Âu châu.Thanh niên Mỹ bây giờ không nuôi mộng đi làm cho những xí nghiệp lớn, công việc ổn cố suốt đời và hưu bổng sẽ do công ty bảo đảm. Có 61% những người dưới 30 tuổi muốn làm chủ công việc của mình, mà trong toàn thể lực lượng lao động cũng có 47% coi đó là công việc làm lý tưởng. Nhiều người muốn đóng vai công nhân tự do, ký giao kèo với các xí nghiệp. Công ty Juno lớn hàng thứ ba trong các hãng cung cấp dịch vụ internet mà chỉ có dưới 300 nhân viên cơ hữu, với 700 người lo phục vụ khách hàng, còn lại các việc đều do người ngoài thầu lại.Những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Mỹ thì sẽ có ngày lan ra các nước khác. Phong trào lao động phát khởi từ hơn một thế kỷ trước bây giờ đang thay đổi vì đời sống kinh tế thay đổị Ngày nay mà còn nói đến "giai cấp công nhân vô sản" là lạc hậu đến một nửa thế kỷ. Những người còn hô các khẩu hiệu tranh đấu cho giai cấp vô sản chính là những người lợi dụng lao động để củng cố địa vị và quyền lợi của họ mà thôi.