Tranh tối tranh sáng tại Á Châu

Lời giới thiệu: Thông thường, trong một chu kỳ trũng của sinh hoạt kinh tế, khi sự suy sụp đã đụng đến đáy thì kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Sau hai năm suy sụp, tình hình kinh tế Á Châu Thái Bình Dương, tức là các nước trong khu vực Đông Á, đã có dấu hiệu đụng đáy ở vài nơi, nhưng, ta khó chờ đợi một sự hồi phục tương tự như hồi năm 1999. Diễn đàn Kinh tế xin giới thiệu bài nhận định của tác giả Nguyễn An Phú về tình hình tranh tối tranh sáng này...Trong hai năm 2000-2001, xuất cảng của Đông Á đã suy sụp với mức trầm trọng nhất trong lịch sử của khu vực và qua năm 2002, người ta mới thấy vài chỉ dấu hồi phục còn thoi thóp của ngành xuất khẩu. Trên cơ sở của các thống kê mới nhất, người ta có thể dự đoán là Đông Á sẽ trườn mình rất chậm ra khỏi suy thoái, nhưng không thể đạt những tốc độ tăng trưởng đã thấy trong quá khứ. Và lại còn gặp rất nhiều rủi ro suy trầm vì yếu tố cạnh tranh và hiệu ứng của Trung Quốc. Sau đây là vài lý do giải thích.Trước hết, ta không quên rằng một động lực tăng trưởng của kinh tế Đông Á chính là xuất cảng, nhưng, năm qua, đà tăng trưởng xuất cảng bình quân là 13% đã bị sụt nặng, chỉ còn chưa đầy 1%. Thế rồi, thống kê mới về mậu dịch cho thấy là dường như sự suy sụp xuất khẩu bắt đầu đụng tới đáy, nghĩa là rơi vào chỗ trũng nhất, để bắt đầu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, một số nhà phân tách kinh tế tại Á Châu dự báo là nhờ sự hồi phục còn rất yếu của kinh tế Mỹ, xuất cảng của Đông Á năm nay sẽ tăng chừng hơn 5%, và có thể đạt hơn 10% vào năm tới mà thôi. Đầu tiên, kim ngạch xuất cảng không được khả quan và xuất cảng chưa thể là đầu máy lôi kéo kinh tế khu vực ra khỏi nạn trì chậm ngày nay. Lý do là trong bốn kỳ suy thoái cuối cùng, ta thấy rằng sau khi đụng đáy, xuất cảng đều có tăng vọt chừng hơn 13%, một tốc độ được coi là cần thiết để lấy trớn phục hồi. Lần này nếu đà tăng trưởng xuất khẩu chỉ được từ hơn 5% đến hơn 10% như vừa nói ở trên, tốc độ này được coi là quá yếu ớt.Suy từ đó ra, người ta dự đoán kinh tế Đông Á ngoài Trung Quốc, sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng chừng 2,5% năm nay và hơn 4% vào năm tới. Như vậy, có thể nói sự phục hồi này còn quá mong manh. Riêng hai nền kinh tế mạnh nhất ngoài Trung Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 3-4%, như Hàn Quốc và Đài Loan, còn Hong Kong và Singapore thì chỉ được 2-3%. Then chốt nhất, sự hồi phục này tùy thuộc nhiều vào kinh tế Mỹ, mà trong năm 2002 này, nếu nền kinh tế đó có thoát khỏi suy thoái thì vẫn còn nhiều lúc bị trũng trước khi có đà tăng trưởng khá hơn từ đầu năm tới. Vì vậy, giải thích những dự báo kinh tế Đông Á năm nay ta vẫn phải ngó về Hoa Kỳ.Trước tiên, kinh tế Đông Á sở dĩ bị suy thoái là do nạn trì trệ kinh tế tại Mỹ. Giới kinh tế nói là Hoa Kỳ đã "xuất cảng" nạn suy trầm kinh tế của mình ra ngoài vì mua hàng hóa ít hơn từ các nước khác. Sau khi bị suy trầm, hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ đã 11 lần giảm lãi suất ngắn hạn trong năm qua. Kết quả là lãi suất Mỹ hạ và giới tiêu thụ nhờ đó mua sắm gì cũng thấy rẻ hơn. Yếu tố gọi là kích thích số cầu, hoặc nói tắt là kích cầu, đã bắt đầu có tác dụng nên người người mong rằng giới tiêu thụ sẽ mở hầu bao mua sắm, nhờ đó sẽ giúp kinh tế Mỹ lẫn các nước mua hàng của Mỹ có hy vọng hơn. Nhưng hy vọng đó kể ra vẫn còn mờ mịt khó thành.Tại Hoa Kỳ, một số thống kê cập nhật cho thấy là sự suy sụp đã đụng đáy và nhiều người lạc quan nói tới đà tiêu thụ mạnh hơn của dân chúng trong mấy tháng lễ lạc vừa qua. Một yếu tố cũng cần nhắc tới ở đây là chẳng những lãi suất ngắn hạn đã hạ mà các nhà sản xuất và phân phối tại Mỹụ đều có xu hướng hạ giá để chiêu dụ khách hàng. Như vậy ta thấy là nếu tiêu thụ có tăng là nhờ lãi suất và giá cả đều hạ thì mức lời của doanh nghiệp Mỹ có giảm khi giá hàng được hạ để chào khách. Mà mức lời của doanh nghiệp bị giảm thì sự phục hồi sản xuất sẽ rất yếu.Trở lại Đông Á, kiểm nghiệm lại từ quá khứ, trong bốn lần suy thoái trước đây, số xuất cảng của các nước đã sụt, và sau khi đụng đáy, xuất cảng tăng vọt với cường độ cũng mạnh như khi suy sụp. Tức là xuất cảng Đông Á càng bị dồn mạnh thì càng có sức bật về sau, vì vậy người ta mới hy vọng là sau khi sụp với tốc độ nặng nhất, thì xuất cảng sẽ bật dậy mạnh nhất. Sự thật lại chưa được như vậy. Nguyên nhân thứ nhất là thị trường Mỹ hiện đã bị bão hòa để có thể mua thêm hàng Đông Á dồi dào như trước. Trong nhiều năm qua, số nhập cảng của Mỹ từ các xứ Đông Á đã tăng không ngớt, thí dụ như từ 20% số hàng chế biến của Mỹ vào năm 1986 vọt lên tới 30% vào năm 2.000. Ngược lại, phần hàng hóa của Đông Á vào thị trường nhâp cảng của Mỹ trước đây có lúc lên tới 40% thì nay chỉ còn là 33%. Mỹ mua quá nhiều hàng từ khu vực này và nếu kim ngạch có giảm như vậy thì cũng vì chính các nước trong khu vực phải phá giá để cạnh tranh với nhau. Mà đã phá giá, nếu kinh tế Mỹ có phục hồi thì các nước cũng chẳng bán được nhiều hơn, trừ phi tìm ra mặt hàng mới mà họ chưa có, và cần thời gian hai ba năm mới có thể sản xuất.Một lý do dè dặt thứ hai là dù kinh tế Mỹ có đụng đáy và hồi phục từ quý hai của năm nay, như nhiều người dự đoán, sự hồi phục này chẳng có gì là ngoạn mục. Chỉ vì Hoa Kỳ bị suy thoái sau một vụ sụt giá chứng khoán, tức là mất giá tài sản đầu tư. Thông thường, người ta chẳng tiêu thụ mạnh nếu đã thấy tài sản bị bào mỏng và tan thành mây khói trong giai đoạn ngắn. Lý do nữa là nạn sụt giá chứng khoán chưa chắc đã đụng tới đáy, giới kinh tế lấy ẩn dụ là trái bóng đầu tư xì từ năm 2000 sau khi được thổi phồng không cơ sở, nhưng tới nay vẫn xì chưa hết. Vì ngần ấy lý do, kinh tế Đông Á sẽ chẳng thể nhờ vào Mỹ mà leo lên khỏi vực.Nhìn toàn cảnh như vậy, ta mới nói tới xứ Đông Á tân tòng, mới mon men gia nhập thị trường Mỹ là Việt Nam. Bản Hiệp định mới chỉ áp dụng từ năm ngoái và doanh nghiệp Việt Nam chưa quen thuộc với thị trường Mỹ nên chưa thể nhờ sự phục hồi rất giới hạn của Mỹ mà thấy số xuất cảng tăng vọt. Và ngược lại, trong hoàn cảnh mà các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn tiết giảm phí tổn, đầu tư và tồn kho để chấn chỉnh lại tình hình sản xuất, người ta cũng chẳng thể chờ đợi là đầu tư của Mỹ sẽ thúc đẩy cho kinh tế Việt Nam mau mắn phát đạt. Đây là ta chưa kể tới sức cạnh tranh rất mạnh của hàng hóa Trung Quốc, cùng một loại với hàng hóa Việt Nam. Bài toán này chưa hết nan giải khi ta lại cần nói đến yếu tố khác là thất nghiệp. Các nền kinh tế Đông Á đều lấy xuất cảng làm đầu máy, và để gia tăng phần thị trường tại Hoa Kỳ họ thi đua phá giá và phá giá càng nhiều thì càng hy vọng ít phải sa thải nhân viên. Hai quốc gia đáng kể trong sách lược này chính là Nhật và Hàn Quốc. Nước thứ ba kế tiếp là Đài Loan. Thất nghiệp hiện là vấn đề sinh tử của Nhật và việc đồng Yen sụt giá liên tục từ nhiều tháng nay có thể là giải pháp ngăn ngừa việc thải người. Nhưng, cả ba quốc gia này giờ đây lại đụng phải sức cạnh tranh của Trung Quốc với một vựa nhân công rất rẻ. Giải pháp phá giá sẽ chẳng có tác dụng lâu trước một đối thủ như vậy, vì trong vòng 20 năm tới, nhân công Hoa Lục coi như vẫn còn rẻ nhất.Tổng kết lại, ta có thể kết luận là các quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương có thể trông đợi rất nhiều vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng sẽ thất vọng vì khó chiếm lĩnh được một thị phần lớn hơn. Họ càng phá giá để bán hàng cho Mỹ thì lợi tức dân cư càng suy sụp, mà biện pháp phá giá sẽ chẳng bền trước sự xuất hiện của Trung Quốc. Thành thử, sẽ có từng mảng của khu vực biến chế tại Đông Á bị Trung Quốc tiêu diệt và các nước Đông Á phải chuyển ra ngành sản xuất mới, kể cả dịch vụ và nhất là dịch vụ. Đây là điều không dễ hoàn thành lập tức, và trong khi chờ đợi, vùng tranh tối tranh sáng hiện nay vẫn tối nhiều hơn sáng.