Ý nghĩa chuyến công du Á Châu của Tổng thống Bush

Lời giới thiệu: Cuối tuần này, Tổng Thống Mỹ George W. Bush sẽ lên đường viếng thăm ba nước Á Châu, Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc. Chuyến viếng thăm này trước đây được dự trù vào dịp ông Bush đi dự hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11 năm ngoái ở Thượng Hải nhưng sau đó đã bị đình hoãn bởi biến cố 11 tháng 9. Nay chiến dịch quốc tế chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo một phần nào đã đạt được kết quả, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã bị thay thế, tập đoàn Bin Laden phải chạy trốn, nên ông Bush mới được rảnh tay thực hiện chuyến công du bị đình hoãn này. Tình hình chung về mọi mặt ở Á Châu tùy thuộc rất nhiều vào chính sách của siêu cường quốc Hoa Kỳ đối với các nước trong vùng, đặc biệt là đối với Nhật Bản và Trung Quốc, vì vậy mà chuyến công du của ông Bush mang nhiều ý nghĩa. Mục ỘViệt Nam, Nhìn từ bên ngoàiỢ hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Ngay trong giai đoạn tranh cử để được bầu lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ, ông George W. Bush đã có chủ trương khá rõ rệt về chính sách mà, theo ông, Mỹ cần phải có đối với Á Châu. Ông coi Á Châu là một trọng tâm quan trọng trên chính trường quốc tế do đó ông chủ trương tăng cường thế liên minh đối với Nhật Bản, Nam Hàn, mở rộng sự hợp tác với các nước trong vùng Đông Nam Á. Riêng đối với Trung Quốc thì ông dè dặt, không tin vào thế đồng minh chiến lược với Trung Quốc như dưới thời ông Clinton và tỏ ra có thái độ cứng rắn và thận trọng đối với cường quốc đang lên này. Nhưng đây là chuyện hơn một năm về trước. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu là biến chuyển. Trước hết là vụ một chiếc máy bay thám thính của Mỹ phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc, phi hành đoàn Mỹ bị giam giũ và tình trạng căng thẳng nguy hiểm giữa hai nước. Tiếp đến là sự suy sụp của nền kinh tế tại hầu hết các nước trên thế giới, kể cả Nhật Bản và Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn được coi là đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu. Rồi tới đầu mùa thu, biến cố trọng đại do quân khủng bố gây ra trên đất Mỹ, tấn công vào hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm Thương Mại Thế Giới (WTC) và Ngũ Giác Đài, biểu tượng của sức mạnh của Mỹ về kinh tế và quân sự. Ngoài sự kiện gây ra những thiệt hại về nhân mạng lên tới hàng ngàn người thường dân vô tội và về vật chất lên tới cả hàng trăm tỷ dollars, biến cố này còn làm cho dư luận ở khắp mọi nơi trên thế giới bị xúc động mạnh tức mức độ làm xoay chuyển hẳn mối quan hệ song phương giữa Mỹ và nhiều nước khác từ Âu Châu sang Á Châu. Ngoài những nước đồng minh sẵn có của Hoa Kỳ ở Âu Châu, hầu như không có một nước lớn nhỏ nào trên thế giới từ chối tham gia, dưới hình thức này hay hình thức khác, chiến địch quốc tế chống khủng bố do Hoa Kỳ chủ xướng và cầm đầu. Nhưng điều quan trọng trong thế liên minh tuy lỏng lẻo nhưng rộng lớn này là ảnh hưởng mới và thế đứng có một không hai của Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực từ quân sự và chiến lược cho đến ngoại giao, chính trị và kinh tế. Một vài trường hợp cụ thể có thể được kể ra như : Pakistan thay đổi hẳn hướng đi, trở thành đồng minh của Hoa Kỳ trong chiến dịch diệt trừ Taliban và quân khủng bố ở Afghanistan, Nga sáp gần lại với Hoa Kỳ, không những không chống đối mà còn giúp đỡ cho Hoa Kỳ mang quân tới những nước miền Trung Á, điều tối kỵ từ trước đến nay. Riêng về trường hợp các nước ở Á Châu thì cũng lại là những chuyển hướng quan trọng làm bối cảnh cho chuyến công du lúc này của ông Bush.Bối cảnh này gồm có mối quan hệ tuy phức tạp nhưng đã thay đổi nhiều từ năm ngoái đến nay giữa Hoa Kỳ và ba nước Đông Á, Nhật Bản, Nam Hàn, và Trung Quốc.Ông Bush sẽ đến Nhật Bản trước. Tại đây người ta chờ đợi ông cám ơn Thủ Tướng Koizumi đã cố gắng vận động Quốc Hội thay đổi hiến pháp để Nhật Bản có thể có một vai trò tích cực hơn trước về mặt quốc phòng do đó có thể trong tương lai đóng góp vào việc tăng cường thế liên minh Mỹ Nhật trong vùng Thái Bình Dương. Nhưng điều quan trọng hơn cả ngay trước mắt là những biện pháp kinh tế mà Mỹ mong muốn Nhật Bản thực hiện để ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Mỹ lo ngại tình trạng này sẽ làm cho đồng yen của Nhật sụt giá, buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng nhân dân tệ (điều mà nước này vẫn đe dọa), gây ảnh hưởng tai hại đến nền kinh tế của tất cả các nước khác. Ủng hộ nước bạn và Thủ Tướng Koizumi, tăng cường thế liên minh nhưng làm sao thuyết phục được chính phủ Nhật đẩy mạnh những biện pháp kinh tế cần thiết, đó là nhiệm vụ khó khăn của ông Bush khi tới Đông Kinh. Sau Đông Kinh là Hán Thành thủ đô của Nam Hàn. Tại đây, nhiệm vụ của ông cũng không kém phần khó khăn. Tự bản chất, ông không đặt niềm tin vào chế độ Cộng Sản Bắc Hàn, do đó mà chủ trương dè dặt của ông đi ngược hẳn lại với chính sách của Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trung (thường được gọi là Ộnhật quangỢ), muốn mở rộng mối liên hệ với chế độ Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn. Mới đây, trong một bài diễn văn nổi tiếng trước Quốc Hội Hoa Kỳ ông còn coi Bắc Hàn như một quốc gia trong trục ba nước bất hảo trên thế giới (axis of evils), nay phải trấn an nước bạn đòng minh, ông có cần phải thay đổi thái độ cứng rắn để làm cho tình thế tại bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng không?Đoạn đường chót của ông là Bắc Kinh và đây mới là đoạn đường quan trọng hơn cả. Quan hệ Mỹ Trung nóng lạnh thất thường vào lúc này đang đi vào thời kỳ ấm áp. Tình trạng căng thẳng, khó khăn giữa hai bên do vụ máy bay và phi hành đoàn của Mỹ bị cầm giữ trên đảo Hải Nam nay đã thành chuyện cũ, việc điều đình phức tạp về việc Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) đã được giải quyết êm đẹp, điểm nóng tại eo biển Đài Loan cũng đã tạm lắng dịu bằng những lời lẽ ôn hòa từ lục địa, Trung Quốc trao đổi tin tức tình báo về Taliban và quân khủng bố với Hoa Kỳ và ngay cả đến tin chiếc máy bay riêng của Chủ Tịch Giang Trạch Dân bị đặt máy nghe lén cũng không được nhắc đến thì quả thực lúc này bầu không khí có thể được coi là tương đối khá thuận tiện cho phía Hoa Kỳ. Nhưng lúc này lại là lúc Trung Quốc đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế hệ các lãnh tụ nhiều tuổi như các ông Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Dung Cơ v.v... sang thế hệ trẻ hơn như ông Hồù Cẩm Đào, người được đồn là sẽ thay thế Chủ Tịch Giang Trạch Dân một khi có những quyết định của giới lãnh đạo vào dịp Đại Hội Đảng cuối năm nay. Từ một quan điểm coi Trung Quốc chỉ là một đối tác chiến lược chứ không phải là một đồng minh chiến lược, với tình thế mới trên chính trường quốc tế sau biến cố 11 tháng 9 và những đổi thay làm xoay chuyển thế chiến lược giữa các nước lớn từ Đông sang Tây, liệu ông Bush đã thay đổi quan điểm chưa và có muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài tốt đẹp với Trung Quốc để có điều kiện theo đuổi nhiệm vụ mà ông đã tự đặt cho mình là tận diệt hiểm họa khủng bố không ? Đó là câu hỏi mà giới quan sát quốc tế đặt ra lúc này nhân chuyến công du của ông Bush qua thăm ba nước Á Châu vì đây là mấu chốt của những biến chuyển có thể ảnh hưởng đến tình trạng ổn định và hòa bình của cả vùng Thái Bình Dương.