Lời giới thiệu: Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đặt chân đến Bắc Kinh hôm 21-2, đúng vào ngày cách đây 30 năm trước (1972) một vị tiền nhiệm của ông, Tổng Thống Richard Nixon, cũng đến Bắc Kinh, mở đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ-Trung sau hơn 20 năm gián đoạn kể từ ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc lên cầm quyền (1949). Trải qua những nhiệm kỳ liên tiếp của 6 Tổng Thống Hoa Kỳ (Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H. Bush, Bill Clinton) và 3 thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc (Mao Trạch Dông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân), mối quan hệ Mỹ-Trung đã có những lúc lên lúc xuống, lúc nóng lúc lạnh. Nhưng nay qua chuyến công du mới này của ông George W. Bush, mối quan hệ dường như đang bước vào một giai đoạn có thể được coi như tương đối ổn định. Mục ỘViệt Nam, Nhìn từ bên ngoàiỢ hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Viếng thăm Bắc Kinh là chặng đường cuối cùng của chuyến công du ba nước Đông Á, Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc mà Tổng Thống Mỹ George W. Bush vừa hoàn thành 6 ngày vừa qua. Mỗi chặng đường đều có phần quan trọng đặc biệt. Tại Đông Kinh, ông ca tụng Thủ Tướng Nhật Bản Koizumi nhằm mục đích xây đắp thêm cho vững chắc liên minh Mỹ-Nhật, nhưng cũng kín đáo khuyến khích chính phủ ở đây nên tích cực đẩy mạnh hơn những biện pháp cải tổ kinh tế để sớm chấm dứt tình trạng trì trệ có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền nguy hiểm cho tất cả các nước khác trong vùng Thái Bình Dương. Tại Hán Thành, mặc dầu vẫn chỉ trích chế độ Cộng Sản Bắc Hàn, ông công khai tuyên bố là Hoa Kỳ không có ý định xâm lăng quốc gia này và sẵn sàng nói chuyện với nhà cầm quyền ở đây. Còn đối với Nam Hàn, ông nhắc lại thế liên minh vững chắc giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, đồng thời ông cũng xác nhận ủng hộ chính sách Ộnhật quangỢ của Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trung nhằm tiến tới thống nhất trong hòa bình giữa hai miền Nam và Bắc Hàn. Bằng những lời tuyên bố hai mặt này, ông đã đạt được kết quả là vừa trấn an Nam Hàn để giữ vững liên minh phòng thủ giữa quốc gia này với Hoa Kỳ, vừa làm cho tình hình tại bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng mà những người chỉ trích ông cho rằng chính ông đã tạo ra bởi những lời chỉ trích quá nặng nề đối với chế độ của nhà lãnh tụ độc tài miền Bắc Kim Chính Nhật.Hai chặng đường trên đây, Đông Kinh và Hán Thành, tuy có ý nghĩa riêng biệt, nhưng cũng chỉ là để củng cố thế liên minh sẵn có từ hàng chục năm nay giữa Hoa Kỳ và hai nước Nhật Bản và Nam Hàn. Trái lại, chặng đường thứ ba và cuối cùng, Bắc Kinh, mới thật sự mang một tầm quan trọng đặc biệt. Kể từ ngày Tổng Thống Nixon viếng thăm Trung Quốc năm 1972, táo bạo mở đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ-Trung bị gián đoạn hơn 20 năm trước sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc và lãnh tụ đỏ Mao Trạch Đông nắm trọn quyền trên lục địa, cho đến ngày Tổng Thống George W. Bush đặt chân tới Bắc Kinh cách dây hai hôm, thật là vừa đúng ba thập niên. Nhìn lại khoảng thời gian này, về phía Trung Quốc, người ta đã thấy ba thế hệ lãnh tụ lên cầm quyền với biết bao nhiêu biến thiên đổi đời. Từ cải cách ruộng đất đến cách mạng văn hóa đẫm máu dưới thời Mao Trạch Đông, qua chủ trương mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình, và tới nay qua giai đoạn củng cố và phát triển kinh tế dưới thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc lúc này đã trở thành một cường quốc với ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh trên chính trường quốc tế. Còn về phía Hoa Kỳ thì nếu kể đương kim Tổng Thống Bush thì tất cả đã là 8 đời Tổng Thống (Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H. Bush, Bill Clinton, và George w. Bush), qua thời kỳ chiến tranh lạnh, thế lưỡng cực, rồi tới sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và các chế độ Cộng Sản Đông Âu, và nay là thế đứng có một không hai của Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc. Trong suốt cả thời gian dài đầy biến cố này, một đặc điểm nổi bật nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung là mặc dầu có nhiều lúc căng thẳng, nhà cầm quyền ở hai nước cũng tìm được đường ra khỏi những bước đường chông gai nguy hiểm và cũng đã có lúc thật là êm xuôi, hứa hẹn hợp tác.Thực ra những hồ sơ giữa hai bên vừa nhiều vừa phức tạp khó giải quyết gồm đủ loại trên mọi lãnh vực: từ an ninh chiến lược đến quyền lợi kinh tế thương mại, từ Đài Loan đến nhân quyền hay Tây Tạng, không kể những vấn đề như hạn chế việc xuất cảng hỏa tiễn hay khí giới hạt nhân v.v... Do đó mà tùy từng lúc những vấn đề này hoặc gây khủng hoảng (như trong trường hợp nguy hiểm tại eo biển Đài Loan cách đây vài năm hay trường hợp đầu năm ngoái một chiếc máy bay thám thính của Mỹ phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn bị Trung Quốc cầm giữ) hoặc được tạm giải quyết êm thấm, người ta thấy mối quan hệ trở thành lạnh nhạt hay nhẹ nhàng dễ thở. Rồi cũng có lúc lại có những chuyện bất ngờ ở đâu xẩy ra (máy bay Mỹ ném bom nhầm vào Sứ Quán Trung Quốc ở Belgrade, quân khủng bố Hoa Kỳ tháng 9 năm ngoái). Nếu tình trạng nóng lạnh thất thường trên đây là một đặc điểm thì một đặc điểm thứ hai cũng không kém phần nổi bật. Đặc điểm thứ hai này là mặc dầu Tổng Thống Mỹ nào lúc chưa lên cầm quyền cũng chủ trương cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng đến lúc được bầu lên và vào việc đều quay về với chính sách hòa hoãn. Không cần trở lại quá khứ xa xôi, ngay gần đây, trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1992, ông Bill Clinton đã chỉ trích nặng nề Tổng Thống George H. Bush về chính sách đối với Trung Quốc mà cho ông cho là quá dễ dãi đối những nhà độc tài. Đến lúc lên cầm quyền thì ông lại tuyên bố muốn tiến tới một thế đồng minh chiến lược với Trung Quốc và trong suốt 8 năm tại chức ông luôn luôn chủ trương đối thoại để thuyết phục Trung Quốc. Đến nay thì trường hợp ông đương kim Tổng Thống George W. Bush cũng không khác nhiều lắm. Trong lúc tranh cử ông tuyên bố không đồng ý với chủ trương coi Trung Quốc là một đồng minh chiến lược mà chỉ coi quốc gia này là một đối tác chiến lược (nghĩa là dè dặt hơn ông Clinton) nhưng rồi mới tại chức được có một năm người ta đã thấy ông nhẹ nhàng uyển chuyển hơn trong vấn đề đối xử với Trung Quốc. Phải chăng sau biến cố 11 tháng 9 năm ngoái, trong chiến dịch chống khủng bố, ông nhận thấy cần phải có sự hợp tác mật thiết hơn với Trung Quốc. Hay ngược lại Trung Quốc trong mưu tính sửa soạn cho việc thay đổi nhân sự lãnh đạo ở cấp cao vào mùa thu tới cần có sự ổn định trong nước, do đó muốn có sự hợp tác êm đẹp vớ Hoa Kỳ? Dầu sao thì do sự trùng hợp quyền lợi của từng lúc và nhận thức của hai bên đều đưa tới một kết luận: hòa bình và ổn định của cả vùng Thái Bình Dương và trên thế giới tùy thuộc quá nhiều vào mối quan hệ giữa hai nước, nên bắt buộc cả hai bên đều phải tìm thế dung hòa? Nếu quả thực được như vậy thì đây cũng là điều đáng mừng đối với các quốc gia khác trong vùng.