Quan điểm Truyền thông Quốc tế 20-12-2002

Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này

Thưa quý thính giả, tuần qua giới truyền thông quốc tế chú tâm đến việc Hoa Kỳ quyết định bố trí hệ thống phi đạn phòng thủ tại mặt trận đầu tiên trong vòng hai năm tới tại bang Alaska. Kế đến là kết quả cuộc tuyển cử Tổng Thống Nam Hàn cho thấy người dân xứ này muốn đối xử với miền bắc cộng sản một cách hòa dịu hơn.

Hôm thứ Ba vừa qua, Tổng Thống George W. Bush ra lệnh cho bộ Quốc phòng khởi sự và hoàn tất trong hai năm việc bố trí giàn phi đạn cơ bản của hệ thống phòng thủ.Theo kế hoạch, 6 phi đạn nghênh cản sẽ được đặt tại căn cứ ở bang Alaska vào cuối năm 2004, thêm vào đó là 10 phi đạn khác sẽ được bố trí vào năm sau. Ngoài ra còn có 4 phi đạn ngăn cản bố trí tại bang California và 20 phi đạn loại Standard-3 sẵn có trên 3 khu trục hạm loại Aegis của Hải quân, nâng tổng số lên đến 40 chiếc.

Sự chỉ trích đầu tiên đến từ giới truyền thông Hoa Kỳ. Hôm thứ Tư, tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ là The New York Times cho rằng việc phát triển hệ thống chống phi đạn phòng ngừa các cuộc tấn công của những nước bất khả tín như Bắc Hàn rõ ràng là cần thiết. Nhưng vì thế mà lại vội vàng bố trí một hệ thống gồm những kỹ thuật chưa tinh xảo thì không nên.

Bài bình luận này nhấn mạnh rằng qua 8 lần bắn thử nghiệm thì đã có 3 lần thất bại, kể cả lần mới nhất hồi tuần qua. Vì thế, cần đối phó với mối đe dọa của Bắc Hàn bằng những phương thức khác, chứ không nên tiêu phí hàng tỷ đôla, mà lẽ ra phải dùng vào việc nghiên cứu và cải tiến các loại phi đạn nghênh cản.

Những khiếm khuyết hiện tại của kỹ thuật phi đạn nghênh cản được bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nhìn nhận. Trong cuộc họp báo tổ chức tại Lầu Năm Góc hôm thứ Tư ông nói rằng dù sao có vẫn hơn không, và kỹ thuật dần dà sẽ được cải tiến.

Chủ trương đó được nhật báo tài chánh danh tiếng The Wall Street Journal ủng hộ. Trên ấn bản Âu Châu hôm thứ Tư, tờ báo này cho rằng dù khả năng hiện nay vẫn còn giới hạn, nhưng rõ ràng là Hoa Kỳ đã tiến xa rất nhiều nếu so sánh với năm ngoái.

Ngoài kỹ thuật phi đạn nghênh cản, Hoa Kỳ còn thành công một số mặt liên hệ khác như cải tiến loại phi đạn Patriot và hệ thống cảm ứng đặt trên đất, trên biển và ngoài không gian nhằm phát hiện các cuộc tấn công bằng phi đạn. Quan trọng hơn, Hoa Kỳ còn thành công trong việc nghiên cứu và phát triển loại tia laser từ không gian có khả năng bắn hạ các phi đạn tấn công ngay sau khi chúng vừa được phóng lên. Nhận xét đó được phát ngôn nhân Ari Fleischer của Nhà Trắng đồng ý, ông nói thời điểm hiện nay được khẳng định bởi các kỹ thuật mới và nhiều lần thử nghiệm thành công.

Nhật báo tài chánh The Wall Street Journal cho thành công quan trọng nhất của Washington là chiến thắng ngoại giao trong lãnh vực phòng chống phi đạn. Hồi năm ngoái, khi Hoa Kỳ loan báo rút lui khỏi hiệp ước ABM 1972 cấm hỏa tiễn đạn đạo ký với Nga, thì nhiều đồng minh đã chỉ trích về viễn ảnh chạy đua võ trang. Nay thì không những thôi chỉ trích, mà nhiều nước còn muốn tham gia vào hệ thống phòng thủ chống phi đạn do Hoa Kỳ chủ xướng.

Nhận định vừa kể của tờ The Wall Street Journal được nhật báo Anh The Guardian minh chứng. Hôm qua, tờ này cho biết các phi đạn của cuộc chiến tranh các vì sao có thể được đặt căn cứ tại Anh.

Tờ báo cho biết theo tin tức từ bộ Quốc phòng Luân Đôn thì dự án phòng thủ chống phi đạn của Washington sẽ vượt quá giàn radar báo động sớm đặt tại miền Bắc nước Anh. Hoa Kỳ còn muốn bố trí một số phi đạn tại vùng Fylingdales, mà một số dân cử Anh chỉ trích là không cần thiết và có thể khiêu khích một cách nguy hiểm.

Bản thông cáo của bộ Quốc phòng Anh cho biết Hoa Kỳ còn dự định nâng cấp khả năng phòng thủ chống phi đạn mỗi hai năm một lần, sử dụng các kỹ thuật tân kỳ nhất và trọng tâm là những loại phi đạn nghênh cản. Một đồng minh quan trọng khác của Hoa Kỳ tại Á Châu là Nhật Bản. Bài quan điểm hôm qua trên tờ Yomiuri Shimbun mang tựa đề "Dự án quốc phòng có thể gặp trở ngại" cho rằng tổng giám đốc Cơ quan Phòng vệ Ishiba Shigeru muốn chuyển từ giai đoạn nghiên cứu hệ thống phòng thủ chống phi đạn sang giai đoạn phát triển. Ông có ý định này sau cuộc gặp gỡ hồi đầu tháng với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, và đặc biệt là sau khi Bắc Hàn công khai nhìn nhận là họ đang theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạch nhân.

Tuy nhiên, tờ Yomiuri Shimbun cho biết dự định xúc tiến hệ thống phòng thủ chống phi đạn của Tokyo sẽ gặp trở ngại, nhiều nhất là về mặt hiến pháp và ngân quỹ. Trước hết, Nhật khó có thể trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của các lọai phi đạn, và thứ nhì là Tokyo khó có thể kham nổi hàng trăm tỷ yên mỗi năm dùng cho việc phát triển một hệ thống phòng thủ chống phi đạn.

Tình trạng thiếu khả năng tài chánh cũng là mối quan ngại của nhiều nước khác đối với hệ thống phòng thủ chống phi đạn của Hoa Kỳ.

Nhật báo The India Express của Ấn Độ hôm qua cho biết Nga và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ quyết định của Tổng Thống Mỹ. Bài nhận định trên tờ này cho rằng khi Washington có khả năng đánh bạt tất cả các cuộc tấn công bằng phi đạn thì kho võ khí hạch nhân và phi đạn của Mátxcơva và Bắc Kinh đều trở thành vô dụng. Vì thế mà Nga giận dữ kết án Hoa Kỳ là cố tình phát khởi một cuộc chạy đua võ trang vô nghĩa mà rõ ràng là Mátxcơva không có khả năng tài chánh để tranh đua. Còn Trung Quốc thì lo ngại hệ thống phòng thủ chống phi đạn Mỹ-Nhật sẽ bảo vệ luôn cả Đài Loan, mà Bắc Kinh không từ nan sử dụng võ lực khi cần thống nhất.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn cẩn thận không muốn làm phương hại đến tình hữu nghị mới đạt được với Hoa Kỳ. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm qua chỉ khuyến cáo rằng hệ thống phòng thủ chống phi đạn của các quốc gia liên hệ không nên làm phương hại đến nền an ninh của nước khác. Bài báo nói rằng Trung Quốc cũng như một số quốc gia trong khu vực, rất quan ngại rằng hệ thống phòng thủ chống phi đạn trong vùng Á Châu sẽ làm mất thế quân bằng và sự ổn định trong vùng.

Diễn biến khác cũng được giới truyền thông chú ý là cuộc bầu Tổng Thống Nam Hàn. Lý do là vì hai ứng viên chính có chủ trương gần như đối chọi nhau về vấn đề Bắc Hàn. Ông Lee Hoi-chang thuộc cánh bảo thủ, cho rằng cần cứng rắn và kiên quyết hơn với Bắc Hàn. Còn ông Roh Moo-hyun thiên về chủ trương hòa dịu, tiếp nối Nhật quang Chính sách của Tổng Thống Kim Dae-jung hiện nay.

Nhật báo DongA Ilbo hôm thứ Tư trước ngày bỏ phiếu đã nhận định rằng Nam Hàn đang ở vào thời điểm quyết định. Tình trạng căng thẳng giữa nhà cầm quyền Bình Nhưỡng với Washington về vấn đề phi đạn và võ khí hạch nhân có thể đưa đến khủng hoảng lớn trên báo đảo Triều Tiên và khiến kinh tế Nam Hàn suy sụp. Bài báo kêu gọi mọi cử tri nên khước từ tất cả những lề thói cũ, chỉ ủng hộ những ứng viên thuộc phe phái, khuynh hướng hay địa phương của mình, mà hãy thận trọng chọn người có ích cho đất nước nhất.

Tin tức cho biết ứng viên Roh Moo-hyun đã thắng cử sít sao. Nhật báo Hankooki hôm qua viết rằng với chiến thắng này, tân Tổng Thống Roh Moo-hyun đã chứng tỏ rằng tinh thần địa phương hẹp hòi đã không còn chỗ đứng trên chính trường Nam Hàn nữa. Vốn là người Honam, ông vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của người Yongnam, lẽ ra giành cho ứng viên Lee Hoi-chang theo thông lệ. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Roh Moo-hyun cho biết sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác với những đối thủ chính trị để xây dựng đất nước.

Nhật báo Chosun Ilbo hôm qua cho biết tân Tổng Thống Roh Moo-hyun cam kết sẽ là một nhà lãnh đạo không những cho các ủng hộ viên của ông, mà còn cho cả những đối thủ nữa. Tất cả chỉ gói gọn trong vòng quyền lợi của dân tộc Triều Tiên, kể cả miền Bắc cộng sản.