Những tin khoa học quan trọng nhất trong năm 2002

Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này

Tuần trước quý vị đã nghe chúng tôi duyệt qua những tin đáng chú ý trong năm trong lĩnh vực y học. Tuần này, chúng tôi quay sang đề tài khoa học. Xin mời quý vị nghe Đức Duy đề cập đến một số tin khoa học đáng kể trong năm, dựa trên những tài liệu báo chí khác nhau, nhất là những tin đăng trong số ra mới nhất của tạp chí Discover...

Những thay đổi khí hậu toàn cầu, mà động lực bị nghi là hiện tượng hâm nóng, hay là chiều hướng trái đất ấm dần vì tình trạng những khí nhà kính trong khí quyển gia tăng, đã mang lại nhiều tin tức đáng chú ý trong năm sắp hết này. Chẳng thế mà trong tuần lễ đầu tháng Chạp, hơn một ngàn nhà khoa học đã họp tại Washington để nghe những ý kiến của nhau và thảo luận về hiện tượng nói trên. Dĩ nhiên, ba ngày họp chưa thể đem lại những kết luận dứt khoát để làm kim chỉ nam cho hành động của Hoa kỳ trong thời gian tới, nhất là chính phủ Bush đã chính thức rút ra khỏi Hiệp định thư Kyoto về thay đổi khí hậu.

Nhưng nhiều diễn biến trong năm là những bằng chứng không thể phủ nhận về hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Trước hết, những sông băng ở khắp nơi đang biến dạng hoặc tan chẩy và nhỏ bớt dần.

Vào tháng 3, tại Nam cực, thềm băng Larsen B -- một khối băng dầy 200 mét lớn bằng tiểu bang Rhode Island -- đã tan vỡ và tách rời khỏi giải băng chính. Với công dụng của thềm băng là giữ cho những sông băng không trôi ra đại dương, các chuyên viên cho rằng hiện tượng thềm băng tan vỡ nếu tiếp diễn sẽ có thể nâng mực nước biển lên nhiều mét. Chúng ta nên nhớ là Nam cực hiện chứa đựng 90% tổng số nước ở thể rắn (solid water) trên trái đất.

Tại Bắc cực trong năm cũng đã có một diễn biến do khí hậu thay đổi gây ra. Sông băng Hubbard đã tự tiêu hủy và biến thành một cái hồ mới tại góc đông nam của tiểu bang Alaska. Vào khoảng đầu tháng 5, hình chụp từ vệ tinh cho thấy sông băng này đã trôi tới cửa Vịnh hẹp (Fjord) Russell. Khi di chuyển nó đã xô đẩy những tảng đá băng, danh từ chuyên môn gọi là băng tích (moraine), và lấp luôn cửa ngõ thông ra biển ở đó khiến vịnh hẹp biến thành Hồ Russell, với mực nước tăng với tỉ lệ ban đầu khoảng 25 centimét một ngày. Ba tháng sau đó, do mưa lớn và băng tan chẩy, mực nước hồ đã lên tới ngót 19mét cao hơn mặt biển.

Do tức nước vỡ bờ, những băng tích nói trên đã không thể giữ nổi sức chặn tại cửa hồ rộng chỉ độ 200mét. Do đó, vào trước nửa đêm ngày 14 tháng 8, nước hồ chẩy tràn với sức mạnh khủng khiếp -- 57.000 mét khối nước một giây -- để đổ ra biển, kéo theo những núi băng trôi. Như thế chấm dứt sự hiện diện của Sông băng Hubbard tại Alaska.

Những sông băng trên rặng núi Himalaya cũng đang tan chảy. Một bản tường trình do Chương trình Môi sinh LHQ công bố vào tháng 4 nói rằng ít nhất 44 cái hồ ở Nepal và Bhutan đang hứng nhận quá nhiều nước từ những sông băng tan chẩy ra đổ vào. Bản tường trình nói thêm là trong vòng 5, 10 năm nữa những hồ này sẽ có thể tràn bờ cuốn trôi nhà cửa, đường xá, cầu cống, v.v... và giết hại hàng trăm ngàn dân cư ở chung quanh.

Bãi san hô nổi tiếng của Australia, tên là Great Barrier Reef, cũng là nạn nhân của những thay đổi khí hậu toàn cầu. Những cụm san hô đủ mầu sắc đẹp mắt nay mất màu trở thành từ bạc màu cho đến trắng bợt. Trong năm 2002, nơi lôi cuốn rất nhiều du khách đến chỉ để lặn xuống ngắm san hô và các loài cá đẹp mắt này đã chịu một sự suy đồi tới mức tệ hại. Gần 60% bãi san hô rộng 350.000 kilomét vuông chịu một mức độ nào đó của tình trạng mất màu nói trên.

Vào những tháng đầu năm, người ta đã báo cáo nước biển ở đó ấm hơn trung bình khoảng từ 1,5 đến ngót 3 độ bách phân. Bên trong san hô có một loài rong sống nhờ quá trình quang hợp và được san hô bảo vệ. Do nước nóng hơn làm lệch lạc quá trình rong tạo chất dinh dưỡng vừa nói, nên san hô bắt buộc phải từ bỏ những cây rong này, vì thế mà tự nó gây ra tình trạng mất mầu. Đây là một tình trạng bị coi là bệnh của san hô do ảnh hưởng của môi sinh gây ra. Giới nghiên cứu tại Viện Khoa học Hải dương Australia cho rằng phải mất từ 7 đến 10 năm để phục hồi bãi san hô nổi tiếng của nước họ.

Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Môi sinh Số ra ngày 15 tháng 3 có đăng một báo cáo về những chất ô nhiễm trong nước ở Hoa kỳ. Phần lớn những chất ô nhiễm lại là từ những loại y dược mà dân chúng sử dụng. Một nhóm nghiên cứu tại Cơ quan Thăm dò Địa chất Hoa kỳ đã lấy mẫu nước từ 139 ngọn suối trong 30 tiểu bang trên toàn quốc, tất cả được cố ý chọn ở gần những khu đô thị và những nông trại nuôi gia súc. Ngoài việc tìm kiếm những chất ô nhiễm, nhóm nghiên cứu còn muốn "phát triển được những phương pháp để đo những lượng hết sức nhỏ hóa chất hữu cơ".

Kết quả là họ đã tìm thấy 82 loại chất ô nhiễm, tỉ như những chất kháng sinh, steroid, hormone, những chất kháng oxi hóa (antioxidant), những chất dung môi khác nhau, những chất diệt khuẩn, chất làm sạch (detergent), v.v... Người ta cũng đã thấy trong những mẫu nước ngay cả mỡ cholesterol, caffein, và chất xua đuổi côn trùng (insect repellent), tuy rằng mức tập trung của chúng rất thấp. Như thế ta có thể kết luận là con người và gia súc gây ra ô nhiễm nước, do sự bài tiết những loại thuốc và hóa chất từng được ưống hoặc tiêm vào cơ thể.

Trong cùng một tuần lễ tháng 7, hai sự khám phá về xuất xứ của loài người đã được giới cổ sinh vật và nhân chủng học báo cáo trên hai tạp chí khoa học, Nature và Science. Hai sọ người tiền cổ đã được đào bới thấy. Cái sọ thứ nhất, gồm xương sọ gần như đầy đủ, hai mảnh xương hàm dưới và nhiều răng, đã do một nhóm khảo cổ người Pháp đào lên được trong Sa mạc Djourab ở nước bắc-trung Phi Chad. Nó được đặt tên là Toumai, theo thổ ngữ ở đó có nghĩa là "hy vọng của đời sống" (hope of life), và tuổi được tính ra là gần 7 triệu năm. Sọ thứ hai đã được đào lên tại Dmanisi, trong nước Cộng hòa Georgia. Tuổi của sọ này "trẻ" hơn nhiều -- khoảng 1,75 triệu năm.

Qua hai vụ khám phá này mà lý thuyết đương thời về xuất xứ của loài người có thể phải được duyệt xét lại. Giới khoa học vẫn tin tưởng là loài người đã khởi đầu tại đông bộ Phi Châu 6 triệu năm trước và đã di cư đến Âu Châu cách đây từ 1 triệu đến nửa triệu năm.

Cái sọ Toumai tỏ ra là sọ hóa thạch xưa nhất của một con người giống như khỉ. Với mặt giống mặt người nhưng óc nhỏ bé như khỉ, Toumai là một người đã sống vào ngay sau thời đại mà loài người và loài khỉ tách rời nhau ra và theo hai ngả tiến hóa riêng. Do đặc điểm địa lý, hay là nơi nó được đào lên, Toumai nay là bằng chứng cho thấy con người đã không xuất hiện riêng tại một góc Phi Châu nào -- đông bộ Phi Châu như người ta vẫn tưởng -- mà có thể trên toàn thể lục địa này. Cái sọ hóa thạch thứ hai thì chứng tỏ là con người đã xuất hiện ở Âu Châu tới 1 triệu năm sớm hơn thời gian mà giới nhân chủng học vẫn tưởng.

Chưa bao giờ có hai sự khám phá quan trọng về xuất xứ loài người được công bố cùng trong một tháng như đã diễn ra vào tháng 7. Thật thế. TS Bernard Wood, một nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học George Washington, đã nói: "Sự việc (kể trên) thực sự vạch rõ là chúng ta biết rất ít về bước tiến hóa của loài người và nguồn gốc của giống người Homo sapiens, hay là giống người hiện đại (modern man)".

Cái sọ được công bố đào lên được tại nước Cộng hòa Georgia thực ra là sọ hóa thạch thứ ba tìm thấy trong hai năm qua tại thị trấn trung cổ Dmanisi ở đó. Cả ba được thấy có tuổi gần như nhau và trông cũng giống nhau, chỉ khác là sọ thứ ba nhỏ hơn nhiều.

Nhóm quốc tế tìm thấy sọ này vạch rõ một điểm đặc biệt là dung tích óc của nó chỉ vào khoảng 600 centimét khối, so với 780 và 650 centimét khối của hai sọ trước. Với óc nhỏ hơn, chỉ bằng một nửa dung tích óc trung bình của người hiện nay, họ kết luận đó là "một người man dại hơn (more primitive) chúng tôi đã tưởng". Nhưng với tuổi được tính ra -- 1,75 triệu năm -- người này đã từ Phi Châu đến Âu Châu sớm hơn ít nhất 800.000 năm so với thời đại di dân mà giới khoa học vẫn tin tưởng.

Từ lâu giới khoa học vẫn theo dõi những thay đổi về sự phân bố khối lượng trái đất bằng cách đo lường quĩ đạo của những vệ tinh bị dẫn lực trái đất ảnh hưởng như thế nào. Khối lượng vẫn dồn lên những vùng vĩ tuyến cao do những sông băng che phủ những vùng đó. Nhưng bắt đầu vào năm 1998, họ đã thấy dẫn lực mạnh hơn ở xích đạo và yếu hơn ở hai vùng cực.

Vào tháng 8, một nhóm nghiên cứu báo cáo là trái đất đang phình ra ở vòng xích đạo. Lý do có thể là tình trạng hâm nóng toàn cầu làm nước đá ở hai vùng cực tan chẩy và dồn về phía xích đạo. Lý do cũng có thể làdo chất lỏng trong ruột trái đất di chuyển khác đi phần nào. Nhưng lời giải thích có phần đúng hơn là cho rằng thay đổi trong sự lưu chuyển của đại dương làm cho sự phân bố khối lượng trái đất tập trung vào xích đạo. Và một bằng chứng như được nhận thấy là sự xoay tròn của trái đất có bị chậm lại chút xíu vì khối lượng ở xích đạo tăng thêm.

Trong những tin khoa học trong năm mà tạp chí này đã đề cập đến, chúng tôi thấy nên nhắc đến công trình xếp thứ tự bộ gene của hai giống lúa indica và japonica, được trồng rất rộng rãi ở Á Châu. Công trình này đã được thực hiện sớm nhờ việc áp dụng phối hợp khoa sinh học phân tử và khoa học máy điện toán. Hai bản báo cáo đã được đưa ra vào tháng 4.

Hai bản dự thảo xếp thứ tự bộ gene lúa được coi như chính xác tới 99,8% nói theo ý kiến của giới chuyên môn. Giới nghiên cứu sẽ nhờ công trình này mà có thể tạo ra những cây lúa có khả năng chống lại bệnh, hạn hán, thời tiết không thuận lợi và côn trùng.

Tuần tới, đề tài sẽ là những tin đáng kể trong năm trong lĩnh vực không gian.