Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 4)

(tiếp theo và hết)

3. Suy nghĩ về một số định hướng cho tương lai

Bàn về những giải pháp cho tương lai không phải là điều dễ dàng. Một cá nhân càng không thể nào hoạch định được một chiến lược quốc gia, cùng lắm thì cũng chỉ là gợi mở những suy nghĩ để tham khảo trong việc hoạch định chiến lược đó. Dưới đây là mấy gợi mở theo ý nghĩa như vậy.

Trước khi đề xuất những ý kiến khác nhau để cân nhắc, có một số ý yếu tố rất cơ bản sau đây mà dù lựa chọn chiến lược nào thì cũng phải có:

1. Phải tăng cường và thay đổi lại định hướng tình báo kinh tế.

Tình báo kinh tế cho đến nay vẫn được hiểu là một hành động địch ta. Phương thức đó đã lỗi thời, tuy không phải là không cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bây giờ nội dung quan trọng nhất của nó (về kinh tế) không còn chuyện địch ta, mà là chuyện hợp tác. Trước đây, phần lớn các nước thường sử dụng tình báo kinh tế theo hướng đánh cắp thông tin của đối phương, bảo vệ bí mật kinh tế của mình. Từ vài thập kỷ trở lại đây, nhiều nước đã có những chuyển biến lớn. Trong đó có Anh, Trung Quốc, Nhật là những nước đi đầu. Có nhà khoa học nói với tôi, chữ “economic intelligence” phải được hiểu như là sự thám thính mọi nơi trên thế giới để tìm ra những cơ hội, những kẽ hở nhằm phát triển kinh tế quốc gia. Như vậy, công tác tình báo không nhất thiết là phản gián, mà thực chất là những hoạt động khai phá, thăm dò và hoạch định chính sách.

Về mặt này, Việt Nam còn rất yếu. Nếu chúng ta định mở rộng quan hệ với thế giới, ta không thể không nắm bắt được những vận hội ở những nước mà ta muốn quan hệ, phát triển những khả năng đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu, hợp tác. Ngoài ra còn rất cần phải nắm vững luật pháp, xu hướng chính trị, những dự kiến trong tương lai của đối tác.

Công tác tình báo kinh tế theo hướng này không nhất thiết phải để ở Bộ Công an. Có thể đặt nó ở Bộ Ngoại giao, phối hợp với các sứ quán nhưng cũng có thể để ở một cơ quan nghiên cứu. Quy mô của tổ chức này không cần lớn. Quan trọng nhất là những “cái đầu” thông minh và nhạy bén cảm nhận được mọi cái mới trên toàn cầu.

Để làm việc đó cần có 3 điều kiện rất quan trọng: 1/ Tập hợp thông tin. 2/ Độc lập trong việc xử lý các thông tin trao đổi với những người hữu quan, kể cả phía đối tác. 3/ Đưa ra những dự kiến có tính chất tiền chính sách.

Có thể nói rằng một bộ phận như thế chưa có ở Việt Nam. Như thế là quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Phải bắt đầu nghĩ tới một tổ chức mang chức năng như trên.

2. Phải hình thành một mạng lưới vận động lobby.

Không có một nước nào trên thế giới muốn phát triển kinh tế mà lại không có lobby. Hoạt động này ở Việt Nam tuy đã có, nhưng cho đến nay còn rất yếu. Mạng lưới này cần phải được giăng ra gần như khắp thế giới. Không nên hiểu rằng khi cần giải quyết vấn đề ở nước nào thì phải có hoạt động lobby ở nước đó. Thông qua những nước khác, thông qua toàn đại sứ của các nước khác, có thể làm được việc này. Đây là một nghệ thuật, là một khoa học, mà cho đến nay chúng ta còn rất ít chú ý. Những vụ như cá ba sa, nước đến chân chúng ta mới nhảy, làm lobby không kịp. Trong những quan hệ với Trung Quốc, chúng ta hầu như không có lobby. Với chính phủ Nhật, hoạt động này còn hết sức sơ sài, tuy không phải không có những khả năng thuận lợi.

Một trong những chỗ dựa trong lĩnh vực lobby là Việt kiều. Có lẽ khía cạnh hữu ích của Việt kiều không phải chỉ là vốn đầu tư, cũng không phải chỉ là những kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, mà là những khả năng và kinh nghiệm lobby của họ. Về mặt này, trong chính sách với Việt kiều chúng ta chưa lưu ý đúng mức. Kể cả đối với những người Việt Nam chống cộng, ta cũng có thể dùng như những con dao hai lưỡi. Họ có thể có ích cho chúng ta vì họ có ảnh hưởng chính trị trong một giới nhất định ở phương Tây. Nếu khéo lợi dụng thì không phải họ không có khả năng làm lobby một cách vô thức cho ta.

3. Phải dọn dẹp môi trường kinh tế trong nước.

Như đã nói ở trên, công cuộc đổi mới về cơ bản là một thành tựu rất lớn, nhưng vẫn còn tồn tại từ di sản cũ và có nảy sinh thêm một số hiện tượng gây ô nhiễm môi trường kinh tế. Trong đó không chỉ có tình trạng tham nhũng, mà còn có những trục trặc về thể chế, về luật pháp, về tập tục. Nếu không thanh toán được những sự ô nhiễm đó, khó có thể kêu gọi đầu tư, du lich, hợp tác, ở tầm cỡ lớn.

Về điều này, hình như chúng ta còn chưa có được một sự thẳng thắn thừa nhận mà vẫn ít nhiều còn thái độ lảng tránh.

4. một số gợi ý về chủ trương để tham khảo

1. Phải rèn tập cho xã hội Việt Nam một thói quen của đời sống dân chủ.

Trong đó quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu... cần được mở rộng hơn nữa. Hiện nay có nhiều vấn đề thực ra không còn đang coi là huý kỵ nữa, nhưng vẫn là nghiêm cấm đối với giới nghiên cứu. Tại sao ở Trung Quốc có thể làm phim về thời Cách mạng văn hoá mà ở Việt Nam không thể viết chuyện, làm phim về thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản. Văn kiện công khai của Đảng đã phê phán những sai lầm đó. Sự kiêng kị này sẽ có tác hại giống như một con người không quen với sương gió, bị giam kín lâu ngày trong nhà, khi đi ra đường rất dễ bị cảm cúm. Chúng ta phải từng bước tháo gỡ những kiêng kị. Phải làm sao để cho xã hội Việt Nam có sức đề kháng cao với việc phê phán tất cả những sai trái. Những huý kị hiện nay tưởng là cách bảo vệ tốt cho hệ thống chính trị của chúng ta, thực ra nó là một cách giữ gìn có tính chất bị động, không tháo gỡ ra mà chỉ che dấu sự thật, tạo thêm ra những ung nhọt trong nội bộ.

2. Thay đổi chỗ dựa quốc tế, nói đúng hơn là thay đổi cách dựa trong quan hệ quốc tế.

Trước đây, Việt Nam tìm chỗ dựa trong phe xã hội chủ nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp chỗ dựa trước hết là Liên Xô và Trung Quốc. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam tìm chỗ dựa ở phe xã hội chủ nghĩa, ở phong trào giải phóng dân tộc. Trong một chừng mực đáng kể ta đã thúc đẩy được phong trào phản chiến và tạo ra được chỗ dựa rất quan trọng ở ngay các nước tư bản chủ nghĩa. Đó là một sự lựa chọn tài tình, sáng suốt ít có trên thế giới.

Ngày nay, khi thế giới hai cực không còn nữa, thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó còn có thể tìm được một chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào.

Chỗ dựa và cách dựa bây giờ khác đi. Bây giờ không phải đi tìm một cường quốc nào đó, mà là cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm.

(Nhật trước đây cũng từng dựa vào Mỹ, lấy việc đối đầu với Liên Xô để đòi Mỹ trả công về nhiều phương diện. Bây giờ chỗ dựa kiểu đó cũng không còn. Nhật đã cài đặt các mối quan hệ giữa các nước đó với nhau, khai thác các mâu thuẫn, củng cố các mối quan hệ bằng lợi ích song phương, tạo ra lợi ích cho đối phương để tìm kiếm lợi ích từ đối phương.

(Trung Quốc cũng vậy. Từ chỗ đối đầu với Mỹ chuyển sang dựa vào Mỹ để đối đầu với Liên Xô, đến nay Trung Quốc cũng không còn tìm một chỗ dựa nào khác ngoài việc lợi dụng các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc đã cài đặt những quan hệ với Mỹ bằng cách xuất nhập khẩu hàng hoá rẻ, tạo ra ở Mỹ một thói quen và một nhu cầu về nhập hàng Trung Quốc, về đầu tư ngay trên đất Trung Quốc, về xuất khẩu sang Trung Quốc. Lợi ích đó của tư bản Mỹ đã khoá tay chính giới Mỹ trong nhiều trường hợp. Đó là cách dựa mới.

(Tây Âu cũng vậy. Việt Nam cần đi theo cách đó. Tình thế của Việt Nam khác với các cường quốc. Việt Nam là một nước tương đối nhỏ, thế lực kinh tế không lớn, thị trường không hấp dẫn tới mức không có không được. Do đó, cách xử lý của Việt Nam phải hết sức tinh vi, phải nghiên cứu kỹ càng, tính toán nhiều bề. Những khả năng đó không phải là không có. Ta đã có một bài học lịch sử là đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 –1946. Thực lực của Việt Minh chưa có gì lớn. Nhưng Hồ Chí Minh đã cài đặt được một tình thế quốc tế thuận lợi cho Việt Minh. Dùng những lực lượng OSS của Mỹ để hăm doạ quân Tưởng Giới Thạch. Kéo Bảo Đại vào làm Cố vấn Chính phủ để làm mất một chỗ dựa của các lực lượng khác. Đưa Quốc dân đảng vào Quốc hội để vô hiệu hoá một phần lớn khả năng đối lập của họ. Ký Hiệp ước với Pháp để đuổi quân Tưởng ra khỏi đất nước, tránh mối nguy cơ lớn nhất lúc đó, đồng thời trì hoãn một cuộc chiến không thể tránh khỏi với Pháp.

Việt Nam ta hiện nay phải lựa chọn: Hoặc không có một chỗ dựa nào nữa, hoặc phải tìm một tình thế quốc tế tối ưu cho mình. Về điều này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án. Không thể chỉ nói như là đã giải quyết được vấn đề.

Trên hướng này có thể nêu một ý tưởng như sau làm thí dụ:

Tìm cách lôi kéo một số công ty rất lớn của phương Tây, những công ty có tầm ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội cũng như đối ngoại của các nước mà công ty mang quốc tịch. Nếu lôi kéo được những công ty này vào cuộc, thì có khi về kinh tế chưa chắc có lợi ngay, nhưng sẽ được những cái lợi lớn hơn về chính trị và quan hệ quốc tế. Để làm việc này phải vận dụng cả ba yếu tố “cần” kể trên: tình báo kinh tế, làm lobby, dọn dẹp môi trường. Nếu làm tốt các yêu cầu đó, ta có thể cài đặt những mâu thuẫn giữa họ với nhau, giữa họ với những người khác, để làm sao kích thích sự tranh giành uy tín, qua đó mà họ gắn bó với ta. Quan hệ kinh tế đơn thuần giữa các công ty này (liên quan đến thị trường Việt Nam) có khi chỉ để giải quyết những ảnh hưởng khác trên thị trường quốc tế, thì Việt Nam lại là một vấn đề, do đó trọng lượng của ta được nâng lên, từ đó có được những tầm ảnh hưởng nhất định tới các chính phủ phương Tây.

3. Phải tìm hiểu nhiều cách khác nhau để nâng tỷ lệ thu hồi giá trị sản phẩm của Việt Nam trong giá trị của các sản phẩm liên doanh.

Chúng ta biết, thí dụ như trong ngành dệt may, 80% nguyên vật liệu là nhập khẩu. Do đó, cũng khoảng 70-80% giá trị của một chiếc áo, một chiếc quần là vào tay người nước ngoài. Nếu tính trên con số thống kê về GDP hoặc sản phẩm xuất khẩu thì có vẻ rất cao, nhưng phần mà người Việt Nam được hưởng không phản ánh đầy đủ trong đó. Trên rất nhiều lĩnh vực, kể cả những hàng nông sản xuất khẩu, vẫn còn một tỷ lệ rất cao của giá sản phẩm là thuộc về những công ty ngoài Việt Nam. Nếu chúng ta lọc dầu sớm hơn, thì dầu thô có thể chuyển thành dầu thương phẩm và chúng ta đỡ một khoản tiền rất lớn trong nhập khẩu. Nhờ đó trong giá bán của hàng loạt sản phẩm Việt Nam, tỷ lệ năng lượng sẽ không thuộc các công ty nước ngoài, mà sẽ thuộc GDP thực sự của Việt Nam.

Trong lĩnh vực dệt may, chúng ta vẫn nấp bóng những công ty lớn có uy tín trên thị trường quốc tế để đưa hàng của chúng ta vào. Theo cách đi đó, chúng ta chỉ kiếm được 15-20% giá trị của mỗi cái áo, cái quần. Để thoát khỏi thân phận ấy, không phải chi đơn giản là làm ra những mặt hàng đẹp, nguyên liệu tốt. Vấn đề là thương hiệu của Việt Nam. Nhưng cái làm nên thương hiệu thì không phải chỉ là chất lượng sản phẩm. Nó là loại “nhân duyên” của rất nhiều yếu tố. Việt Nam phải suy nghĩ, tính toán, điều tra và khám phá để tìm ra những mối “nhân duyên” này. Hướng đó không phải là không khả thi.

4. Khai thác tiềm lực có sẵn với cách nhìn mới. Để tìm kiếm những sức mạnh nội lực, trước đây và cho đến nay chúng ta vẫn hướng theo cách đi tìm những khả năng mới, những tiềm lực mới, những tài nguyên mới ....Thiết nghĩ từ nay, đồng thời với việc tìm cái mới, cần “khai thác” một “tiềm lực” rất to lớn đã có sẵn, nhưng bị chiếm đoạt. Tiềm lực đó không cần tìm ở đâu xa mà có thể giành lại ngay cho đất nước, cho nhân dân, cho nền kinh tế, cho xã hội: Đó là những của cải, những nguồn tài nguyên rất lớn đã bị nạn tham nhũng vơ vét, tệ lãng phí hủy hoại.

Tham nhũng ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác, nhất là các nước XHCN cũ, phát triển dưới hai dạng đều rất nguy hiểm: a. Tham nhũng của cải vật chất thông qua quyền hành. b. Tham nhũng những giá trị trí tuệ, những danh vị cao quí bằng chủ nghĩa cơ hội. Những giá trị đó là nguồn sức mạnh rất to lớn của đất nước. Tiềm năng đó đã bị đánh cắp một cách phi pháp. Phải kiên quyết giành lại cho xã hội những giá trị này. Chỉ riêng việc đó cũng tạo ra một sức mạnh rất lớn về nội lực.

Vừa qua Chính phủ đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng. Nhưng đó mới là cơ quan chống tham nhũng về kinh tế. Còn một thứ tham nhũng nữa là tham nhũng về danh tước, chiếm lấy những cương vị bằng cách chạy vạy, mua bán. Như đã nói, rất nhiều danh vị giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ ...., không có thực chất, thực tài. Đưa những con người như thế vào các vị trí điều hành đất nước, điều hành những cơ quan ở cấp đầu não của quốc gia thì thật là nguy hiểm.

Đương nhiên cả hai loại tham nhũng kể trên hiện nay đang có cương vị đáng kể trong xã hội. Họ sẵn sàng cao giọng bảo vệ chế độ, tích cực chống bọn phản động tấn công vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội! Thực ra là họ sợ hãi cho lợi ích bất chính của họ. Nếu tiến hành chống hai loại tham nhũng này, có thể những loại người này từ chỗ kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ CNXH chuyển thành phần tử bất mãn. Đó là điều cần tính toán cẩn thận.

5. Về những mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Nếu trên thực tiễn kinh tế chưa có mũi nhọn, thì không nên miễn cưỡng đặt ra ngay những mũi nhọn. Phải có thời gian và công sức đích đáng để tạo ra mũi nhọn.

6. Rất cần chú ý tới mối liên kết chặt chẽ với các nước khối ASEAN.

Ở trên có nói rằng thời đại ngày nay thế giới không còn chia làm hai cực nên không còn chỗ dựa, hiểu theo nghĩa thời chiến tranh lạnh. Hiện nay, trong thực tế, chúng ta chỉ có ASEAN là chỗ dựa trực tiếp. Thời gian vừa qua, chúng ta chưa chú ý đúng mức để khai thác khả năng này. Với các nước ASEAN, ngoài các quan hệ kinh tế chúng ta cần tạo ra những lợi ích văn hoá và chính trị của các nước đó để “phòng co”. Trong quan hệ với các nước này, không nhất thiết phải quá chú ý tới những lợi ích kinh tế. Có khi Việt Nam chịu thiệt đi một phần nào đó, để kiếm những cái lợi lớn hơn.

7. Điều rất bức bách là phải chuẩn bị đưa được những người của Việt Nam vào các chức vị cao trong các tổ chức kinh tế quốc tế.

Mấy chục năm vừa qua chúng ta rất lơ là việc này. Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng ở Việt Nam mấy thập kỷ qua nhân tài chỉ được dùng như những người “điếu đóm” cho lãnh đạo. Nhân tài không có điều kiện phát triển. Hiện nay Thái Lan đã là Chủ tịch của WTO. Họ còn định ứng cử chức Tổng thư ký Liên hợp quốc. ở hầu hết các quốc gia Asean và nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, nếu cho họ chọn người vào các vị trí như thế thì họ sẵn sàng có ngay được khoảng 5-10 người. Thử hỏi hiện nay nếu các tổ chức quốc tế đặt vấn đề với Việt Nam chọn một người nào đó làm Chủ tịch WTO hoặc Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc một uỷ viên nào đó, liệu có chọn được ai không? Đó là vấn đề.

Nếu chúng ta đưa được một người nào đó vào các vị trí của các tổ chức quốc tế thì trọng lượng của Việt Nam sẽ tăng lên. Một người Việt Nam giữ được một vị trí như thế có thể tạo ra những lợi ích nhiều tỷ đôla. Còn về mặt chính trị và quan hệ quốc tế thì không thể đo bằng đôla được. Nếu nước nào có người làm chủ tịch WTO chẳng hạn, Trung Quốc cũng phải kiêng nể, Nhật Bản cũng phải kiêng nể, Mỹ cũng phải kiêng nể. Việt Nam là một nước có một số đặc điểm lịch sử rất dễ được thế giới chấp nhận một cương vị như thế. Nếu chúng ta khéo tuyên truyền vận động và điều quan trọng nhất là có người sẵn sàng chuẩn bị, thì 5-10 năm tới chúng ta có thể đạt mục tiêu này.

8. Mạnh dạn mở ra những hướng mới. Hai mươi năm đổi mới vừa qua đã mở ra rất nhiều tiềm năng cho đất nước. Những tiềm năng mà trong cơ chế cũ không phát huy được thì trong cơ chế mới đã bừng nở nhanh chóng, có nhiều khía cạnh bất ngờ. Thí dụ: trước đây vì chúng ta phải trả nợ cho các nước bạn nên phải đưa lao động đi nước ngoài. Hiện nay, ta đã tích luỹ được ít nhiều về vốn, những nhà kinh doanh Việt Nam đã nắm bắt được một số kinh nghiệm trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thay vì cho người lao động Việt Nam đi làm thuê cho nước ngoài, sống trong cảnh bị ngược đãi, tủi nhục tại sao chúng ta không nghĩ tới việc mở đường cho các nhà kinh doanh Việt Nam ra hoạt động ở một số nước trên thế giới, nhất là các nước kém phát triển.

Chúng ta đã bắt đầu có đầu tư sang một vài nước ngoài, song còn quá ít ỏi. Hiện nay, nhiều nước Châu Phi và có thể một số nước Đông Nam á như Lào, Campuchia, Mianma, Cu ba ...., là những nơi đang rất khó khăn về kinh tế, về vốn, về nhân lực trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi Việt Nam bị nhiều cường quốc kinh tế khác lấn chiếm thị trường, tại sao Việt Nam không nghĩ tới việc bành trướng thị trường đầu tư và sản xuất tới những nước khác?

Nên chăng có thể học tập con đường mà chúa Nguyễn Hoàng đã đi trước đây để tạo ra sức mạnh của mình, đối đầu với phương Bắc, bành trướng về phía Nam, chiêu dân, lập ấp, mở mang bờ cõi. Tất nhiên chúng ta hoàn toàn không có ý định đi “xâm lược” một nước nào. Nhưng có rất nhiều nước, đặc biệt là Châu Phi hiện nay đất đai còn rất rộng, nhiều vùng còn bỏ hoang. Tuy điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, nhưng nếu đầu tư khai thác nguồn nước từ trong lòng đất chọn các giống cây thích hợp, thì có thể phát triển các hình thức đồn điền sinh lợi cao.

Điều đặc biệt thuận lợi cho Việt Nam là quan hệ với các dân tộc Châu Phi đã có từ lâu. Trong khi người Châu Âu không có khả năng khai thác nhiều, vì đụng chạm tới một quan hệ chính trị nặng nề đã để lại từ thời kỳ chủ nghĩa thực dân. Nếu Việt Nam có quan hệ tốt với chính phủ, với nhân dân địa phương, hợp tác giúp họ cùng phát triển, cùng có lợi thì việc mở mang kinh doanh như sản xuất các mặt hàng công nghiệp dân dụng, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ...., là điều hoàn toàn khả thi. Nếu phát triển theo hướng đó, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, sử dụng được một nguồn lao động nông nghiệp đang dư thừa của Việt Nam, chứ không chỉ là xuất khẩu lao động. Thị trường Châu Phi rất rộng lớn, nhưng sức mua thì rất thấp. Những mặt hàng mà chúng ta đầu tư sản xuất tại đó với giá rẻ, chất lượng bình dân có thể tìm được những sức mua tương ứng.

Trên hướng này, nếu chúng ta không đi nhanh, thì người Trung Quốc sẽ chiếm hết địa bàn của chúng ta. Cuộc thăm của Hồ Cẩm Đào vừa qua ở Cuba, ký kết giữa Trung Quốc với các nước ASEAN ở Vientiane, cho thấy sự nhạy bén của họ, ta cần phải đặc biệt lưu ý.

Để thực hiện hướng phát triển này nên để cho các công ty cỡ nhỏ đi thăm dò trước (kể cả tư nhân) thí dụ lập trang trại, những công ty xây cất, trạm y tế, trường tiểu học, chế biến nông sản, làm một số mặt hàng công nghiệp như sành sứ, đồ mộc, dệt may. Con đường này cũng cần phải có những nhà nghiên cứu đi trước, rồi đến các nhà kinh doanh. Nhà nước tìm mọi cách hỗ trợ. Hướng này cần được nghiên cứu tỉ mỉ để hình thành một chiến lược phát triển.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi đóng góp vào bản tổng kết, mong được các đồng chí tham khảo.

Võ Văn Kiệt.