Hạn hán sẽ làm sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2004-2005 giảm 20% so với niên vụ trước. Hôm 16-11 từ Hà Nội, tiến sĩ Đoàn Triệu Nhạn phó chủ tịch đặc trách đối ngọai Hiệp Hội Cà Phê Cacao Việt Nam, với tư cách cá nhân đã trả lời Nam Nguyên về hiện tình ngành cà phê, từ vấn đề sản lượng, phẩm chất cho tới khả năng cà phê Việt Nam tham gia thị trường kỳ hạn Luân Đôn.
By line: Nam Nguyên
Nam Nguyên: Thưa ông, sản lượng niên vụ năm nay sẽ ra sao, diện tích cà phê có giảm hay không.
"...vì có hạn El Nino cho nên vùng cà phê Việt Nam bị hạn nặng. Thứ nhất là mùa mưa năm nay kết thúc sớm từ tháng 9, mọi năm tháng 11 mới hết mưa..."
Đoàn Triệu Nhạn: Theo tôi trước đây có hơi lạc quan cho rằng vụ 2004-2005 có thể được mùa với sản lượng cao hơn trước một chút. Thế nhưng thực tế diễn ra không như ý muốn, rủi ro vì có hạn El Nino, cho nên vùng cà phê Việt Nam bị hạn nặng. Thứ nhất là mùa mưa năm nay kết thúc sớm từ tháng 9, mọi năm tháng 11 mới hết mưa.
Mưa dứt sớm sẽ ảnh hưởng quả cà phê không phát triển to lên được nữa, có nghĩa hạt sẽ nhỏ đi, mặc dù số lượng quả vẫn như thế, lại nữa quả cà phê không chín được như mọi năm, nó bị nắng quá khô quá. Nói chung tổng sản lượng sẽ giảm.
Hỏi: Như thế sản lượng sẽ là 12 triệu bao hay là ít hơn?
Đáp: Chúng tôi cho là không quá 12 triệu bao, trước kia có báo cáo dự kiến tới 13 , 14 triệu bao. Con số đó là lạc quan hơi quá. Chúng tôi cho là không thể đến như thế được vì chúng ta bị hạn rất là nặng. Theo tôi sẽ sấp sĩ 12 triệu bao, nghĩa là thấp hơn năm ngóai từ 15 tới 20%
Hỏi: Dự báo hạn còn kéo dài, vậy thì cây cà phê có thiếu nước tưới hay không?
Đáp: Đúng là cây cà phê có đủ nước tưới thì mới tốt, mới đảm bảo năng suất vụ tới. Trong báo cáo tôi có nói với nhà nước rằng, chúng ta sẽ mất mùa hai vụ liên tiếp luôn, nhìn bề ngoài vườn cây vẫn như thế nhưng thực chất sản lượng sẽ giảm rất nhiều. Sẽ mất luôn vụ thứ hai vì thiếu mưa việc ra hoa và đậu quả cho vụ tới rất khó.
Và muốn khắc phục được cái đó thì phải tưới, nhưng mà đáng tiếc là nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt của tây nguyên năm nay cũng cạn kiệt so với trước nhiều, người ta tính là có nhiều hồ chứa không đạt được 50% dung tích thiết kết. Và thứ hai nữa là giá xăng dầu lên cao, năm nay đối với cà phê Việt Nam có nhiều khó khăn, xăng dầu phân bón lên cao ảnh hưởng rất lớn cho việc đầu tư vào vườn cà phê.
Hỏi: Gần đây Hiệp Hội có nói tới việc tham gia thị trường kỳ hạn Luân Đôn, vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam phải hội đủ điều kiện gì để tham dự?
Đáp: Có hai vấn đề. Thứ nhất là nhà nước cần phải có cơ chế mới tức là cho phép được đầu tư vốn ra nước ngoài, bởi vì muốn tham gia thị trường phải có tiên đặt cọc, tiền mua chỗ ở Luân Đôn, phải bỏ tiền ra trước để qua mua bán diễn biến sẽ được chuyển hóa ở nước ngoài. Cần có cơ chế cho phép đầy đủ.
Thứ hai với bản thân mình doanh nghiệp cần có trình độ nghiệp vụ tốt hơn, kỹ năng về ngọai thương giỏi hơn, làm quen với thị trường quốc tế giao dịch kỳ hạn như thế. Chúng tôi hiện nay đang cố gắng để tự bồi dưỡng mình bằng cách là mời một số tổ chức quốc tế tham gia giúp cho mình…
Sẽ có vài doanh nghiệp lớn đứng ra tham gia thử trong đó có Vinacafe đã chuẩn bị sẵn sàng, sau đó là một vài công ty lớn của Đắc Lắc cũng muốn tham gia…
Hỏi: Giao dịch thị trường kỳ hạn so với hợp đồng chốt giá sau hiện nay, có lợi ích ra sao?
"...Hợp đồng chốt giá sau hiện nay, doanh nghiệp hay bị thiệt vì không nắm đúng thời cơ, vì chốt giá sau phải có bảo hiểm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không có bảo hiểm gì cả với lọai hợp đồng chốt giá sau, có khi được có khi thua mà thua là thua to. Nếu buôn bán thị trường kỳ hạn thì sẽ có bảo hiểm, được thì có thể không lớn lắm nhưng nếu mất cũng rất ít. Cái bảo hiểm cần thiết chống rủi ro..."
Đáp: Hợp đồng chốt giá sau hiện nay, doanh nghiệp hay bị thiệt vì không nắm đúng thời cơ, vì chốt giá sau phải có bảo hiểm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không có bảo hiểm gì cả với lọai hợp đồng chốt giá sau, có khi được có khi thua mà thua là thua to. Nếu buôn bán thị trường kỳ hạn thì sẽ có bảo hiểm, được thì có thể không lớn lắm nhưng nếu mất cũng rất ít. Cái bảo hiểm cần thiết chống rủi ro. Vì hiện nay đối với chúng tôi chống rủi ro là điều hết sức quan trọng đối với ngành cà phê Việt Nam.
Hỏi: Thưa ông phẩm chất cà phê Việt Nam có đạt chuẩn để tham gia thị trường kỳ hạn, các doanh nghiệp có chịu áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hay không?
Đoàn Triệu Nhạn: Các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc gia. Trước đây do sự thỏa thuận giữa người mua và người bán với nhau, nên khi người mua không yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia thì ngừơi bán cũng không áp dụng. Tiêu chuẩn quốc gia không phải là không làm được nhưng mà là thuận mua vừa bán. Khi ra thị trường kỳ hạn Luân Đôn thì doanh nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.
Vừa rồi là tiến sĩ Đoàn Triệu Nhạn từ Hà Nội với các vấn đề của ngành cà phê Việt Nam. Ông Nhạn trong nhiệm khóa trước là chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Cao Cao Việt Nam, hiện nay ông vẫn được tín nhiệm ở cương vị Phó chủ tịch đặc trách đối ngọai cho hiệp hội.