Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc - Chánh văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an - vào Bộ Chính trị. Đây là một bước đi được nhà quan sát quốc tế đánh giá là cách mà Tổng Bí thư Tô Lâm đang làm để gia tăng sự kiểm soát của mình trong Đảng, hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 vào đầu năm tới.
Truyền thông Nhà nước vào ngày 23/1 đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Duy Ngọc (61 tuổi) được bầu vào Bộ Chính trị trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương, đưa tổng số uỷ viên của cơ quan quyền lực cao nhất trong Đảng lên 16 người. Đáng chú ý trong số này có tới bảy người có gốc từ công an, trong đó có hai người vừa được bầu bổ sung chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua kể từ khi cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên nắm chức Tổng bí thư vào tháng 8 năm ngoái. Đây là hai đồng hương Hưng Yên của ông Tô Lâm cùng trong Bộ Công an - Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, nguyên Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc.
Giáo sư Zachary Abuza từ trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ - người chuyên viết các bài bình luận phân tích về chính trị Việt Nam - nhận định với RFA:
“Ông Ngọc đã là một nhân vật đầy quyền lực, việc đứng đầu Văn phòng Trung ương Đảng vốn đã đặt ông ta vào trung tâm của mọi thứ. Tô Lâm giờ đây có đến hai cấp dưới trước kia của mình trong Bộ Chính trị.”
Truyền thông Nhà nước trích dẫn thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương phát đi vào chiều ngày 23/1 cho biết, ông Nguyễn Duy Ngọc còn được chọn giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng thay ông Trần Cầm Tú - Thường trực Ban Bí thư, người đang đảm nhận hai chức vụ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện việc kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Từ những kết luận và kiến nghị của Uỷ ban này, nhiều lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam các năm qua đã phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau.
Ông Ngọc được bầu vào Bộ Chính trị vào khi ông mới chỉ phục vụ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa đầy một nhiệm kỳ. Trong khi đó, theo quy định của Đảng, một người muốn trở thành uỷ viên Bộ Chính trị, ngoài đáp ứng các tiêu chí về đạo đức, tư tưởng chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo ở tỉnh, thành, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, còn phải là uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.
Ông Ngọc - nguyên Thượng tướng Công an- được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 vào tháng 12/2023, tức là chỉ trong vòng một năm, ông đã được chọn vào Bộ Chính trị.
“Thực tế là ông Ngọc mới chỉ đang trong nhiệm kỳ đầu ở Ban Chấp hành Trung ương nói lên rất nhiều về sự tin tưởng của ông Tô Lâm vào ông ta (Ngọc), và hướng đi mà Tô Lâm đang làm đối với đất nước. Nó cũng cho thấy sự kiểm soát của Tô Lâm ở Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, rằng ông ta có thể đang vi phạm quy định của Đảng” - Giáo sư Zach Abuza nhận định.
_______
Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực
Không phải Maika nhưng Tô Lâm cũng từ trên trời rơi xuống?
Ông Tô Lâm quẳng cái đe sắt cho đối thủ đang sắp chết đuối
Ông Nguyễn Tấn Dũng nhận huân chương ngang hàng với ông Nguyễn Phú Trọng
_______
Trong một bài phân tích trước đây, giáo sư Zach Abuza đã nhận định rằng ông Tô Lâm đang toan tính để giành chọn quyền lực Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ tới bắt đầu từ năm 2026. Cách mà ông làm là cài người vào Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị gồm 18 thành viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất là 12 thành viên vì một số bị kỷ luật. Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để có thể được bầu vào vị trí Tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo, theo Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, ông Tô Lâm sẽ phải vượt qua một loạt các cửa mà Bộ Chính trị không phải là ban đưa ra quyết định chính.
“Chúng ta nên nhớ là Bộ Chính trị không còn là người đưa ra các quyết định cuối. Đó là Ban chấp hành Trung ương. Cách duy nhất để ông ta có thể được bầu là nếu Ban chấp hành Trung ương hiện tại chấp nhận việc đề cử ông ta trước 1.500 đại biểu vào đầu năm 2026.” - Giáo sư Carl Thayer cho biết.
Theo quy định của Đảng, Đại hội Đảng sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới và Ban này sau đó sẽ bầu người vào Bộ Chính trị và từ đó chọn ra Tổng bí thư.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Zach Abuza, ông Tô Lâm dường như đang mở rộng Bộ Chính trị, trong khi truyền thống từ trước đến nay, sự xáo trộn nhân sự trong cơ quan quyền lực này là không quá 50%.
“Nếu ông ta muốn loại bỏ những nhân vật không quan trọng của các đối thủ, việc mở rộng Bộ Chính trị sẽ cho ông ta nhiều chỗ để xoay xở hơn” - Giáo sư Zach Abuza nhận định.