Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ được Việt Nam mời thăm dù từng chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mời tân Ngoại trưởng Marco Rubio thăm Việt Nam

Ngoại trưởng mới của Hoa Kỳ, ông Marco Rubio, được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng và mời thăm Hà Nội cho dù cựu thượng nghị sĩ liên bang từng lên tiếng chỉ trích vi phạm nhân quyền của quốc gia độc đảng này ở Đông Nam Á.

Truyền thông Nhà nước đưa tin, ngay sau khi ông Marco Rubio được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận và trở thành ngoại trưởng của chính quyền Trump, PTT Bùi Thanh Sơn đã mời ông đến thăm Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt song phương (1995-2025).

Báo Chính phủ trích dẫn thư mời cho biết, phía Việt Nam tái khẳng định coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, và bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác trong việc triển khai Đối tác chiến lược toàn diện mà hai quốc gia cựu thù đã ký vào tháng 9/2023 dưới chính quyền của Tổng thống Biden.

Trước khi được Tổng thống Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, ông Marco Rubio (53 tuổi) là thượng nghị sỹ liên bang của tiểu bang Florida từ năm 2011.

Trong vai trò này, ông đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Vào tháng 10/2014, ông đứng đầu một nhóm thượng nghị sỹ đề nghị Tổng thống Obama cân nhắc lại quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Sáu năm sau, ông cùng Thượng nghị sỹ John Cornyn gửi thư chung cho Ngoại trưởng Mike Pompeo đề nghị nêu vấn đề đàn áp nhân quyền với Hà Nội và xem xét áp dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu đối với quan chức Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam vào danh sách Các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Hoa Kỳ phải tiếp tục phát triển và củng cố quan hệ đối tác của chúng ta với các quốc gia trong khu vực để đảm bảo thịnh vượng và an ninh chung và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Cách duy nhất để hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam là gây sức ép để họ thực hiện các bước nghiêm túc nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam,” thư có đoạn viết.

Bức thư cũng đề cập đến việc Hà Nội lạm dụng Luật Tôn giáo Tín ngưỡng để đàn áp những tín đồ Thiên chúa người Hmong và người Thượng, chính phủ đàn áp Hội nhà báo độc lập Việt Nam và tìm cách bịt miệng những tiếng nói đối lập.

Trong thư gửi Ngoại trưởng Marco Rubio ngày 21/1, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) thúc giục ông đưa Việt Nam cùng 16 quốc gia khác như Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba… vào CPC vì các vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng ở các nước này.

Việt Nam đã ở trong Danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong hai năm qua, và cho dù liên tục có đề nghị từ USCIRF, tiền nhiệm của ông Marco Rubio, Ngoại trưởng Antony Bliken đã không đưa Việt Nam vào CPC.

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown, không lạc quan về việc chính quyền mới của Trump sẽ quan tâm đến vấn đề nhân quyền nói chung và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:

Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump cho thấy sự thiếu tập trung. Ông ấy đã làm suy yếu mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta, và gieo rắc mầm mống nghi ngờ vào độ tin cậy của Hoa Kỳ.

“Việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ thậm chí không phải là ưu tiên thấp (của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ hai- PV), và tôi thực sự lo ngại rằng sự gần gũi của ông ấy với các giám đốc điều hành công nghệ sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì họ muốn thoát khỏi mọi quy định, sự giám sát hoặc trách nhiệm giải trình đối với các nền tảng của họ.”

Ông Hunter Marston, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế từ Đại học Quốc gia Australia cũng cho rằng chính quyền Trump sẽ ít chú ý hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:

“Ba chính quyền Hoa Kỳ liên tiếp từ Obama đến Biden đã công nhận vai trò then chốt của Việt Nam đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn của Hoa Kỳ. Washington tiếp tục coi Việt Nam là đối tác thiết yếu ở Đông Nam Á.

“Các mối quan ngại về nhân quyền luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhưng chúng không cản trở các mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn trong thập kỷ qua. Chính quyền Trump có thể sẽ không chú ý nhiều đến vấn đề này.”

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về lời mời của phía Việt Nam nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.