Ông Khanh (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu của người phỏng vấn vì lý do a ninh), từ lâu đã đọc nhiều thông tin từ báo chí về việc Hoa Kỳ sử dụng chất diệt cỏ dioxin trong Chiến tranh việt Nam và những hậu quả để lại cho môi trường và con người.
Nhưng đến tháng 8/2024, ông mới có cơ hội làm việc cho dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hoà, hàng ngày đến lao động trong khu vực thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA E&C (Vinacons E&C).
Ông cho biết công việc chính của dự án là bóc lớp đất bị nhiễm dioxin, chở đến một khu vực xử lý là những hố sâu đào sẵn, đổ lớp đất bị nhiễm đó xuống hố và phun hoá chất khử độc.
Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 03/2, ông đến công trường để làm việc theo lịch thì được báo là dự án bị dừng vô thời hạn. Hàng trăm người đồng nghiệp khác cũng ở tình trạng tương tự.
Ông nói với RFA trong ngày 04/2:
“Tôi được yêu cầu về nhà và chờ trả lương của tháng 1/2025. Bên quản lý dự án không nói khi nào tôi có thể quay trở lại làm việc.”
Phóng viên gửi email cho Vinacons E&C để hỏi thêm chi tiết nhưng chưa nhận được phản hồi.
Cuối năm 2024, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trao Dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hoà trị giá 29 triệu USD cho Vinacons E&C. Dự án kéo dài bốn năm.
Đây là một trong những dự án bị dừng đột ngột ở Việt Nam sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký quyết định hành pháp tạm dừng viện trợ quốc tế trong thời gian 90 ngày.
USAID ngừng tài trợ, người dân là nạn nhân
Ngày 3/2, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE), tỷ phú Elon Musk thông báo Tổng thống Donald Trump đã quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cơ quan điều hành các dự án tài trợ của Mỹ tại Việt Nam với ngân sách hàng năm khoảng 150 triệu USD và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1989.
Thông qua USAID Việt Nam, Hoa Kỳ đã trợ giúp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dò phá bom mìn, phòng chống thiên tai, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, y tế, an ninh lương thực, giáo dục, sức khoẻ, rác thải nhựa, và nông nghiệp bền vững…
Vào ngày 3/2/2025, website của USAID ở Việt Nam đã bị đóng và mọi cố gắng liên lạc với đại diện của cơ quan này ở Hà Nội đều không thành công. Trước đó hai ngày, phát ngôn nhân của USAID đã trả lời RFA qua email với nội dung:
“Chúng tôi đang xử lý nhanh chóng các yêu cầu ngoại lệ. Một số yêu cầu khẩn cấp đã được chấp thuận trong vòng vài giờ. Chúng tôi không thể giải quyết mọi câu hỏi liên quan đến ngoại lệ riêng lẻ nhưng cam kết duy trì tính minh bạch theo Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống.
Bộ trưởng Ngoại giao đã phê duyệt hỗ trợ nhân đạo cốt lõi cứu sống và ban hành miễn trừ cho các mục đích cụ thể. Những người thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân đạo cứu sống hiện có nên tiếp tục hoặc khôi phục công việc.”
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, với việc Mỹ ngừng viện trợ, người dân Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất:
“Những doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ra tiền một cách bền vững để cho Việt Nam phát triển nhưng mà họ yếu thế về kinh tế, họ cần phải được trang bị kỹ thuật, tập huấn về các phương thức sản xuất tiên tiến của thế giới, nhà nước không tham nổi vấn đề đó do đó họ cần viện trợ phát triển,
“Rồi những người tàn tật, những nạn nhân của chiến tranh ra những cái người yếu thế trong xã hội không có đủ cả phần thân thể để làm ra của cải vật chất nuôi sống cho bản thân mình nuôi sống trong gia đình thì cũng cần phải có viện trợ cần phải được đào tạo cần phải được trang bị công cụ để lao động sản xuất mà mất quỹ này thì những người đó bị thiệt hại ở trước nhất.”
Một học giả ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính, cho RFA hay theo thông tin ông nhận được từ USAID Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, và Bộ Giáo dục và Đào tạo thì USAID không giải ngân dự án theo năm, mà theo toàn bộ dự án, và hầu hết số tiền tài trợ của USAID đã được chuyển vào các tài khoản của các dự án ở Việt Nam.
Thêm nữa, ông cho biết, USAID Việt Nam chưa nhận lệnh cắt giảm tài trợ nào từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như chưa có lệnh cắt giảm số nhân viên ở văn phòng cơ quan này ở Hà Nội.
Ông cho rằng theo nội dung công bố về cuộc điện đàm ngày 25/1 giữa Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thì quan hệ song phương không có biến động lớn.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để hỏi thông tin về các dự án của USAID nhưng chưa nhận được phản hồi.
Xử lý ô nhiễm dioxin
Trong Chiến tranh Việt Nam, không quân Hoa Kỳ đã sử dụng chất diệt cỏ dioxin để phá huỷ nhiều khu rừng nơi quân đội Bắc Việt ẩn náu. Sân bay Biên Hoà và Đà Nẵng là hai căn cứ quân sự chính của Hoa Kỳ trong thời gian này được sử dụng làm nơi chứa loại chất độc này.
Sau khi bình thường hoá quan hệ, Hoa Kỳ đã cam kết trợ giúp Việt Nam trong việc tẩy độc dioxin ở hai sân bay nói trên. Việc khử động đã hoàn tất ở Đà Nẵng trong năm 2018, và bắt đầu ở sân bay Biên Hoà từ năm 2019. Hoa Kỳ cam kết đóng góp 430 triệu USD cho dự án tại sân bay Biên Hoà kéo dài 10 năm với tổng kinh phí 450 triệu.
Theo chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Canberra (Úc), một đánh giá về tình trạng ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa ước tính rằng nửa triệu mét khối đất đã bị ô nhiễm.
Ông nói về hậu quả việc giải ngân của USAID bị đình chỉ trong 90 ngày lên dự án khử độc sân bay Biên Hoà:
“Điều này sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến ba dự án lớn dự kiến hoàn thành vào tháng 4: lắp đặt hệ thống xử lý nhiệt, bàn giao đất đã được làm sạch (khắc phục) dioxin và điều chỉnh thỏa thuận tài trợ để tăng nguồn tài trợ không hoàn lại của Hoa Kỳ từ 300 triệu USD lên 430 triệu.
“Các cá nhân làm việc tại sân bay Biên Hòa và cộng đồng địa phương đang phải chịu rủi ro do mức độ ô nhiễm dioxin cao. Mối nguy hiểm này có thể được giải quyết bằng cách phong tỏa các điểm nóng dioxin nhưng không giải quyết được vấn đề lâu dài về cách xử lý và khử nhiễm khu vực. Các cơ sở đặc biệt sẽ phải được xây dựng để chứa riêng đất ô nhiễm ở mức độ thấp và đất ô nhiễm ở mức độ cao.”
![dioxin](https://www.rfa.org/resizer/v2/PHU7ILM6X5EQJP65XFTR2AJW2M.png?auth=158842f1998b36270ae97cf9838da253d7ef8454baf1b1a449754fa6461a736b&width=800&height=516)
Giáo sư Carl Thayer cho biết ước tính có 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có ba triệu người đang phải chịu những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Theo Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, tình trạng ngộ độc dioxin đã kéo dài đến bốn thế hệ: 850.000 nạn nhân ở thế hệ thứ hai, 350.000 nạn nhân ở thế hệ thứ ba và 500 nạn nhân ở thế hệ thứ tư. Chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 20.000 nạn nhân.
“Người ta ước tính có khoảng 1,2 triệu nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin. Họ cần được đánh giá y tế thường xuyên, được điều trị y tế, có nhà ở và chăm sóc, và nếu không bị tàn tật, thì phải được đào tạo nghề. Nếu Hoa Kỳ cắt giảm tài trợ, nhiều người Việt Nam có thể bị ngộ độc dioxin hơn, do đó làm tăng chi phí y tế công cộng của Việt Nam,” giáo sư Carl Thayer viết trong email gửi RFA.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA:
“Khu vực xung quanh sân bay Long Thành (Đồng Nai) nếu như không khắc phục được hậu quả của chất độc da cam thì vùng đất này sẽ tiếp tục sẽ là vùng đất chết, và xung quanh sân bay Biên Hoà sẽ tiếp tục là vùng đất chết, không sản xuất không làm gì được hết để nuôi sống một bộ phận dân cư ở tại địa phương này và tất cả các vấn đề khác. Người thụ hưởng là người dân sẽ bị thiệt hại trước mắt và lâu dài nếu từ đây không còn quỹ viện trợ phát triển quốc tế của Mỹ nữa.”
Rà phá bom mìn
Sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, số bom mìn còn sót lại khoảng 800 ngàn tấn, và diện tích ô nhiễm cũng như nghi bị ô nhiễm bởi bom mìn là hơn sáu triệu héc-ta, theo thống kê của Trung tâm Hành động Bom Mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC).
Nhiều quốc gia tài trợ cho các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc, Na Uy, Đức, Australia.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2000 đến 2022, Mỹ đã thông qua USAID để viện trợ cho Việt Nam gần 203 triệu USD trong công tác dò phá bom mìn.
![This picture taken on January 6, 2020 shows a member of an all-female demining team preparing to detonate unexploded ordnance at a landmine site in the Trieu Phong district in Quang Tri province. More than 6.1 million hectares of land in Vietnam remain blanketed by unexploded munitions -- mainly dropped by US bombers -- decades after the war ended in 1975. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP) / TO GO WITH Vietnam-US-weaponry-landmines,FOCUS by Tran Thi Minh Ha](https://www.rfa.org/resizer/v2/MFPGYSRWTZCIBFWZVQ65PII63Y.jpg?auth=3d2d938494cd32db991d67ef8d51d9f964b022804630274fd8fabf0921470bb8&width=800&height=532)
PeaceTrees Vietnam (PTVN) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên giải quyết hậu quả chiến tranh thông qua hoạt động rà phá bom mìn và phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Từ năm 1995, trong nhiều dự án tài trợ bởi USAID, PTVN đã hợp tác với nhiều cộng đồng địa phương trong việc rà phá hàng chục nghìn quả đạn chưa nổ ở các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, hai trong số những khu vực bị ném bom nặng nề nhất trong Chiến tranh Việt Nam bên cạnh việc đầu tư vào các cơ hội giáo dục và kinh tế cho các thế hệ tương lai.
Trong thông cáo báo chí ngày 28/1/2025, PTVN bày tỏ sự lo ngại về tác động của việc Chính phủ Hoa Kỳ tạm dừng mọi công việc liên quan đến các khoản tài trợ do Chương trình Tháo dỡ và Giảm thiểu Vũ khí Hoa Kỳ (WRA) tài trợ trong thời gian xem xét 85 ngày.
Theo đó, việc đình chỉ đột ngột này đe dọa làm gián đoạn các chương trình nhân đạo quan trọng trên toàn cầu và dừng hoạt động của các tổ chức, bao gồm cả PTVN, có hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
![bom mìn](https://www.rfa.org/resizer/v2/JYGSFGUMWBBILJPSIAJDQDIMSI.png?auth=a885303bc50aa7c01a42f6a66d654a97f27cc3eb62dc0c3a11e02965a443e8b4&width=800&height=477)
Brendan Murphy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTVN, được dẫn lời trong thông cáo:
"Chúng tôi vô cùng lo ngại về tổn thất về mặt con người do quyết định này gây ra,"
“Các chương trình của chúng tôi không chỉ cứu sống người bằng cách rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) mà còn thúc đẩy sự an toàn, ổn định và thịnh vượng trong các cộng đồng vốn chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Việc tạm dừng này gây nguy hiểm cho tiến trình ở những khu vực mà UXO vẫn tiếp tục gây hại cho cộng đồng.”
Cho rằng “Việc rà phá bom mìn và UXO không chỉ bảo vệ mạng sống mà còn củng cố hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, giúp nước Mỹ an toàn hơn và an ninh hơn,” PTVN kêu gọi Hoa Kỳ khôi phục các chương trình rà phá bom mìn và kêu gọi cộng đồng thế giới trợ giúp nếu Chính quyền Trump cắt giảm nguồn tiền cho công việc này.
Trợ giúp của Hoa Kỳ trong y tế
Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia cung cấp viện trợ cho Việt Nam để tăng cường năng lực y tế và đối phó với dịch bệnh.
Từ năm 2018 đến 2022, Mỹ đã tài trợ hơn 230 triệu USD cho lĩnh vực này, bao gồm gia tăng an ninh y tế và hỗ trợ điều trị các bệnh lao phổi, HIV và COVID-19, theo số liệu của USAID.
Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ cung cấp hơn 40 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam.
Dẫn thông tin từ bác sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Tuổi Trẻ Online ngày 5/2 đưa tin USAID tạm dừng các dự án tài trợ cho Chương trình Chống lao quốc gia của Việt Nam. Ông nói USAID cung cấp nguồn viện trợ lớn cho chương trình này nhưng Việt Nam đã có phương án bảo đảm công tác phòng, chống bệnh lao dù mất đi khoản trợ giúp từ Hoa Kỳ.
Nói với RFA, bác sỹ Đinh Đức Long cho rằng Việt Nam đủ khả năng kiểm soát bệnh tật, và chăm sóc sức khỏe người dân ngoại trừ việc đối phó với thảm họa y tế, ví dụ như đại dịch COVID-19 vừa qua. Khi đó, vai trò trợ giúp của USAID mới thực sự quan trọng vì Việt Nam chưa tự sản xuất được vắc-xin, mà phải nhờ vào nguồn viện trợ từ bên ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông cho rằng việc dừng các dự án y tế của USAID ở Việt Nam gây tổn hại cho Mỹ nhiều hơn cho Việt Nam bởi vì quyết định này giảm bớt quyền lực mềm của Mỹ đối với thế giới.
Tổ chức phi chính phủ và báo chí bị ảnh hưởng
Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) là một tổ chức phi chính phủ (NGO) của người Việt có trụ sở ở Hoa Kỳ, hoạt động cổ suý giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Việc Hoa Kỳ đóng băng các khoản viện trợ cho nước ngoài cũng ảnh hưởng đến LIV. Trong một thông báo hôm 4/2, Luật Khoa Tạp Chí thuộc LIV cho biết: “Một phần rất lớn ngân sách của Luật Khoa và cơ quan chủ quản Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) đến từ nguồn tiền thuế này của người dân Hoa Kỳ, cụ thể là hơn 50%, thông qua các dự án khác nhau với nhiều đối tác trung gian quốc tế.”
Trong trang web của Luật Khoa, tổ chức này cho biết việc Hoa Kỳ đóng băng gần như mọi khoản viện trợ quốc tế cho các hoạt động nhân đạo và nhân quyền “ảnh hưởng ngay lập tức và nặng nề tới quỹ lương và kinh phí hoạt động của gần như mọi dự án của LIV, trong đó có Luật Khoa”, giống như rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận, dự án phát triển khác trên thế giới.
Trong một bài viết đăng trên diễn đàn Facebook có tên Góc nhìn BC-CD, nhà báo độc lập Mai Phan Lợi cho rằng “USAID không chỉ là một khoản viện trợ, mà còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong việc định hình chính sách và nâng cao năng lực ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.”
Người từng tham gia với vai trò giảng viên trong dự án Đánh giá tác động chính sách cho các nhà báo (Regulatory Impact Assessment- RIA) tài trợ bởi USAID năm 2011, cho biết các học viên của dự án coi RIA là “vũ khí hạng nặng” trong phản biện chính sách.
Ông cho rằng USAID rời đi, nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục hợp tác với nhiều tổ chức phát triển quốc tế khác như JICA (Nhật Bản), AFD (Pháp), GIZ (Đức), KOICA (Hàn Quốc), và ECHO (EU) trong nhiều lĩnh vực.
“Sự kết thúc của USAID ở Việt Nam cũng là lời nhắc nhở: Chúng ta không thể tiếp tục kỳ vọng sự phát triển đến từ bên ngoài,
“Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình, đang hướng tới mục tiêu cao hơn. Nếu còn tư duy trông chờ viện trợ, thì không thể đi xa,” ông viết.
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Đại tướng Phan Văn Giang ở Hoa Kỳ ngày 09/9 năm ngoái, hai bên đã nhất trí ưu tiên giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh và cần đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu USAID bị dừng hoạt động như một biện pháp tiết kiệm chi phí của chính phủ Mỹ thì Việt Nam sẽ phải tự mình giải quyết tác động liên tục của dioxin đối với môi trường và sức khỏe của những người làm việc tại sân bay Biên Hòa và cộng đồng xung quanh cũng như người Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin.
Nhưng theo ông, tổn hại lớn hơn là Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được thiết lập vào năm ngoái.
“Quan hệ kinh tế và quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng nhưng việc cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong mối quan hệ song phương.” - Giáo sư Carl Thayer nhận định.