Lực lượng Hải quân Nicaragua đã cứu sống ba người Việt Nam sau khi thuyền chở họ bị chìm ở vùng biển của nước này gần hai tuần trước.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin một chiếc thuyền chở 17 người di cư quốc tịch Ấn Độ, Iran, Ai Cập và Việt Nam khởi hành ngày 4/2 từ đảo San Andres của Colombia. Con thuyền này bị chìm ở khu vực gần đảo Corn Islands cách đất liền 150m vào sáng sớm ngày 05/2.
Phía Nicaragua đã cứu sống tám người, trong đó có ba công dân Việt Nam. Năm người đã chết và bốn người mất tích.
Những người trên thuyền đang đi đâu?
Ba công dân Việt Nam được cứu sống là Truong Thi My Khanh (nữ) 24 tuổi; Ho Long (nam) 25 tuổi, và Nguyen Van Duoc (nam) 26 tuổi. Hai người đầu tiên có thẻ cư trú của Hungary còn người thứ ba có bằng lái xe cấp tại Thừa Thiên-Huế, theo thông tin từ TTXVN.
TTXVN cũng nói Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba đang tiến hành công tác bảo hộ công dân đối với ba người Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Nicaragua thông báo và đề nghị hợp tác đưa ba công dân này về nước.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao của Nicaragua để hỏi thêm thông tin về ba người Việt được cứu sống trên biển, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thông tin từ báo Nhà nước Việt Nam không cho biết con thuyền đang hướng đi đâu, nhưng đoạn đường biển từ đảo San Anders nơi thuyền khởi hành đi Nicaragua thường được những người vượt biên đến Mỹ sử dụng thay cho cách vượt rừng từ Nam Mỹ vào Hoa Kỳ vốn bị cho là nhiều nguy hiểm hơn.
Một bài điều tra của Insightcrime.org cho thấy, số người vượt biển vào Mỹ theo tuyến đường này bị phát hiện đã gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023. Bài báo dẫn số liệu từ cơ quan di trú Colombia cho thấy, đã có 45 người Việt bị phát hiện đi theo đường này vào Mỹ trong năm 2023.
Nhiều người Việt Nam đã tìm cách vượt biên vào Mỹ trong các năm qua bằng cách vượt rừng ở Nam Mỹ đến biên giới Mexico - Mỹ. Một phóng sự của RFA trước đây cho thấy con đường nhiều người Việt chọn là bay đến một nước ở châu Âu trước khi bay đến Nam Mỹ để tìm cách vượt biên vào Hoa Kỳ.
Những người vượt biên như vậy thường phải trả từ 60 đến 75 ngàn USD cho đường dây đưa người đi từ Việt Nam.
Một người hiện có người thân đang du học ở Hungary cho RFA biết người nước ngoài đến Hungary hợp pháp và ở lại học tập hay làm việc thì có thể được cấp thẻ định cư có giá trị sau thẻ xanh và quốc tịch.
Bà Khanh và ông Duoc, hai người vừa được Nicaragua cứu, có thể đang sống ở Hungary nhưng chưa có quốc tịch Hungary nên phía Việt Nam có lý do bảo hộ công dân mình, ông nói với RFA trong điều kiện ẩn danh.
Hoa Kỳ - miền đất hứa
Số liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ gửi cho RFA cho thấy từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, có gần 3.300 người Việt Nam vượt biên bằng đường bộ dọc biên giới phía Tây Nam nước Mỹ. Từ tháng 10/2023 cho đến hết tháng 2/2024, con số này là 2.400 người.
Ông Ngô Thuần, người đang hành nghề luật sư di trú ở California (Hoa Kỳ), cho biết khi vào Mỹ, người di cư được đăng ký xin tị nạn và phải ra toà di trú. Cho dù không được chấp nhận tị nạn thì thời gian chờ đợi ra toà và có quyết định cuối cùng cũng kéo dài vài ba năm và khi đó họ có cơ hội được lao động với thu nhập tốt so với công việc ở Việt Nam.
“Người Việt Nam còn có cơ hội được vào nước Mỹ, họ muốn tìm cách vào nước Mỹ bởi vì so với những khó khăn và khả năng được ở lại, khả năng bị bắt và trục xuất, và việc sống ở Việt Nam thì họ chọn con đường tương đối dễ hơn là nước Mỹ thôi.”
Tuy nhiên, người Việt nhập cư trái phép vào Mỹ hiện đang phải đối mặt với việc bị bắt giữ và trục xuất về nước khi chính quyền của Tổng thống Trump đang gia tăng nỗ lực trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ thời gian qua.
Tuy vậy, ông Ngô Thuần cho rằng việc trục xuất hết người cư trú bất hợp pháp hay người cư trú không có giấy tờ hợp lệ đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn trong khi nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông của Mỹ rất lớn mà những người cư trú bất hợp pháp đáp ứng được.
Ông nói Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, cấm các cuộc khám xét và tịch thu tài sản một cách vô lý của chính phủ, đồng thời quy định rằng mọi lệnh khám xét phải có lý do chính đáng và được tòa án phê chuẩn dựa trên bằng chứng cụ thể. Do vậy, cảnh sát không thể đột nhiên hỏi giấy tờ tuỳ thân của một người nếu người này không phạm pháp.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đang triển khai biện pháp bảo hộ cho người Việt bị tắc ở Brazil
Người Việt đánh cược cả cuộc đời để vào Mỹ từ Mexico