Vụ blogger Đường Văn Thái: LHQ quan ngại về tính hợp lệ của quá trình tố tụng

Bốn báo cáo viên đặc biệt nói cáo buộc bắt cóc làm suy yếu tính toàn vẹn của các thủ tục tố tụng ngay từ đầu

Các chuyên gia Liên hiệp quốc kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái và điều tra các cáo buộc cưỡng bức mất tích đối với ông.

Ông Đường Văn Thái, người được biết đến với tên Thái Văn Đường với hàng trăm video về chính trị Việt Nam, được cho là bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan vào tháng 4/2023 và bị kết án 12 năm tù vào ngày 30/10/2024.

Ngày 20/12/2024, bốn báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ) đã gửi thư chung cho Hà Nội để chất vấn về vụ việc.

Ngày 17/2, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố kháng thư của Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền Mary Lawlor, Phó chủ tịch về truyền thông của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện Ganna Yudkivska, Chủ tịch-Báo cáo viên của Nhóm công tác về mất tích cưỡng bức, và Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận Irene Khan gửi Chính phủ Việt Nam về vụ việc.

Cho tới nay, Hà Nội vẫn chưa phản hồi kháng thư của các chuyên gia nhân quyền LHQ.

Quan ngại của LHQ

Kháng thư cho biết, các chuyên gia nhận được các thông tin cáo buộc cho rằng nhà báo và blogger Đường Văn Thái đang tị nạn ở Thái Lan và mất tích vào ngày 13/4/2023, ngay sau khi có cuộc phỏng vấn về định cư sang nước thứ ba.

Một ngày sau, báo chí Việt Nam đưa tin an ninh bắt giữ một người đàn ông có cùng tên khi đang định xâm nhập từ Lào vào Hà Tĩnh. Tháng 7 cùng năm, Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an thông báo điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Trong thư, bốn báo cáo viên nhắc lại nghĩa vụ của Chính phủ Việt Nam theo Điều 12 và 19 của Tuyên bố về Bảo vệ mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức trong vụ việc của ông Thái, đặc biệt là về việc “điều tra, xác định và truy tố những người chịu trách nhiệm về các tội ác liên quan và bồi thường thiệt hại mà ông Đường Văn Thái phải chịu.”

Kháng thư viết:

Chúng tôi muốn bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về vụ mất tích cưỡng bức và bị dẫn độ của ông Thái, mà chúng tôi lo ngại có thể liên quan trực tiếp đến công việc hợp pháp của ông với tư cách là một nhà báo độc lập và người bảo vệ nhân quyền, cũng như việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của ông.

Bốn báo cáo viên cũng cho rằng việc bắt cóc ông Thái, người đã được LHQ cấp quy chế tị nạn, khiến cho việc kết tội ông “tuyên truyền chống Nhà nước” với bản án 12 năm tù giam và ba năm quản chế không bảo đảm quyền được xét xử công bằng.

Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những cáo buộc rằng ông Thái đã bị cưỡng chế mất tích trước khi phiên tòa xét xử ông bắt đầu, qua đó làm suy yếu tính toàn vẹn của các thủ tục tố tụng ngay từ đầu.”

Nhắc lại việc Việt Nam thường sử dụng cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự để bịt miệng các nhà báo độc lập và đàn áp quyền tự do biểu đạt, bốn báo cáo viên đặc biệt kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Thái ngay lập tức và đảm bảo quyền kháng cáo của ông.

Các chuyên gia LHQ cũng đề nghị Việt Nam thông báo việc điều tra vụ cưỡng bức mất tích của ông Thái, xác định những người chịu trách nhiệm và trừng phạt họ, cũng như để bảo đảm rằng ông Thái được bồi thường thỏa đáng cho những tổn hại đã phải chịu.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về kháng thư, nhưng chưa nhận được phản hồi.


Dự án 88: Năm Đảng viên cấp tin cho blogger Đường Văn Thái bị bỏ tù trong phiên tòa kín

Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín

Blogger Đường Văn Thái mất tích: Tiếng la cuối cùng để lại nhiều câu hỏi

Blogger Đường Văn Thái sẽ bị xử kín vì liên quan đến nhiều quan chức nhà nước


Công an xã từ chối xác nhận thân nhân

Hai tháng sau phiên tòa xét xử kín, ông Thái bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam, cách nhà khoảng 1.000 km.

Mẹ của ông Thái, bà Dương Thị Lư cho RFA biết bà đã gặp con trai tại Trại tạm giam B14 ở Hà Nội sau phiên toà. Tuy nhiên, kể từ khi ông Thái đi thi hành án tù vào cuối năm ngoái, bà chỉ có thể giao tiếp qua điện thoại và thư hàng tháng.

Bà Lư đã lên Công an xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, để xin chứng nhận thân nhân nhằm có thể gửi quà qua bưu điện và thăm gặp ông Thái, tuy nhiên, phía công an từ chối với lý do ông Thái là “phần tử phản động.”

Phóng viên không thể kết nối với số điện thoại của Công an xã để kiểm chứng thông tin. Phóng viên cũng gọi vào số di động của Trưởng Công an xã nhưng người này không nghe máy.