Người chống tham nhũng Đậu Thanh Tâm bị bắt vì chỉ trích Nghị định 168

Facebooker Đậu Thanh Tâm bị khởi tố, bắt tạm giam theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự

Bà Đậu Thanh Tâm, một người thường xuyên lên tiếng về tiêu cực ở một số bệnh viện ở Hà Nội, bị bắt theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì chỉ trích trên Facebook về Nghị định 168 quy định các mức phạt vi phạm giao thông đang gây tranh cãi. Đây là người đầu tiên bị bắt liên quan đến Nghị định 168 được báo Nhà nước chính thức công bố từ đầu năm đến nay.

Báo mạng Tuổi Trẻ Online đưa tin chiều 23/1, Cơ quan an ninh điều tra của Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam bà Tâm, 45 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai, về “hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đăng tải thông tin sai sự thật” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Truyền thông Nhà nước cho biết việc bắt giữ được tiến hành sau khi Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Nội, phát hiện bà Tâm thường xuyên sử dụng danh khoản “Đậu Thanh Tâm” trên TikTok và Facebook để đăng tải các video clip có nội dung “xuyên tạc bịa đặt việc khám, chữa bệnh của một số bệnh viện tại Hà Nội, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp...”

Bà bị cho là “đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận về Nghị định 168″ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Truyền thông Nhà nước cho biết, Công an Hà Nội cáo buộc bà Tâm còn kêu gọi, kích động người dân phản đối Nghị định 168. Đây là nghị định đang vấp phải nhiều phản đối từ người dân vì mức phạt tăng cao nhiều lần so với quy định trước và các quy định ngặt nghèo hơn trong giao thông, gây khó khăn cho các tài xế taxi và xe chở hàng đường dài, trong khi điều kiện giao thông của Việt Nam chưa được cải thiện.

Cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ, một người thường xuyên giao tiếp và theo dõi các hoạt động của bà Tâm, cho biết bà Tâm thường xuyên làm từ thiện ở nhiều nơi, trong đó có cổng Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Bà cũng thường lên tiếng về tiêu cực ở một số cơ sở y tế, như nạn phong bì ở Bệnh viện K, bán thuốc điều trị không được Bộ Y tế cấp phép ở bệnh viện này, hay việc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) cắt hai vòi tử cung của bệnh nhân trong khi chẩn đoán bệnh nhân bị u buồng trứng.

Đậu Thanh Tâm là một trong những người dân rất tin tưởng ông Tô Lâm (Tổng bí thư), đang mong muốn cùng với Đảng và Nhà nước thay đổi những bất cập cho người dân có một cuộc sống tốt hơn chứ chị không hẳn hoàn toàn là một người bất đồng chính kiến, hoặc đấu tranh thay đổi xã hội như những người bất đồng chính kiến khác,” bà Huệ nói với RFA.

Trên Facebook Đậu Thanh Tâm với 43.000 người theo dõi hiện còn hoạt động có nhiều video clip trong đó bà Tâm nói về nhiều chủ đề như ô nhiễm môi trường trong việc đốt rác ở Mỹ Hào (Hưng Yên), hay chỉ trích Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong vụ Formosa năm 2016 hay ký ban hành Nghị định 168 cuối năm 2024, hoặc chỉ trích những người làm luật ngồi trong phòng lạnh mà không hiểu thực tế cuộc sống của người dân...

Trong một video clip đăng tải ngày 12/1 về Nghị định 168, bà nói đại đa số trong số hàng nghìn người vào trang Facebook hay TikTok của bà phản đối nghị định này vì mức phạt cao không phù hợp với thu nhập và mức sống của người dân và tình trạng tồi tệ của cơ sở hạ tầng giao thông, sự phập phù của đèn tín hiệu trong khi VTV nói “99% người dân đồng ý” khi Nghị định 168 được ban ra.

_______

Tài xế xe tải bị phạt năm triệu vì viết trên TikTok: “Ai phản đối dự thảo Nghị định 168 cho ý kiến”

Cấm lái xe quá bốn tiếng: khổ tài xế, khổ cả doanh nghiệp

Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm

Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thán

_______

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Nghị định 168 được ban hành là phù hợp nhằm lập lại tình hình an toàn giao thông. Các báo trong nước dẫn lời Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết sau ba tuần thực hiện nghị định mới, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba tiêu chí như số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đồng thời với việc tuyên truyền về hiệu quả của Nghị định 168, chính quyền cũng đã tiến hành xử phạt hành chính những người đưa tin trên mạng xã hội chỉ trích nghị định này.

Trước khi bà Tâm bị bắt, đã có ít nhất hai người bị mời lên đồn công an làm việc, buộc phải xoá các bài viết chỉ trích Nghị định 168, đóng tiền nộp phạt từ năm triệu đến bảy triệu đồng, và cam kết không tái phạm.

Bình luận về việc đàn áp trực tuyến liên quan đến Nghị định 168, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức, nói với RFA:

Tất cả những tiếng nói lên tiếng phê phán Nghị định 168 thì đều bị coi là thù địch và họ sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia để trừng phạt. Việc bà Đậu Thanh Tâm bị bắt cũng nằm trong chương trình đàn áp những tiếng nói khác biệt cũng như là phản đối Nghị định 168.”

Dự án 88: Hà Nội nỗ lực để hạn chế quyền tự do ngôn luận

Ngày 23/1, Dự án 88 (Project 88), một tổ chức chuyên theo dõi nhân quyền ở Việt Nam công bố báo cáo mang tên “New restrictions on freedom of expression in Vietnam” (tạm dịch “Những hạn chế mới đối với quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam”) nhận định những hạn chế mới trong tự do ngôn luận ở Việt Nam đang cho thấy nỗ lực đáng kể của Hà Nội để kiểm soát các phát biểu có tính chính trị.

Báo cáo cho rằng sau khi nắm quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016, những người theo đường lối cứng rắn đã ban hành nhiều nghị quyết chính trị để duy trì độc quyền chính trị của đảng, thành lập một mạng lưới dư luận viên trên toàn quốc để kiểm soát diễn ngôn trực tuyến.

Chính phủ đã nhanh chóng thực hiện, thông qua các luật như gồm Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin và Luật Viễn thông và nhiều nghị định để kiểm soát ngôn luận trực tuyến và báo chí.

Các luật này dựa trên khuôn khổ hiện có về các hình phạt hình sự theo Điều 117, 155, 156, 200 và 331 của Bộ luật Hình sự và phạt hành chính nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận trong nước.

Dự án 88 cho rằng nhiều khía cạnh trong các chính sách mới của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận vi phạm luật nhân quyền. Các chính sách này quá rộng và chứa ngôn ngữ mơ hồ, trao cho các quan chức chính phủ quyền quyết định chủ đề nào là không được phép.

Ví dụ điển hình là trong vài năm trở lại đây, các cuộc thảo luận về chính sách năng lượng và quyền lao động của đất nước đã bị coi là tội phạm, tạo ra hiệu ứng khuyến khích tự kiểm duyệt.

Mặc dù Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc và công khai cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp và trong nhiều thỏa thuận nhân quyền, nhưng “ Việt Nam lại tăng cường nỗ lực đàn áp quyền tự do ngôn luận,” báo cáo nói.

Dự án 88 nói có bằng chứng cho thấy Việt Nam đã cố gắng nâng cấp khả năng giám sát truyền thông xã hội của mình bằng cách sử dụng công nghệ AI.