Có hay không việc hai Facebooker bị phạt vì đăng bài trào phúng về lãnh đạo VietJet?

Hai người dân bị phạt hành chính và buộc xoá bài viết châm biếm về lãnh đạo VietJet

Hai người dân Hà Nội bị xử phạt vì đăng tải bài viết trào phúng về một lãnh đạo của VietJet, tuy nhiên, một trong hai phủ nhận việc bị xử phạt.

Trên website của mình, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết Thanh tra của cơ quan này ngày 20/1 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai ông/bà có tên viết tắt là N.Q.D và N.T.N vì đưa “thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 16 của Luật An ninh mạng.

Bản tin không nói hai người bị phạt số tiền bao nhiêu, chỉ cho biết theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020Nghị định 14/2022, và cũng không nói rõ người bị “xúc phạm” có phải là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hội đồng Quản trị của VietJet Air hay không.

Hai nghị định này quy định mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng với cá nhân có hành vi trên, bên cạnh việc bị buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Báo Điện tử Chính phủ đưa lại tin trên kèm theo hình ảnh chụp màn hình bài viết đăng tải trên hai danh khoản Facebook là Nga Nguyen và Dzung Art Nguyen có nội dung tương tự nhau.

Bài viết về một nhân vật tên “Chị Thảo,” được tác giả giới thiệu là sáng lập hãng hàng không Vietjet, đến Sài Gòn và gọi món mì ở một tiệm ăn. Tuy món ăn chỉ mất 10.000 đồng nhưng thực khách phải trả nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả đũa, muỗng, phí ngồi cạnh cửa sổ… tương tự như VietJet Air thu phí khách hàng.

Thực khách cũng phải mất nhiều thời gian chờ đợi và khó khăn trong việc liên hệ với chủ nhà hàng, tương tự như lời phàn nàn của nhiều khách hàng về việc bị chậm chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ.

Người sáng lập VietJet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng hàng không được mệnh danh là “Bikini Airlines”

Phóng viên liên lạc qua điện thoại với Facebooker Dzung Art Nguyen có tên và hình đại diện giống với ảnh mà các báo mạng nói trên đăng tải, ông này xác nhận có đăng bài viết với cùng nội dung nhưng đã xoá sau đó chừng một giờ.

Facebooker có trên 35 ngàn người theo dõi này nghĩ rằng, có người đã lập danh khoản giả mạo ông để đăng tải bài viết nói trên sau khi ông đã xoá bài. Ông cũng phủ nhận việc bị nhà chức trách mời làm việc và xử phạt.

Chúng tôi không thể liên lạc với Facebooker Nga Nguyen để xác minh thông tin.

Phóng viên gọi điện cho Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để hỏi thêm thông tin về vụ việc nhưng không ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới VietJet Air với đề nghị bình luận, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhà báo Nam Việt từ Sài Gòn cho rằng những vụ trừng phạt cá nhân tương tự “xuất phát từ tâm lý những nhà lãnh đạo hay con cái quan chức vẫn sống quen trong lâu đài của mình, và không thể chịu nổi tiếng cười cợt hiện thực ở bên ngoài cánh cửa sang trọng của họ.”

Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:

Nếu nhìn lại lịch sử của các triều đại cộng sản ở Đông Âu và châu Á, một trong những bộ môn nghệ thuật bị thủ tiêu đầu tiên đó là hí họa hay biếm họa, chuyện vui cười liên quan đến các quan chức cụ thể đang cầm quyền. Và thậm chí là những câu chuyện cười chính trị, còn gọi là tiếu lâm đen ở trong xã hội vẫn luôn bị săn lùng.”

Ông nói ở Việt Nam, nhà văn Doãn Quốc Sỹ từng chịu án tù dài sau năm 1985, chỉ vì sưu tập những câu chuyện tiếu lâm “đen” liên quan đến những sự kiện ngớ ngẩn của quân đội Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam cùng sự ngỡ ngàng của họ về sự giàu có của miền Nam, khác hẳn những điều họ được tuyên truyền.

Không rõ ai là người viết bài châm biếm về “Chị Thảo”, tuy nhiên, từ đầu năm bài viết với nội dung tương tự đã được chia sẻ rầm rộ trên nền tảng Facebook của những người dùng Việt Nam. Nhiều bài đăng sau đó đã biến mất khỏi nền tảng mạng xã hội này.