Nhà hoạt động Đặng Đình Bách nhận giải thưởng quốc tế trị giá 30 ngàn USD

Ông Đặng Đình Bách được trao giải thưởng Huân chương Tự do Roger N. Baldwin vì Nhân quyền từ tổ chức Human Rights First

Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “trốn thuế,” vừa được trao tặng giải thưởng nhân quyền danh giá kèm theo số tiền 30 nghìn đô la Mỹ.

Ông Bách được tổ chức Human Rights First có trụ sở ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ) trao giải thưởng Huân chương Tự do Roger N. Baldwin vì Nhân quyền khi đang bị giam giữ ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), vào ngày 24/1, đúng ngày ông bị kết án tù ba năm trước.

Ông Bách là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), một công ty luật cung cấp tư vấn cho cộng đồng về các trường hợp gây hại cho môi trường, bao gồm ô nhiễm công nghiệp, di dân trong các dự án xây dựng thủy điện và ô nhiễm từ các nhà máy điện than.

Ông cũng là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA, bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự, hình thành vào tháng 11 năm 2020 với mục đích phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

‘Nên được tôn vinh’

Ông bị bắt giam vào ngày 24/6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” trong các dự án có tài trợ từ nước ngoài. Bảy tháng sau, ông bị kết tội với mức án năm năm tù.

Trong hơn ba thập kỷ, Huy chương Baldwin đã mang đến sự công nhận và hỗ trợ quốc tế cho những người bảo vệ nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới, nhiều người trong số họ, giống như ông Bách, hoạt động với sự rủi ro rất lớn đối với bản thân họ,” Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Human Rights First Sue Hendrickson nói trong thông cáo báo chí phát hành hôm 24/1.

Việc ông Bách vận động pháp lý để khuyến khích đất nước ông từ bỏ năng lượng than đã khiến ông phải chịu mức án tù năm năm với cáo buộc ‘trốn thuế’. Công việc tư vấn cho các cộng đồng bị ảnh hưởng về tác hại môi trường của ông nên được tôn vinh, thay vì bị trừng phạt, và đây chính là những gì Giải thưởng Baldwin sẽ làm.”

Giải thưởng trên được thành lập vào năm 1989 và được đặt theo tên của người sáng lập chính của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và tổ chức sau này được gọi là Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (International League for Human Rights) dành cho những người và tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi bật trên thế giới.

‘Đối tác và đồng minh’ thay vì bị bỏ tù

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người từng bị kết án ba năm về cùng tội danh “trốn thuế” vì các hoạt động bảo vệ môi trường, cho biết bà từng cộng tác nhiều lần với ông Bách trong một số dự án về môi trường.

Bà nói rằng việc ông Bách được nhận giải thưởng Roger N. Baldwin là hoàn toàn xứng đáng. Điều này thể hiện cộng đồng quốc tế không chỉ đánh giá cao sự kiên cường và dũng cảm của ông mà còn công nhận những đóng góp của ông trước đây vào các nỗ lực đưa Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững hơn, dựa vào năng lượng sạch.

Bà Hồng, người được phóng thích cuối tháng 9/2024 ngay trước khi Tổng Bí thư Tô Lâm sang Hoa Kỳ và hiện đang định cư theo dạng tị nạn chính trị ở Mỹ, nói với RFA:

Với cam kết đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, cũng như trong việc tham gia vào Thoả thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), lãnh đạo của các tổ chức môi trường khí hậu như chúng tôi đáng lẽ phải được nhìn nhận như những đối tác và đồng minh quan trọng của chính phủ, hơn là bị kết án ‘trốn thuế’ và phải chịu án tù nhiều năm và phải giải thể hoạt động.”

Bà cho rằng việc giam cầm những người hoạt động môi trường có thể sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho Việt Nam, không chỉ cho các cộng đồng hưởng lợi của các dự án môi trường mà họ thực hiện, mà Chính phủ Việt Nam sẽ nhận được ít hỗ trợ quốc tế hơn, khi yếu tố “công bằng” của JETP không được đảm bảo.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về việc ông Bách được Human Rights First trao giải thưởng nhân quyền, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi tự do cho Đặng Đình Bách

Nhân kỷ niệm ba năm ngày ông Bách bị kết án, tổ chức nhân quyền Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) có trụ sở ở California (Hoa Kỳ), kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến trường hợp của ông.

Trong thông cáo báo chí ngày 24/1, tổ chức này nhắc lại việc Việt Nam thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) như Vương quốc Anh, EU, Hoa Kỳ và các nước G7 khác cùng với Đan Mạch và Na Uy năm 2022.

Bất chấp việc sáu nhà hoạt động môi trường bị cầm tù và nhiều lãnh đạo khí hậu khác ở Việt Nam bị nhắm mục tiêu, các đối tác phát triển vẫn tiếp tục tài trợ cho JETP. Điều này bao gồm việc Liên Âu (EU) giải ngân thêm 15 triệu euro cho Việt Nam trong tháng 12/2024.

Việc giam giữ các nhà lãnh đạo khí hậu như ông Bách và các cuộc tấn công có chủ đích vào các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam đã hạn chế nghiêm trọng, nếu không muốn nói là loại bỏ, các cơ hội thực sự để tham vấn với xã hội dân sự - một khía cạnh cần thiết của quá trình chuyển đổi công bằng, Sông ngòi Quốc tế nói trong thông cáo.

Việc hình sự hóa các nhà lãnh đạo môi trường tại Việt Nam phải chấm dứt,” Maureen Harris, cố vấn cấp cao của Sông ngòi Quốc tế, được dẫn lời trong thông cáo. “Ông Bách cần được ở bên gia đình vào năm mới này. Thay vào đó, ông ấy phải ở trong phòng giam."

Thông cáo cũng nói việc bỏ tù ông Bách là một phần của xu hướng sử dụng Luật thuế mơ hồ một cách tuỳ tiện để bịt miệng những người bảo vệ khí hậu và môi trường ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chính sách hạn chế, hình sự hóa việc tiếp cận thông tin và sự tham gia của công chúng vào các chính sách năng lượng của quốc gia, đã dẫn đến sự tê liệt dân sự trên toàn quốc. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã buộc phải đóng cửa, cắt giảm hoạt động hoặc phải đối mặt với sự quấy rối và giám sát từ chính quyền.

Liên minh Người bảo vệ khí hậu Việt Nam cũng phát hành một video mới kêu gọi sự chú ý đến tình trạng của ông Bách hiện nay trong trại giam. Tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc viết thư cho ông để ghi nhận “sự bất công cực độ và vi phạm nhân quyền” mà ông Bách đang phải chịu đựng.

Ông Bách là người thứ hai trong số các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường bị tù đày ở Việt Nam được giải thưởng quốc tế kèm theo khoản trợ giúp tài chính đáng kể. Năm 2018, một nhà hoạt động khác, bà Nguỵ Thị Khanh, cũng nhận được khoản tiền thưởng 200.000 đô la Mỹ từ Giải thưởng Goldman, một quỹ môi trường ở Hoa Kỳ. Bốn năm sau, bà Khanh bị bắt về cáo buộc “trốn thuế” và sau đó bị cầm tù 16 tháng.