Sư Thích Minh Tuệ và ‘âm mưu’ bị ép tị nạn: lo ngại của Đoàn Văn Báu là ‘hoang đường’

Ông Đoàn Văn Báu nói có âm mưu buộc sư Thích Minh Tuệ tị nạn chính trị trong quá trình khất thực ở nước ngoài

‘Âm mưu’ ép sư Thích Minh Tuệ đi tị nạn mà cựu công an Đoàn Văn Báu cảnh báo đã bị nhiều chuyên gia về di trú và tị nạn bác bỏ.

Trong nhiều video đăng tải trên danh khoản của cựu Thượng tá an ninh Đoàn Văn Báu và YouTuber Lê Khả Giáp trên mạng xã hội khi đoàn đang hành khất ở Thái Lan, ông Báu, người tự nhận là trưởng đoàn hành hương về đất Phật của sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú), nói về âm mưu vị sư tu theo 13 Hạnh Đầu Đà bị một thế lực nào đó bắt đi tị nạn.

Sư Thích Minh Tuệ (44 tuổi) là người nổi tiếng Việt Nam trong năm 2024 vì những chuyến bộ hành khất thực khắp Việt Nam trong nhiều năm khiến nhiều người ngưỡng mộ và nhiều người cũng cạo đầu mặc y phấn tảo đi theo. Tuy nhiên đoàn nhà sư đã bị chính quyền giải tán vào đầu tháng 6 năm ngoái và sư Minh Tuệ đã phải ẩn tu sau đó nhiều tháng cho đến khi ông quyết định đi khất thực đến Ấn Độ vào tháng 12 vừa qua.

Trong video đăng tải trên Facebook Lê Khả Giáp ngày 02/02, trong cuộc nói chuyện với sư Thích Minh Tuệ trên đường bộ hành và được ông Giáp ghi và phát trực tiếp, ông Báu có biện minh về việc ông áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ vị tu hành:

“… Chứ còn mấy cái mà nguy cơ người này tấn công ám sát thầy hay gì đó con không có ngại, con ngại nhất là âm mưu đưa thầy đến để làm tị nạn chính trị thôi, chứ còn mấy cái YouTuber hay là đông người kéo theo hay là gì đó thì mình là sắp xếp lại cho trật tự thôi…”

Trong đoạn phát hình trực tiếp này, ông Báu nói ví dụ âm mưu của một người trong đoàn có liên hệ với Đại sứ quán Mỹ nhờ can thiệp để đưa sư Minh Tuệ đi tị nạn chính trị, thì Đại sứ quán Mỹ sẽ đưa xe ngoại giao đến để đưa đi.

Ông Báu trong video mới cũng đề cập đến việc một vị sư trong đoàn là An Lạc đang tìm cách xin visa cho sư Minh Tuệ qua Úc mặc dù chuyến bộ hành của đoàn chỉ đến Ấn Độ.

Sư Thích Minh Tuệ trong video này một mực khẳng định ông không có ý định như vậy và chỉ cần giấy tờ để thực hiện cuộc hành hương về đất Phật.

Người tị nạn phải ‘tự nộp đơn’

Trao đổi với RFA, nhiều chuyên gia về lĩnh vực di trú và tị nạn của Hoa Kỳ và Úc bác bỏ lo ngại của ông Báu về một âm mưu như vậy.

Ông Nam Lộc, một người làm về lĩnh vực di trú hơn 40 năm và hiện đang là đại sứ quốc tịch của Sở Di trú Hoa Kỳ, nói không ai có thể buộc một người khác đi tị nạn trái với ý nguyện của họ.

Ông nói về quy trình xin tị nạn chính trị vào Mỹ trong ngày 03/2.

Một người muốn xin tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ thì đầu tiên đương sự phải tự mình nộp đơn để xin tị nạn chính trị, sau đó phải trải qua tiến trình như là điều tra lý lịch và những bản khai lý lịch của mình rồi cuối cùng phần quan trọng nhất là lý do tại sao phải xin đi tị nạn chính trị.

“Tất cả những điều đó phải trả lời cho một viên chức của Sở Di trú Hoa Kỳ khi họ phỏng vấn. Phải trả lời và phải chứng minh mình bị ngược đãi vì vấn đề tôn giáo, chủng tộc, hay là chính kiến. Phải chứng minh rõ ràng thì mới được chấp thuận tị nạn ở Hoa Kỳ.

Ông cũng cho biết ông có nhiều trao đổi với các cơ quan di trú của nhiều quốc gia tự do khác và nhận thấy rằng chính sách di trú và tị nạn chính trị của các quốc gia này tương tự như của Hoa Kỳ, đó là dựa vào ý nguyện của người bị đàn áp, ngược đãi ở quê hương của mình, và người muốn được tị nạn phải chứng minh tình cảnh của mình.

Ai gợi ý nhập tịch cho sư Minh Tuệ?

Trong một video đăng tải ngày 28/1, trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu- Về miền đất Phật, ông Báu cáo buộc một thành viên trong đoàn là sư An Lạc nhiều lần nói đến việc nhập quốc tịch cho sư Thích Minh Tuệ ở một quốc gia nào đó.

Cũng trong video này, ông Báu nói sư Thích Minh Tuệ khẳng định “trong mọi trường hợp không làm điều gì hại cho đất nước, hay tham gia một tổ chức chính trị nào hết, bởi vì như vậy là phạm giới.” Cựu sỹ quan công an nói về nguy cơ mất an toàn của đoàn khất thực sau khi trang bị điện thoại có kết nối Internet cho một sư trong đoàn:

Thì hôm nay nguy cơ này hiện hữu, và đương nhiên chúng tôi phải ngăn chặn nguy cơ này. Có thể họ đang chờ sẵn ở đâu đó và đưa thầy đi bất kỳ lúc nào, và đưa đến tị nạn chính trị ở một quốc gia nào đó, và lúc ấy chúng tôi sẽ trở thành tội đồ…”

Hay trong video clip post trên kênh YouTube của mình ngày 29/1 và đã có hơn nửa triệu người xem, ông Báu cho biết ông có nói thẳng với sư An Lạc “Từ lâu, người có ý định chuyển quốc tịch cho thầy (Minh Tuệ- PV) chính là sư. Và một khi sư chỉ cần có điện thoại thôi gọi cho Đại Sứ quán Mỹ thì người ta sẽ bố trí người đến đón ngay và đưa thầy vào trong đại sứ quán và người ta sẵn sàng cho tị nạn chính trị và như vậy thì thầy cũng được ăn theo.”

Nỗi sợ ‘hoang đường’

Cũng như ông Nam Lộc, bà Hoa Nguyễn, đại diện Di trú Úc và thành viên Viện Nghiên cứ Di trú Úc từ 2016, bác bỏ lo ngại trên của ông Báu.

Bà cho biết quy trình tị nạn vào Úc và nhiều nước phương Tây có ba bước là điền đơn và nộp đơn, phỏng vấn với nhân viên di trú, và khám sức khoẻ. Cả ba bước trên đều yêu cầu người muốn đi tị nạn phải chủ động thực hiện, do vậy “chuyện bắt cóc để đưa đi tị nạn chính trị như ông Báu nêu ra là hoang đường.”

Kể từ khi đoàn rời Việt Nam sang Lào ngày 12/12, ông Báu, người từng là giảng viên của Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an), kiểm soát mọi hoạt động của đoàn cũng như ngăn chặn mọi cố gắng tiếp cận sư Minh Tuệ của nhiều tín đồ, YouTuber và cả phóng viên của RFA.

Ông Ngô Thuần, người đang hành nghề luật sư di trú ở California (Hoa Kỳ) và là một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng Đoàn Văn Báu đưa ra câu chuyện về “âm mưu bắt cóc, hãm hại” sư Minh Tuệ nhằm chia rẽ người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài đồng thời nhân danh bảo vệ để kiểm soát sư Minh Tuệ. Ông nói:

Báu đưa ra câu chuyện đó để Báu kiểm soát một cách hợp pháp với chuyện mà nhà nước sợ Minh Tuệ. Người dân mình bị dắt mũi và cuối cùng người dân câu ghét những ông sư kia mà không thấy rằng ông Báu chính là người kiểm soát toàn bộ câu chuyện.

Phóng viên tìm cách liên lạc với ông Báu và ông Giáp để đề nghị ông phản hồi về những phát biểu trên của các chuyên gia di trú nhưng không thể kết nối.