Giới hoạt động người Việt muốn đưa vấn đề vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm của hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo tổ chức ở Hoa Kỳ.
Có hơn 30 người hoạt động tôn giáo người gốc Việt ở Hoa Kỳ và một số nơi trên thế giới đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo quốc tế ( (IRF Summit 2025)- sự kiện quốc tế thường niên lớn nhất về tự do tôn giáo tổ chức ở thủ đô Washington trong hai ngày 04-05/2.
Thượng đỉnh năm nay có hơn một ngàn đại biểu từ khắp thế giới ghi danh tham dự, trong đó có hơn 40 nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia, 71 tổ chức dân sự quốc tế là đồng tổ chức sự kiện này. Hội nghị nhằm mục tiêu bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho người dân trên toàn thế giới.
Đưa Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm
Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch tổ chức Boat People SOS (BPSOS)- một trong 71 tổ chức phi chính phủ đồng tổ chức hội nghị, cho biết chính quyền độc đảng ở Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống và giới hoạt động muốn hội nghị quan tâm đến hiện trạng đàn áp ở Việt Nam.
Ông nói với RFA bên lề hội nghị:
“Chúng tôi có hai kỳ vọng chính. Thứ nhất đưa Việt Nam lên trở thành một vấn đề trọng tâm ở tại hội nghị quốc tế này.
Thứ hai là vận động để Chính phủ Hoa Kỳ với sự yểm trợ của rất nhiều những tổ chức xã hội dân sự, những người lãnh đạo ở trong phong trào bảo vệ tự do tôn giáo vận động Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng những biện pháp chế tài đối với những quan chức Việt Nam đứng đằng sau các vụ việc đàn áp một cách nghiêm trọng có hệ thống và dài lâu.”
Ông cho biết song song với chuyện vận động Hoa Kỳ chế tài các quan chức vi phạm quyền tự do tôn giáo thì giới hoạt động cũng vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh dách quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Tiến sỹ Thắng cho biết trong năm năm qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế được tổ chức lần đầu tiên năm 2021, chỉ có một người Việt Nam duy nhất là bà Nguyễn Xuân Mai được tham dự năm 2023. Năm nay, ba người Việt Nam được mời tham dự là bà Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Ngọc Diến- hai chức việc của Cao Đài Chơn truyền, và Đại đức Thích Nhật Phước thuộc tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất chặn xuất cảnh trên đường tới Hoa Kỳ.
Việc Việt Nam ngăn chặn ba nhà hoạt động cũng được nêu lên tại hội nghị. Ông Thắng nói:
“71 tổ chức quốc tế cùng chung sức để thực hiện chương trình ở hội nghị thượng đỉnh năm nay thì họ đồng loạt nói rằng kỳ này là sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ về việc ba người Việt được mời và cả ba đều bị cấm xuất cảnh.”
Lý do chính quyền Việt Nam ngăn cản ba người xuất cảnh dự Thượng đỉnh là “quốc phòng, an ninh” - một lý do mà Chính phủ Việt Nam thường sử dụng để cấm xuất cảnh những người lên tiếng chỉ trích Chính phủ một cách ôn hòa.
Vấn đề người H’mong vô quốc tịch
Nhà hoạt động Vàng Seo Giả, thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), được định cư ở Hoa Kỳ năm ngoái, và năm nay ông đến hội nghị tham dự với mục tiêu nói lên vấn đề vô quốc tịch của người H’mong ở Việt Nam, bên cạnh vận động cho tự do tôn giáo của họ.
Ông nói với RFA trong sáng ngày 04/2:
“Bọn mình muốn vận động các tổ chức quốc tế và đặc biệt là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ họ quan tâm đến những người vô quốc tịch tại Việt Nam.
Khoảng 100.000 người H’mong hiện tại đang không có quốc tịch, họ sống gần 30 năm nay mà không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào thì bọn mình đến đây để bọn mình vận động chính quyền Hoa Kỳ để họ biết đến vấn đề người Hmong đang bị vô quốc tịch và họ làm việc với chính quyền Việt Nam để giúp đỡ những người H’mong này đòi quyền có quốc tịch của mình.”
Về vấn đề thực hành tôn giáo của người H’mong ở Việt Nam, ông cho biết việc đàn áp vẫn tiếp diễn trong khi nhận thức của người dân về quyền con người và quyền tự do tôn giáo còn hạn chế, do vậy, việc vận động gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn sách nhiễu, đàn áp những người cung cấp thông tin và cộng tác với tổ chức của ông.
Vận động cho tù nhân lương tâm người Thượng
Ông Y Phic Hdok là thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền con người của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Đến tham dự lần này, ông và thành viên khác của nhóm tập trung vào việc vận động cho tự do của những tù nhân lương tâm người Thượng đang bị cầm tù vì thực thi quyền cơ bản này. Ông nói:
“Chúng tôi tập trung vào những tù nhân lương tâm và những người đang bị giam giữ hiện nay, giống như trường hợp ông Y Quynh Bdap, Y Pum Bya, Y Thinh Niê, Nay Y Blang, Y Krếc Byă.”
Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của MSFJ, đang bị Cảnh sát Thái Lan giam giữ và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, nơi ông sẽ phải thi hành án tù 10 năm về tội danh “hoạt động khủng bố” mà ông bị kết án vắng mặt trong phiên toà lưu động đầu tháng 1/2024.
Tự do tôn giáo ngày càng bị siết chặt đối với nhiều nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên sau vụ tấn công vào trụ sở hai xã ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk giữa năm 2023, ông cho hay.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về ý kiến của giới hoạt động người gốc Việt tại hội nghị nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong các năm trước, truyền thông nhà nước cho rằng hội nghị này “bản chất là công cụ chính trị của Mỹ nhắm vào các quốc gia mà Mỹ đang bao vây, cấm vận, phong tỏa hoặc gây áp lực chính trị, tức là mục tiêu ‘quốc tế hóa,’ ‘chính trị hóa’ vấn đề tôn giáo” chứ “không phải là nơi đại diện các quốc gia đến bàn thảo, nghị sự về tôn giáo, không thật sự có tính quốc tế.”