Quân nhân ở Bắc Giang tử vong sau khi tố cáo bị chỉ huy đánh

Binh nhất Nguyễn Văn Nghiệp nhiều lần gọi điện cho gia đình nói thường xuyên bị chỉ huy đánh đập, hành hạ

Một quân nhân đóng tại Bắc Giang đã tử vong chỉ hai ngày sau khi gọi điện báo cho gia đình nói bị đánh đập và hành hạ bởi chỉ huy đơn vị.

Quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp, sinh năm 2001 ở Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là con trai duy nhất trong gia đình có ba anh chị em. Thanh niên này, nhập ngũ năm 2024 khi đang học đại học, và hiện đóng quân ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), một người anh họ, người không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA trong chiều ngày 10/2.

Người này cho biết trong sáng thứ Hai, gia đình được bên quân đội và chính quyền địa phương báo cho biết quân nhân Nghiệp đã tử vong do dịch bệnh và thi thể hiện đang bảo quản tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) ở Hà Nội.

Trong một video đăng tải trên mạng xã hội chiều 10/2 quay cảnh người nhà đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Tam Đa khóc lóc và kêu gào trước sự hiện diện của đoàn cán bộ quân đội, một người phụ nữ tự xưng là cô của Nghiệp nói rằng quân nhân này chết vào tối 09/2.

Hiện tại ở Đại Lâm đang có một vụ đi bộ đội và bị đánh chết từ đêm hôm qua nhưng hôm nay phía công an mới lại thông báo về cho gia đình. Nỗi đau này không ai có thể cảm nhận được, rất cần một nút Like (thích) và Chia sẻ của các bạn để tìm lại công bằng,” người phụ nữ nói.

Theo phụ nữ này, quân nhân Nghiệp gọi điện nhiều lần về cho gia đình nói rằng bị đánh đập bởi chỉ huy. Lần cuối cùng quân nhân này gọi điện về là vào tối 08/2, vẫn người này cho hay.

Trước đó cháu đã gọi điện về gia đình rất nhiều lần vì bị tiểu đội trưởng đánh đập và hành hạ… Họ đã đánh chết con của anh trai con của bác tôi.

Trong một video khác quay cảnh người trong gia đình đến chất vấn về cái chết của quân nhân Nghiệp ở Bệnh viện 108. Những người lính bảo vệ ở đây liên tục nhắc người nhà không được quay và phát video vì đây là “cơ quan quân sự.”

Cả hai video này đã bị xoá khỏi danh khoản Facebook gốc trong chiều muộn cùng ngày nhưng vẫn còn các bản sao trên mạng xã hội này.

Theo thông tin từ người anh họ, vào chiều ngày 10/2, phía quân đội đã hoàn thành xong khám nghiệm và kết luận được đưa ra là “chết do dịch bệnh.”

Truyền thông nhà nước hiện chưa đưa tin về sự việc xảy ra với quân nhân Nghiệp.

Bệnh viện 108 nói gì về cái chết?

Nguyen Van Nghiep
Người thân đến Bệnh viện 108 để chất vấn về cái chết của binh nhất Nguyễn Văn Nghiệp (ảnh trái cắt từ video) và trang 2 của Báo cáo Bệnh viện 108 gửi Cục Quân y Người thân đến Bệnh viện 108 để chất vấn về cái chết của binh nhất Nguyễn Văn Nghiệp (ảnh trái cắt từ video) và trang 2 của Báo cáo Bệnh viện 108 gửi Cục Quân y (RFA edited) (RFA)

Văn bản ngày 10/2 mang tiêu đề “V/v báo cáo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch do não mô cầu” của Bệnh viện 108 gửi Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) nói về cái chết của quân nhân Nghiệp được lan truyền trên mạng xã hội vào cùng ngày.

Theo văn bản có dấu đỏ của Bệnh viện 108 và chữ ký của Đại tá Bùi Việt Hùng- trưởng phòng KHTH (kế hoạch tổng hợp) mà RFA không thể kiểm chứng độ khả tín, binh nhất Nghiệp thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 của Quân khu 1.

Báo cáo này dẫn lời bác sỹ quân y của Trung đoàn cho hay Nghiệp được phát hiện đau bụng, kèm theo sốt, gai rét, không buồn nôn lúc 8 giờ sáng ngày 09/2. Đến 18 giờ 30 cùng ngày được chuyển lên bệnh xá Trung đoàn trong tình trạng sốt cao 40 độ, liên tục nôn ra dịch vàng, đau bụng quanh rốn.

Hiện không có thông tin là binh nhất này có gọi về nhà trong lúc ốm đau không. Bên quân đội cũng không nói tại sao họ không gọi điện cho người thân khi quân nhân này nguy kịch mà chỉ báo khi anh đã chết.

Vẫn theo báo cáo trên, đến 20 giờ 45 ngày 9/2 bệnh nhân khó thở, lơ mơ, sau đó xuất hiện ban xuất huyết toàn thân. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh xá Sư đoàn và chuyển tiếp đến Bệnh viện Quân y 110, bệnh viện đầu bảng của Quân khu 1, được chuẩn đoán mắc Hội chứng Lyell (hội chứng hoại tử thượng bì do nhiễm độc- PV) và sau đó chuyển lên Bệnh viện 108 ở Hà Nội trong cùng buổi tối.

Bác sỹ Bệnh viện 108 chuẩn đoán “Ngừng tuần hoàn ngoại viện theo dõi sốc nhiễm khuẩn do não mô cầu thể tối cấp.” Sau khi cấp cứu không thành, bệnh viện xác định “bệnh nhân tử vong ngoại viện” và chuyển đến nhà xác vào lúc 2 giờ sáng này 10/2.

Báo cáo cũng nói bệnh viện này đã báo quân y đơn vị về “khả năng bệnh nhân nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần cách ly đơn vị.”

Phóng viên không thể kết nối với số điện thoại của Bệnh viện 108 để kiểm chứng thông tin trên.

Phóng viên gọi vào số điện thoại di động của những người đứng đầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu thông tin về cái chết của quân nhân Nghiệp nhưng không có ai nghe máy.

Phóng viên gửi email cho Bộ Quốc phòng với đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ việc, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Bệnh viện Vinmec, viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh hơn 85%.

Bệnh viện 108 cũng từng nhận định về viêm màng não mô cầu: “Bệnh Viêm màng não do Não mô cầu lây theo đường hô hấp, lây truyền qua những giọt nước nhỏ (bụi nước) được bài tiết ở đường hô hấp của người bệnh truyền sang người lành (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra).”

Hiện không rõ ngoài binh nhất Nghiệp có còn ai khác ở đơn vị của anh cũng bị viêm màng não và cũng chưa rõ anh Nghiệp bị lây nhiễm từ ai và trong tình huống nào.

――――――――――

Một quân nhân nghĩa vụ nghi bị đánh tử vong trong doanh trại

Có hay không sự bao che cho hành vi bạo lực trong cái chết của quân nhân Trần Đức Đô?

Gia Lai: Quân nhân tử vong - đơn vị nói đột quỵ nhưng thương tích đầy mình

―――――――――――

Nhiều quân nhân tử vong bất thường

Trước cái chết của Nguyễn Văn Nghiệp, chuyện quân nhân tử vong bất thường xảy ra nhiều lần ở một số địa phương, theo ghi nhận của RFA.

Vụ việc gần đây nhất là quân nhân Nguyễn Văn Hào thuộc biên chế của tiểu đoàn 97, Binh chủng Pháo binh, đóng quân ở xóm 5, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội. Người này qua đời vào ngày 5/7/2023 với nhiều vết bầm tím, và ảnh chụp nội dung biên bản khám nghiệm tử thi mà gia đình được cơ quan chức năng giao, cũng cho thấy quân nhân này bị gãy hai xương sườn bên trái.

Trong năm 2022 xảy ra vụ Lý Văn Phương thuộc Trung đội bảo vệ thao trường, Tiểu đoàn 10, Trường sĩ quan Lục quân 1. Người này bị phát hiện chết trong hồ nước gần đơn vị.

Giữa năm 2021, quân nhân Trần Đức Đô ở Bắc Ninh chết bất thường. Giang đình khẳng định người này bị đánh tử vong, nhưng phía quân đội kết luận là “tự sát.”

Cuối năm đó, binh nhất Nguyễn Văn Thiên đang phục vụ quân ngũ ở Quân khu 5 thì chết bất thường chỉ một tháng trước khi hết nghĩa vụ. Ban đầu, phía quân đội nói nguyên nhân tử vong là do “tự ngã” nhưng sau đó đã buộc phải thừa nhận quân nhân này bị sát hại bởi đồng đội. Năm quân nhân cùng đơn vị đã đánh và gây ra cái chết của người này. Cả năm đã bị kết án tổng cộng 41 năm tù, gần 20 người khác bị kỷ luật và đây cũng là vụ việc duy nhất cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân quân nhân chết là do bị đánh bởi chỉ huy và đồng đội.