Tưởng niệm một Kinh tế gia

Năm ngoái, cũng vào đầu tháng Năm, những ai hy vọng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là nhân vật tiến bộ về nhận thức và bản lãnh đã bị thất vọng, khi ông ta trịnh trọng ca ngợi tư tưởng Karl Marx trong dịp Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 180 năm ngày sinh của Marx. Những kết luận lạc hậu của tổng bí thư Lê Khả Phiêu về giá trị của Marx cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chưa ra khỏi vùng nhận thức sai lầm và thoái hóa về kinh tế chính trị học. Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một nhân vật khác, Diễn đàn Kinh tế xin nói tới nhà tiên tri đã thực sự đóng góp cho quyền tự do của nhân loại qua bài giới thiệu của Nguyễn An Phú về kinh tế gia Friedrich Hayek. Có lẽ, thế kỷ 20 này sẽ được lịch sử ghi là một giai đoạn dài mà quyền tự do của con người đã nhiều lúc bị đe dọa trầm trọng nhất. Và một người đã tranh đấu quyết liệt nhất cho quyền tự do đó lại là một kinh tế gia, mà nhân loại vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 100 vào tuần qua. Đó là Friedrich Hayek. Chúng ta xin được tìm hiểu về nhân vật này, với niềm ước mong là tư tưởng của ông cuối cùng cũng được nhà cầm quyền và các bậc thức giả Việt Nam biết tới, hầu dân Việt sớm thoát ra khỏi cõi ngự trị hắc ám của tư tưởng Marx.Sau này thế giới cần tổng kết về đóng góp lớn lao của các nhà tư tưởng sinh ra tại Áo và đã vì phong trào Đức quốc xã mà di tản qua Tây Âu và Mỹ để đem lại bao đổi thay lớn lao về học thuật và tư tưởng cho nhân loại. Một nhân vật trong số đó là kinh tế gia Friedrich Hayek. Sinh tại thủ đô Vienna của Áo ngày 8 tháng Năm, năm 1899, Hayek tốt nghiệp ba bằng tiến sĩ và dạy tại Vienna. Ghét phong trào phát xít, ông di tản qua Anh, dạy tại Đại học kinh tế Luân đôn từ 1931 đến 1950, sau qua Mỹ giảng dạy tại Đại học Chicago cho đến 1962, là hai lò đào tạo nổi tiếng thế giới về kinh tế. Về Âu châu năm 62, ông là giáo sư kinh tế tại đại học Freiburg tại Đức cho tới khi về hưu năm 1969 thì hồi hương làm giáo sư thỉnh giảng cho đại học Salzburg, và được giải Nobel kinh tế năm 1974.Nếu, sinh trước ông 80 năm, Karl Marx là nhà tiên tri trật chìa vì tiên đoán điều gì thì sai điều đó, Friedrich Hayek lại nhà tiên tri sáng suốt vì tiên báo từ 50 năm trước những gì ta sẽ thấy ở Liên xô khi chế độ Xô viết sụp đổ. Nếu Marx là người của cách mạng giả hiệu, vớùi lời kêu gọi "vô sản quốc tế hãy đoàn kết lại", để rốt cuộc thành kẻ đề xướng nạn chuyên chính trên đầu vô sản thì Friedrich Hayek lại là nhà nghiên cứu ôn hòa nhưng kiên trì kêu gọi sự tự chế của con người để tìm giải pháp tốt đẹp hơn. Bằng cách trả lại cho người dân cái quyền tự do quyết định về vận mệnh của họ. Hayek là nhà kinh tế thiên về các khía cạnh xã hội và đạo đức của kinh tế học và cũng là nhà lý luận có đởm lược khi dám nói sự thật giữa trào lưu mê đắm của nhân loại. Kể cả những ai chưa hề nghe tới ông cũng mang nợ Hayek rất nhiều, dù những gì ông sớm viết ra đã chẳng được nhân loại cùng thời kịp hiểu. Năm 1944 ông viết cuốn sách nổi tiếng nhất với tựa đề Con đường tới chốn Nô lệ, trong đó, ông đi ngược trào lưu tư tưởng thời thượng khi đó, để kết án chế độ quản lý kinh tế kế hoạch và chủ nghĩa xã hội. Thời đó, Tây phương còn bị mê hoặc bởi mô thức kế hoạch hóa và giải pháp kinh tế xã hội kiểu Keynes, nên tư tưởng của Hayek chưa được chấp nhận. Nhất là khi ông kết luận rằng chẳng những kinh tế kế hoạch sẽ sụp đổ mà trước đó, nó còn dẫn con người tới chốn nô lệ vì thu hẹp quyền tự do của người dân. Khi dân Đức được giải phóng năm 45, phe đồng minh không cho lưu hành tác phẩm này tại Berlin vì sợ mất lòng Liên xô. Tại Hoa lục, chế độ Mao cấm lưu hành cuốn sách, dù lãnh đạo cố hiểu nội dung để xem kẻ thù lý luận ra sao. Khi Tiệp Khắc còn nằm dưới chế độ cộng sản, cuốn sách đã giúp một trí thức trẻ là Vaclav Klaus nhìn ra con đường mới để góp phần dẫn tới cuộc cách mạng nhung tại đây. Vaclav Klaus sau này là thủ tướng của kịch tác gia và nhà tranh đấu cho tự do là tổng thống Vaclav Havel của Tiệp Khắc. Mãi đến năm ngoái, Bắc Kinh mới có ấn bản đầu tiên của cuốn này và tác phẩm hiện là sách bán chạy nhất và cũng đề tài trao đổi sôi nổi trên lưới điện toán của giới trí thức vận động dân chủ tại Hoa lục. Trời thương Hayek nên ông thọ tới năm 92 để thấy Liên xô sụp đổ như ông tiên đoán 50 năm trước. Ta còn thấy là lý luận của ông tiên báo cả vụ khủng hoảng hiện nay tại Châu Á.Quan niệm cơ bản của Friedrich Hayek là trong xã hội loài người, thông tin là cái gì đó quá phổ biến để có thể kế hoạch hóa, và muốn kế hoạch hóa kinh tế người ta tất phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Từ đó, độc tài sẽ nảy sinh cùng với sự cùng khốn của xã hội. Nếu hiểu sâu về sự vận hành kinh tế, Hayek nhắc nhở, ta sẽ thấy rằng tự do kinh tế phải đi đôi cùng tự do thông tin và chính trị, và tự do với văn minh là mối quan hệ hữu cơ của nhân loại. Nhà kinh tế học về đạo đức và xã hội nhấn mạnh, rằng quan niệm chính trị theo đó chính quyền phải được hướng dẫn bởi quan điểm của đa số đòi hỏi là cái đa số dân chúng đó phải được độc lập với chính quyền. Mà không có quyền tự do và tư hữu thì dân chúng chẳng thể nào có được quyền độc lập đó. Karl Marx có thể cũng hiểu quy luật đó, nhưng nhìn từ địa ngục lên, nên chủ trương tiêu diệt quyền tư hữu để triệt phá khả năng độc lập của quần chúng với chính quyền. Nói về cách mạng, Marx chỉ ra lý luận dẫn tới chế độ độc tài, trong khi Hayek lại gọi đó là con đường nô lệ. Đến cuối thế kỷ này, nhân loại mới thấy rằng Hayek có lý và Marx chỉ là giáo chủ của chế độ chuyên chính khoác áo giải phóng. Với ba bằng tiến sĩ về kinh tế, luật và khoa học xã hội, Friedrich Hayek là nhà thông thái đã đóng góp nhiều tác phẩm về cả lý luận kinh tế, tiền tệ và tín dụng lẫn triết học chính trị, luật pháp, tâm lý học và lịch sử tư tưởng. Càng tới cuối thế kỷ, nhân loại càng khám phá ra các học thuyết có giá trị của ông. Tuy nhiên, dù Hayek đề cao tự do, ông lại khẳng định từ đầu, rằng tự do không chỉ có nghĩa là con người có quyền và có cơ hội chọn lựa, mà còn phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình chứ không nên đổ lỗi cho ai khác. Và cuộc sống tự do nếu có giải phóng con người khỏi nạn độc tài hay sự bần cùng thì cũng đòi hỏi một nỗ lực phấn đấu hàng ngày của mỗi người, với sự hiểu biết hữu hạn của mình. Triết lý đó không cho phép ta ỷ lại vào đảng, vào giai cấp, nhà nước hay kế hoạch để giải quyết sinh kế của mình, mà đòi hỏi từng người chúng ta ý chí xây dựng lấy cuộc sống tốt đẹp cho bản thân. Tinh thần này có lẽ là điều cần thiết cho các xã hội đang cố chuyển hóa từ chế độ cộng sản ra, để từ con đường nô lệ quay trở về tìm tới con đường tự do của thế giới văn minh trong thế kỷ tới./. Nguyễn An Phú