* Phạm Văn Đồng, Nhà Cai TrịLời giới thiệu: Nhân dịp lễ tang ông Phạm Văn Đồng, trợ bút của Đài Á Châu Tự Do là Hai Trang đã trình bày những ghi nhận về một ông Đồng-Nhà Cách Mạng. Là con nhà quan rất lớn, Phạm Văn Đồng đã từ bỏ mọi đặc quyền đặc lợi để dấn thân vào con đường cách mạng. Lãnh án 10 năm tù, bị đi đày ở Côn Đảo trong 6 năm rồi được ân xá, lại tiếp tục làm cách mạng nửa công khai nửa bí mật, không khác nào chơi trò đi trốn đi tìm trong mạng lưới công an của Pháp. Đến khi Pháp mở cuộc đại càn quét thì ông trốn sang Tàu, được sự đùm bọc của các đồng chí cộng sản Trung Quốc để xây dựng cơ sở, tập hợp cán bộ. Khi tình thế thuận lợi, lại trở về nước tham gia xây dựng căn cứ địa và góp phần đưa đảng lên nắm chính quyền. Hôm nay trợ bút của Đài là Hai Trang ghi nhận về một ông Đồng khác: Phạm văn Đồng, Nhà Cai trị....Cho tới đầu năm 1947, bước vào cuộc chiến tranh Việt-Pháp trên toàn quốc, ông Phạm Văn Đồng chỉ mới là một ủy viên dự khuyết trong Ban Chấp hành Trung ương. Phải đến mùa thu năm 1949, khi cuộc nội chiến quốc/cộng ở Trung Hoa đi vào hồi kết thúc và Hồng quân của Mao Trạch Đông tràn xuống tới sát biên giới Bắc Việt Nam, thì bước đường công danh của ông Phạm Văn Đồng mới bắt đầu thăng tiến thật sự. Lúc đó nước Pháp lo ngại rằng quân đội cộng sản Trung Quốc có thể thừa thắng tràn qua biên giới. Cho nên, để tránh trước một cuộc đụng độ với quân đội của Mao Trạch Đông, Pháp quyết định rút quân khỏi quân khu Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, ông Hồ Chí Minh được Liên Xô và Trung Quốc thông báo tình hình và chỉ đạo sách lược về quân sự và về chính trị. Ông Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ, chọn ông Phạm Văn Đồng làm Phó Thủ tướng. Trong tổ chức đảng, ông Đồng được thăng lên làm trung ương ủy viên chính thức. Cuối năm 1949, ngay sau khi làm chủ được toàn thể lục địa Trung Quốc, Mao Trạch Đông phái ngay sang Bắc Việt một đoàn cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh. Trưởng doàn cố vấn về chính trị và về tổ chức đảng là La Quý Ba, một trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trưởng đoàn cố vấn quân sự là Đại tướng Trần Canh, một danh tướng của Hồng quân. Nhờ việc đã có kinh nghiệm công tác chung với các đồng chí cộng sản Tàu trong thời gian công tác ở Tĩnh Tây, ông Phạm Văn Đồng là một phụ tá sát cạnh ông Hồ để làm việc với cố vấn La Quý Ba. Tại Đại hội đảng lần thứ hai, họp vào tháng Hai năm 1950, ông Đồng được tuyển vào Bộ Chính trị, ngồi ghế thứ sáu trong số tám ủy viên. Trong Ban Bí thư, ông Đồng ngồi ghế thứ ba, chỉ sau Trường Chinh và Lê Duẩn. Từ năm 1951 đến năm 1954, ông Hồ Chí Minh dùng ông Đồng làm phụ tá về hành chính nội bộ cũng như về ngoại giao. Chính vì vậy mà tại Hội nghị Genève năm 1954 về việc đình chiến tại Đông Dương, ông Phạm Văn Đồng đươc chỉ định làm Trưởng phái đoàn của chính phủ Hồ Chí Minh. Trong tổ chức đảng, ông còn được trao thêm chức vụ Trưởng ban Đối ngoại trung ương. Đến tháng Mười năm 1955, sau khi đảng cộng sản đã làm chủ phía bắc của vĩ tuyến 17, ông Phạm Văn Đồng chính thức được phong chức Thủ tướng và chỉ về hưu vào tháng Năm 1987.Một số các nhà quan sát quốc tế thường căn cứ vào các chức vụ của ông Phạm Văn Đồng để coi ông là một trong số năm lãnh tụ nắm quyền lèo lái cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam. Nhưng ở trong nước, các lãnh tụ của mọi phe phái trong đảng cũng như giới cán bộ trung cấp làm việc trong chính phủ ở Hà Nội không đánh giá cao ông Đồng. Người ta chỉ đồng ý với nhau ở một điểm là ông Đồng hết sức khôn khéo trong mọi cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái ở chóp đỉnh cũng như trong các cuộc tranh luận có tính cách chiến lược về việc thực hiện xã hội chủ nghĩa. Ông Đồng luôn luôn núp dưới cái dù che chở của ông Hồ. Từ cuộc phát động quần chúng tiến hành Cải Cách Ruộng Đất, rồi tiến hành Sửa Đổi Sai Lầm, cho đến các chiến dịch đánh tư sản để thực hiện cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc hồi 1960 và ở miền Nam từ 1976, ông Đồng đều thoát khỏi mọi cuộc phê bình. Và sau cùng cho tới tình trạng quan liêu bao cấp với những diễn biến càng ngày càng xấu trên lãnh vực thị trường, giá cả, tiền lương trả cho công nhân viên và đồng tiền liên tiếp mất giá trong cả thập niên 80, ông cũng tự coi như không có trách nhiệm. Cho đến ngày hôm nay, lời phân bua nổi tiếng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại ở Hà Nội. Ông phân bua rằng: "Nói thiệt, tôi có quyền chi đâu, tiếng là làm Thủ tướng mà bấy lâu tôi không đươc chọn một đồng chí nào làm bộ trưởng trong chính phủ! Ngay cả đến cán bộ công tác trong Văn phòng Thủ tướng cũng do tổ chức sắp xếp". Các giai thoại nói lên phong cách bó cẩn đến cực độ của ông Phạm Văn Đồng nhiều không kể xiết và đôi khi nặng tính cách hài hước theo kiểu khó tin nhưng có thiệt. Đối với những người vừa là thân hữu vừa là đồng chí mà có việc phải đến xin ông nói giúp cho một tiếng, ông đều trả lời rằng là rất thông cảm nhưng không thể can thiệp vì tình riêng. Có rất ít trường hợp ông nhận giúp, có công văn can thiệp hẳn hoi, nhưng trong các trường hợp đó, người ta nói rằng kẻ được ông giúp không lãnh chút ơn huệ nào mà thường còn mang vạ. Trong nội bộ, ông Phạm Văn Đồng được đánh giá là một thủ tướng dở, hoặc vô trách nhiệm, còn nại lý do vì không có quyền cho nên không thi thố được tài năng. Nhưng xét một cách công bằng thì trên lãnh vực ngoại giao, nhất là ngoại giao với Đảng và Chính phủ cộng sản Trung Quốc, ông Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến rất to lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh nhằm chiếm lĩnh miền Nam, ông Đồng đã nhiều lần sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và các lãnh tụ cao cấp nhất của Bắc Kinh. Vì rằng các lãnh tụ của Hà Nội mà đứng đầu là Lê Duẩn đã biết rõ rằng ông Đồng rất được Mao tín nhiệm cho nên ông được phép nhân danh đảng và chính phủ để bàn với Mao về chiến lược, về chiến thuật và về tất cả các lãnh vực mà Hà Nội rất cần được Bắc Kinh viện trợ. Có nhận định cho rằng đứng sau ông Hồ thì ông Phạm Văn Đồng và ông Hoàng Văn Hoan là hai nhân vật phục vụ đắc lực nhất cho tham vọng bành trướng của Mao Trạch Đông xuống phía Nam. Cho tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa tiết lộ những điều mà Mao đã căn dặn các lãnh tụ của Hà Nội qua ông Phạm Văn Đồng. Việc tìm hiểu những lời chỉ đạo này của Mao chắc chắn sẽ soi sáng không ít những bí ẩn của lịch sử. Nhưng đó là công việc của các nhà nghiên cứu.