Lời giới thiệu: Ngẫu nhiên của tháng Tám này, trong khi lãnh đạo Việt Nam tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày họ gọi là Cách mạng tháng Tám, thì Singapore cũng tổ chức kỷ niệâm 35 năm độc lập. Và trong khi lãnh đạo Việt Nam tự ngợi khen thành tích thì lãnh đạo Singapore lại báo động quốc dân là phải thay đổi tư duy để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao cái xứ giàu có nhất Đông Nam Á là Singapore lại bi quan như vậy, mà một xứ nghèo nhất khu vực đó là Việt Nam lại hồ hởi tự hào như vậy. "Ai cần đổi mới tư duy ở đây" là câu hỏi được tác giả Nguyễn An Phú nêu lên qua bài phân tách sau đây...Năm ngoái đây, trả lời tuần báo Asiaweek phỏng vấn, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu nhận định rằng lãnh đạo Singapore ngày nay mà lại cai trị như ông vào 30 năm trước thì tất sai lầm lớn. Theo ý kiến ông, thế hệ lãnh đạo thời nay phải đổi mới phương thức cai trị, vì thế giới và cả quốc gia tí hon của ông đã thay đổi quá nhiều. Trong dịp phỏng vấn này, ông cho biết rằng ông đã có những khuyến cáo về cải cách cho nhà cầm quyền Hà Nội, nhưng Hà Nội sợ sệt không muốn nghe thì thôi, ông chẳng cần nhắc lại làm chi. Lý Quang Diệu là người, 35 năm về trước, đã sáng lập quốc gia Singapore khi tách vùng đất này khỏi Liên bang Mã Lai Á, tức là Malaysia, thành quốc gia độc lập. Rồi trong có một phần ba thế kỷ, xứ này đã đạt tốc độ phát triển mà các nước tiên tiến Tây phương phải mất hai thế kỷ mới hoàn thành. Singapore hiện là quốc gia giàu có, công bằng và tiến bộ nhất Á châu. Với thành tích đó, nhân dịp kỷ niệm 35 năm tuyên bố độc lập, thủ tướng Ngô Tác Đống, người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu, lại có bài diễn văn cảnh báo quốc dân về nhu cầu đổi mới tư duy hầu theo kịp đà tiến hóa của thế giới. Người ta không thể không so sánh sự kiện này với việc Đảng và Nhà nước Việt Nam đang tự đề cao thành tích nhân ngày họ gọi là Cách mạng tháng Tám, một vụ cướp chính quyền dễ dãi, xảy ra 55 năm về trước, để đưa Việt Nam vào 30 năm chiến tranh và 25 năm lụn bại, tới nay vẫn chưa dứt.Nhà cầm quyền Hà Nội thường có thói quen tìm trong các xứ khác vài điều tiêu cực để gián tiếp đề cao cái gọi là ưu điểm lãnh đạo của họ. Nếu quả vậy thì, 24 giờ sau ngày 19 tháng Tám, họ đã có thể tìm thấy nơi bài diễn văn của Thủ tướng Ngô Tác Đống những điều mà người Singapore không hài lòng về hiện tại và lo ngại về tương lai của họ. Trong bài diễn văn mừng 35 năm độc lập, ông Ngô Tác Đống nói rằng sự đổi thay của thế giới đang tạo ra nhiều thách thức sinh tử cho Singapore. Một thách đố lớn nhất mà Thủ tướng họ Ngô, và cả Phó thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, đều nói tới, là làm sao bảo vệ sự thuần nhất xã hội của Singapore. Quốc gia này hiện có hơn ba triệu dân, với đà gia tăng dân số có 1,48% một năm, nên dân số suy giảm dần nếu không mở cửa đón nhận thêm di dân. Và sau 35 năm phát triển rất mạnh đại đa số dân chúng đều thành người có trình độ kiến thức và tay nghề cao, trong khi kinh tế vẫn cần tới giới lao động tay chân không chuyên môn. Singapore đã mở cửa đón nhận di dân, chủ yếu từ Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan, và một phần tư dân số của họ giờ này là người nước ngoài. Đây là một bài toán xã hội hay sắc tộc có thể bùng nổ về dài mà giới lãnh đạo không thể không quan tâm.Nổi tiếng Á châu là có tầm nhìn rất xa, lãnh đạo Singapore đã khéo léo xây dựng một cơ chế xã hội thuần nhất, một hệ thống kinh tế tự do và chánh sách vĩ mô lành mạnh, để biến quốc gia nhỏ bé này thành một cường quốc kinh tế trong vùng. Hiện nay, tính theo tỷ giá mãi lực, tức là sức mua tương đối của đồng bạc quốc gia, thì kinh tế xứ này sản xuất một năm chừng 100 tỷ đô la, và lợi tức đồng niên của một người dân là 26.300 đô la. Dự trữ ngoại tệ của họ hiện lên tới 76 tỷ đô la, và nếu so sánh với sức sản xuất và lợi tức của 77 triệu dân Việt, Singapore quả là một thế giới khác lạ, giàu mạnh gấp trăm.Theo đúng cách gọi là "thuyền cao sóng cả", lãnh đạo và dân cư của xứ sở nhỏ bé này ý thức được rằng họ không chỉ phải cạnh tranh với lân bang Đông Nam Á mà cạnh tranh với toàn thế giới. Thủ tướng Ngô Tác Đống thì nói rằng Singapore phải tự cải tạo, tự tìm cho mình một bản sắc khác thì mới có thể tồn tại trong thế giới ngày hôm nay. Nhân dịp này, ông công bố luôn một kế hoạch tài trợ lớn lao, gồm năm tỷ để bảo đảm là mọi người dân đều phải được đi học miễn phí suốt đời. Tương lai thì mỗi người dân phải có trình độ tay nghề của một kỹ sư trong một thế giới mà kiến thức mới là tài sản và sức mạnh. Ông cũng đề nghị ngân khoản 260 triệu mỗi năm để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ mau có con hầu dân số khỏi sút giảm. Ông đưa thêm ngân sách 700 triệu để bảo đảm chi phí y tế và bồi dưỡng cho bậc già cả và lập quỹ Liên đới hai tỷ đô la để tạo chất keo sơn gắn bó mọi người dân với nhau.Đó là về mặt xã hội, về mặt kinh tế, lãnh đạo Singapore bình tĩnh nói tới sự thể là Singapore không thể đóng cửa với thế giới bên ngoài, mà phải chấp nhận thách đố, mở ra đón nhận lao động lẫn cạnh tranh nước ngoài, và phải thủ thắng trong thế giới mở ngỏ đó. Dùng ngôn ngữ thể thao, Thủ tướng Ngô Tác Đống nói rằng doanh nghiệp Singapore là thủ môn giỏi, có khả năng giữ gôn tốt, nhưng chẳng thể làm bàn nếu không bung ra ngoài và trở nên mũi xung kích trên trường quốc tế. Ông lấy thí dụ cụ thể ngay tại doanh trường, khi tổ hợp Singapore Telecom cạnh tranh với Pacific Century CyberWorks của cha con tỷ phú họ Lý ở Hong Kong, để mua lại tập đoàn Hongkong Telecom. Ông cho rằng tổ hợp SingTel là thủ môn giỏi ở nhà, nhưng chả thể làm bàn trên thị trường Hong Kong, và kết cuộc thì CyberWorks đã thắng.Từ thí dụ đó, Thủ tướng Ngô Tác Đống cảnh báo quốc dân, rằng chẳng phải vì mình đã thành công trong 35 năm qua mà chủ quan tin chắc là sẽ thắng trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh là phải suy nghĩ và hành động như những tay cách mạng, phải sáng tạo chứ không bắt chước, phải chủ động đề ra luật chơi mới, chứ không chỉ nhắm mắt bước vào sân chơi do các xứ khác vạch ra điều lệ quy củ. Ông thiết thực nói tới việc phải hỗ trợ để nâng cao hiệu năng của các doanh nghiệp chế biến trong nền sản xuất cổ điển, nhưng cũng phải tạo ra một khu vực kinh tế mới. Ông kết luận là người dân, công nhân viên và doanh gia phải dám lấy rủi ro và biết quản trị sáng tạo, thay vì chỉ nghĩ các làm ăn mà khỏi bị lầm lẫn... Và muốn vậy, Singapore cũng phải mở cửa tiếp nhận cả di dân lẫn doanh nghiệp nước ngoài, biến họ thành tài sản của Singapore và làm giàu cho xứ này, thay vì e ngại kỳ thị và ngăn chặn họ...Hơn 30 năm trước, Singapore là một phần của Liên bang Malaysia vừa thu hồi độc lập từ Đế quốc Anh, có trình độ phát triển tương tự như các lân bang trong vùng, và cũng bị quyến rũ bởi con đường cách mạng Cộng sản. Xuất thân từ khuynh hướng chính trị tả phái, ông Lý Quang Diệu lại sáng suốt tìm con đường khác. Ông tách rời khỏi Malaysia thành xứ độc lập, và do tư tưởng xã hội chủ nghĩa không cộng sản, ông coi công bằng xã hội là một yêu cầu của phát triển; với hành trang của một trí thức được đào tạo từ Tây phương, ông coi kinh tế thì trường là điều kiện của phát triển. Kinh tế thị trường và công bằng xã hội vì vậy là hai mặt của một thành tích phát triển xứ này.Một thế hệ sau, xứ ông đã có nền kinh tế giàu mạnh nhất và một xã hội công bằng nhất khu vực Đông Nam Á, nếu không nói là toàn cầu. Nhiều nhà lãnh đạo Hoa lục từng đánh giá rằng Lý Quang Diệu có khả năng lãnh đạo một xứ 200 triệu dân và biến xứ này thành cường quốc. Nhiều người Việt thì tin rằng ông Lý này mà có được một đảo Phú Quốc thôi, thì cũng lại tạo ra một phép lạ kinh tế, khác hẳn những gì người ta đang thấy tại Việt Nam ngày nay. Người ta nói rằng ông Lý xuất thân từ thành phần Hoa Kiều từng sinh sống tại Việt Nam, và hình như là bà chị ông vẫn còn ở tại trong Nam. Vì vậy mà ông có cảm tình với dân Việt và bao lần khuyến nghị Hà Nội đổi lại tư duy. Nhưng, hình như nhà cầm quyền đó lại chẳng hiểu được những điều ông nói, nên giờ đây, khi thế hệ nối tiếp Lý Quang Diệu nói tới nhu cầu cách mạng ở Singapore, có lẽ, một lần nữa, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ lại lầm lẫn nghĩ tới Cách mạng tháng Tám vàng vọt của họ./.